Dân Iran biểu tình vì giá xăng tăng

Các cuộc biểu tình nhỏ lẻ nổ ra ở nhiều thành phố Iran ngày 15/11, sau khi nước này tăng giá xăng dầu và áp định mức phân phối. 

Biểu tình ở thành phố Sirjan, miền trung Iran trở nên nghiêm trọng khi những người tham gia tấn công một kho nhiên liệu và tìm cách đốt cháy nó song bị cảnh sát ngăn chặn kịp thời, hãng thông tấn IRNA của Iran đưa tin. Nhiều người tập trung trên đường và cản trở giao thông tại nhiều thành phố của Iran hôm qua trước khi giải tán lúc nửa đêm.

Các cuộc biểu tình nổ ra khi Iran tăng giá xăng từ 10.000 rial (0,24 USD) lên 15.000 rial (0,36 USD) một lít và áp định mức mỗi xe cá nhân chỉ được mua 60 lít xăng một tháng với giá này. Số xăng vượt định mức sẽ được bán với giá 30.000 rial/lít.

Biện pháp này dự kiến tiết kiệm cho Iran 2,55 tỷ USD mỗi năm, người đứng đầu Tổ chức Kế hoạch và Ngân sách Mohammad Bagher Nobakht cho biết. Iran là nước trợ cấp rất hào phóng cho nhiên liệu, nhưng gần đây đối mặt với tình trạng buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài.

Dòng phương tiện xếp hàng tại một trạm xăng ở thủ đô Tehran, Iran ngày 15/11. Ảnh: AP.

Một video được đăng trên mạng xã hội cho thấy người biểu tình tại Ahvaz, thủ phủ tỉnh Khuzestan, kêu gọi các tài xế dừng xe để phong tỏa giao thông nhằm phản đối quyết định tăng giá xăng. "Hỡi những người Ahvaz đáng kính, hãy tắt máy", người biểu tình hô vang.

"Cảnh sát chống bạo động có thể đã triển khai lực lượng và phong tỏa các trục đường chính. Tôi nghe thấy tiếng súng nổ", một người ở Ahvaz giấu tên nói với phóng viên Reuters qua điện thoại.

Iran áp dụng hệ thống thẻ nhiên liệu vào năm 2007 nhằm cải cách hệ thống trợ cấp và hạn chế buôn lậu xăng dầu trên quy mô lớn. Iran hiện là một trong các quốc gia có giá xăng dầu rẻ nhất thế giới do chính phủ trợ cấp nhiều và giá trị đồng nội tệ thấp.

Mặc dù có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Iran trong nhiều năm phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước do các lệnh trừng phạt quốc tế hạn chế cung cấp phụ tùng, khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong bảo trì và duy trì sản lượng của các nhà máy lọc dầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp dầu mỏ cùng các lĩnh vực quan trọng khác của quốc gia Trung Đông sau khi rút khỏi Thoả thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA). Mỹ muốn cắt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran để buộc nước này đàm phán một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Washington.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Iran cải chính tin phát hiện mỏ dầu 53 tỷ thùng
Mỹ kêu gọi Iran trao trả đặc vụ mất tích
Iran: Các liên minh do Mỹ đứng đầu chỉ gây ra sự bất an toàn cầu
Bị Mỹ trừng phạt đối với “vàng đen”, Iran tìm cách xuất khẩu “vàng đỏ”
Chương trình hạt nhân Iran do Mỹ khơi mào
/ vnexpress.net