Bởi khâu quản lý ban đầu - cho mở trường, không chặt dẫn đến nhiều khâu khác lỏng lẻo, chất lượng giáo dục không đảm bảo.
Bình luận về yêu cầu của Bộ GD-ĐT đối với công tác tuyển sinh năm nay, đó là các trường đại học không tuyển sinh vơ vét, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, điều này thể hiện sự lúng túng, thậm chí nhằm né tránh trách nhiệm sau này của Bộ GD-ĐT.
Ông kể, trong một hội nghị các trường đại học mà ông tham dự, có ý kiến nói rằng, bây giờ vào đại học không khó, nếu trường công khó khăn thì vào trường tư, tất cả các trường tư luôn sẵn sàng đón thí sinh.
Từ đây, GS Dong chỉ thẳng ra thực tế, nhiều trường đại học có chất lượng đào tạo kém nên việc thí sinh ít xin vào là đương nhiên. Thế nhưng các trường này vẫn sống được là vì có rất nhiều học sinh trượt đại học và các trường trên trở thành lựa chọn của những học sinh đó.
Bên cạnh đó, xét cho cùng, mục đích của các trường tư là lợi nhuận bởi có lợi nhuận thì nhà đầu tư mới bỏ vốn ra mở trường. Nếu đòi hỏi các trường này trang bị như trường công thì họ không trang bị nổi, mà không trang bị được như trường công thì chất lượng đào tạo yếu. Chính vì thế, các trường chỉ còn một cách là phải dễ dãi đầu vào.
Đến mỗi mùa tuyển sinh, nhiều trường đại học lại lo không tuyển đủ chỉ tiêu. Ảnh minh họa
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc các trường phải tuyển đủ chỉ tiêu bằng mọi cách xuất phát từ việc các trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm trong khi ít chú ý tới quy hoạch chung cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
"Đáng lẽ không được cho phát triển các trường đại học quá ồ ạt, phải đặt ra các quy định chặt chẽ và trường nào đáp ứng đủ điều kiện đào tạo đại học thì mới được mở. Thế nhưng, nhiều trường, bằng cách nào đó, vẫn được mở. Không ai hiểu hết lý do vì sao nhiều trường đại học được mở, danh sách giáo viên cơ hữu, vốn liếng họ kê khai có thật không thì không ai rõ... Nhưng Bộ đã duyệt rồi thì biết làm sao?
Và bởi Bộ đã cho phép mở trường, bây giờ lại yêu cầu trường khó khăn cũng không thể tuyển sinh bằng mọi cách thì cuối cùng các trường chỉ có nước đóng cửa. Nếu muốn chặt chẽ ngay từ đầu thì tại sao lại cho mở trường dễ dãi?", GS Dong nói.
Một thực tế khác được vị chuyên gia chỉ ra, đó là bởi các trường không thể đảm bảo đầu ra nên chỉ lo đầu vào để có tiền chi trả cho bộ máy, thuê đất, đầu tư xây dựng trường lớp...
Đến một lúc nào đó, đấy sẽ là tai họa cho các trường, GS Dong nhận định. Bởi đầu ra \'sống chết mặc bay\', đến lúc nào đó dù các trường có mời mấy thì thí sinh cũng không vào và khi không hấp dẫn được thí sinh, trường sẽ tự đóng cửa.
Đề cập đến trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, ngay ở khâu đầu tiên - tức khi cho mở trường, việc thẩm định của Bộ đã không chặt chẽ.
"Nhiều trường làm gì có cán bộ chủ chốt ở trình độ cao, phải đi thuê. Mở thêm 100 trường khác với mở thêm 200 trường, số lượng giáo viên giỏi tham gia giảng dạy sẽ càng ngày càng ít đi. Dẫu số giáo viên dạy đại học trở thành TS, PGS, GS có tăng lên thì cũng không thể bảo đảm chất lượng giáo dục.
Chính vì thế, sai sót đầu tiên của Bộ là cho mở trường mà không quản lý được chất lượng. Khâu quản lý mở trường không chặt chẽ thì từ cái lỏng ấy sẽ đi đến những cái lỏng khác. Một khi không chặt chẽ thì chất lượng không nâng lên được, hệ quả là học sinh ít, và nhà trường đối phó bằng cách tuyển bừa vào, mà như thế thì không đúng ý của Bộ, thế nên Bộ phải răn đe.
Tôi cho rằng, yêu cầu của Bộ đưa ra với các trường đại học là một cách nói để trốn tránh tránh nhiệm.
Về phần các trường, đến lúc nào đó cũng sẽ không thoát được thị trường bởi thị trường rất ngặt nghèo", GS Dong phân tích.
Chỉ thêm về sự lỏng lẻo trong việc quản lý mở trường đại học, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam dẫn ví dụ, dù Việt Nam đã có các quy định về điều kiện thành lập các trường đại học, chẳng hạn như vốn điều lệ nhưng chính cơ quan chức năng cũng không quản lý được vốn ấy.
"Làm sao biết được vốn ấy họ có khai thật hay không? Không thiếu gì cách để người ta thông đồng với nhau, mấy doanh nghiệp hùn vốn vào có thể nói đóng góp ngần này nhưng làm sao kiểm soát được?
Tôi biết một số trường khi mở ra là "tay không bắt giặc", và ngày đầu tiên họ thu học phí cũng đủ để trường tranh thủ tồn tại một thời gian.
Cái khó cho tư nhân, các nhà giáo dục, nhà khoa học khi muốn mở trường là không có nhiều tiền. Trong khi đó, nhiều trường có doanh nghiệp lớn đứng ra làm chủ đầu tư, nhưng khi doanh nghiệp làm chủ thì làm sao họ biết hướng đi của giáo dục là thế nào? Đấy là cái khó của Việt Nam, xoay cách nào cũng vướng", GS.TS Phạm Tất Dong cho biết.
Trong trường hợp để các trường này tồn tại, theo GS Dong, phải hạn chế số lượng tuyển sinh và yêu cầu các trường tuyển sinh với đúng với lực lượng vốn có của họ. Bên cạnh đó, các trường phải có một đội ngũ giáo viên tương đối khá để đảm bảo chất lượng, đồng thời tăng dần cơ sở vật chất kỹ thuật lên.
"Nếu không trường không chịu thay đổi, đến lúc nào đó họ sẽ không thể tồn tại vì không có sinh viên. Hoặc thay vì chờ trường tự đóng cửa thì Bộ GD-ĐT có thể đi kiểm tra, nếu thấy trường không đủ điều kiện thì dừng hoạt động. Nhưng vấn đề là liệu Bộ có dám đi kiểm tra khi cách đây vài năm Bộ cho mở trường thì bảo đủ điều kiện, giờ lại bảo không? Rất khó làm được điều này", GS.TS Phạm Tất Dong nhận xét
Dặn trường đại học đừng tuyển sinh vơ vét: Hỏi ngược!
Trường đại học mọc lên như nấm khiến công tác tuyển sinh gặp khó khăn. Phải giao cho các trường tự chủ, chất lượng ở ... |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói các trường dù khó tuyển cũng đừng \'vơ vét\'
Trong công tác tuyển sinh năm nay, Bộ trưởng yêu cầu các trường đại học cân nhắc, dù khó khăn đến mấy cũng không thể ... |