Ngày 30.3 là hạn cuối mà Bộ GTVT, Bộ Tài chính phải có báo cáo Chính phủ về vấn đề bất cập trong việc thu giá (phí) ra vào sân bay với các phương tiện đưa đón khách.
Chưa ngã ngũ việc thu hay dừng thu giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không. Ảnh: H.NGUYỄN
Trước đó, kết luận Thanh tra chỉ ra con số 551 tỉ đồng thu sai quy định trong vòng 3 năm thì trung bình mỗi ngày, 21 cảng hàng không trên cả nước thu hơn 500 triệu đồng phí ôtô vào đường dẫn.
Quy định thu giá: Rất phức tạp và có yếu tố lịch sử
Bị chi phối bởi 4 luật, câu chuyện quanh vấn đề thu hay dừng thu giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không vẫn chưa có lời kết dù hạn báo cáo Chính phủ của Bộ GTVT và Bộ Tài chính chỉ còn 2 ngày. Câu chuyện này gây dư luận trái chiều trong thời gian qua sau khi Thanh tra Chính phủ kết luận “là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ GTVT cho biết, bộ vẫn đang trong quá trình rà soát các chính sách liên quan vì vấn đề này đang bị chi phối bởi 4 luật gồm Luật Hàng không dân dụng, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Giá, nên “rất phức tạp”. Khi được hỏi về chủ trương thu hay dừng thu loại giá này, đại diện Bộ GTVT cho biết chưa thể cung cấp thông tin trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bộ đang nỗ lực để báo cáo đúng hẹn.
Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cục đang phải rà soát lại để báo cáo bộ xin chỉ đạo về nội dung này vì liên quan tới nhiều luật cùng lúc nên “chưa thể nói ngay được”.
Ông Tuấn khẳng định đang rà soát để có ý kiến với Bộ GTVT về từng mảng một vì câu chuyện giá là “tổng hợp của tất cả các chính sách”, nên muốn quản lý giá phải rà soát các chi phí cấu thành từ vấn đề chính sách tài chính, chính sách thuế, chính sách đất đai tới các quy định chuyên ngành. Dù khẳng định cố gắng đúng hạn nhưng ông Tuấn dự đoán sẽ khó kịp thời hạn 30.3, do vấn đề này rất phức tạp.
Trả lời câu hỏi thu giá dịch vụ sân đường dẫn ở cảng hàng không có hợp pháp hay không, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, đây là quá trình lịch sử, việc thu phí từ khi chưa cổ phần hóa Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chứ không phải là mới thu. ACV đã hoạt động theo mô hình cổ phần hóa trong 2 năm gần đây, có nhiều chuyển đổi. Các cảng hàng không của Việt Nam trước đây đều thuộc quản lý nhà nước, thực hiện thu giá dịch vụ sân đường dẫn theo danh mục của lệ phí.
Hiện, việc thu giá dịch vụ sân đường dẫn ở cảng hàng không thuộc loại phí phi hàng không và loại phí này bị Thanh tra Chính phủ kết luận là không đúng quy định của pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất.
Thu hay không thu, câu hỏi còn bỏ ngỏ?
Trong khi Bộ GTVT cũng như Bộ Tài chính chưa đưa ra ý kiến cụ thể về vấn đề này, Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam kiến nghị đưa loại phí này vào dịch vụ phi hàng không thiết yếu để Nhà nước quản lý.
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Lê Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc ACV - mong muốn bộ sẽ đánh giá tổng thể để đưa thế nào cho hợp lý nhất để theo đúng quy định và đảm bảo hài hoà lợi ích các bên từ Nhà nước, DN tới người dân.
Theo đại diện ACV, về bản chất có đầu tư thì có thu nên trước “ý kiến cho là Luật Đất đai Nhà nước giao đất không thu tiền thì anh không được thu” cần xem xét lại vì cũng trong Luật Đất đai, có quy định trên khu vực giao đất không thu tiền, nếu DN đã bỏ tiền ra đầu tư trên đó thì vẫn được thu giá dịch vụ vì “có phải đất không đâu, phải có người chăm sóc, thực hiện dịch vụ rồi an ninh, an toàn, trật tự hạ tầng”. Do đó, việc thu hay không thu thì tính toán sao cho hài hoà và DN có thu thì cũng nộp vào ngân sách để tái đầu tư.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT, ACV cho biết, tất cả các cảng hàng không do ACV quản lý, khai thác đều thực hiện thu tiền sử dụng đường và sân đỗ ôtô và các cảng hàng không có tần suất hoạt động bay cao như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh có lưu lượng ôtô ra, vào đón, trả khách rất lớn nên thu riêng dịch vụ đường dẫn và dịch vụ sân đỗ ôtô.
17 cảng hàng không còn lại có tần suất hoạt động chưa cao chỉ thu một lần giá theo lượt cho cả dịch vụ sử dụng sân đường và sân đỗ ôtô, không giới hạn thời gian đỗ để chờ đón, trả khách.
Toàn bộ số tiền thu được từ đây được DN này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách theo quy định và hạch toán vào kết quả kinh doanh của ACV, còn tiền đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kết cấu hạ tầng tại các cảng hàng không nói chung và hệ thống đường dẫn vào nhà ga nói riêng là từ quỹ đầu tư phát triển của ACV, không sử dụng ngân sách.
Một số chuyên gia, luật sư còn kiến nghị dừng ngay việc thu giá nói trên bởi đã mang lại số tiền không hề nhỏ cho DN. Theo con số 551 tỉ đồng thu sai quy định trong vòng 3 năm thì trung bình mỗi ngày, 21 cảng hàng không trên cả nước thu hơn 500 triệu đồng phí ôtô vào đường dẫn.
Mới cơ bản hoàn thành Ngày 29.3, trả lời báo giới trong họp báo tổng kết quý I/2018 của Bộ GTVT, ông Phạm Văn Hảo - Cục phó Cục Hàng không - cho biết, báo cáo rà soát vấn đề thu giá (phí) ra vào sân bay các phương tiện đưa đón khách “cơ bản sắp hoàn thành trong tuần này” và Bộ GTVT đã mời Bộ Tài chính họp để thống nhất báo cáo Chính phủ. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, thời gian qua tài sản này (đất không thu tiền tại các cảng hàng không - PV) có chuyển dịch nên Bộ GTVT chỉ đạo phải đánh giá rõ tài sản này trong quá trình cổ phần hoá để có phương án báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Lấy ở đâu 18.000 tỷ để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?
Nói về nguồn vốn 18.000 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hạng ... |
Chốt hạ phương án mở rộng Tân Sơn Nhất
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của công ty tư vấn độc lập của ... |
Đề xuất xây đường trên cao phía bắc kết nối sân bay Tân Sơn Nhất
Hội Cầu đường cảng TP.HCM ủng hộ phương án mở rộng sân bay về phía bắc và đề xuất xây dựng đường trên cao kết ... |