Dân quân biển - "vòi bạch tuộc" trong chiến thuật vùng xám Trung Quốc

Trung Quốc thường xuyên tung dân quân biển len lỏi tới các khu vực trên Biển Đông, tạo bàn đạp để nêu yêu sách chủ quyền phi pháp.

Việc đội tàu hơn 200 chiếc của Trung Quốc tập trung neo đậu tại bãi đá ngầm gần đảo Sinh Tồn Đông, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ hôm 7/3 bắt đầu thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế khi Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hôm 21/3 ra tuyên bố gọi đây là "hành động quân sự hóa khu vực mang tính khiêu khích" của Bắc Kinh.

Philippines cho biết đội tàu này do dân quân biển Trung Quốc điều khiển và đã yêu cầu Bắc Kinh rút đội tàu. Trung Quốc từ chối với lý do đây là các tàu đánh bắt cá đang neo đậu để tránh thời tiết xấu, thậm chí tuyên bố không có dân quân biển trên tàu.

Cách giải thích của Trung Quốc vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Philippines và cộng đồng quốc tế, bởi những tàu vỏ sắt cỡ lớn, đậu sát nhau thành hàng dài này bật đèn suốt đêm mà không đánh bắt, dù thời tiết thuận lợi. Nó cũng khiến dư luận quốc tế chú ý hơn tới dân quân biển, một mũi nhọn trong chiến thuật vùng xám của Trung Quốc nhằm "vươn vòi" ra khắp Biển Đông.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc triển khai dân quân biển để thực hiện "chiến thuật vùng xám", nhằm mục tiêu chiếm đoạt vùng biển đảo của các nước khác mà không phải dùng lực lượng vũ trang chính quy với quy mô lớn. Chiến thuật này giúp Bắc Kinh thực thi yêu sách chủ quyền và thúc đẩy lợi ích mà không khơi mào xung đột quân sự.

1923 7

Tàu cá (trái) và tàu hải cảnh Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough năm 2017. Ảnh: Reuters.

Dân quân biển Trung Quốc bắt đầu hình thành từ năm 1949, khi Trung Quốc huy động ngư dân và tổ chức họ thành lực lượng bán quân sự thống nhất để bổ sung năng lực tình báo, phòng thủ cho hải quân chính quy nhằm chống lại mối đe dọa từ lực lượng Quốc dân đảng đóng tại đảo Đài Loan.

Dân quân biển sau đó trở thành lực lượng trực thuộc chính quyền các tỉnh ven biển Trung Quốc nhằm phục vụ mục đích cứu hộ cứu nạn. Tuy nhiên, lực lượng này gần đây phát triển khá tinh vi và được nâng cao vai trò, chuyên thực hiện các nhiệm vụ từ vận tải đến thu thập thông tin tình báo và thực thi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh, nằm dưới quyền chỉ huy trực tiếp của quân đội Trung Quốc.

Trung Quốc không công bố thống kê cụ thể về quân số và số lượng tàu dân quân biển. Báo cáo được Tuần duyên Mỹ công bố tháng 9/2020 ước tính dân quân biển Trung Quốc có khoảng 3.000 tàu các loại trong số 140.000 tàu đánh bắt xa bờ với 750.000 ngư dân.

Dân quân biển hiện nay được biên chế thành các đơn vị cấp đại đội, đóng quân tại những cảng biển gắn liền với ngành thủy hải sản Trung Quốc. Mỗi đại đội có các trung đội là những tổ sản xuất, còn mỗi tàu được coi như một tiểu đội.

Một trong những đơn vị nổi bật nhất là Đại đội dân quân biển Đàm Môn, được đặt theo tên thị trấn trên đảo Hải Nam và cũng là nơi tập kết lực lượng này trước khi triển khai ra Biển Đông.

Ahmet Goncu, phó giáo sư Đại học Xian Jiaotong-Liverpool, cho rằng dân quân biển là mũi tiến công và phòng thủ đầu tiên trong "chiến lược cải bắp" của Bắc Kinh trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.

