- Giá xăng tăng, sản xuất, tiêu dùng đắt đỏ, quỹ bình ổn thừa tiền
- Quỹ Bình ổn giá xăng dầu dư hơn 7.400 tỷ đồng
Vụ ngân hàng cấn nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu hay việc nhiều doanh nghiệp chiếm dụng quỹ này một lần nữa đặt ra dấu hỏi về trách nhiệm quản lý quỹ.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là của người dân đóng góp
Theo Bộ Tài chính, tính đến ngày 15/9, có 5 doanh nghiệp kết chuyển không đúng quy định về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, đó là Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà; Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Minh Đức; Công ty TNHH Xăng dầu Tây Nam S.W.P và Công ty TNHH Trung Linh Phát. Ngoài ra, có 3 doanh nghiệp không phát sinh hoạt động trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đó là Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương; Công ty TNHH Trung Linh Phát; Công ty Cổ Phần Appollo Oil.
Ngoài ra, Báo Giao thông cũng đã phản ánh vụ việc ngân hàng BIDV cấn trừ nợ 270 tỷ đồng tiền nợ của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà. Đáng nói, theo phản ánh của công ty này, số tiền đó là của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước đó, Xuyên Việt Oil cũng bị phát hiện "om" hàng trăm tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu và khó có khả năng thu hồi, khiến loạt lãnh đạo công ty này bị bắt.
Năm 2022, Bộ Công thương cũng từng phải trầy trật giục Công ty Cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM), Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Lý do là các doanh nghiệp này đã bị rút giấy phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự bức xúc trước những bất cập trong quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Đặc biệt ông Hoà nhắc đi nhắc lại việc đặt Quỹ này tại doanh nghiệp.
"Quỹ bình ổn giá xăng dầu là của người dân đóng góp", ĐBQH Phạm Văn Hòa khẳng định.
Ông nói tiếp: "Ở nghị trường Quốc hội, khi đóng góp cho dự thảo Luật Giá, tôi đã phát biểu tôi không chấp nhận Quỹ bình ổn giá xăng dầu đặt tại doanh nghiệp. Nhưng sau cùng Luật Giá ban hành vẫn có quy định đặt quỹ tại doanh nghiệp.
Giờ đây lo ngại của tôi đã trở thành sự thật. Mấy ngày hôm nay truyền thông đã đưa tin việc doanh nghiệp thiếu nợ thuế, lấy Quỹ bình ổn giá xăng dầu đi kinh doanh, không có khả năng hoàn trả, rồi thiếu nợ ngân hàng bị ngân hàng cấn nợ".
Ai phải chịu trách nhiệm?
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, để xảy ra những vụ việc kể trên, Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm việc giao Quỹ bình ổn cho doanh nghiệp. Nếu thất thoát tiền từ Quỹ bình ổn, hai bộ này phải chịu trách nhiệm.
"Trước đó ĐBQH đã lên tiếng rồi là không đồng ý giao cho doanh nghiệp quản lý Quỹ nhưng các bộ vẫn bảo vệ quan điểm để Quỹ này tại doanh nghiệp. Trong khi đó, đây là tiền của người dân góp vào Quỹ. Giao cho doanh nghiệp quản lý nhưng họ có biết doanh nghiệp đó làm ăn ra sao? Nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không đủ năng lực làm đầu mối, nhưng lại cho phép đặt Quỹ tại doanh nghiệp là rất khó hiểu", ĐBQH chia sẻ.
Trước đó, khi trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam đã kiến nghị: Nếu vụ việc chưa được xử lý, Bộ Tài chính, Bộ Công thương - cơ quan quản lý Nhà nước về quỹ cần chuyển hồ sơ để cơ quan pháp luật vào cuộc làm rõ đúng, sai, đảm bảo quỹ này được vận hành đúng quy định của pháp luật.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Phạm Văn Hòa chia sẻ: "Tôi cũng đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là cơ quan công an phải vào cuộc để xem xét từng khía cạnh.
Họp Quốc hội kỳ tới tôi sẽ đặt vấn đề quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với Bộ Công thương và Bộ Tài chính, rằng hai bộ sẽ xử lý và giải quyết như thế nào? Tôi sẽ trao đổi và hỏi tại hội trường. Báo chí cứ phản ánh và cung cấp thông tin đầy đủ cho tôi".