Đập Tam Hiệp căng mình hứng lũ mới, Trung Quốc chưa thông báo xả lũ

Trung Quốc cảnh báo "lũ lụt mạnh hơn" trong bối cảnh đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử căng mình đón nước lũ kỷ lục mới trong năm nay, với 34 tổ máy của thủy điện Tam Hiệp đang hoạt động hết công suất. 

dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu
Đập Tam Hiệp của Trung Quốc trên sông Dương Tử xả lũ để hạ thấp mực nước ở hồ chứa sau mưa lớn và lũ lụt. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc phát cảnh báo lũ lụt mạnh hơn sẽ tới đập Tam Hiệp, đồng thời phát cảnh báo mới với nhiều thành phố ở hạ lưu sông Dương Tử (hay Trường Giang) khi mưa lớn hơn dự báo sẽ xảy ra trong những ngày tới.

Các thành phố ở miền trung Trung Quốc dọc sông Dương Tử, đã bị ngập lụt trong bối cảnh đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở nước này được ghi nhận từ năm 1998.

Khắp Trung Quốc, lũ lụt xảy ra ở 433 con sông, với 141 người đã chết hoặc mất tích.

Mưa lớn đã đổ xuống khu vực này kể từ tháng 6, với lượng mưa trung bình cao hơn 12% so với năm ngoái. Tổn thất kinh tế vì mưa lũ ở Trung Quốc dự kiến lên tới 86,2 tỉ nhân dân tệ (12 tỉ USD), theo một số ước tính.

Chính phủ Trung Quốc công bố hôm 15.7 rằng sẽ chi khoảng 1,7 tỉ nhân dân tệ cho các biện pháp ứng phó lũ lụt.

dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu
Vị trí của đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) trên sông Dương Tử (Yangtze River) ở Trung Quốc. Các thành phố trên bản đồ gồm Trùng Khánh (Chongqing) ở thượng nguồn đập Tam Hiệp và Vũ Hán (Wuhan), Nam Kinh (Nanjing), Thượng Hải (Shanghai) ở hạ lưu. Ảnh: Nikkei.

Tại đập Tam Hiệp, dự án đa chức năng trên sông Dương Tử phục vụ công tác phòng chống lũ lụt, lũ lụt ở thượng nguồn khiến dòng chảy cực đại vào hồ chứa lên tới 55.000 mét khối mỗi giây vào lúc 20h ngày 17.7, giờ địa phương. Con số này cao hơn mức cảnh báo vốn là 50.000 mét khối mỗi giây, theo Ủy ban Thủy lợi Trường Giang.

Dòng chảy cực đại vào hồ chứa đập Tam Hiệp trong đợt lũ thứ 2 của sông Dương Tử lần này cũng sẽ cao hơn đợt lũ đầu tiên trong năm nay của con sông dài nhất Trung Quốc được ghi nhận hôm 2.7 là 53.000 mét khối mỗi giây.

Trước trận lụt số 1, giới chức Trung Quốc đã xả nước hồ chứa đập Tam Hiệp từ 29.6. Giới chức cũng lưu ý rằng, lũ lụt ở các thành phố hạ lưu không phải do xả lũ mà do các hệ thống thoát nước kém, theo Nikkei.

Dù đập Tam Hiệp đạt kỷ lục lũ lụt mới trong năm nay, giới chức vẫn chưa cho biết liệu có xả lũ thêm trong những ngày tới không, cũng theo Nikkei.

Tuy nhiên, cư dân thành phố Vũ Hán và các tỉnh An Huy, Giang Tây và Chiết Giang, một số địa điểm ở hạ lưu đập Tam Hiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đợt lũ lụt năm nay, đã nhận được cảnh báo đỏ từ 17.7. Cảnh báo đỏ là mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp của Trung Quốc.

Ít nhất 44 triệu người Trung Quốc đã được báo cáo sơ tán trong năm nay do lũ lụt.

Dự báo thời tiết cho thấy, dự kiến có mưa liên tục trong tuần tới ở Trung Quốc. Các nhà kinh tế học cũng cảnh báo về "nguy cơ sắp xảy ra" từ lũ lụt lan rộng có thể tác động tới sự hồi phục kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch COVID-19.

"Lũ lụt đã lan rộng đến mức các dự án cơ sở hạ tầng sẽ bị trì hoãn do phần lớn các kế hoạch có liên quan đến hoạt động xây dựng" - ING Group nêu trong báo cáo nghiên cứu hôm 16.7.

Thanh Hà

dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu Thượng nguồn đập Tam Hiệp hứng lũ lụt tồi tệ nhất từ đầu mùa
dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu Nước lũ ở đập Tam Hiệp vượt cảnh báo 12m, ông Tập triệu tập họp khẩn
dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu Mưa lũ Trung Quốc: Vũ Hán và một số tỉnh đồng loạt phát cảnh báo đỏ
dap tam hiep cang minh hung lu moi trung quoc chua thong bao xa lu Đập Tam Hiệp hoạt động hết công suất do mực nước hồ chứa dâng cao

/ laodong.vn