Đắt hàng mùa dịch, giá cam quýt "nhảy múa"

Do nhu cầu tiêu thụ những loại quả giàu vitamin C như cam, quýt tăng đột biến nên giá những loại quả này đang "nhảy múa" từng ngày.

Cụ thể giá cam sành hơn 1 tuần trước giá trung bình từ 35-45 nghìn đồng/kg, nhưng đến thời điểm này đã được bán với giá khoảng 50-75 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, các loại quýt giữa tháng 2 có giá 16-20 nghìn đồng/kg thì này có giá 40-45 nghìn đồng/kg. Cá biệt, có những nơi đẩy giá lên 60 nghìn đồng/kg.

Chị Phạm Thị Khanh, đường Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Cách đây khoảng một tháng, tôi mua cam sành với giá chỉ 35.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên 50.000 đồng/kg. Dù giá cao như vậy nhưng tôi vẫn phải chấp nhận mua để phòng bệnh”.

Còn chị Trần Thị Hồng Hậu, đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, vì nhà có cả F0, F1 nên gia đình chị ưu tiên ăn cam quýt để bổ sung vitamin C và tăng cường dưỡng chất cho cơ thể.

"Sáng nay tôi đặt loại cam sành size 3 quả/kg giá lên tới 60.000 đồng/kg, còn quýt Ôn Châu giá 65.000 đồng/kg trong khi tuần trước chỉ 30.000 đồng/kg", chị Hậu nói.

Đắt hàng mùa dịch, giá cam quýt 'nhảy múa'  - 1
Dù giá cao, nhưng cam về đến đâu các tiêu thương đều tiêu thụ hết đến đấy.

Chia sẻ với PV VTC News, chị Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc HTX 3Tfarm Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) cho biết, thời điểm hiện tại cam tại huyện Cao Phong từ đầu năm đến nay, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tỷ lệ ca mắc cao, người dân đã chủ động mua các loại hoa quả giàu Vitamin C về để sử dụng nhằm tăng cường sức khỏe.

Theo chị Thủy, trước và sau Tết nguyên đán, cam Canh trồng tại Cao Phong hàng đổ xô được bán tại vườn với giá từ 35-40 nghìn; cam Cao Phong giá 50- 55 nghìn đồng/kg; cam Cao Phong loại 1 giá 60-65 nghìn đồng/kg, nay mỗi loại tăng từ 12- 15 nghìn đồng/kg.

“Giá cam mua tại vườn cao, cộng với chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tiêu dùng của người dân nhiều nên giá cam trên thị trường tăng là điều dễ hiểu”, chị Thủy nói.

Không chỉ ở Hòa Bình mà tại các vùng trồng cam khác là Tuyên Quang hay Hà Giang, giá cam sành dao động từ 30.000-60.000 đồng/kg tuỳ loại, giá quýt Ôn Châu tăng lên mức 45.000-70.000 đồng/kg.

Ông Trần Trung Thuyết, Giám đốc HTX Nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cho biết, kể từ khi giá xăng dầu tăng cao, nhất là khi dịch bệnh ở nhiều địa phương diễn biến phức tạp, giá cam cũng tăng theo.

Theo ông Thuyết, hiện giá cam sành bán xô tại vườn giá 36 nghìn đồng/kg, cam chọn hàng đủ tiêu chuẩn cấp vào các siêu thị giá 42 nghìn đồng/kg, tăng từ 10 - 15 nghìn đồng/kg so với thời điểm trước và sau Tết nguyên đán vài ngày.

Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, một số vùng cam như ở Bắc Giang, Hải Dương, Nghệ An, Hòa Bình bị rụng, chết hàng loạt, cung không đủ cầu.

“Dịch bệnh diễn biến bất thường, người dân có nhu cầu sử dụng cam, quýt để bổ sung vitamin C nhiều hơn. Trước đây người ta dùng cam bóc vỏ để ăn từng múi nên lượng tiêu thụ rất lâu. Hiện nay người ta mua cam về vắt nước và chỉ uống trong vòng vài phút, trong khi đó, mỗi cốc nước cam nguyên chất phải vắt từ 2-3 quả, tương đương với 0,4-0,6kg nên lượng tiêu thụ cao”, ông Thuyết nói.

Đắt hàng mùa dịch, giá cam quýt 'nhảy múa'  - 2
Cam quý là loại hoa quả được người dân lựa chọn sử dụng nhiều trong hơn 1 tuần nay.

Chị Cao Thị Út, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Láng Hạ, Hà Nội chia sẻ, giá cam, quýt cao bởi khi nhập về thì giá các loại quả này cũng đã cao hơn rất nhiều so với trước. Công thêm chi phí vận chuyển cao do giá xăng dầu tăng nên giá bán ra cũng phải tăng lên.

"Giá cam sành hiện tại đã tăng gần như gấp đôi nhưng vẫn thường xuyên trong tình trạng cháy hàng. Nhiều người mua phải đặt trước cả tuần may ra mới có, khách thường đặt 3kg, 5kg, 10kg, có người lấy cả 20kg để ăn dần", chị Út cho biết.

Ngoài ra, theo chị Kiều Thị Trang, tiểu thương kinh doanh hoa quả chợ Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), đây cũng là thời điểm cuối vụ, nhà vườn không còn nhiều nên giá tăng.

PHẠM DUY

Hành trình thiện nguyện từ mùa lũ đến mùa dịch của cặp vợ chồng Thụy Điển Hành trình thiện nguyện từ mùa lũ đến mùa dịch của cặp vợ chồng Thụy Điển
Giáo viên xoay đủ nghề cầm cự mùa dịch Giáo viên xoay đủ nghề cầm cự mùa dịch
Buýt Hà Nội tìm nhiều cách hút khách, gỡ khó trong mùa dịch COVID-19 Buýt Hà Nội tìm nhiều cách hút khách, gỡ khó trong mùa dịch COVID-19

/ vtc.vn