Đài Loan tố WHO "đặt chính trị trên y tế"

Lãnh đạo số 2 Đài Loan cảnh báo thế giới nên thận trọng với số virus Trung Quốc, đồng thời chỉ trích WHO thiếu trung lập, chuyên nghiệp.

Thật không may, 23 triệu người Đài Loan đã trở thành những đứa con côi trong hệ thống y tế toàn cầu vì lý do chính trị", lãnh đạo số hai Đài Loan Trần Kiến Nhân phát biểu tại họp báo ở Đài Bắc hôm nay. "Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quá chú trọng chính trị mà quên mất tính chuyên nghiệp, trung lập của mình. Đây là điều khá đáng tiếc".

Cho rằng WHO đặt chính trị lên trên y tế, ông Trần nhận định tổ chức này trước đây đã hoàn thành tốt công việc và đóng góp cho nền y tế thế giới, nhưng cách xử lý đại dịch Covid-19 lại không được tốt như vậy. Trong cuộc họp báo, nhà dịch tễ học được đào tạo tại Mỹ này dùng thuật ngữ "dịch viêm phổi Vũ Hán" thay cho tên gọi Covid-19 được WHO đặt ra.

"Trong dịch viêm phổi Vũ Hán, chúng tôi chủ yếu chỉ trích họ vì hành động quá chậm", ông Trần nói. Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, là nơi dịch bệnh khởi phát cuối năm ngoái trước khi lan ra toàn cầu và khiến hơn 4,4 triệu người nhiễm, gần 300.000 người tử vong.

dai loan to who dat chinh tri tren y te
Lãnh đạo số hai Đài Loan Trần Kiến Nhân. Ảnh: Reuters.

Trần Kiến Nhân, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan trong cuộc khủng hoảng SARS năm 2002-2003, nói rằng thế giới cần thận trọng với số liệu dịch bệnh của Trung Quốc và kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn. Tuy nhiên, ông cũng chúc Trung Quốc chiến thắng Covid-19.

"Tôi cầu chúc và hy vọng họ có thể ngăn chặn được dịch viêm phổi Vũ Hán càng sớm càng tốt, tránh làn sóng thứ hai", ông nói. Trần Kiến Nhân sẽ rời nhiệm sở khi bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhiệm kỳ hai vào tuần tới.

Ông Trần là tiếng nói hàng đầu của Đài Loan trong việc chỉ trích phản ứng của Trung Quốc và WHO với Covid-19, cũng như vận động để hòn đảo được tham gia Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA), cơ quan ra quyết sách của WHO, diễn ra tuần tới với tư cách quan sát viên.

Đài Loan từng là quan sát viên của WHA từ năm 2009, khi quan hệ hai bờ eo biển ấm lên. Tuy nhiên, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tiếp tục vai trò này tại WHO từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách "Một Trung Quốc", được bầu làm lãnh đạo hòn đảo.

Đài Loan nói rằng Trung Quốc và WHO có "mục đích chính trị" khi loại hòn đảo khỏi những cuộc họp quan trọng của tổ chức. Một trong những khiếu nại chính của Đài Loan là WHO phớt lờ email thông báo của họ vào cuối tháng 12 về khả năng lây nhiễm từ người sang người của nCoV. WHO khẳng định email của Đài Loan gửi tổ chức khi đó không đề cập lây nhiễm từ người sang người.

Trung Quốc nhiều lần khẳng định chỉ nước này có quyền đại diện cho Đài Loan ở WHO. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng "không có cơ sở pháp lý để một khu vực không có chủ quyền tham gia tổ chức với tư cách quan sát viên".

Đài Loan đã gặt hái thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, khi chỉ ghi nhận 440 ca nhiễm và 7 ca tử vong. Nỗ lực vận động tham gia WHA với tư cách quan sát viên của Đài Loan nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc.

Huyền Lê (Theo Reuters)

dai loan to who dat chinh tri tren y te Quan chức biến Đài Loan thành hình mẫu chống Covid-19

Xuất thân là nhà dịch tễ học, Trần Kiến Nhân, quan chức số hai Đài Loan, từng bước dẫn dắt hòn đảo trở thành "hình mẫu" chống Covid-19.

dai loan to who dat chinh tri tren y te WHO chối việc phớt lờ cảnh báo sớm COVID-19, Đài Loan tung email phản bác

Đài Loan nối dài cuộc khẩu chiến với WHO, đồng thời tiếp tục cáo buộc tổ chức này "chơi chữ " khi đề cập tới ...

dai loan to who dat chinh tri tren y te WHO bác bỏ chỉ trích "phớt lờ cảnh báo sớm" về COVID-19 của Đài Loan

Tổ chức Y tế Thế giới hôm 10/4 bác bỏ thông tin cho rằng, họ đã phớt lờ cảnh báo mà Đài Loan đưa ra ...

/ vnexpress.net