- Bộ Y tế mở hồ sơ 3 gói thầu cung cấp thuốc trị giá gần 9.000 tỷ đồng
- Hàng nghìn viên chức y tế nghỉ việc, bỏ việc: Vì sao "dứt áo ra đi"?
Theo Thứ trưởng Y tế, lực lượng y tế khi trở lại hoạt động bình thường chắc chắn phải củng cố, điều chỉnh lại giải pháp chống dịch cũng như điều trị cho phù hợp.
Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ với VTC News về những khó khăn ngổn ngang trước mắt và các biện pháp tháo gỡ của ngành.
Dịch đã lui, khó khăn vẫn chưa lùi
- “Mở cửa” trở lại, ngành Y tế bắt đầu thích ứng từ đâu? Ngành đang gặp những thách thức nào, thưa Thứ trưởng?
Hiện mọi hoạt động cơ bản đã trở lại bình thường, trong đó có cả lĩnh vực y tế. Đặc biệt là các cơ sở khám, chữa bệnh trở lại hoạt động bình thường để thu dung, điều trị cho người bệnh, đồng thời, hoạt động sản xuất kinh doanh về thuốc, trang thiết bị y tế, cũng như nhập khẩu trang thiết bị y tế cũng vậy, đang ở thời kỳ như khi dịch COVID-19 chưa xảy ra.
Sau thời gian dài triển khai công tác phòng chống dịch, trong đó lực lượng y tế là nòng cốt - khi trở lại hoạt động bình thường chắc chắn phải củng cố, điều chỉnh lại giải pháp chống dịch cũng như điều trị cho phù hợp tình hình mới.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra một số sai phạm liên quan vấn đề y tế, ít nhiều cũng tạo tâm lý thận trọng hơn trong việc mua sắm thuốc và trang thiết bị ở các cơ sở y tế, từ đó có thể dẫn đến nguy cơ trước mắt một số thuốc, vật tư y tế chưa được cung ứng kịp thời trong chống dịch cũng như điều trị.
- Bộ Y tế giải quyết những khó khăn đó thế nào, thưa Thứ trưởng?
Trước hết, Bộ Y tế làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công nhân viên chức trong ngành, động viên kịp thời những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để họ yên tâm công tác.
Bộ Y tế đang nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng, đầu tư, nâng cao năng lực của y tế dự phòng, đặc biệt triển khai gói phục hồi y tế sau dịch COVID-19, đồng thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng điều chỉnh chế độ chính sách phù hợp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, đặc biệt với y tế cơ sở, dự phòng.
Cùng với đó, Bộ Y tế đang rà soát và trình Chính phủ một số dự thảo luật sửa đổi, ví dụ, dự án Luật Khám, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản khác để phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện để các cơ sở khám, chữa bệnh yên tâm trong quá trình điều trị cũng như phòng chống dịch.
- Trở về từ những khó khăn khốc liệt trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, những chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế được cải thiện thế nào?
Qua công tác phòng chống dịch COVID-19 thấy rõ những khó khăn bất cập về chính sách với cán bộ nhân viên y tế đặc biệt là cán bộ y tế cơ sở, dự phòng, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đã báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương giao các cơ quan chức năng triển khai thực hiện để nâng phụ cấp cán bộ y tế cơ sở, dự phòng lên bằng 100%.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên (thứ 4 từ trái sang) kiểm tra công tác lưu mẫu và xét nghiệm COVID-19.
Đồng thời, Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành chế độ chính sách đối với cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đầu tư nâng cấp y tế cơ sở, dự phòng trong các gói phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau COVID-19.
Cùng với đó, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thụ hưởng nguồn dự án nâng cao chất lượng y tế cơ sở từ nguồn ADB, WB, chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Từ đó bước đầu đảm bảo điều kiện cả về cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho nhân viên y tế, đặc biệt nhân viên y tế làm việc ở y tế cơ sở, dự phòng.
Mở cửa mà chưa bỏ khóa?
- Cuộc sống dần bình thường trở lại, mà COVID-19 vẫn chưa được đưa ra khỏi bệnh truyền nhiễm nhóm A nên có người ví như “mở cửa mà chưa bỏ khóa”. Thứ trưởng nghĩ thế nào về sự ví von này?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà khoa học đều nhận định hiện chưa thể nghĩ rằng dịch COVID-19 có thể biến mất như các dịch khác; thực tế, tại một số nước trên thế giới, dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại.
