Hơn lúc nào hết, ngành Dầu khí cần được sự đồng hành, chia sẻ, vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan, trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động khó lường, để tiếp tục phát huy vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Nhà nước. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến xoay quanh vấn đề này
Ông Hồ Tế - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam: Kiến tạo cho sự phát triển
Dầu khí là ngành quan trọng đối với chính trị, kinh tế (đặc biệt là kinh tế biển) và an ninh, quốc phòng của đất nước; một ngành kinh tế tổng hợp có quan hệ từ Trung ương đến địa phương, hợp tác quốc tế rộng rãi, vừa có tính chất công nghiệp, tài chính - thương mại, sản xuất với khoa học công nghệ cao lại vừa mang tính dịch vụ.
Những năm qua, song hành với các nghĩa vụ đối với Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cũng được giao quyền chủ động quyết định đối với nhiều công trình, dự án trọng điểm về dầu khí sau khi được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt; quyết định các dự án đầu tư, hợp đồng vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị đến dưới 30% vốn điều lệ của Petrovietnam theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn kinh phí được Nhà nước phê duyệt chủ trương đầu tư trở lại cho Petrovietnam đã có thời kỳ lên đến 50% tổng tiền lãi dầu khí nước chủ nhà (thu được từ hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro và tiền phí đọc tài liệu dầu khí) mỗi năm.
Trên thực tế, do khó khăn, ngân sách phải điều tiết, cân đối chung, khoản kinh phí này chưa bao giờ được cấp đủ và kịp thời cho Petrovietnam, thậm chí mấy năm gần đây chỉ còn chưa tới phân nửa. Tuy vậy, cũng chính nhờ có sự “đầu tư cho tương lai” ấy, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ và đồng bộ trong 10 năm qua, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước, đồng thời cũng nâng cao vị thế của Petrovietnam trên thị trường quốc tế.
Đóng góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến hết năm 2018: - Tổng doanh thu toàn Tập đoàn: trên 375 tỉ USD - Nộp Ngân sách Nhà nước: trên 105 tỷ USD |
Tôi cho rằng, mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với Petrovietnam cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng, bởi nó mang tính kiến tạo cho sự phát triển của Petrovietnam và để Petrovietnam có thể ứng phó kịp thời với những biến động đặc thù của hoạt động dầu khí, đồng thời cũng có những tác động rất to lớn với nền kinh tế. Các bộ, ngành cần xem xét toàn diện các khía cạnh pháp lý, kinh tế, ngoại giao trước khi trình Chính phủ quyết định thay đổi hay điều chỉnh các vấn đề về tổ chức, hoạt động cũng như các cơ chế tài chính, đầu tư đối với Petrovietnam.
Con đường phát triển phía trước của Petrovietnam sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng không nên quá bi quan, thử thách của lĩnh vực dầu khí chính là luôn đầy chông gai và rủi ro cao.
Tuy vậy, ngành Dầu khí vốn đã trải qua nhiều giai đoạn gian khó và chưa từng lùi bước, vẫn luôn hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao. Đó cũng chính là bản lĩnh, là niềm tự hào truyền thống của Petrovietnam.
Giàn CNTT số 2 mỏ Bạch Hổ |
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, sự chia sẻ, đồng hành, vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan, tôi tin rằng, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, Petrovietnam hoàn toàn có cơ sở để vượt qua mọi khó khăn, thách thức.
Ông Trần Ngọc Cảnh - nguyên Tổng giám đốc Petrovietnam: Cần tư duy tích cực
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23-7-2015 về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 với trọng tâm là: Tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi được quan tâm chú trọng đầu tư nhằm phát hiện và xác minh nguồn trữ lượng dầu khí, bảo đảm giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển ổn định, bền vững ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Nghị quyết 41 đã mở ra một vận hội mới cho sự phát triển của Petrovietnam và là động lực lớn lao đối với niềm tin và khát vọng của những người làm công tác dầu khí.
