Đằng sau kế hoạch dời thủ đô gần 33 tỉ USD của Indonesia

Ngày 26.8, Tổng thống thứ 7 của Indonesia - ông Joko Widodo công bố kế hoạch dời thủ đô từ Jakarta sang khu vực các huyện Penajam Paser Utara và Kutai Kartanegara, tỉnh Đông Kalimantan, trên đảo Borneo (hay Kalimantan).

Tại sao chọn Đông Kalimantan?

Nikkei cho hay, đảo Kalimantan từ lâu là ứng viên hàng đầu trở thành thủ đô của Indonesia bởi khá an toàn so với các đảo lớn khác do ít xảy ra động đất, sóng thần và núi lửa phun trào. Thêm vào đó, Kalimantan ở trung tâm của quốc gia có tới 17.000 hòn đảo và có thể đáp ứng được ý định của Tổng thống Widodo nhằm chuyển sự tập trung các hoạt động kinh tế khỏi đảo Java.

Hai tỉnh Trung và Nam Kalimantan từng được cân nhắc nhưng Đông Kalimantan được chọn vì tại đây, chính phủ có sẵn 180.000ha đất. Do đó có thể giảm phí thu hồi đất. Địa điểm này cũng nằm giữa hai đô thị lớn nhất Đông Kalimantan - Samarinda (thủ phủ) và Balikpapan (trung tâm kinh tế, thành phố cảng). Nhờ vậy, phần lớn cơ sở hạ tầng cần thiết sẵn có, trong đó có hai sân bay quốc tế. Tỉnh Đông Kalimantan cũng ít bị ảnh hưởng bởi các vụ cháy rừng theo mùa, vốn thường xuyên xảy ra ở các khu vực khác của Kalimantan và quần đảo Sumatra. Một số quan chức chính phủ, dẫn nhiều số liệu khác nhau về dân số ở đây nhằm khẳng định rằng sự lựa chọn này sẽ góp phần giảm thiểu mâu thuẫn giữa dân sở tại và người mới đến.

Chính phủ Indonesia ước tính chi phí dời đô là 466 nghìn tỉ rupiah (32,8 tỉ USD), trong đó xây dựng các văn phòng chính phủ khoảng 33 nghìn tỉ rupiah. Phần lớn chi phí, ước tính 265 nghìn tỉ rupiah dành cho xây dựng cơ sở phụ trợ gồm nhà ở, trường học và bệnh viện. Xây dựng cơ sở hạ tầng như đường sá, điện, nước và dịch vụ viễn thông sẽ tiêu tốn khoảng 156 nghìn tỉ rupiah.

Theo Nikkei, trong tổng kinh phí dời đô, 19% do ngân sách nhà nước chi trả. Chính phủ muốn sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc dời đô càng nhiều càng tốt, với 55% kinh phí dự kiến theo hình thức đối tác công-tư, 26% từ đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nhà nước và khu vực tư nhân.

Việc dời đô được dự kiến bắt đầu năm 2024. Chính phủ Indonesia đang chờ quốc hội phê chuẩn để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thủ đô mới sẽ được thiết kế trong năm nay. Các công trình công cộng dự kiến bắt đầu năm tới và hoàn thiện năm 2023. Theo ông Yayat Supriatna - chuyên gia quy hoạch đô thị tại Đại học Trisakti, Jakarta, dù nghe có vẻ tham vọng nhưng kế hoạch này khá thực tế, miễn là chính phủ di dời theo từng giai đoạn.

Giảm bớt gánh nặng cho Jakarta

Một khảo sát mới đây do KedaiKOPI tiến hành cho thấy 96% người được hỏi ở Jakarta không tán thành kế hoạch dời đô, trong khi đó cư dân ở Kalimantan và Sulawesi tỏ ra phấn khích hơn. Chuyên gia Yayat Supriatna cho rằng, vấn đề giao thông và ô nhiễm không khí báo động của Jakarta ít nhất là sẽ giảm. Các vấn đề liên quan tới giao thông ở Jakarta ước tính tương đương với thiệt hại kinh tế 50 - 60 nghìn tỉ rupiah mỗi năm.

Tổng thống Joko Widodo cho hay, chính phủ Indonesia đã nghiên cứu chuyên sâu trong 3 năm qua để quyết định chuyển thủ đô tới Đông Kalimantan. Theo ông, việc di dời để giải quyết tình trạng mất cân bằng và giảm bớt gánh nặng cho Jakarta cũng như đảo Java. Java là nơi cư trú của 60% dân số Indonesia và chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế. Kalimantan lớn hơn gần bốn lần, nhưng chiếm chưa đến 1/10 GDP của Indonesia. “Vị trí này rất chiến lược - nằm ở trung tâm của Indonesia và gần các khu vực đô thị” - Tổng thống Indonesia nói. Ông nhận định, Jakarta hiện đang chịu gánh vác quá nặng nề khi vừ là trung tâm hành chính, kinh doanh, tài chính, thương mại và dịch vụ.

“Việc di dời vốn... là cần thiết để tăng cường phân bổ kinh tế vốn do Java chiếm lĩnh, đóng góp tới 58,5% tăng trưởng đất nước” - Nhà kinh tế học, Phó chủ tịch ngân hàng Permata Josua Pardede nói.

Ngoài ra, theo The Guardian, Jakarta cũng đang vật lộn dưới một gánh nặng môi trường lớn, đặc biệt là về ô nhiễm không khí. Thêm vào đó, thủ đô Indonesia đang chìm dần. Khu vực ở phía bắc Jakarta, gồm cả đê biển đang lún khoảng 25cm mỗi năm bởi thành phố không đủ nước sinh hoạt nên cư dân phần lớn dựa vào nước ngầm. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi bùng nổ của các khu chung cư, trung tâm mua sắm và cả văn phòng chính quyền mới.

Nhiều quốc gia trên thế giới từng tiến hành dời đô, năm 2005 Naypyidaw thay thế Yangon trở thành thủ đô của Myanmar. Giống như thủ đô đề xuất của Indonesia, Naypyidaw là một thành phố được quy hoạch; tương tự khi Canberra trở thành thủ đô Australia năm 1911. Brasília - một thành phố quy hoạch khác, đã thay thế Rio de Janeiro thành thủ đô của Brazil năm 1960.

Kế hoạch dời đô của Indonesia gây lo ngại môi trường
Indonesia lên kế hoạch "cứu" Jakarta
Báo Indonesia chỉ ra hành động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông

/ laodong.vn