Lãnh đạo một số tỉnh, thành đã xem xét việc thí điểm "phố đèn đỏ" tại các đặc khu kinh tế nhưng do thấy nhạy cảm, phức tạp nên tạm gác lại
Hội thảo về quan điểm, định hướng xây dựng chính sách, pháp luật về mại dâm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, tiếp tục xới lên vấn đề gây tranh cãi nhiều năm nay là nên hình sự hóa hay hợp pháp hóa mại dâm.
Thái Lan làm được, tại sao Việt Nam không?
TS Trần Văn Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật - Bộ Tư pháp, khẳng định chỉ có thể giảm thiểu chứ không bao giờ dẹp được mại dâm. Vì vậy, khi xây dựng luật về phòng chống mại dâm, cần hướng dần đến công nhận mại dâm là một nghề và tổ chức quản lý hoạt động mại dâm trong các khu vực riêng biệt như một số nước đã làm.
"Chỉ như vậy chúng ta mới có thể quản lý cũng như hạn chế tối đa việc lây nhiễm các bệnh về tình dục" - ông Đạt nêu.
Trong khi đó, ông Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em - Bộ Y tế, kể câu chuyện về việc cấm mại dâm ở Thái Lan trước đây. Theo đó, cảnh sát lùng sục bắt bớ người bán dâm, cơ quan y tế không tiếp cận được. Sau đó, Thái Lan trải qua đại dịch AIDS. Vậy mà đến nay, Thái Lan có ngành công nghiệp tình dục, kéo theo du lịch phát triển.
"Tôi gặp một cán bộ Thái Lan, hỏi họ có xem mại dâm là một nghề không, họ bảo không nhưng quản lý rất tốt. Hiện nay, cảnh sát được ngủ ngon, ngân sách thu được tiền, y tế được tiếp cận, ngăn chặn được đại dịch… như vậy là hài hòa lợi ích 2 bên" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Thái Lan, vì vậy chúng ta nên nghiên cứu. Quan điểm của ông là không nên hình sự hóa hoạt động mại dâm.
Còn ông Lê Bạch Dương, đại diện UNFPA tại Việt Nam, nêu rõ dư luận vẫn coi mại dâm là tệ nạn xã hội nên kỳ thị và phân biệt đối xử. Việt Nam cần giải quyết vấn đề mại dâm theo cách tiếp cận tôn trọng quyền con người.
Không nên hình sự hóa mại dâm mà hướng đến tôn trọng quyền con người. Ảnh: PHẠM DŨNG
Nhạy cảm, đụng nhiều thứ!
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ LĐ-TB-XH, khẳng định rõ từ nay đến năm 2020 (thời điểm dự kiến trình luật về mại dâm), ở nước ta không thể thành lập "phố đèn đỏ" và không có nghề mại dâm.
Còn về đề nghị lập "phố đèn đỏ" tại các đặc khu kinh tế, ông Lập cho hay đã có nhiều người, trong đó có cả đại biểu Quốc hội, đặt vấn đề nên có. "Tôi cũng đồng ý với quan điểm khi mở đặc khu kinh tế thì nên có những khu vui chơi giải trí và trong khu vui chơi giải trí thì có casino, khu phố đèn đỏ" - ông Lập nêu.
Tuy nhiên, nếu được Quốc hội, Chính phủ cho phép lập đặc khu kinh tế và có "phố đèn đỏ" trong các đặc khu này thì chính quyền đặc khu hoặc địa phương có đặc khu kinh tế cần phải nghiên cứu kỹ, thấu đáo như: Có nên thí điểm hay không; mở "phố đèn đỏ" và hoạt động trong phạm vi nào, đối tượng nào? Thực tế, một số quốc gia mở casino, họ chỉ cho phép trong phạm vi hẹp và chỉ dành cho người nước ngoài.
Vấn đề thành lập "phố đèn đỏ" khi xây dựng đề án đặc khu kinh tế đã được lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Khánh Hòa xem xét. Ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay khi xây dựng đề án thành lập đặc khu, tỉnh đã tính toán đến chuyện xin phép cho thí điểm khu "phố đèn đỏ". Tuy nhiên sau đó, tỉnh đã quyết định rút, không đưa việc này vào đề án nữa vì đây là vấn đề nhạy cảm, lại liên quan đến rất nhiều ban - ngành. Sau khi thành lập đặc khu, tỉnh sẽ tính toán tiếp có nên hay không.
Còn theo ông Hoàng Đình Phi, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất thông qua "Đề án đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khu Bắc Vân Phong". Trước đây, ông có nghe về đề xuất "phố đèn đỏ". Tuy nhiên, Khu Kinh tế Vân Phong chỉ chuyên về các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất vật chất; còn hoạt động nhạy cảm này, ông không có ý kiến. "Hội thảo có bàn thảo thì tôi thấy khó thực hiện vì đây là lĩnh vực nhạy cảm. Ngay cả dự thảo luật về các ngành nghề có điều kiện cũng không đưa vấn đề này vào" - ông Phi nói.
Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho rằng không nên có "phố đèn đỏ" ở đây vì tất cả các luật pháp hiện hành không có bất cứ quy định nào liên quan đến việc quản lý ngành nghề nhạy cảm này.
"Nếu nói có phố đèn đỏ sẽ vi phạm thuần phong mỹ tục thì các nước khác cũng có thuần phong mỹ tục vậy. Nhưng tại sao họ làm được? Vì họ quản lý chặt chẽ, khung pháp lý rõ ràng. Họ giáo dục giới tính có phương pháp và không tuyên truyền về các dịch vụ này. Ở Việt Nam mà hôm nay có thì ngày mai ngập tràn hình ảnh trên mạng" - ông Hoa nói.
Ông Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Khánh Hòa, cho hay những dịch vụ nhạy cảm không nên làm khi chưa có chủ trương rõ ràng.
Ông HOÀNG XUÂN MINH, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng:
Phải lấy ý kiến rộng rãi
Đây là vấn đề khó, nhạy cảm. Phải xem xét dư luận xã hội như thế nào. Mặc dù nhà nước chưa cho phép nhưng trên thực tế có một số địa phương quản lý chưa tốt thì vẫn xảy ra việc này.
Chúng ta đâu thể chỉ vì kinh tế mà còn phải tính đến vấn đề về văn hóa, thuần phong mỹ tục. Nhiều nước, truyền thống của họ khác mình, họ đưa vấn đề này vào để phát triển kinh tế nhưng Việt Nam còn nặng nề. Do vậy, phải trưng cầu rộng rãi ý dân, không nên áp đặt ý chí.
Các địa phương báo cáo có hơn 15.000 người bán dâm nhưng theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế, con số này khoảng 100.000 người.
Văn Duẩn - Trọng Đức - Kỳ Nam
\'Coi mại dâm là một ngành nghề, lợi nhiều hơn hại\'
Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Trần Văn Đạt ủng hộ hợp thức hóa ngành nghề mại dâm bởi có lợi hơn là hại. |
Các nhà thổ đang dần \'nhấn chìm\' Bangkok
Theo cảnh sát Thái Lan, các nhà thổ đang nhấn chìm thủ đô Bangkok khi lén hút trộm nước ngầm cho các dịch vụ mát-xa ... |
Cảnh sát Thái \'nhận massage\' để bảo kê mại dâm
Năm cảnh sát và một quan chức chống buôn người Thái Lan đang bị điều tra vì cáo buộc nhận hối lộ "dịch vụ" từ ... |