Nạn đói trầm trọng, tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng là những tác động mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ.
Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các hoạt động nhân đạo và có bước đi lớn hơn để hỗ trợ các nền kinh tế đang đối mặt nạn đói trên diện rộng. Tuy nhiên, giá lương thực liên tục leo thang càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Nạn đói ở châu Phi trở nên nghiêm trọng |
Xung đột, bất ổn, các cú sốc kinh tế và tình trạng mất an ninh lương thực tiếp tục kéo dài được xem là những tác nhân khiến tình trạng thiếu lương thực thêm trầm trọng. Hơn 50 triệu người, tương đương 20% số dân, vùng Sừng châu Phi đang đối mặt nguy cơ đói ăn và cần cứu trợ lương thực vào trước cuối năm nay.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nạn châu chấu sa mạc xâm lấn, cùng những tác động của thời tiết khiến tình trạng thiếu lương thực phức tạp thêm. Đông Phi được xem là một trong những khu vực mất an ninh lương thực nhất trên thế giới, với gần 28 triệu người cần cứu trợ lương thực. Gần 45 triệu người ở khu vực phía nam châu Phi cũng đối mặt nguy cơ mất an ninh lương thực do ảnh hưởng của hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh. Số người thiếu ăn từ đầu năm đến nay ở khu vực này tăng gần 10% so cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tại CHDC Congo, gần 22 triệu người đang trong tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng do dịch Covid-19. Trong khi đó, tại châu Mỹ, ít nhất 10,3 triệu người dân Brazil bị thiếu đói trong thời gian từ năm 2017 - 2018. Điều này đồng nghĩa chỉ có 63,3% số hộ dân Brazil được bảo đảm an ninh lương thực. Hiện thế giới có 14 triệu người đang hứng chịu khủng hoảng lương thực và đây là con số cao nhất trong 10 năm qua.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, trong tháng 9 vừa qua, chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng trong tháng thứ tư liên tiếp, trong đó tăng mạnh nhất là giá ngũ cốc và dầu thực vật. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 9 tăng 5,1% so với tháng trước đó và tăng 13,6% so cùng kỳ năm ngoái. Theo FAO, chỉ số giá ngũ cốc tăng do có tác động của hoạt động thu mua ngũ cốc tăng trong bối cảnh có những lo ngại về triển vọng sản xuất ở nam bán cầu cũng như điều kiện khô hạn ảnh hưởng đến việc gieo hạt lúa mì vụ đông ở châu Âu. Tình hình này tác động không nhỏ tới cuộc sống của người nghèo, làm gia tăng nguy cơ đói đối với người dân ở nhiều quốc gia.
Các tác động của dịch bệnh và yếu tố thời tiết, xung đột khiến người dân ở nhiều quốc gia rơi vào khó khăn chồng chất.
Ngay cả tại Mỹ, Trong khi làn sóng COVID-19 mới lan rộng, nhiều hộ gia đình nghèo đang cạn dần lương thực, nguồn hỗ trợ chính của họ là những gói cứu trợ sắp hết hạn.
Theo phân tích của Washington Post, suy thoái kinh tế ở Mỹ đang ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người trong khi các chương trình cứu trợ của chính phủ hoặc đã hết hạn, hoặc sẽ kết thúc vào cuối năm. Các chuyên gia cho rằng nước Mỹ có thể phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng nhất kể từ năm 1998.
Trong tuần qua, cứ 8 người Mỹ thì có 1 người bị thiếu lương thực, ước tính có tới gần 26 triệu người trưởng thành không được ăn uống đầy đủ, tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước đại dịch, theo dữ liệu khảo sát của cục Điều tra dân số từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Nếu xét riêng những hộ gia đình có trẻ em, tỷ lệ người lớn thiếu lương thực là 1/6.
Houston là một trong những nơi bị nạn đói ảnh hưởng nhiều nhất ở Mỹ, cả ngành y tế và kinh tế của thành phố này đều bị đại dịch COVID-19 tổn hại nặng nề. Tỷ lệ người trưởng thành bị đói ở Houston là hơn 1/5, tại các hộ gia đình có trẻ em, tỷ lệ này là 3/10. Đối tượng chịu hậu quả nặng nhất là các hộ gia đình gốc Tây Ban Nha và người da đen, rất nhiều người phải cố gắng đảm bảo nguồn lương thực ngay cả trong điều kiện nguy hiểm.
Cuộc khủng hoảng lương thực này ập đến với người dân Mỹ mà không được báo trước. Quốc hội Mỹ không đạt được bất kỳ tiến triển nào về một thỏa thuận viện trợ đại dịch mới, ngay cả khi các ngân hàng thực phẩm trên khắp đất nước đang báo cáo tình trạng khẩn cấp vào kỳ nghỉ lễ.
Một gia đình đến nhận thức ăn tại sự kiện của ngân hàng thực phẩm Houston. (Ảnh: The Washington Post) |
Sự đói kém không loại trừ nơi nào trên nước Mỹ. Ngay cả ở quận Virginia, một trong những quận giàu có nhất nước Mỹ, tổ chức cứu trợ Loudoun vẫn phải cung cấp thực phẩm cho 887 hộ gia đình trong tuần qua. Số lương thực cứu trợ này nhiều gấp 3 lần trước đại dịch.
“Tất cả đều như một thảm họa”, chuyên gia về kinh tế và an ninh lương thực Diane Whitmore Schanzenbach tại đại học Northwestern cho biết. "Tôi là một người dễ thỏa mãn, nhưng tình hình này thật điên rồ".
Sau khi COVID-19 khiến kinh tế Mỹ suy sụp, tỷ lệ người đói kém được cải thiện phần nào nhờ các gói viện trợ đại dịch trị giá hàng nghìn tỷ đô la, trợ cấp thất nghiệp tăng, các chương trình cung cấp lương thực và khuyến khích các công ty không sa thải nhân viên có biên chế.
Nhưng tất cả đều chỉ có hiệu quả nhất thời, phần lớn các gói viện trợ liên bang dần hết hạn vào tháng 9, và hơn 12 triệu công nhân sẽ mất trợ cấp thất nghiệp trong năm nay nếu Quốc hội không gia hạn các chương trình cứu trợ.
Thêm vào đó, những chương trình quốc hội Mỹ đồng ý gia hạn cũng không diễn ra thuận lợi. Một chương trình hỗ trợ 6 USD mỗi ngày cho các gia đình có con nhỏ phải học ở nhà được gia hạn thêm một năm từ ngày 1/10. Nhưng các khoản thanh toán bị trì hoãn vì nhiều bang cần xin chỉ thị từ Bộ Nông nghiệp Mỹ. Gói cứu trợ này tuy nhỏ, nhưng vẫn là cứu cánh cho những gia đình đang gặp khó khăn.
Tỷ lệ người thiếu lương thực vẫn liên tục tăng cao, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ da đen. Tới 20% các hộ gia đình người da đen cho biết họ bị đói trong tuần qua, gần gấp đôi tỷ lệ mà toàn bộ người Mỹ trưởng thành phải đối mặt.
Phóng viên (t/h)