Đầu tư tiền tỉ cho công cụ đi tuần: Bảo vệ dân phố có quyền hạn gì?

Báo Lao Động đăng bài về một tổ bảo vệ dân phố được đầu tư môtô phân khối lớn, xe ôtô chuyên dụng, áo giáp, công cụ hỗ trợ,... Nhiều người thắc mắc được trang bị chuyên nghiệp như vậy, nhưng bảo vệ dân phố có quyền hạn và trách nhiệm gì?

Hiếm có lực lượng bảo vệ dân phố nào được trang bị áo giáp.

Ban bảo vệ dân phố thuộc phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) tự vay tiền đầu tư xe môtô phân khối lớn, xe ôtô chuyên dụng, áo giáp, công cụ hỗ trợ,... để tuần tra.

Lý giải cho việc đầu tư được xem là "chơi lớn" nhất nước này, ông Lương Chí Thành - Trưởng Ban Bảo vệ dân phố cho rằng để bảo vệ an toàn cho anh em.

"Xét tình hình hiện nay, bảo vệ dân phố là một trong những lực lượng đầu tiên đối đầu với tội phạm.

Khi đối đầu với tội phạm mà không được trang bị phương tiện, công cụ chuyên nghiệp thì làm sao đảm bảo an toàn cho anh em và khống chế được tội phạm." - ông Thành nói.

 

 Anh em bảo vệ dân phố ăn nghỉ tại chỗ để ứng trực 24/24

Ban bảo vệ do ông Thành chỉ huy có tất cả 15 thành viên, ứng trực 24/24. Mỗi khi công an phường đi tuần đều xuống đưa lực lượng bảo vệ này đi cùng. Các thành viên trong Ban bảo vệ dân phố đều được bố trí ăn nghỉ ngay tại khu phố để thuận tiện cho việc tác chiến.

Về thu nhập, cao nhất là trưởng ban bảo vệ được 2,4 triệu đồng/tháng, các thành viên còn lại được 2,2 triệu do ngân sách cấp. Ngoài ra, mỗi tháng còn được Mặt trận tổ quốc phường hỗ trợ 1 bao gạo và UBND phường hỗ trợ thêm 5 triệu tiền xăng.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ban bảo vệ phường Phạm Ngũ Lão đã truy bắt được hơn 200 vụ cướp giật, chữa cháy thành công 6 vụ và hàng trăm vụ gây rối an ninh trật tự trên địa bàn phường.

 Bữa tối trước khi đi tuần.

Bảo vệ dân phố được quyền làm những gì?

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, căn cứ Thông tư 17/2018/TT-BCA  của Bộ Công an, thì lực lượng bảo vệ dân phố phường Nguyễn Thái Bình trang bị công cụ và phương tiện như vậy là không trái quy định.

Theo luật sư Hậu, Thông tư trên có hiệu lực từ ngày 1.7.2018, quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ cho những trường hợp được xem xét trang bị, trong đó có Ban bảo vệ dân phố.

"Ban bảo vệ dân phố được xem xét trang bị loại công cụ hỗ trợ thuộc các loại như: dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, áo giáp, găng tay bắt dao. Mặt khác, ban bảo vệ dân phố tự trang bị thêm phương tiện tuần tra, công cụ hỗ trợ khác mà không dùng ngân sách thì không vi phạm quy định." - luật sư Hậu nói.

 Là tổ bảo vệ dân phố duy nhất cả nước được trang bị phương tiện môtô 

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, lãnh đạo công an quận 1 cho biết, về quyền hạn thì Bảo vệ dân phố được quyền bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang đến trụ sở Công an theo quy định.

Ngoài ra, Bảo vệ dân phố còn có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban nhân dân phường, Công an phường xử lý những người có hành vi vi phạm về trật tự công cộng, xây dựng, an toàn giao thông, an toàn cháy nổ, an toàn xã hội,...

"Nhiệm vụ chính của Bảo vệ dân phố là tham gia với lực lượng Công an để truy bắt người phạm tội. Đồng thời, kiểm tra tạm trú tạm vắng, kiểm tra giấy tờ tuỳ thân của những người có nghi vấn trên địa bàn khu phố được phân công phụ trách."- lãnh đạo Công an quận 1 nói.

Bảo vệ dân phố có những quyền hạn nhất định theo quy định Nghị định 38/2006/NĐ-CP 
Bắt nóng tên cướp không biết chạy xe tay ga
Bảo vệ dân phố ở TP.HCM được tuyển chọn như thế nào?
Bảo vệ dân phố vung dao lam sát hại bé 6 tuổi giữa phố

/ laodong.vn