Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 8)

Bình nhăn mặt: "Thằng Trúc này tôi lạ gì. Học hành thì chẳng tới đâu, chữ nghĩa thì giắt lưng được mấy chữ. Bây giờ làm chủ nhiệm thì phải tính toán, phải giao, phải dịch. Thế không có ai khác nữa à?"...

dac biet nguy hiem ky 8 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 7)

Buổi sáng tại nhà Bình. Bình dậy sớm tập thể dục. Anh tập đạp xe trong nhà. Bình cắm đầu cắm cổ đạp cho đến ...

dac biet nguy hiem ky 8 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 6)

Thủy Tiên vùng dậy, nhanh nhẹn đi đánh răng rửa mặt rồi mặc chiếc quần ống tuýp chật căng, chiếc áo sơ-mi màu xanh và ...

Hòa nói:

- Thưa anh. Hiện nay tổ đã tập hợp được 20 lái xe ôm. Hôm qua em đã mời anh em đến và cho thảo luận về các quy định của hợp tác xã chạy xe ôm này thì tất cả đều đồng ý và phấn khởi lắm. Em định xin anh là để cho chú Trúc đây làm chủ nhiệm hợp tác.

Bình nhăn mặt:

- Thằng Trúc này tôi lạ gì. Học hành thì chẳng tới đâu, chữ nghĩa thì giắt lưng được mấy chữ. Bây giờ làm chủ nhiệm thì phải tính toán, phải giao, phải dịch. Thế không có ai khác nữa à?

Hòa:

- Báo cáo anh. Lúc đầu em cũng nghĩ như anh. Nhưng anh thấy đấy, chạy xe ôm thì cần gì phải nhiều chữ. Hơn nữa, thời buổi này, có chữ chắc gì đã có văn hóa. Em thấy, chạy xe ôm quan trọng nhất là phải là những người có văn hóa, nhưng chú Chú Trúc đây, văn hóa còn cao hơn khối người đấy.

Bình gật gù:

- Xem ra, hai anh có vẻ cảm tình với nhau nhỉ. Thôi được tôi giao chú giúp đỡ chú Trúc và quyết định mọi việc của hợp tác xã. Thế mấy chục anh em xin vào hợp tác xã là những người thế nào?

dac biet nguy hiem ky 8

Trúc:

- Dạ, thưa anh. Có 7 người ngày xưa ở cùng trại với anh em mình. Bây giờ nói tên thì có thể có những người anh không biết, nhưng nếu gặp thì chắc là anh sẽ nhớ ra đấy. Có 2 người là tù tha về nhưng ở trại khác. Còn những người kia thì cũng có những người là sinh viên, ra trường chưa có công ăn việc làm.

Bình lại hỏi tiếp:

- Thế bây giờ trụ sở tạm đóng ở đâu? Hệ thống thông tin liên lạc thế nào?

Hòa:

- Thưa anh. Em đã chọn cho các chú ấy một trụ sở rồi. Đó là cái khu nhà kho cũ của mình, nằm ở đường vành đai 3, chỗ gần sân vận động. Khu kho đấy còn thừa một gian, độ khoảng hơn trăm mét vuông, lấy đó làm trụ sở. Còn hệ thống thông tin liên lạc thì em cũng xin anh cho trang bị cho mỗi chú một điện thoại di động. Em cũng đã có các quy định để việc liên lạc cho được tốt.

Bình:

- Làm điện thoại di động hay là làm bộ đàm? Theo tôi, chú làm bộ đàm như taxi thì hơn. Có việc thế này, chú phải tính cho tôi. Số anh em này là chạy xe ôm, nhưng trong đó làm một dịch vụ là chở con cái nhà người ta đi học. Vậy thì mình phải có một trung tâm kiểm soát. Chú tính thế nào thì tính, đầu tư thế nào cũng được, tốn bao nhiêu cũng không ngại, nhưng phải làm thế nào để một anh xe ôm chạy xe đi tuyến nào thì ở nhà biết là anh ta đi đến đó. Chú phải biết rằng, người ta giao tính mạng con người ta cho mình là phải tuyệt đối tin tưởng. Muốn để người ta tuyệt đối tin tưởng thì mình cũng phải thể hiện cho người ta rằng lái xe của mình có muốn làm ẩu, làm bậy cũng không được. Ngay kể cả chuyện mũ bảo hiểm cũng thế. Chú phải chọn mua cái loại mũ thật tốt. Trẻ con có mũ của trẻ con, người lớn có mũ của người lớn. Mà tôi nói, việc này tôi giao cho chú chịu trách nhiệm. Nếu như có việc gì xảy ra, để công an hỏi đến là cứ chú tôi gõ.

Hòa gãi đầu, gãi tai:

- Hay là ông anh để cho em làm Chủ nhiệm hợp tác xã, cho nó nhàn thân. Chứ em thấy làm Phó tổng giám đốc cho anh trong thời buổi này cũng mệt quá.

Bình bật cười:

- Chưa gì đã tự ái rồi. Thôi chú cứ về làm đi. Vậy thì hôm nào có thể ra mắt hợp tác xã vận tải này được?

Hòa:

- Em cũng đã bàn tính là có thể thứ Hai tuần tới cho ra mắt. Từ ngày mai, em sẽ cho quảng cáo trên tất cả báo chí và đài truyền hình ở tỉnh mình. Mà em nói thật với anh, em mới thông báo ở trong công ty mình thôi mà đã có gần năm chục gia đình xin đăng ký sử dụng dịch vụ này rồi.

Bình nói luôn:

- Tôi cũng đăng ký luôn một suất. Đấy, tôi giao cái thằng lớn nhà tôi cho chú Trúc. Hằng ngày, chú làm gì thì làm, chú đến đưa nó đi học rồi buổi chiều chú đón nó về đây cho tôi.