WHO và các nhà khoa học dự báo thời gian tới có thể xuất hiện những biến chủng mới. Vì thế, Bộ Y tế đang giao Cục Y tế dự phòng, các nhà khoa học nghiên cứu, đề xuất đánh giá xem dịch COVID-19 đủ điều kiện đưa ra khỏi nhóm A hay chưa.
Hiện các nhà khoa học và WHO chưa coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, nên chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như chỉ đạo của Thủ tướng và đặc biệt không được chủ quan lơ là trước tình hình dịch hiện nay.
- Vậy còn ý kiến rằng 5K không còn phù hợp ở thời điểm hiện nay?
Bộ Y tế đang tổ chức lấy ý kiến của các nhà khoa học, các địa phương và đơn vị liên quan, sau đó sẽ điều chỉnh cho phù hợp. Trước đây chúng ta thực hiện 5K là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế. Với diễn biến hiện nay, nội dung khai báo y tế không còn triển khai nữa.
Căn cứ vào tình hình dịch, Bộ Y tế đã giao Cục Y tế dự phòng phối hợp cùng đơn vị liên quan xin ý kiến các nhà khoa học, các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, dự kiến sẽ chuyển 5K thành V2K - vaccine, (khẩu trang và khử khuẩn).
Nhưng hiện nay, người dân đang có tư tưởng chủ quan trong phòng chống dịch, trong đó có việc tiêm vaccine COVID-19. Theo đánh giá của các nhà khoa học, vaccine COVID-19 không sinh kháng thể vĩnh cửu, mà chúng ta phải tiêm nhắc lại để tạo miễn dịch chống dịch. Việc tiêm vaccine là để phòng chống dịch, nghĩa là tất cả người dân đều phải tiêm để tránh lây lan ra cộng đồng, tránh dịch bùng phát trở lại. Bộ Y tế đề nghị người dân tích cực chủ động tiêm mũi 3 và mũi 4 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu mọi người chủ quan không tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế thì rất dễ nguy cơ dịch bùng phát trở lại.
Để đạt được hiệu quả trong việc tổ chức tiêm vaccine cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội yêu cầu mọi người dân đi tiêm vaccine.
Nếu chủ quan lơ là, không thực hiện phòng chống dịch, tiêm vaccine thì nguy cơ dịch bùng phát trở lại rất hiện hữu.
- Các chuyên gia trên thế giới dự đoán dịch vẫn còn diễn biến phức tạp thời gian tới. Kịch bản Bộ Y tế đưa ra là gì?
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học, dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới nên chúng ta không lơ là chủ quan được.
Kịch bản bây giờ vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc phòng, chống dịch nhưng cốt lõi là phải làm sao đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ vaccine mũi nhắc lại (mũi 3 và mũi 4) và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho trẻ em 5 - 11 tuổi, đảm bảo độ bao phủ vaccine.
Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Nghị quyết 38 của Chính phủ, trong đó gồm các kịch bản, giải pháp đưa ra với từng tình huống cụ thể ở giai đoạn hiện nay.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
5 trăn trở của Thứ trưởng
Một là, một bộ phận cán bộ và nhân viên y tế chưa yên tâm công tác.
Hai là, sau những tồn tại xảy ra đối với ngành Y tế trong thời gian qua, chúng ta phải đưa hệ thống y tế trở lại hoạt động bình thường, không được để gián đoạn trong khám bệnh, điều trị cũng như phòng chống dịch.
Ba là, người dân đang lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch đặc biệt là công tác tiêm vaccine mũi 3 và 4.
Bốn là, một số cơ sở y tế có nguy cơ thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa bệnh.
Năm là, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực y tế cần phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung kịp thời để tạo hành lang pháp lý an toàn cho các cơ sở y tế thực hiện.
Thứ trưởng hy vọng thời gian tới với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân, đặc biệt có sự vào cuộc tích cực và sự an tâm công tác của nhân viên y tế thì 5 trăn trở trên sẽ từng bước được khắc phục
https://vtc.vn/dat-nuoc-mo-cua-nganh-y-te-van-tiep-tuc-go-kho-ar685707.html