Qua khảo sát cho thấy đa phần người Việt mua bảo hiểm xe máy để đối phó do sợ phải đóng phạt, vì số tiền phạt lớn hơn tiền mua BHXM. Giấy BHXM nếu có cũng chỉ để cất ví cho tới ngày hết hạn.
Mua bảo hiểm xe máy chỉ để đối phó CSGT
Trong đợt tổng kiểm tra phương tiện đang triển khai của lực lượng chức năng, cảnh sát giao thông được dừng xe kiểm tra dù không có dấu hiệu vi phạm ban đầu khiến nhiều người nhốn nháo chuẩn bị đủ mọi loại giấy tờ trong đó có cả bảo hiểm xe máy (BHXM).
Tuy nhiên, trên thực tế đa phần người dân mua bảo hiểm xe máy không phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực về bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi xảy ra tai nạn giao thông. Họ thậm chí còn không hiểu nhiều về quyền lợi, lợi ích của bảo hiểm xe máy bắt buộc mà chủ yếu mua chỉ để “đối phó” CSGT để không bị phạt hành chính.
Đa phần người dân mua bảo hiểm xe máy để đối phó CSGT. |
Cầm trên tay ấn chỉ bảo hiểm xe máy vừa mua được, anh Nguyễn Viết Dũng ở Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội chia sẻ anh đã mua bảo hiểm cho xe trên 50cc có giá 40.000 đồng/năm. "Thấy bạn bè đồng nghiệp rủ nhau mua bảo hiểm để phòng trường hợp cảnh sát giao thông "hỏi thăm" đợt tổng kiểm tra này chứ thực chất chả bao giờ nghĩ đến việc sử dụng khi xảy ra tai nạn", anh Dũng nói.
Anh kể, cách đây hơn 1 năm, anh từng bị tai nạn xe máy, bị một thanh niên đi xe máy tốc độ nhanh, mất lái đâm phải khi đang đứng đợi đón vợ đi làm về. Tai nạn khiến anh bị dập xương đầu gối và rạn xương tay. Mặc dù lúc đó anh có bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy nhưng nghĩ làm thủ tục rườm rà mà chưa chắc đã được nên anh cũng không yêu cầu phía bảo hiểm can thiệp hỗ trợ.
"Tôi mua chỉ vì sợ lỡ bị kiểm tra không có lại mất tiền oan. Mua thì mua vậy, để trong ví cho có chứ thông tin về bảo hiểm, thủ tục để hưởng quyền lợi, quyền lợi được hưởng thế nào thì có biết gì đâu", chị Nguyễn Thu Hồng ở Đông Anh, Hà Nội chia sẻ.
"Mua chủ yếu để đối phó với công an thôi, chứ thực ra mua mà nếu có sự cố để được hưởng là chỉ có trong mơ thôi. Tôi chưa bao giờ nghe và thấy có ai bị tai nạn xe máy được hưởng bảo hiểm xe máy. Với thủ tục hành chính ở nước mình thì ôi thôi đợi có được khoản tiền bồi thường bảo hiểm chắc đi lên đi xuống cả chục lần cũng không xong việc", anh Trần Như Thiện, ở Hà Nội bày tỏ.
Anh Phong, nhân viên văn phòng một cơ quan nhà nước ở Hà Nội cũng chia sẻ rằng: “Nói thật là tôi cũng chưa đọc trên cái tờ bảo hiểm nó ghi cái gì chứ đừng nói đến việc tìm hiểu về quyền lợi mình được hưởng khi sở hữu nó".
Công việc chính là nhân viên bán ô tô nhưng những ngày gần đây, chị Ngọc Anh lại tranh thủ bán bảo hiểm xe máy thêm để phục vụ nhu cầu anh chị em cư dân tại khu chung cư chị Anh sống. Chị Ngọc Anh cho biết: "Đa số mọi người hỏi mua bảo hiểm cho có chứ 10 người mua thì cả 10 người không hề hỏi han hay quan tâm đến quyền lợi họ nhận được khi mua bảo hiểm.