"Khi có thực thể tranh chấp trên biển, hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc sẽ được triển khai với số lượng lớn để lấn át đối phương và bao vây toàn bộ thực thể này. Kết hợp với tàu chấp pháp, đội hình dân quân biển Trung Quốc sẽ tạo thành nhiều lớp, ngăn những tàu bị bao vây rời khỏi đó và cản trở lực lượng bên ngoài tới ứng cứu, cô lập hoàn toàn thực thể và dần giành quyền kiểm soát. Dân quân biển Trung Quốc cũng là lực lượng phòng thủ đầu tiên khi nổ ra xung đột", ông nói.

Trung Quốc nhận ra rằng dân quân biển, với vỏ bọc là đội tàu đánh bắt dân sự, sẽ ít gây nguy cơ khiến Mỹ can thiệp trong những tranh chấp với đồng minh của Washington tại các khu vực tranh chấp. Kể từ giữa thập niên 1970, dân quân biển đã xuất hiện trong gần như toàn bộ hoạt động của hải quân và lực lượng chấp pháp Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông.

Các chuyên gia tại tổ chức tư vấn phi lợi nhuận RAND của Mỹ cho rằng dân quân biển đóng vai trò quan trọng trong thiết lập sự hiện diện của Bắc Kinh tại những vùng tranh chấp hoặc thay đổi hiện trạng, biến nơi không tranh chấp thành có tranh chấp, bằng cách thách thức khả năng kiểm soát của đối phương tại khu vực.

"Hoạt động này được thiết kế để giúp Trung Quốc không đánh mà thắng, khi họ có thể dùng lượng lớn tàu cá với sự yểm trợ của hải cảnh và hải quân để uy hiếp, xua đuổi lực lượng đối phương", nhà nghiên cứu Derek Grossman nhận xét trong báo cáo về dân quân biển Trung Quốc hồi năm 2020.

Dư luận thế giới bắt đầu chú ý tới lực lượng dân quân biển Trung Quốc sau sự cố với tàu thăm dò USNS Impeccable của Mỹ khi nó đang làm nhiệm vụ trên vùng biển quốc tế ở Biển Đông năm 2009.

Khi USNS Impeccable bắt đầu thực hiện hoạt động giám sát hoạt động hàng hải trên Biển Đông vào ngày 5/3/2009, Trung Quốc ban đầu sử dụng tàu hộ vệ của hải quân chạy cắt mặt, trong khi máy bay trinh sát liên tục áp sát nhằm gây sức ép. Tuy nhiên, tàu thăm dò Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình.

Đến ngày 8/3, Trung Quốc thay đổi chiến thuật, sử dụng 5 tàu, trong đó có hai tàu chấp pháp, một tàu khảo sát đại dương và hai tàu cá áp sát USNS Impeccable đang hoạt động trên vùng biển cách đảo Hải Nam hơn 120 km về phía nam. Hai tàu cá được cho là do dân quân biển vận hành này liên tục chạy cắt mặt tàu Mỹ, có thời điểm áp sát ở phạm vi 7,5 m.

1956 8

Hai tàu cá Trung Quốc chạy cắt mặt tàu USNS Impeccable trong cuộc chạm trán ngày 8/3/2009. Ảnh: US Navy.

Thủy thủ tàu cá Trung Quốc liên tục vẫy cờ, ra lệnh cho USNS Impeccable rời khỏi khu vực, bất chấp tàu Mỹ phun vòi rồng xua đuổi. Ngay sau đó, tàu Impeccable phải nhượng bộ, thông báo với tàu Trung Quốc rằng họ sẽ rời khỏi khu vực. Khi tàu Mỹ rút đi, thủy thủ trên tàu cá Trung Quốc còn dùng móc câu để cố kéo thiết bị thủy âm sau đuôi USNS Impeccable.

Hoạt động gây chú ý nhất của dân quân biển Trung Quốc là sự kiện xảy ra ở bãi cạn Scarborough năm 2012 với sự tham gia tích cực của đại đội dân quân biển Đàm Môn.