Nghị quyết 41 và Chiến lược phát triển ngành Dầu khí được Chính phủ phê duyệt đều chỉ rõ mục tiêu phải xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phát triển bền vững, đồng bộ, mạnh về nhân lực, tài chính và khoa học - công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động hội nhập quốc tế, là trụ cột, đầu tàu dẫn dắt các lĩnh vực kinh tế khác phát triển và có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, Petrovietnam phải phát triển theo nguyên tắc kinh tế thị trường với hiệu quả kinh tế cao, có trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ; phát huy tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; mở rộng, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Tôi cho rằng, tư duy tích cực là phải tin tưởng và bám sát những định hướng phát triển Petrovietnam mà Bộ Chính trị đã xác định. Petrovietnam là một doanh nghiệp tầm cỡ quốc gia, có quan hệ hợp tác quốc tế rộng rãi, cần có các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, quản trị doanh nghiệp, phù hợp với thông lệ quốc tế, với xu hướng hội nhập hiện nay để thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển, chứ không nên xử lý theo kiểu “không quản được thì cấm” hay “siết chặt” một cách cứng nhắc.
Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục triệu, trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. |
Đối với các dự án còn dang dở, biện pháp tích cực là khắc phục kịp thời, không né tránh, mạnh dạn chuẩn bị và báo cáo với Đảng, Chính phủ và Quốc hội về các giải pháp kinh tế - kỹ thuật, tài chính - thương mại, tổ chức - nhân sự... nhằm kịp thời xử lý giải tỏa các bế tắc và sớm đưa các công trình, dự án này vào sản xuất.
Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội cần cho Petrovietnam cơ hội để báo cáo toàn diện và đầy đủ các giải pháp, kể cả về tài chính… sao cho trên dưới đồng lòng, xử lý dứt điểm các vướng mắc để sớm hoàn thành các dự án, bởi vì đối với các dự án loại này, mỗi ngày trôi qua là một ngày giảm hiệu quả đầu tư và lãng phí lớn.
Việc phòng ngừa bằng cách hạn chế đầu tư cho Petrovietnam sẽ là một bước lùi về quản lý, không chỉ ảnh hưởng đến khâu tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác như công nghiệp khí, điện khí, lọc hóa dầu khí, sản xuất phân đạm, dịch vụ dầu khí... và hệ quả là sẽ làm giảm đóng góp của Petrovietnam vào ngân sách Nhà nước.
Để bảo đảm nguồn thu lâu dài cho ngân sách Nhà nước và sự phát triển bền vững cho Petrovietnam, trong giai đoạn khi các quyết sách của Chính phủ đối với công tác tái cơ cấu, thoái vốn, cổ phần hóa... các doanh nghiệp trong Petrovietnam chưa mang lại hiệu quả mong muốn, thì bên cạnh các biện pháp tăng cường công tác thẩm định, xem xét phê duyệt và thắt chặt kiểm tra giám sát đối với các hoạt động đầu tư của Petrovietnam..., Nhà nước vẫn cần để lại một tỷ lệ thích đáng từ nguồn thu của Petrovietnam để tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí như đẩy mạnh công tác tìm kiếm - thăm dò - gia tăng trữ lượng dầu khí, khai thác, công nghiệp khí, lọc hóa dầu khí... Đây về thực chất là các biện pháp căn cơ để nuôi nguồn thu lâu dài cho quốc gia.
Với quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Chính phủ đã đề ra nhiều định hướng và giải pháp quan trọng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tạo mọi thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh... Tôi tin rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân đã và sẽ tiếp tục tin tưởng, tạo điều kiện để Petrovietnam ngày càng phát triển, tiếp tục giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân.
TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Tạo nguồn lực cho Petrovietnam phát triển bền vững
Đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết chuỗi giá trị, trong đó lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là khâu đầu và cốt lõi. Sự phát triển ổn định của các khâu như dịch vụ, điện, lọc hóa dầu… cũng như hiệu quả của chuỗi giá trị dầu khí phụ thuộc lớn vào sự tăng trưởng bền vững của khâu thăm dò, khai thác. Kết quả thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu, khí đạt thấp sẽ làm giảm hiệu quả chuỗi giá trị dầu khí cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của ngành Dầu khí.
Nói về nguyên nhân, theo tôi, đây là hệ quả của việc chúng ta chưa quan tâm thích đáng đến việc tìm kiếm, thăm dò nên gia tăng trữ lượng đạt kết quả kém.
Thứ nữa, hoạt động dầu khí hiện tập trung ở vùng biển nông dưới 100m. Để gia tăng trữ lượng và duy trì sản lượng dầu khí lâu dài cần phải tiến ra vùng biển xa bờ, nước sâu đến trên 1.000m nhưng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Hơn nữa, đây là vùng nhiều rủi ro về an ninh, chính trị và chính những rủi ro này đôi khi làm nản lòng các nhà đầu tư. Trong khi đó, chúng ta lại chưa có sự đầu tư tương xứng cho lĩnh vực này dẫn tới kết quả tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng thấp.
