Vừa phải bỏ vốn, lại bỏ công chăm sóc với mong muốn cây Sachi mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, thế nhưng nhiều nông dân vỡ mộng khi hạt Sachi không ai mua.
Đổ xô trồng cây Sachi, lúc thu hoạch lại không bán được
Nghe giới thiệu cây Sachi là “vua các loại hạt”, dễ làm giàu vì không phải đầu tư nhiều, nhanh cho trái, giá thành cao nên gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ (thôn 5, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) không ngần ngại phá bỏ 5 sào tiêu để chuyển sang trồng cây Sachi.
Cây Sachi được nhiều nông dân Tây Nguyên chọn trồng. |
Chị Mỹ cho biết: “Tôi phải sang tận thị xã Buôn Hồ để mua cây giống với giá 4.000 đồng/cây, nghe chủ vườn ươm nói loại cây này trồng xuống là mọc, không sợ bị chết, nên tôi quyết định lấy nhiều về để trồng. Đợt đó tôi nghe nói hạt Sachi bán ra ngoài thị trường tới mấy trăm nghìn/kg nên cũng ham”.
Quả nhiên đúng như lời đồn, sau 4 tháng trồng, vườn Sachi của gia đình chị Mỹ ra trái tốt, chị cho biết cứ thấy quả nào đổi màu thì hái về. Tuy nhiên, dù thu hoạch được nhiều nhưng chị Mỹ lại chẳng thấy ai tới mua hay hỏi về loại hạt này.
Nhiều người bảo phải xuống tận huyện Ea Kar bán, nhưng giá chỉ tầm 25.000–35.000 đồng/kg. Giá rẻ không đủ tiền xăng và vận chuyển nên gia đình chị Mỹ sau khi thu hoạch xong đành cất kho, tự mang đi ép dầu hoặc rang lên cho hàng xóm ăn.
Chị Mỹ cho hay: “Tết năm ngoái, gia đình tôi rang hạt Sachi lên ăn dần, chứ không biết làm gì. Tôi định phá đi để trồng cà phê, nhưng cây Sachi cứ xanh tươi mặc dù không hề chăm bón nên thấy tiếc, đành để vậy cho cây tự mọc”.
Chị Mỹ bên vườn Sachi. |
Cũng như gia đình chị Mỹ, anh Võ Văn Minh (thôn 8, xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) đã phá bỏ 3 sào tiêu chết để trồng cây Sachi. Nhờ tận dụng trụ tiêu đã chết nên người dân không phải bỏ vốn đầu tư hệ thống giàn leo cho Sachi. Vì vậy anh Minh cũng như nhiều nông dân đã tranh thủ tận dụng điều kiện có sẵn để trồng loại cây này.
Thế nhưng thật đáng buồn, khi tới ngày thu hoạch, anh Minh không biết mang hạt Sachi bán cho ai mà cũng chẳng thấy ai tới hỏi mua.
“Tôi nghe người ta nói cây này cho hạt bán giá cao lắm, 600.000 đồng/kg, cao gấp mấy lần cà phê và tiêu nên mua về trồng thử, ai ngờ trồng cho thu hoạch nhưng lại không tiêu thụ được. May mà tôi chưa phá hết vườn cà phê để trồng Sachi, nếu không nhà tôi chết đói hết rồi”, anh Minh than.
Cẩn trọng khi mở rộng diện tích cây Sachi
Tiến sĩ Phạm Công Trí - Trưởng bộ môn Hệ thống nông lâm nghiệp (Viện khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên) - cho biết, cây Sachi là cây trồng mới, khảo nghiệm ở Việt Nam chỉ vài năm trở lại đây, các nghiên cứu chủ yếu đánh giá ban đầu, quy mô nhỏ. Những nghiên cứu trên diện tích lớn ở các vùng khí hậu khác nhau chưa nhiều.
Hạt Sachi sau khi sấy khô. |
Thực tế, cây Sachi chưa có quy trình sản xuất, chưa có công nghệ chế biến sau thu hoạch và chưa có thị trường ổn định nên việc người nông dân tự phát trồng loại cây này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tại Đắk Lắk, cây Sachi đã được người dân trồng phổ biến từ năm 2017. Đặc biệt cây được trồng nhiều tại các huyện Krông Búk, Krông Pắk, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… với tổng diện tích hơn 200 hecta. Riêng các huyện Krông Năng đã có hơn 100 hecta cây Sachi do người dân trồng tự phát.
Do thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên nông dân mở rộng diện tích ồ ạt đã gặp nhiều khó khăn, sản phẩm sau khi thu hoạch không tiêu thụ được khiến người nông dân chịu nhiều thiệt hại.
“Cần nghiên cứu một cách hệ thống về cây trồng, chế biến và tiêu thụ Sachi ở Tây Nguyên, để mở ra hướng đi mới có triển vọng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, xây dựng vùng chuyên canh Sachi gắn với thị trường tiêu thụ. Những nghiên cứu đó sẽ làm cơ sở để khuyến cáo nhân rộng vào sản xuất, giúp cải thiện đời sống nông dân, đa dạng hóa cây trồng nông nghiệp ở Tây nguyên và các vùng lân cận”, Tiến sĩ Phạm Công Trí chia sẻ.
Vừa qua, cây Sachi đã có “giấy thông hành” khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đặc cách giống dược liệu mới cho giống Sachi S18. Đây là tin vui với người nông dân và là cơ sở pháp lý rất quan trọng trong việc phát triển cây Sachi, đặc biệt phải gắn khâu sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Cuộc chạy lũ của người dân Tây Nguyên
Nước lụt lên nhanh khiến người dân Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông phải leo lên gác, nóc nhà, hoặc chạy sang nhà kiên cố ... |
Mưa lũ tại Tây Nguyên làm 8 người chết, gần 1.500 căn nhà bị ngập
Tính đến 16 giờ ngày 9/8, mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên đã làm 8 người chết; 1.495 căn nhà và 10.199ha lúa, hoa ... |
Đắk Nông: Thủy điện kẹt van xả, nguy cơ vỡ đập, đe dọa nhiều tỉnh
Hồ thủy điện có dung tích 13 triệu m3 nhưng xảy ra sự cố kẹt cửa van, nước tràn qua đập nguy cơ gây vỡ ... |