Ngày 8/4/2012, máy bay tuần thám Philippines phát hiện một nhóm 12 tàu cá Trung Quốc thả neo quanh bãi cạn Scarborough, đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi trên Biển Đông, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Scarborough là tâm điểm tranh chấp giữa Philippines, Trung Quốc và đảo Đài Loan từ lâu, nhưng Manila thời điểm đó đang kiểm soát bãi cạn này.

Cùng ngày, tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar của hải quân Philippines rời cảng để tới bãi cạn Scarborough để răn đe tàu Trung Quốc. Hai ngày sau, tàu chiến Philippines đến Scarborough và triển khai lực lượng để tiếp cận, bắt ngư dân Trung Quốc. Lúc này có 6 tàu cá Trung Quốc đang neo trong bãi cạn, ít nhất hai chiếc được xác định là dân quân biển, 6 chiếc khác tìm cách cản trở tàu Philippines ra vào Scarborough thông qua một cửa ngõ duy nhất.

Philippines trước đó thường xuyên dùng tàu hải quân để xua đuổi, bắt giữ tàu cá nước ngoài, bởi lực lượng cảnh sát biển nước này quá hạn chế. Tuy nhiên, đây dường như là sai lầm nghiêm trọng, tạo điều kiện để Trung Quốc tung lực lượng dân quân biển nhằm chiếm giữ vùng tranh chấp.

Khi tàu tuần tra BRP Gregorio del Pilar truy bắt tàu cá Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh lập tức cáo buộc Manila đã "quân sự hóa tranh chấp" vì sử dụng tàu chiến cho hoạt động thực thi pháp luật, lấy đó làm cớ triển khai 3 tàu hải giám ngăn Philippines bắt ngư dân.

Đại đội dân quân biển Đàm Môn được huy động, vừa đóng vai trò hiện diện trong bãi cạn Scarborough, vừa là lực lượng tuyến đầu đụng độ với tàu hải quân và ngư dân Philippines.

2035 9

Bãi cạn Scarborough nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Maxar.

Trung Quốc yêu cầu Philippines lập tức rút lui, nhanh chóng khiến căng thẳng leo thang bằng cách dàn đội hình lấn át số lượng tàu Philippines đang tới giải cứu chiến hạm Gregorio del Pilar. Tàu hải giám Trung Quốc cũng phối hợp với dân quân biển để dựng hàng rào dây thừng quanh bãi cạn Scarborough, khiến các ngư dân Philippines bị kẹt bên trong không thể thoát được ra ngoài.

Yểm trợ cho đội hình dân quân biển là các tàu chiến Trung Quốc neo đậu gần đó nhằm "răn đe" Philippines. Ngoài phong tỏa trên biển, Bắc Kinh còn gây áp lực kinh tế với Manila. Căng thẳng ngày càng gia tăng, trong khi các kênh ngoại giao truyền thống không đem lại hiệu quả. Những nỗ lực nhằm thiết lập các kênh liên lạc hậu trường đáng tin cậy giữa Manila và Bắc Kinh cũng thất bại.

Khi chính phủ Philippines và Trung Quốc không thể nói chuyện với nhau, họ tìm tới Mỹ như một "trọng tài". Sau nhiều tuần nhóm họp, thảo luận và đàm phán, với vai trò trung gian, các quan chức Mỹ giữa tháng 6/2012 đã giúp xây dựng thỏa thuận mà theo đó hai bên sẽ cùng rút khỏi khu vực tranh chấp.

Kiệt sức, bị lấn át về số lượng và thiếu các giải pháp thay thế khả thi, Manila rút các tàu còn lại của mình khỏi bãi cạn Scarborough với lý do tránh bão vào ngày 15/6/2012, chấm dứt 10 tuần đối đầu. Thế nhưng, Trung Quốc không tuân thủ hạn chót mà thỏa thuận đề ra, vẫn duy trì các tàu hải giám tại khu vực và cuối cùng giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.

Sau khi hỗ trợ chiếm bãi cạn Scarborough, dân quân biển Trung Quốc tiếp tục tham gia nhiều hoạt động khác trên Biển Đông nhằm thực thi "chiến thuật vùng xám" của Bắc Kinh.

