Trong các văn bản chính thức của ngành giáo dục, “học sinh tiên tiến” vốn là một loại danh hiệu. Các động từ đi kèm với nó bao gồm “đạt” (ở phía học sinh) và “trao tặng” (từ phía nhà trường). Đó là một danh hiệu được thiết kế toàn vẹn, phục vụ mục đích khen tặng và khuyến khích nỗ lực vượt lên mặt bằng chung.
Trong các văn bản chính thức của ngành giáo dục, “học sinh tiên tiến” vốn là một loại danh hiệu. Các động từ đi kèm với nó bao gồm “đạt” (ở phía học sinh) và “trao tặng” (từ phía nhà trường). Đó là một danh hiệu được thiết kế toàn vẹn, phục vụ mục đích khen tặng và khuyến khích nỗ lực vượt lên mặt bằng chung.
Về bản chất, học sinh tiên tiến có cùng công năng với các danh hiệu như Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, các sự vinh danh nói chung như Huân chương Lao động hay giải Cánh diều Vàng.
Nhưng "học sinh tiên tiến" từ nhiều thập kỷ nay trở thành một đại diện toàn năng cho những bi kịch danh hiệu ở nước ta: nó đại diện cho sự tầm thường. Thứ danh hiệu này có thể gây nên nỗi xấu hổ của nhiều gia đình.
Sự nghiệp học hành của tôi có thể diễn đạt ngắn gọn là "chín năm đầu học sinh giỏi, ba năm trung học phổ thông chỉ được học sinh tiên tiến". Việc có từ "chỉ được" là phần bắt buộc của tiếng Việt.
Để phân tích sâu lý do của sự tầm thường hóa danh hiệu này, chắc sẽ mất nhiều thời gian tranh luận. Có thể lỗi không ở nhà trường: việc đào tạo đại trà các học sinh có điểm 7 trung bình không có gì là sai; nếu đến điểm 7 mà còn ít thì mới có vấn đề. Có thể sai lầm nằm ở thang đo của ngành. Có thể mọi thứ đều đúng, nhưng chỉ tiêu áp xuống thì sai: những đơn vị có nhiều học sinh trung bình có nguy cơ bị trừng phạt, cho dù từ "trung bình" vốn mang sắc thái "đại diện cho mặt bằng chung".
Nhưng trên hết, "học sinh tiên tiến" tiêu biểu cho một phương thức giản đơn để hủy hoại tính chất của một danh hiệu: trao tặng số lượng lớn. Nếu số lượng lớn tới mức chính danh hiệu lại là mặt bằng chung, thì nó không còn chức năng vinh danh ai hết. Tôi được, anh được, cậu đang ngủ gật ở góc lớp kia cũng được, tôi không thấy tự hào. Công năng đúng đắn của danh hiệu chỉ đạt được nếu nó tạo ra sự tự hào từ bên trong.
Và học sinh tiên tiến không phải là danh hiệu duy nhất bị triệt tiêu công năng ngay từ lúc ra đời. "Gia đình văn hóa" đang trên đường trở thành một danh hiệu như vậy, bất chấp những nỗ lực truyền thông của ngành Văn hóa-Thể thao-Du lịch.
Tháng trước, khi Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề đạo đức xã hội, trong các giải pháp mà người đứng đầu ngành văn hóa nêu ra, có việc ban hành "nghị định 122 quy định xét tặng danh hiệu gia đình, thôn, bản, ấp văn hoá".
Tức là "danh hiệu gia đình văn hóa" và các thôn, bản, ấp... văn hóa được cơ quan chức năng coi là giải pháp chống xuống cấp của đạo đức xã hội. Ý nghĩa của danh hiệu này rất hệ trọng.
Bản thân một danh hiệu khuyến khích người ta sống và làm việc theo pháp luật, mưu sinh lương thiện, tập thể dục thể thao, phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc con cái,... có thể xem là chính đáng. Nó hoàn toàn có thể phục vụ chức năng cao cả mà Bộ trưởng Thiện đề ra, là nâng cấp đạo đức xã hội, nếu như không vướng phải một vấn đề: nó bị áp mục tiêu trao tặng số lượng lớn.
Bản thân chương trình "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" cũng là chính đáng. Văn hóa phải đặt mục tiêu xây dựng, và là điều chúng tôi vẫn đôi lúc cố gắng khuyến khích tại chuyên mục Góc nhìn này. Cái không chính đáng, là chương trình xây dựng đời sống văn hóa tại các địa phương lại đặt mục tiêu các danh hiệu.