Đây là một vấn đề mà Chính phủ, ngành Dầu khí cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là lợi ích và chi phí, với tầm nhìn xa và bền vững, để có những quyết sách đúng và trúng hơn. Ngoài ra, khâu phân tích, đánh giá, dự báo tiền khả thi là rất quan trọng, để chúng ta có thể giảm thiểu rủi ro, tổn thất.
Trong thời gian tới, theo tôi, trước hết, các bộ, ngành liên quan phải “xắn tay” cùng Petrovietnam để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách mà ngành Dầu khí đang gặp phải. Và điều quan trọng, Chính phủ cần xem xét cho phép dùng phần thặng dư từ cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc Petrovietnam để bù đắp vào quỹ đầu tư phát triển, hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án đang triển khai dở dang có khả năng đem lại hiệu quả sau khi hoàn thành, trong đó có lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò; có chính sách và cơ chế tạo điều kiện để các doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật Việt Nam được tham gia trực tiếp vào các dự án dầu khí, hạn chế hiện tượng “chảy máu ngoại tệ”…
Xác suất thành công của công tác tìm kiếm, thăm dò phụ thuộc vào mức độ phức tạp về địa chất và tiềm năng dầu khí của một bể trầm tích, một quốc gia. Nhiều công ty nước ngoài mất hàng chục triệu, trăm triệu USD, nhưng phải chấp nhận thất bại. Chi phí tìm kiếm, thăm dò không thành công cũng cần phải được xem là chi phí rủi ro. Dĩ nhiên, mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp dầu khí cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể để đưa ra một mức độ rủi ro phù hợp.
Với Petrovietnam, hoạt động khai thác dầu, khí cần điều chỉnh theo hướng giảm hoặc dừng khai thác tại các mỏ dầu khi có giá thành sản xuất cao hơn mức chi phí khai thác dự kiến; tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động; đồng thời rà soát kế hoạch phân bổ vốn đầu tư đối với các dự án dầu khí cho phù hợp hơn.
Tôi cũng xin nhấn mạnh thêm rằng, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí, nhưng chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vùng hoạt động, trữ lượng và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu như hiện nay không được như ngày trước. Do đó, về mặt chiến lược, song song với việc tiếp tục củng cố lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò thì cần phải phát triển các khâu khác để bảo đảm tính bền vững của ngành Dầu khí, đặc biệt là lĩnh vực chế biến sâu như phát triển hóa dầu, phát triển hạ tầng sản xuất kinh doanh khí. Đây là những lĩnh vực trong tương lai sẽ giữ vai trò bù đắp vào sự suy giảm của lĩnh vực cốt lõi. Đồng thời, Petrovietnam nên chú trọng, tiên phong đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, Petrovietnam cần áp dụng các nguyên tắc, thông lệ quản trị doanh nghiệp hiện đại (theo chuẩn mực OECD, phù hợp bối cảnh Việt Nam), trong đó, quan tâm, đầu tư vào yếu tố con người và công nghệ mang tính quyết định và bền vững.
Mọi chính sách về nguồn lực tài chính, về kiểm soát đối với Petrovietnam cần phải được phản biện, trao đổi và cân nhắc hết sức thận trọng, bởi nó mang tính kiến tạo cho sự phát triển của Petrovietnam và để Petrovietnam có thể ứng phó kịp thời với những biến động đặc thù của hoạt động dầu khí, đồng thời cũng có những tác động rất to lớn với nền kinh tế. |
Khách quan đánh giá, chia sẻ những khó khăn của ngành Dầu khí
Trong bối cảnh thị trường dầu khí thế giới có nhiều biến động thì những khó khăn, thách thức mà ngành Dầu khí đã và ... |
Ông Trần Văn - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: Ngành Dầu khí rất cần cơ chế đặc thù riêng
Ngành Dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù riêng, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực ... |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Zarubezhneft
Trong khuôn khổ chuyến thăm Liên bang Nga, ngày 23/5/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc tại Công ... |
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp phần quan trọng cân đối ngân sách Trung ương
Trong các năm 2017, 2018 và những tháng đầu năm 2019, thu ngân sách Nhà nước đã không ngừng tăng lên, trong đó có những ... |