Vả lại, nói thực tôi cũng tay ngang, bán bảo hiểm thời vụ vậy thôi chứ cũng không am hiểu nhiều về thủ tục bồi thường thiệt hại. Nếu có người hỏi thì tôi mới thao tác gọi điện hỏi lại đại lý cung cấp bảo hiểm".
Người mua bảo hiểm có được hưởng lợi ích bồi thường bảo hiểm?
Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, quý I năm 2020, trên địa bàn cả nước xảy ra trên 3.400 vụ TNGT, làm hơn 1.600 người chết, hơn 1.000 người bị thương và trên 1.500 người bị thương nhẹ. Trong đó số vụ do xe máy gây ra chiếm đến 75%. Hầu hết các vụ TNGT đều do lỗi của người tham gia giao thông như chạy quá tốc độ, lấn đường, chở quá số người quy định, lái xe không đội mũ bảo hiểm...
Trên thực tế, người mua bảo hiểm vẫn được hưởng lợi ích bồi thường bảo hiểm theo quy định |
Trao đổi với phóng viên xe báo Vietnamnet, một đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết: “Vẫn có nhiều trường hợp chủ xe máy được giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định. Hiện tại Hiệp hội chưa có số liệu thống kê cụ thể về số trường hợp xe máy được bồi thường bảo hiểm. Nhưng trong năm 2019, các doanh nghiệp đã giải quyết bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới cho cả xe ô tô và xe máy ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng”.
Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cũng cho biết: “Trên thực tế các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chi trả bồi thường cho người mua bảo hiểm xe máy. Nhưng quan trọng là người dân không chịu đi đòi bồi thường vì lý do này lý do kia. Cùng với đó, phần lớn người dân không hiểu rõ bản chất bảo hiểm xe máy là gì”.
Theo đó, anh Xuân phân tích, Bảo hiểm xe máy trách nhiệm dân sự có ý nghĩa là phía bảo hiểm sẽ trả cho chủ xe số tiền mà chủ xe đã bồi thường cho nạn nhân (gọi là bên thứ ba) trong vụ tai nạn giao thông.
Có nghĩa là bảo hiểm thay chủ xe thực hiện trách nhiệm bồi thường cho bên bị thiệt hại do chủ xe gây tai nạn chứ không phải bảo hiểm cho bản thân chủ xe và xe của người mua.
Cụ thể, mức trách nhiệm như sau: thiệt hại về người: 100 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người/vụ và số vụ/năm. Thiệt hại về tài sản: 50 triệu đồng/vụ, nếu gây thiệt hại cho nhiều người cũng chỉ đền tối đa 50 triệu đồng/vụ, không hạn chế số vụ/năm.
Để được bồi thường, người mua bảo hiểm phải thực hiện theo đúng thủ tục. Theo đó, việc đầu tiên khi xảy ra tai nạn là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm ra, gọi số đường dây nóng của công ty bảo hiểm ghi trên đó để được chỉ dẫn và làm theo.
Cũng theo anh Xuân, thực tế là nhiều người chưa quan tâm điều khoản trong bảo hiểm xe máy, chưa ghi nhớ và thực hiện những việc cần thiết để được hưởng bảo hiểm hoặc bình thường họ vẫn có thói quen tự thỏa thuận, tự bỏ tiền sửa xe, chữa thương tật kiểu "dĩ hòa vi quý". Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp đường dây nóng các công ty bảo hiểm không ai nhấc máy, nhân viên tư vấn BHXM trả lời qua quýt khiến người dân chẳng còn đủ bình tĩnh để theo đuổi đòi quyền lợi bồi thường bảo hiểm.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 60 triệu xe máy đang lưu thông. Nếu tính với giá bảo hiểm 66.000 đồng/xe, quy mô doanh thu bảo hiểm bắt buộc TNDS xe máy mỗi năm cũng phải khoảng 4.000 tỷ đồng.