Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 82)

Buổi sáng, tại Tòa án nhân dân tỉnh có cuộc họp ba ngành.

dac biet nguy hiem ky 82 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 81)

Bình đưa Thúy đi vào thăm nhà máy. Các công nhân đang nấu rượu nhìn thấy ông chủ tới vội vàng đứng dậy chào. Bình ...

dac biet nguy hiem ky 82 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 80)

Bình đưa Thúy đi lên thăm cơ sở nấu rượu của mình. Cơ sở nấu rượu nằm ở một làng ven núi. Đây là nơi ...

Ông Tú, Phó chánh Tòa, chủ trì phiên họp:

- Thưa các đồng chí, thứ Hai tuần tới sẽ bắt đầu phiên tòa xử Phạm Bình. Theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đề nghị các đồng chí làm tốt mấy việc sau. Thứ nhất, đề nghị Ban Tuyên giáo và Sở Văn hóa Thông tin cùng phối hợp. Các báo muốn đến đưa tin thì phải có giấy giới thiệu phóng viên đến để làm thẻ ra vào. Tuy nhiên, cũng chỉ hạn chế trong khoảng năm tờ báo là được phép vào trong hội trường quay phim, chụp ảnh. Nhưng cũng chỉ được phép chụp ảnh trong vòng ba phút khi khai mạc phiên tòa. Sau đó, tất cả phóng viên báo chí phải sang hội trường bên cạnh, theo dõi phiên tòa qua màn hình. Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu chúng ta phải nối với một đường dây loa truyền thanh ra ngoài cổng tòa án cho người dân theo dõi. Đây là vụ án xét xử một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm. Cho nên, công tác bảo vệ phải hết sức chú trọng. Chúng tôi đề nghị công an tỉnh cử cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ thực hiện bảo vệ theo ba vòng. Tất cả những ai không có giấy tờ kiên quyết không cho vào phiên tòa. Số lượng người vào tòa cũng chỉ hạn chế trong gia đình nhà Phạm Bình, một số nhân chứng và khoảng hơn chục người là cán bộ công nhân viên công ty.

Một trung tá cảnh sát bảo vệ đứng lên nói:

- Báo cáo các anh, công tác bảo vệ phiên tòa thì các anh yên tâm. Công an tỉnh đã giao cho chúng tôi phương án bảo vệ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề nghị tòa lo bữa cơm trưa cho anh em. Buổi trưa được nghỉ hơn một tiếng mà chạy từ tòa về trại giam rồi lại quay lên thì anh em rất mệt. Rút kinh nghiệm mấy phiên tòa trước là anh em cảnh sát bảo vệ dẫn giải phạm nhân đi về ăn cơm, xong rồi lại sấp ngửa chạy hơn hai chục cây số lên đây, quá vất vả.

Ông Tú, Phó chánh Tòa gãi đầu nói:

- Việc này chúng tôi cũng biết nhưng đồng chí thông cảm, kinh phí xét xử bây giờ khó khăn lắm. Nhưng mà chúng tôi sẽ đề xuất việc này với lãnh đạo tỉnh để xin tỉnh hỗ trợ. Chúng tôi cũng muốn các đồng chí ăn cơm ở tại tòa, nghỉ ngơi ở tại đây luôn. Dự kiến phiên tòa sẽ xét xử trong ba ngày.

dac biet nguy hiem ky 82

Đại diện Viện Kiểm sát nói:

- Về mức án, chúng tôi cũng đã báo cáo lãnh đạo tỉnh và các đồng chí trong khối nội chính. Nói chung các đồng chí đều có ý kiến chỉ đạo là trường hợp này phải xử mức án cao.

Ông Tú nói:

- Tất nhiên là xử mức án cao, vì tội này làm gì có mức án nhẹ. Nhưng vấn đề là còn ra tòa, xem kết quả khai trước tòa thế nào, rồi còn tranh tụng của luật sư.

Một anh cán bộ Viện Kiểm sát lên tiếng:

- Chuyện tranh tụng của luật sư thì có gì đâu. Nhất lại là ông Lương bào chữa. Em sợ ông Lương này cãi thì có khi tội lại còn nặng thêm.

Ông Tú gạt đi:

- Nếu như bây giờ, có một trường hợp có thể gây khó khăn là nhân chứng Vy đã bị chết. Vụ án vẫn chưa tìm ra. Rất có thể là luật sư sẽ vin vào cớ đấy để hoãn phiên tòa. Nhưng tôi cũng đã tính rồi. Lời khai của cô Vy đó dù có hay không thì cũng không thể làm thay đổi bản chất vụ án.

***

Buổi tối, tại nhà ông Sâm. Ông Sâm ngồi với ông Hường, luật sư Hân, luật sư Vũ và Trương.

Ông Sâm hỏi:

- Thế nào, tình hình xét xử vụ thằng Bình có gì phức tạp không?

Đại tá Hường nói:

- Báo cáo anh, cho đến giờ này thì không có vấn đề gì. Hôm nay, Tòa, Viện Kiểm sát và Công an cũng đã họp. Tất cả phương án bảo vệ cũng đã lên xong. Theo chúng tôi biết thì vụ án này xử cũng nhanh thôi. Bởi vì chứng cứ quá đầy đủ.

Ông Hường hỏi:

- Ai sẽ bào chữa cho nhà thằng Hoàng?

Luật sư Vũ nói:

- Dạ thưa anh, em ạ.

