Dầu giảm giá vẫn đắt hơn xăng: Nên trợ giá?

Chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cho rằng dầu diesel là nhiên liệu không thể thiếu trong sản xuất, vận tải nên cần có chính sách hỗ trợ nếu giá tiếp tục neo cao.

Từ 15h ngày 12/9, giá xăng RON95 giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít; xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít; dầu diesel giảm 1.008 đồng/lít, bán ra mức 24.180 đồng/lít. Dù đã hạ nhiệt, nhưng với mức giảm này, giá dầu diesel vẫn tiếp tục cao hơn giá xăng.

Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp vận tải, giá dầu cao khiến việc kinh doanh của họ vốn đã khó khăn nay càng chật vật hơn.

Áp lực ghê gớm

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, ông Đỗ Văn Bằng, cho biết giá dầu diesel hiện vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán, nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận chuyển. Nhưng việc giá nhiên liệu này liên tục biến động mạnh như thời gian vừa qua khiến các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn trong xây dựng chiến lược kinh doanh.

Dầu giảm giá vẫn đắt hơn xăng: Nên trợ giá? - 1

Nhiều doanh nghiệp lo ngại giá dầu tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh họa)

Không những thế, việc giá dầu neo cao kéo theo chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất, đội giá sản phẩm lên cao, sức mua bị giảm sút, gián tiếp ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hàng hóa của doanh nghiệp. Nhiều đơn vị vốn đã khó khăn vì giá xăng dầu nay lại “đói hàng” nên càng lao đao.

“Trong bối cảnh vận tải đường bộ khó khăn vì giá dầu tăng, chúng tôi chịu áp lực ghê gớm. Hầu hết các nhà xe vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động và hy vọng giá dầu giảm trong các kỳ điều hành tới”, ông Bằng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, giá dầu tăng cao tác động trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giao thông vận tải. Doanh nghiệp của ông chủ yếu chở hàng hóa nông sản từ Nam ra Bắc và ngược lại bằng container hoặc xe tải. Nhu cầu sử dụng dầu diesel rất lớn. Tình hình kinh doanh gần đây ngày càng khó khăn, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp sẽ phải đau đầu để cân đối giữa doanh thu và lợi nhuận.

“Đội xe vận tải hàng hóa trọng tải lớn của chúng tôi đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Theo tính toán, mỗi xe tiêu hao 40 – 45 lít dầu cho 100km đường. Do vậy, giá dầu tăng sẽ khiến giá vận chuyển tăng, kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa”, ông Quýnh chia sẻ.

Ông Tô Quang Học, nhà xe chuyên tuyến Hà Nội – Thái Bình, cho biết giá cước vận tải bao gồm nhiều chi phí đầu vào, ngoài xăng dầu tác động trực tiếp còn có các yếu tố cung cầu, cân đối hàng hóa chiều đi, chiều về. Trường hợp xe đầy tải, cả hai chiều đều có hàng thì giá cước sẽ rẻ hơn chỉ chở hàng một chiều.

“Dầu tăng trong ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp thì chúng tôi vẫn cố gắng duy trì hoạt động chờ diễn biến mới. Nhưng hy vọng từ giờ đến cuối năm, giá dầu ổn định, doanh nghiệp dễ thở hơn chút”, ông Học nói.

Vẫn theo ông Học, giá dầu diesel giảm hơn 1.000 đồng mỗi lít trong kỳ điều chỉnh này khiến doanh nghiệp đã dễ thở hơn chút. Nhưng không hẳn đã hết lo bởi giá dầu thế giới vẫn biến động thất thường, trong khi doanh nghiệp vận tải không phải thích là được điều chỉnh giá cước.

Nên trợ giá dầu

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), dầu diesel là nhiên liệu phổ biến cho hoạt động vận tải, đánh bắt thủy hải sản, sản xuất chế tạo…Khi giá dầu tăng quá cao sẽ tiếp tục đẩy giá cả hàng hóa đi lên và áp lực lạm phát ngày càng lớn. Đây sẽ là cú sốc kép đối với người tiêu dùng bởi giá dầu diesel được chuyển sang tay người tiêu dùng thông qua giá bán hàng hóa. Vì vậy, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, những đơn vị sử dụng nhiều dầu.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng nên hỗ trợ theo ngành, theo mức tiêu thụ cho các doanh nghiệp dùng nhiều dầu, như vậy mới thúc đẩy hồi phục sản xuất, kinh doanh.

Chuyên gia Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính cũng nhìn nhận giá dầu tăng kỷ lục, đắt hơn cả xăng đang tác động rất lớn đến hoạt động vận tải, sản xuất, chế tạo, đánh bắt hải sản...Để có thể ổn định sản xuất kinh doanh và hạn chế tác động của giá dầu diesel, Nhà nước có thể tính đến giải pháp hỗ trợ giá dầu.

“Dầu là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất, chế tạo... và dịch vụ vận tải nên khi giá dầu tăng cao sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường. Trường hợp giá dầu tiếp tục tăng mạnh, kéo dài các giải pháp giảm thêm thuế phí chưa thể thực hiện ngay được, Nhà nước có thể hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp để duy trì cuộc sống và hồi phục kinh tế”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quýnh cho rằng khi giá dầu lên cao, không chỉ doanh nghiệp vận tải hàng hóa như Bắc Nam gặp khó khăn mà người nông dân, chủ hàng, đến người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng. Do đó, ông Quýnh cho rằng nên có chính sách trợ giá nếu giá dầu vẫn tăng cao và kéo dài.

“Nhà nước cần trợ giá, bù giá cho dầu, từ đó tạo nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển. Việc trợ giá dầu không chỉ giúp doanh nghiệp mà còn lan tỏa đến toàn thể người dân”, ông Quýnh nói.

Thuế, phí vẫn chiếm 35% giá thành mỗi lít xăng

Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, nếu cộng thêm các loại chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỉ trọng thuế, các chi phí đang chiếm khoảng 35% giá thành mỗi lít xăng.

Ông Tuấn Anh dự báo giá dầu thế giới thời gian tới sẽ duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Điều này cũng tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam. Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100 - 125 USD/thùng thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40 - 75%.

Do đó, để kiểm soát lạm phát và đưa nền kinh tế tăng trưởng vẫn cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.

https://vtc.vn/dau-giam-gia-van-dat-hon-xang-nen-tro-gia-ar700336.html

HÒA BÌNH / Theo VTC News