- Trước ngày 30/10, TP.HCM sẽ tổng kiểm tra an toàn PCCC toàn bộ nhà trọ, chung cư mini
- Sinh viên Đại học PCCC kể giây phút "tìm sự sống trong khói lửa"
Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, xử phạt vi phạm PCCC cao nhất là đình chỉ hoạt động, không có chế tài cưỡng chế nên không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.
Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Công an Quý III và 9 tháng đầu năm 2023 bằng hình thức trực tuyến với Công an các đơn vị, địa phương.
Tham luận tại hội nghị về “Một số vấn đề rút ra từ vụ cháy xảy ra ngày 12/9, tại nhà số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân”, Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, qua vụ cháy nêu trên, Công an Hà Nội đã rút ra một số vấn đề còn bất cập, thiếu sót.
Theo Đại tá Dương Đức Hải, các quy định về xây dựng và các ngành nghề, lĩnh vực có liên quan chưa liên thông, đồng bộ, thống nhất với quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC); những sai phạm về xây dựng không được chính quyền và các ngành chức năng xử lý triệt để, dẫn đến sai phạm về PCCC mà chưa thể khắc phục được.
Trong quy định về PCCC, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ có thể áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính, cao nhất là tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên lại không có chế tài cưỡng chế, buộc chủ đầu tư phải khắc phục các điều kiện an toàn PCCC nên không thể giải quyết được tận gốc vấn đề, nhất là đối với trường hợp như nhà ở, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân càng khó giải quyết.
Đại tá Dương Đức Hải phát biểu tại Hội nghị.
Đại tá Dương Đức Hải cho rằng, Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trách nhiệm của UBND cấp xã trong thực hiện việc quản lý đối với các cơ sở được phân công theo Phụ lục IV.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, hầu hết UBND cấp xã đều “khoán trắng” cho lực lượng công an, coi công tác PCCC là nhiệm vụ chính của công an. Trong điều kiện lực lượng công an cấp xã còn mỏng, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ dẫn đến chất lượng, hiệu quả trong công tác kiểm tra, quản lý về an toàn PCCC đối với nhóm đối tượng trên còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Bên cạnh đó, ý thức, nhận thức về PCCC của người dân chưa cao. Một bộ phận chủ đầu tư vì lợi nhuận mà bất chấp, vi phạm pháp luật nói chung, pháp luật về PCCC nói riêng. Nhiều người dân chưa quan tâm đến công tác PCCC và thoát nạn.
Thực tế đã chứng minh, nhiều người quan tâm, tìm hiểu, thực hành kỹ năng phòng cháy chữa cháy và thoát nạn nên khi xảy ra hoả hoạn, những người này có nhiều cơ hội sống sót hơn…
Rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, Công an TP Hà Nội đã và đang triển khai quyết liệt, nghiêm túc một số nội dung công tác và đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ Công an để tìm giải pháp khắc phục những thiếu sót, hạn chế nêu trên trong thời gian tới.
https://vtc.vn/khong-co-che-tai-cuong-che-khong-giai-quyet-duoc-tan-goc-vi-pham-pccc-ar823345.html