Chúng ta thấy đâu chỉ có một mình nỗi buồn môn Sử. Năm nay, điểm môn tiếng Anh cũng rất thấp, điểm môn Ngữ văn cũng có nhiều chuyện đáng bàn.
Những năm gần đây, mỗi kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia đi qua, chúng ta lại thấy có một số môn thi có điểm trung bình rất thấp. Nhưng, có lẽ như đã là mặc định nên môn Sử vẫn là môn được nhiều người nói nhất.
Năm nào điểm thi môn Sử cũng thấp, năm nào cũng đứng ở cuối bảng xếp hạng về điểm trung bình. Nhưng, chúng ta thấy đâu chỉ có một mình nỗi buồn môn Sử.
Năm nay, điểm môn tiếng Anh cũng rất thấp, điểm môn Ngữ văn cũng có nhiều chuyện đáng bàn bởi có hàng ngàn điểm liệt. Vì sao những môn học quan trọng như vậy mà điểm thi vẫn thấp, vẫn là nỗi lo lắng cho nhiều người?
|
|
Môn Lịch sử thường xuyên có điểm trung bình thấp nhất (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Chúng ta đều biết, mỗi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông đều có một vai trò, vị thế riêng, giúp cho mỗi con người có những kiến thức cơ bản để trưởng thành.
Môn Sử, giúp cho chúng ta hiểu được chiều dài của đất nước, hiểu được quá trình dựng nước và giữ nước của cha ông mình qua 4000 năm lịch sử của dân tộc.
Từ những trang sử đó, hình thành cho mỗi con người chúng ta một niềm tự hào và tình yêu tổ quốc. Nhưng, nhiều học sinh bây giờ lại thờ ơ, hững hờ với môn Sử!
Môn Ngữ văn giúp cho mỗi con người hiểu hơn về ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, giúp cho chúng ta bết yêu, biết ghét, biết trân trọng lẽ phải, sự công bằng và tránh xa cái ác, cái xấu.
Mỗi áng văn chương như một mạch nước ngầm len lõi vào mỗi tâm hồn con người để chúng ta sống có ích hơn, sống đẹp hơn với đời.
Hàng ngày, mỗi lời ăn, tiếng nói đều cần thiết phải biết cách ứng xử cho phù hợp, mỗi cuộc chuyện trò đều cần một thái độ chuẩn mực để ứng xử với nhau. Khi cần thiết, chúng ta cũng cần có những lý lẽ để tranh luận nhằm tìm ra lẽ phải, tìm ra cái đúng của mỗi vấn đề.
Vậy mà, nhiều học sinh bây giờ lại không yêu thích môn Văn. Vào lớp học thì mỗi khi đến giờ Văn cứ xem như là một cực hình.
Môn tiếng Anh được xem như là chìa khóa để mở ra cánh cửa hội nhập với bên ngoài ở thời đại 4.0 này.Địa phương nào cũng có hàng loạt các trung tâm ngoại ngữ, phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho con học, không quản thời gian chở con đi học vào các buổi tối, vào các ngày nghỉ- dù nhà ở xa trung tâm.
Rồi học chính khóa, học thêm ở trường từ những tháng năm chập chững đến trường. Nhưng, điểm tiếng Anh vẫn lẹt đẹt ở bất kỳ kỳ thi nào. Học sinh sợ tiếng Anh, sinh viên sợ tiếng Anh và rất nhiều người sợ tiếng Anh nếu phải đối mặt với các kỳ thi tuyển.
Tiếng Anh trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và với cả người trưởng thành.
Nhìn vào bảng phổ điểm thi năm nay, có nhiều điều khiến chúng ta trăn trở. Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì phần lớn nội dung đề thi nằm ở ngưỡng kiến thức trung bình.
Kiến thức đề thi chủ yếu nằm ở nội dung sách giáo khoa lớp 12. Nhưng, điểm thi thì có những môn quá thấp, có những môn quá nhiều điểm liệt. Điều gì đang xảy ra trong giảng dạy ở các trường phổ thông?
Điểm một số môn thi đang đặt ra nhiều câu hỏi
Điểm trung bình môn Sử năm nay là 4,30 điểm, tỉ lệ dưới trung bình là 70,01%- đây là môn thi có điểm thấp nhất và tỉ lệ dưới trung bình nhiều nhất trong 9 môn thi. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất ở môn Lịch sử là 3,75 điểm.
Đối với môn tiếng Anh cũng không khả quan hơn bao nhiêu, môn học này có điểm trung bình đứng thứ 8/9 môn thi. Điểm trung bình môn tiếng Anh năm nay là 4,36 điểm, tỉ lệ dưới trung bình 68,74%. Điểm mà thí sinh được nhiều nhất là 3,20 điểm.
Điểm thi môn Ngữ văn có khả quan hơn môn Sử và tiếng Anh rất nhiều nhưng môn học này lại vô địch về…điểm liệt. Môn Ngữ văn có tới 1.265 điểm liệt, chiếm khoảng 40% điểm liệt của tất cả các môn thi.
Chính vì thế, dù điểm trung bình môn Văn đứng thứ 5/9 môn thi nhưng với chừng ấy điểm liệt là điều mà dư luận còn rất nhiều băn khoăn cho môn học này.
Nếu không thay đổi cách dạy, cách học…
Phải nhìn nhận một thực tế là học sinh hiện nay đang học rất lệch. Học sinh lên đến lớp 10 đã được nhà trường định hướng vào các khối lớp khác nhau. Phụ huynh cũng căn cứ vào khả năng, học lực của con mình để định hướng cho con theo khối thi.
Chính cách chia lớp (không công khai) của nhà trường và định hướng nghề nghiệp của phụ huynh đã vô hình trung tạo cho học sinh một thói quen trong học tập.
Em nào theo khối nào là lịch học thêm chỉ tập trung vào khối thi ấy. Nhà trường ôn tập trái buổi theo từng khối nên thời gian cuốn các em học sinh vào các lớp ôn tập và xao nhãng những môn học khác.
Lên đến lớp 12 thì chỉ tập trung cho các môn thi để xét tuyển đại học, những môn học mà không phải khối thi để xét tuyển đại học thì dù học sinh không chú trọng vẫn được thầy cô tổng kết cho qua.
Vì thế, khi thi thì có nhiều em hổng về kiến thức môn thi và dẫn đến tình trạng điểm thi thấp, thậm chí điểm liệt ở những môn mà mình đã không chú trọng. Trong khi, môn Ngữ văn và môn tiếng Anh là 2/3 môn thi bắt buộc của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Chính cách suy nghĩ có phần thực dụng của cả nhà trường, phụ huynh và học sinh đã dẫn đến tình trạng một số môn có điểm thi thấp dưới ngưỡng trung bình.
Cũng chính vì thói quen học lệch, học cốt yếu để có điểm cao để vào đại học nên khi các em vào đại học, khi đi làm luôn hổng rất nhiều những kiến thức cơ bản, thiếu rất nhiều những kỹ năng cần thiết- đó là điều mà chúng ta đang thấy.