Danh hiệu không chỉ là mục tiêu, nó còn là công cụ, là giải pháp, hay thậm chí đạt danh hiệu là toàn bộ nội hàm của "xây dựng đời sống văn hóa". Danh hiệu văn hóa cấp gia đình và cấp thôn bản được các địa phương đặt chỉ tiêu ở những mức độ bàng hoàng, 80%, 90%. Số đơn vị có danh hiệu phải là đa số, hay tất cả cùng có danh hiệu thì càng tốt.
Danh hiệu ở đây bị hủy hoại từ tiền đề. Để dễ hiểu, hãy giả dụ rằng Viện hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển có một chương trình "Toàn dân đoàn kết xây dựng phong trào nghiên cứu khoa học" trong cả nước; nhưng chương trình này lại đặt mục tiêu rằng 80% số công trình của Thụy Điển trong năm phải đoạt giải Nobel. Rốt cục, hoặc Viện phải trao khoảng 1.000 giải Nobel cho mỗi lĩnh vực hàng năm, nếu không thì coi như nền nghiên cứu khoa học nước nhà là vứt đi.
Về lý thuyết, giống như việc nghiên cứu và giải Nobel là hai thứ tách bạch, toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa là một chuyện, còn "danh hiệu" thì mỗi năm vẫn có thể trao tặng cực kỳ hạn chế để giữ giá trị, giữ tính thi đua. Nhưng không, trong tư duy xây dựng chính sách nước nhà, thì kết quả tối hậu của xây dựng là danh hiệu.
Gia đình văn hóa và khu dân cư văn hóa có thể ở một mức độ trống rỗng cao hơn, nếu so với học sinh tiên tiến: nó có thể được đo bằng cơ sở vật chất. Ngành giáo dục còn đủ tỉnh táo, để tránh việc học sinh tiên tiến được tạo ra từ việc em này có vở kẻ ô li đẹp hơn bạn bên cạnh chỉ viết giấy xấu, hoặc cặp xách lành lặn so với bạn kia đứt quai. Nhưng trong bộ tiêu chí "khu dân cư văn hóa" 26 điểm, thì có 8 điểm là về cơ sở hạ tầng.
Xây dựng hạ tầng không sai, nhưng chỉ là chất xúc tác, chứ bản thân một cái nhà văn hóa xây dựng kiên cố không tạo ra đời sống văn hóa. Xây hạ tầng phải là chương trình riêng chứ không nên nằm trong tiêu chí xét tặng về văn hóa: trang bị vở viết cho các em nghèo phải là chương trình khác xét tặng danh hiệu học tập, chứ không thể là một.
Bộ tiêu chí này cho phép lãnh đạo địa phương được lựa chọn "giải pháp công trình". Theo đúng nghị định, có nhà văn hóa sẽ được 5 điểm, bảo tồn văn hóa dân gian lại được có 3 điểm, nếu phải chọn xem ra không cần nghĩ nhiều.
Khi viết bài này, tôi đi tìm danh sách trao tặng danh hiệu "Bản văn hóa" ở nhiều vùng núi nghèo. Tôi nhìn thấy những gương mặt trưởng bản rạng rỡ lên nhận danh hiệu, quần áo tuềnh toàng, phía sau là tấm phông in vội treo trên vách tường cũ - và tôi rất muốn tin rằng danh hiệu ấy vẫn có thể tạo ra sự tự hào từ bên trong, vẫn còn có thể làm cái chức năng cải thiện đạo đức. Nó có thể làm được, nếu người ta loại bỏ được những thứ thuốc độc sẽ giết chết tính chất của một danh hiệu.
Rồi tôi nhìn thấy một cái tên quen thuộc, một bản nằm giữa con đường vận chuyển ma túy trọng điểm từ Lào vào Việt Nam, nơi có gia đình đã tan hoang, nhiều đứa trẻ đã mồ côi, nhiều ruộng nương đã cằn cỗi. Kiểm tra: từ cuối năm ngoái đến giờ dân bản này đã thực hiện 2 vụ vận chuyển ma túy lớn, được báo đăng.
Có lẽ họ đã xin được ngân sách để xây nhà văn hóa kiên cố. Hoặc lý do đơn giản là chỉ tiêu cấp trên đã đưa ra từ đầu năm ngoái.
Đức Hoàng
Ông Nguyễn Văn Giàu chỉ sự tụt hậu dù nông nghiệp tăng ấn tượng
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong 17 -18 năm qua, dù nông nghiệp Việt Nam phát triển ... |
Chính quyền xã phải trả lại hộ nghèo tiền thu xây dựng nông thôn mới
Cán bộ xã Song Lộc (Hà Tĩnh) sẽ đến từng nhà xin lỗi và trả lại tiền đã thu sai với hộ nghèo, trẻ dưới ... |