Tháng 5/2014, tàu dân quân biển Trung Quốc liên tục xuất hiện tại khu vực nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đội tàu cá 29 chiếc được triển khai bảo vệ giàn khoan, hỗ trợ lực lượng thuộc Quân khu Quảng Châu và Quân khu Hải Nam cho đến khi Trung Quốc rút Hải Dương 981 khỏi vùng biển Việt Nam.

Tháng 3/2016, khoảng 100 tàu cá Trung Quốc xuất hiện quanh bãi cạn Laconia trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia. Những tàu này đều không treo cờ và không có số hiệu nhận diện, được hộ tống bởi hai tàu hải cảnh Trung Quốc.

Ba năm sau, hai tàu dân quân biển Trung Quốc áp sát tiền đồn Philippines chiếm đóng trái phép ở đảo Loại Ta thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có thời điểm chỉ cách bờ khoảng 800 m. Hải quân Philippines khi đó triển khai tàu đổ bộ lớp LST-542 để giám sát các tàu Trung Quốc.

Tình hình tương tự cũng diễn ra ở biển Hoa Đông. Kể từ khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa ba đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2010, tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc đã thường xuyên áp sát chuỗi đảo này nhằm quấy rối tàu cá Nhật Bản và thay đổi hiện trạng.

2111 10

Đội tàu cá Trung Quốc neo đậu tại bãi đá ngầm trên Biển Đông ngày 7/3. Ảnh: AP.

Giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo rằng nếu các nước trong khu vực không có đối sách hợp lý, lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể phục vụ hoạt động mở rộng kiểm soát, thực thi các yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông, tương tự hành động tại bãi cạn Scarborough hồi năm 2012.

Đội tàu dân quân biển Trung Quốc có vỏ thép, kích thước lớn và vững chắc hơn nhiều so với tàu cá thông thường, cho phép chúng uy hiếp hay thậm chí là đâm húc tàu cá những nước lân cận tại Biển Đông. Khi đối đầu với hải quân Mỹ hoặc các cường quốc quân sự, chúng lại trở thành "vũ khí của kẻ yếu", buộc các tàu chiến đối phương phải xem xét phương án hành động.

Andrew Erickson, phó giáo sư thuộc Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, lưu ý rằng gần như tất cả dân quân biển Trung Quốc đều có quân phục, thậm chí PLA Daily, tờ báo của quân đội Trung Quốc, cũng công khai thừa nhận điều này. "Khi mặc bộ quân phục dã chiến, họ không khác gì những người lính. Khi cởi quân phục, họ trở thành ngư dân tuân thủ pháp luật", PLA Daily viết.

Chuyên gia này cho rằng bằng cách "lập lờ đánh lận con đen" vai trò của dân quân biển, Trung Quốc sẽ đẩy các bên liên quan vào tình thế khó xử và bị hạn chế cách phản ứng, bởi Mỹ cùng các đồng minh có các quy tắc rất nghiêm ngặt khi đối mặt với ngư dân.

"Chúng được vận hành bởi thủy thủ đoàn chuyên nghiệp và không chú trọng đến hoạt động đánh bắt hải sản, mà tập trung vào gây hấn để thực thi yêu sách của Bắc Kinh. Những con tàu dân quân đó là vũ khí chính trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc trong khu vực. Vỏ bọc dân sự của đội tàu sẽ phục vụ rất tốt mục đích tuyên truyền", Erickson nêu quan điểm.

Vũ Anh (Theo Diplomat)

Trung Quốc thông báo tập trận cả tháng 4 ở vịnh Bắc bộ Trung Quốc thông báo tập trận cả tháng 4 ở vịnh Bắc bộ
Trung Quốc Trung Quốc "xoay trục" về Trung Đông trước áp lực từ Mỹ
Toan tính của Trung Quốc khi triển khai 200 tàu cá trên Biển Đông Toan tính của Trung Quốc khi triển khai 200 tàu cá trên Biển Đông
/ vnexpress.net