Đại gia BĐS TPHCM nợ thuế trăm tỷ: Chuyện thường

Đối với các doanh nghiệp BĐS tư nhân đang làm ăn khó khăn thì việc nợ thuế cũng là bình thường.

Do lãi suất Ngân hàng tăng đột ngột

Cục thuế TPHCM vừa công bố danh sách 209 doanh nghiệp nợ thuế, đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, có nhiều đại gia tên tuổi nợ thuế hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành nợ trên 5 tỷ đồng.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết: "Đây là việc bình thường đối với các doanh nghiệp làm ăn không được thành công hay thất bại , thì nợ thuế cũng là một khoản nợ - và có tội hơn.

Mặc dù sản phẩm của chúng tôi rất thành công, nhưng trong những năm 2008-2009, mức lãi suất Ngân hàng đột biến tăng lên 25-27%/năm "lấy" hết cả vốn lẫn lãi, nên đây là hậu quả của những năm 2008-2009 kéo dài đến bây giờ.

Công ty BĐS Đất Lành cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, bán hết tài sản công ty kể cả tài sản cá nhân, để bù vào những khoản lãi sinh ra từ năm 2008 trở về đây.

Ông Nguyễn Văn Đực

Trước đây khi doanh nghiệp đầu tư, thì lãi do ngân hàng được dự tính kinh doanh là 8-10%/năm, sau đó do nhiều lý do, nên xảy ra lạm phát gây ra lãi suất kéo lên 25-27%/năm, toàn bộ doanh nghiệp BĐS vay tiền đều bị mất vốn.

Càng đại gia lớn thì càng chết nhiều bằng chứng là Hoàng Anh Gia Lai, rất nhiều chủ đầu tư khác để tồn tại là tự bỏ tiền túi bù lỗ, còn nếu không thì các doanh nghiệp này đã chết từ 2009-2011.

Cho nên, không riêng gì Đất Lành mà có đến hàng trăm doanh nghiệp BĐS khác ở TPHCM cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cho nên, Đất Lành bị nợ 5 tỷ đồng thuế cũng không là gì so với các đại gia khác nợ đến 100 tỷ đồng, còn có nhiều đại gia phá sản bán doanh nghiệp, thậm chí có nhiều người bán hết gia sản mà vẫn không thoát được tù tội.

Có thể nói gần 500 dự án BĐS ở TPHCM hiện nay, số phận cũng đang đứng trước ranh giới phá sản. Những dự án đó chưa lên báo vì tất cả tài sản đã nằm trong Ngân hàng, hoặc âm thầm thay đổi chủ nên không thấy báo đăng một công ty phá sản, nhưng thực sự rất nhiều công ty không còn chủ ban đầu, đã trải qua nhiều chủ khác nhau.

500 dự án đều được thế chấp tại Ngân hàng, nên Đất Lành không phá sản là một may mắn lớn, nợ 5 tỷ đồng là giá phải trả cho việc lãi suất trong vòng 4 năm nó cộng lũy tiến lại trên 100%, nghĩa là khi anh vay 100 tỷ đồng thì trong 4 năm mà lãi 100 tỷ đồng thì không một doanh nghiệp nào chịu đựng nổi giai đoạn đó, hầu hết là thất bại, mất mát rất nhiều".

Bên cạnh đó, theo ông Đực, đối với doanh nghiệp Việt Nam họ có thể dùng tiền cá nhân để cứu nên doanh nghiệp mới tồn tại, còn nếu ở nước ngoài họ sẽ cho phá sản hàng loạt.

Cũng chính vì cứu doanh nghiệp khi đang trên bờ phá sản, mới đưa đến khủng hoảng xây dựng dở dang, nợ đơn vị thi công, nợ Ngân hàng, nợ thuế, nên không còn cách nào để gỡ bài toán " giải cứu " này.

Chừng nào TPHCM gỡ gần 500 dự án chết thì thị trường BĐS mới ổn định. Vì hiện nay có nhiều công trình chưa xong đã nợ hàng trăm tỷ đồng, còn có nhiều doanh nghiệp chỉ có một vài chung cư cũng nợ hàng trăm tỷ đồng, đây là hậu quả của BĐS nói riêng, cũng như nhiều ngành đã chịu đựng nói chung.

Ở góc độ khác, theo ông Đực, trong các ngành, BĐS vay tiền nhiều nhất, vốn 3 đồng vay 7 đồng, nên lãi suất trong 4 năm từ 2008 - 2011 sinh ra 7 đồng, có nghĩa là âm 4 đồng, lúc đó thì phải đem tiền cá nhân đem tiền gia đình bù vào 4 đồng âm để tồn tại. Cho nên số tiền doanh nghiệp phải bỏ tiền cá nhân ra bù là rất lớn, đến mức bù không được thì buông tay.

Vì thế hiện nay mới tồn đọng lại một số loại doanh nghiệp: loại thứ nhất, doanh nghiệp còn hoạt động, dù hoạt động cầm chừng nhưng nợ nhiều, nợ của Ngân hàng, nợ của Thuế nhà nước, nợ các đối tác; loại thứ hai là dự án dở dang, một miếng đất trống hoặc xây xong phần móng, cất nóc mà không hoàn thiện được, nợ Ngân hàng, nợ Nhà nước, nợ khách hàng, nợ phía đối tác. Những dự án nợ nhiều còn khó gỡ hơn dự án chỉ nợ thuế nhà nước.

Đại gia BĐS tư nhân năng động hơn có yếu tố quốc doanh

Trong một diễn biến liên quan, khi biết thông tin không chỉ đại gia BĐS TPHCM mà đại gia Hà Nội cũng nợ thuế nhiều, ông Đực không bất ngờ, nhưng nói về sự khác nhau giữa hai thành phố trung tâm của cả nước, thì theo ông Đực, có thể nói BĐS trong TPHCM tư nhân hoạt động mạnh hơn quốc doanh.

Như Tổng công ty địa ốc Sài Gòn có trên 20 doanh nghiệp trực thuộc, nhưng sự năng động của các doanh nghiệp không nhiều, mức độ khó khăn không lớn vì không làm nhiều dự án.

Một công ty quốc doanh nổi tiếng ở quận A có thâm niên 20-30 năm, nhưng hiện nay chỉ có 3 lô chung cư cao tầng, còn Công ty Đất Lành chỉ trong 10 năm đã đưa ra xã hội 6 lô chung cư, như vậy rõ ràng tính năng động của Đất Lành cao hơn hẳn.

Các doanh nghiệp BĐS có nguồn gốc quốc doanh làm rất chậm, 3-4 năm mới xong 1 lô chung cư, không có chuyện cùng lúc xong 2 lô chung cư. Tư nhân nghèo như Đất Lành thì một lúc 2 lô chung cư, còn tư nhân mạnh thì cũng lúc phát triển 5-10 lô chung cư một lúc.

"Chính sự chậm chạp, không năng động của các doanh nghiệp có nguồn gốc quốc doanh là một phần của vấn đề, giống như người đánh bắt ven bờ, họ không có cá to nhưng được cái an toàn, còn tư nhân mạnh dạn ra khơi xa bờ, nhưng gặp bão tàu không đủ sức thì nguy hiểm - mà còn gặp hải tặc thì xong ", ông Đực nhận định.

/ Châu An/baodatviet.vn