Ông Sâm nói:

- Thế còn ông bào chữa cho thằng Bình thì thế nào?

Vũ cười khẩy:

- Ôi, anh nhắc làm gì ông Lương. Luật sư tòa chỉ định thì có vấn đề gì đâu. Ông ấy thì cũng ra cãi gọi là để cho nó có không khí dân chủ. Cái đấy anh không ngại.

Ông Sâm nói:

- Tôi nói với tòa thì không tiện nhưng mà các anh là luật sư, các anh cũng nên vừa phải thôi. Tôi nghe nói là Viện sẽ đề nghị nó án tử hình nhưng tôi thấy như thế thì nặng quá. Nói gì thì nói, nó cũng là một người có đóng góp nhiều cho tỉnh. Còn chuyện chúng nó mâu thuẫn với nhau, giết nhau như thế thì đúng là phải nghiêm trị rồi. Nhưng nếu khép nó án tử hình thì nặng quá. Để cho nó xuống mười lăm năm thì tốt.

Đại tá Hường, luật sư Vũ và Hân nhìn ông Sâm ngạc nhiên.

Ông Hường nói chắc chắn:

- Với tội này thì khung hình phạt không thể có cái án mười lăm hay hai mươi năm đâu ạ. Nhẹ nhất thì cũng phải chung thân. Mà em sợ rằng tòa không nghe đâu. Hôm nọ em đã ướm hỏi ý ông Chánh tòa, ông ấy nói: Làm gì có chuyện, trừ khi có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.

Ông Sâm bảo:

- Tôi nghe nói thẩm phán lần này là nữ phải không?

Đại tá Hường nói:

- Dạ vâng, thưa anh. Thẩm phán nữ ạ. Chị Tiến.

Ông Sâm gật đầu và bảo:

- À, chị Minh Tiến. Hoàng Thị Minh Tiến. Đúng rồi. Tôi cũng nghe nhiều người ca ngợi chị thẩm phán này lắm. Tuy còn trẻ người nhưng mà xét xử nhiều vụ án đều tâm phục khẩu phục. Đặc biệt là cánh báo chí hay thóc mách, dòm ngó nhưng chưa thấy ai chê trách được cô ấy lần nào.

Luật sư Vũ:

- Báo cáo anh, chị Tiến đang được đề cử Phó chánh tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh. Chắc chắn trong vụ này chị ấy sẽ xử không nương tay đâu.

Ông Sâm lắc đầu và nói:

- Xét xử nghiêm khắc thì đúng rồi. Nhưng cũng phải nghĩ đến cái tình một chút. Thôi, tôi nhắc lại, tôi nói với thẩm phán không tiện. Tôi nhờ anh Hường nói với cô ấy là nếu có thể đỡ được cho nó chút nào thì đỡ. Thôi, các anh ngồi bàn việc đi. Tôi đi nghỉ đây. Hôm nay họp nhiều, đau đầu quá. Mà dạo này huyết áp của mình không tốt.

Đại tá Hường vội vàng:

- Huyết áp của anh nếu không ổn thì có khi anh phải lên trên Hà Nội kiểm tra tổng thể, chụp cộng hưởng từ xem động mạch vành có vấn đề gì không.

Ông Sâm bảo:

- Tôi cũng đi kiểm tra rồi. Bác sĩ nói tôi bị tăng huyết áp vô căn. Thế nên bây giờ cứ phải phòng thân là chính. Rượu, bia ít, cũng phải có chế độ làm việc, nghỉ ngơi.

Luật sư Vũ:

- Anh phải tính nghỉ ngơi thế nào, chứ em thấy cường độ làm việc của anh khủng khiếp quá. Em đọc báo tỉnh mà ngày nào cũng thấy anh hoạt động. Sáng đi cơ sở, chiều về họp. Rồi lại giải quyết đủ mọi thứ, rồi lại gặp dân. Mà sao em thấy anh chịu khó gặp dân thế. Anh bảo tình hình xã hội phức tạp như thế này, suốt ngày đơn thư khiếu kiện mất hết cả thời gian tiếp dân thì thời gian đâu để làm những việc khác nữa.

Ông Sâm lắc đầu:

- Tôi vẫn sắp xếp được. Thực ra, công việc mệt không phải là đối với dân. Mệt là mệt trong nội bộ. Tình hình cán bộ đảng viên ở tỉnh ngày một phức tạp. Cho nên, việc giữ đoàn kết nội bộ bây giờ mới đáng lo. Còn người dân thì thật ra rất tốt, rất dễ tha thứ cho cán bộ. Mình sai thì mình nhận. Tôi chưa thấy có trường hợp nào tôi xin lỗi người dân mà người dân phản ứng cả. Như hôm nọ, vụ khiếu kiện về giải tỏa đất cát, làm đường ở huyện Yên Hòa. Tôi xuống kiểm tra và thấy huyện sai, Ban Giải tỏa đền bù làm sai. Giữa Ban Giải tỏa đền bù câu kết với chủ công trình ăn bớt, ăn xén tiền của dân. Tôi xin lỗi dân và cách chức ngay Trưởng ban Giải tỏa đền bù. Thế là mọi chuyện đâu vào đấy ngay. Cứ nói rằng, chúng ta phải lấy dân làm gốc, nhưng tôi nói thật, chính quyền nhiều huyện, phường không lấy dân làm gốc mà lấy dân làm “thớt”.

Đại tá Hường bật cười và bảo:

- Đúng là chỉ có anh mới dám nói điều này.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân