- Công an TP.HCM khuyến cáo giải pháp an toàn PCCC khi để trẻ em ở nhà một mình
- Không có chế tài cưỡng chế, không giải quyết được tận gốc vi phạm PCCC
Thời gian quan, tại các tỉnh miền Trung từng xảy ra nhiều vụ cháy chợ, riêng Thừa Thiên Huế đã xảy ra 3 vụ… gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Qua đợt tổng kiểm tra rà soát mới đây, lực lượng nghiệp vụ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khuyến cáo đến các ban quản lý, tiểu thương nguy cơ cháy nổ ở các chợ là rất cao, nếu không có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời.
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 130 ngôi chợ lớn, nhỏ. Nhiều năm qua, trên toàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ cháy chợ nghiêm trọng gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Trong đó, vụ cháy chợ Tứ Hạ thuộc phường Tứ Hạ (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) đã khiến 145 lô hàng trong khu vực đình chợ bị thiêu rụi hoàn toàn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng cho bà tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ.
Ngọn lửa bắt đầu bốc phát tại gian hàng bán vải, áo quần, giày dép và nhanh chóng bùng lên dữ dội và cháy lan sang nhiều gian hàng khác trong khu vực đình chợ, gây cháy lớn, thiêu rụi toàn bộ hàng hóa của nhiều hộ tiểu thương. Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC và CNCH và các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, thị xã Hương Trà đã huy động hơn trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều phương tiện xe chữa cháy, cứu thương đến hiện trường dập lửa, khống chế đám cháy. Tuy nhiên, do đám cháy được phát hiện khi đã bùng phát lớn nên phải mất hơn 2 giờ đồng hồ mới dập tắt, hầu hết lượng hàng hóa trong chợ đã bị thiêu rụi, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng của tiểu thương.
Tương tự, chợ Điền Hải (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) cũng từng xảy ra cháy lớn vào lúc 2h sáng. Thời điểm đó, một số người dân ở gần chợ, phát hiện từ phía trong chợ lửa bùng lên dữ dội, khói bốc ngun ngút. Nhận được tin báo, Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thừa ThiênHuế đã điều động 3 xe cứu hỏa cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường nhưng vì đám cháy được phát hiện khá muộn, phía trong chợ toàn những hàng hóa dễ bắt lửa nên phạm vi cháy khá rộng khiến lực lượng chức năng rất vất vả mới tiếp cận được ngọn lửa. Đến khoảng 6h sáng cùng ngày, ngọn lửa cơ bản mới được khống chế. Hầu hết những ki-ốt, hàng hóa phía trong chợ bị ngọn lửa thiêu rụi hoàn toàn.
Hay vụ cháy chợ Nong, xã Lộc Bổn (huyện Phú Lộc) xảy ra cách đây nhiều năm cũng đã gây thiệt hại khoảng 7 tỷ đồng của nhiều tiểu thương. Được biết, thời điểm xảy ra cháy chợ Nong nằm sát QL1A. Sau thời gian dài tồn tại, khu chợ này đã xuống cấp trầm trọng nên UBND huyện Phú Lộc đã đầu tư xây dựng chợ Nong mới cách chợ cũ khoảng 1 km.
Mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã có đợt tổng rà soát công tác PCCC tại các cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao. Thượng tá Phan Thanh Phong, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết, qua khảo sát, đơn vị nhận thấy, nguy cơ cháy tại nhiều chợ rất cao và đây là vấn đề đáng lo ngại.
Theo quy định hiện nay, tất cả các chợ phải đầy đủ các quy định về PCCC nhưng do các chợ hình thành có trước quy định nên còn những bất cập trong PCCC cần phải khắc phục sớm. Hiện, những bất cập này đã được lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh cùng các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương hướng dẫn để tìm cách khắc phục.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, để chủ động phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ tại các chợ, trung tâm thương mại, lãnh đạo các địa phương, nhất là các ban, tổ quản lý chợ phải tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện các biện pháp an toàn PCCC. Đó là, thường xuyên kiểm tra việc sắp xếp, bố trí hàng hóa tại các quầy, sạp của các hộ kinh doanh.
Hệ thống điện tại các chợ phải tách thành hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng. Hết giờ kinh doanh, các hộ phải ngắt nguồn điện trong khu vực. Tuyệt đối không tự ý câu mắc theo đường dây dẫn điện các thiết bị tiêu thụ điện như: quạt, đèn, tivi, bếp điện… dẫn đến hiện tượng quá tải, gây cháy.
Nghiêm cấm việc kinh doanh, tàng trữ, sử dụng các chất nguy hiểm có nguy cơ gây cháy, nổ như: xăng, dầu, cồn, ga, các hóa chất dễ cháy khác trong khu vực nhà lồng. Không được đun nấu, thắp nhang, đèn thờ cúng, vật liệu dễ cháy vào quầy, sạp hàng. Trang bị phương tiện chữa cháy đủ để tham gia chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy, nổ; thành lập đội PCCC tại các chợ phải thường trực, tuần tra phát hiện cháy kịp thời…
Ðể chủ động công tác phòng ngừa, không để xảy ra cháy và giảm thiểu thiệt hại do cháy, nổ xảy ra tại các chợ truyền thống, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH cũng sẽ thường xuyên hướng dẫn chủ cơ sở, ban quản lý chợ và đội viên đội PCCC cơ sở các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC; kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý triệt để các vi phạm quy định an toàn về PCCC; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH để chủ động ứng phó khi có tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.
Bên cạnh đó, chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương quan tâm đầu tư cho hoạt động PCCC, có giải pháp PCCC, kịp thời khắc phục những yếu kém, bất cập, nguy cơ dẫn đến cháy tại các chợ truyền thống... Và nên có mô hình “Chợ kiểu mẫu đạt chuẩn về PCCC”.
https://cand.com.vn/Xa-hoi/dam-bao-an-toan-pccc-tai-cac-cho-o-thua-thien-hue-i710877/