Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ diễn ra cách đây 5 tuần, nhưng những lá phiếu chính thức phong chức cho tổng thống tiếp theo mới sắp được bỏ.
Khi người Mỹ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tổng thống, họ không trực tiếp bỏ phiếu cho tổng thống. Họ thực sự đang bỏ phiếu cho một nhóm 538 "đại cử tri" tạo nên Cử tri đoàn.
Các đại cử tri sẽ bỏ phiếu vào thứ Hai ngày 14/12, sau khi tất cả 50 tiểu bang và Đặc khu Columbia đã chứng nhận kết quả bầu cử của họ.
Cuộc họp và bỏ phiếu của đại cử tri bang California năm 2016. Ảnh: AP. |
Mỗi đảng phái chính trị có một ứng cử viên trong lá phiếu bầu cử tổng thống sẽ đề cử hoặc bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri của chính mình trong những tháng trước ngày bầu cử. Mỗi tiểu bang có quy tắc riêng để lựa chọn đại cử tri.
Trong quá trình soạn thảo hiến pháp, các nhà lập quốc Mỹ gặp nhiều khó khăn khi định đoạt vấn đề bầu cử lựa chọn người lãnh đạo đất nước.
Thách thức đến từ yêu cầu cân bằng lợi ích của các tiểu bang, với những bộ phận cư dân khác nhau trong xã hội, cùng diện tích đất nước rộng lớn cản trở việc tổ chức cuộc bỏ phiếu dân chủ. Cuối cùng, các nhà lập pháp Mỹ quyết định lập ra hệ thống đại cử tri.
Mỗi tiểu bang sẽ có số đại cử tri tương ứng với số ghế họ có ở lưỡng viện Quốc hội. Ở Thượng viện, mỗi tiểu bang có bằng nhau 2 ghế. Tại Hạ viện, số ghế đại biểu của mỗi tiểu bang sẽ được phân chia theo tỷ lệ dân số của từng bang.
Ứng viên nào giành được nhiều phiếu phổ thông nhất ở một bang sẽ chiến thắng toàn bộ phiếu đại cử tri ở bang đó
Ngoại lệ duy nhất là Maine và Nebraska, nơi số phiếu đại cử tri sẽ được chia theo khu vực. Ứng viên nào giành quá 50% số phiếu đại cử tri sẽ là người chiến thắng cuộc chạy đua tổng thống.
Các đại cử tri đã cam kết ủng hộ một ứng cử viên nhất định, vì vậy họ hầu như luôn bỏ phiếu theo cam kết.
Qua mỗi 10 năm, nước Mỹ lại tiến hành tổng điều tra dân số để phân bổ lại số ghế Hạ viện, qua đó thay đổi số đại cử tri của các bang.
Trong cuộc bỏ phiếu năm 2020, các bang nơi ông Joe Biden chiến thắng về số phiếu phổ thông có thể giúp ông giành 306 phiếu đại cử tri, so với 232 của đương kim Tổng thống Donald Trump.
Cuộc họp của các đại cử tri đoàn sẽ không diễn ra ở một địa điểm. Thay vào đó, đại cử tri đoàn của từng bang sẽ nhóm họp và bỏ phiếu ở thủ phủ bang đó. Cử tri đoàn của Washington D.C sẽ tiến hành thủ tục tương tự ở thủ đô.
Các đại cử tri sẽ bỏ hai phiếu bằng giấy - một cho tổng thống và một cho phó tổng thống. Các lá phiếu được kiểm, sau đó đại cử tri sẽ ký vào 6 giấy xác nhận kết quả. Mỗi phiếu xác nhận sẽ được đính kèm xác nhận về số phiếu phổ thông của tiểu bang.
6 bộ phiếu này sau đó được sao chụp và gửi tới các quan chức theo quy định của pháp luật, trong đó quan trọng nhất là chủ tịch Thượng viện, tức đương kim phó tổng thống.
Sau ngày 14/12, kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri sẽ được gửi tới lưỡng viện Quốc hội. Ngày 6/1/2021, lưỡng viện sẽ tổ chức một cuộc họp chung, do Phó tổng thống Mike Pence - Chủ tịch Thượng viện - chủ trì, để xem xét kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Kết quả bỏ phiếu của từng bang có thể bị thách thức nếu có yêu cầu chính thức bằng văn bản của đồng thời 1 thành viên Thượng viện và 1 thành viên Hạ viện. Khi đó, từng viện sẽ họp riêng và ra quyết định đối với yêu cầu thách thức kết quả bỏ phiếu.
Lịch sử bầu cử Mỹ chưa ghi nhận trường hợp Thượng viện và Hạ viện bất đồng về kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn.
Theo đạo luật kiểm phiếu đại cử tri, khi lưỡng viện liên bang bất đồng, thống đốc các tiểu bang được trao truyền quyết định phiếu nào được tính.
Điều này sẽ có lợi cho ông Biden, bởi các bang chiến trường như Pennsylvania, Wisconsin và Michigan có thống đốc là người của đảng Dân chủ.
Phóng viên (t/h)