Nghe Bình nói thế, chị Chung tỏ vẻ không bằng lòng. Nhưng biết tính chồng, Chung cũng không dám nói gì hơn.

Hòa:

- Dạ, hôm nay anh có tới công ty không ạ?

Bình lắc đầu:

- Không. Hôm nay tôi có việc. Tôi vẫn tiếp tục công việc của tôi với cô Thúy nhà báo. Nhưng chiều tôi qua công ty. Có việc gì lớn không?

Hòa khẽ khàng:

- Thưa anh. Anh em ở trong công ty cũng đang nói với em xin anh cho họp Hội đồng quản trị để bàn tính xem thế nào. Giá bất động sản xuống dữ dội quá. May mà mấy dự án của mình không bị ảnh hưởng lắm vì thiếu vốn, nhưng bây giờ đọng, không có người mua. Vậy anh có cách nào không?

Bình mỉm cười tinh quái:

- Không việc gì phải lo. Bây giờ bất động sản đang xuống nhưng nó chưa tới đáy đâu. Chú cứ chờ thêm khoảng 3 tháng nữa thì biết. Tôi nghe nói giá dây thừng đang cao đấy?

Hòa ngạc nhiên hỏi:

- Giá dây thừng cao nghĩa là như thế nào ạ?

Bình cười :

- Tay này thật thà quá. Giá dây thừng cao có nghĩa là các đại gia nhà đất vay tiền ngân hàng. Dùng tiền vay ngắn hạn đi đầu tư dài hạn, bây giờ nhà không bán được, lãi mẹ đẻ lãi con, riêng trả nợ ngân hàng đã chết rồi. Thế thì chỉ có mỗi một đường là mua dây thừng, treo lên xà nhà mà dãy thôi.

Chung nói chen vào:

- Anh nói đến là ghê.

Hòa gật gù:

- Tình hình kinh tế như thế này em mới thấy ông anh sáng suốt thật. Đúng là nếu như hồi ấy ông anh không lường ra được, không tính toán trước được thì hôm nay không biết số phận anh em mình thế nào.

Bình:

- Tình hình công ty thì không có gì đáng lo. Nói như vậy cũng không có nghĩa là chúng ta chủ quan. Bây giờ, chú phải tính cho tôi xem làm cái gì đó, để trước mắt, có đồng ra đồng vào, lo trang trải bữa ăn hàng ngày cho mọi người. Rồi còn tiền điện tiền đóm nữa, bớt được đồng nào hay đồng ấy. Hôm nay hoặc ngày mai, chú đi đến Công ty Bất động sản Mạnh Hùng. Nghe nói, công ty này có 3 lô đất với hơn 20 hécta nhưng bây giờ đang muốn bán tống bán tháo đi để trả nợ ngân hàng. Chú xem, nếu mà được thì mình mua vào.

Hòa nhăn mặt:

- Nhưng anh vừa nói là phải giữ chặt tiền, không mua?

Bình gật đầu:

- Làm kinh doanh nó là thế. Người này chết thì là phân bón cho người khác. Có gì đâu mà chú phải lo. Mình còn tiền. Bây giờ rẻ nhưng vài ba năm nữa, kinh tế nó phục hồi, lại chẳng lên vù vù. Chú thấy đấy, người đẻ ra chứ đất có đẻ ra được mét nào đâu. Càng ngày đất đai càng hiếm. Bây giờ chú cứ mua cái chỗ đất của nó, khoanh lại, trồng cỏ, nuôi bò. Thậm chí, chú mua lợn Mường về thả rông chạy ở đó, có khi cũng lãi .

Hòa bật cười bảo:

- Sao anh lại nghĩ ra cái này? Em thấy kinh tế giờ khủng hoảng, nhưng mà làm sao cái nhu cầu mua lợn cỏ, rồi chồn, nhím, rắn… vẫn cứ tăng vù vù. Em ra Hà Nội, thấy các quán bia hơi, các quán nhậu vẫn cứ nườm nượp, chả thấy chỗ nào vắng vẻ đi cả.

Bình xem đồng hồ, thấy đã gần 8 giờ, anh bảo:

- Chắc cô Thúy lại sắp đến rồi đấy.

Vừa nói xong thì đã có tiếng chuông ngoài cổng.

Chung nhìn Bình vẻ tinh quái, nói:

- Gớm, đúng là hai người này có thần giao cách cảm hay sao ấy. Vừa nhắc đến tên một cái là cô ấy đã tới ngay được rồi.

Thúy vào nhà, chào mọi người. Hòa nhìn Thúy rồi tự dưng phá lên cười.

Thúy ngạc nhiên hỏi:

- Anh Hòa cười em cái gì đấy? Mặt em bị nhọ à?

Hoàng bảo:

- Không. Tôi chỉ buồn cười là lúc nãy anh Bình vừa nhắc đến chị Thúy thì y như rằng chị đã tới. Còn chị Chung thì bảo giữa chị Thúy và anh Bình có một sợi dây liên lạc kiểu gì ấy, ừ, gọi là thần giao cách cảm.

Thúy phì cười bảo Hòa:

- Sáng nay, anh ăn sáng cái gì?

Hòa ngạc nhiên trả lời:

- Ăn xôi với trứng, với ruốc.

Thúy đốp luôn:

- Tưởng ăn khoai nước ngứa mồm.

Bình cười phá lên rồi bảo Hòa:

- Nào, thấy đáo để chưa. Người ta bảo hổ đã là dữ, khó dạy rồi, nhưng mà hổ không nham hiểm bằng báo. Mà đã là cái con báo, mà là báo cái, thì cậu biết nó thế nào đấy.

Hiểu ý Bình “châm” mình, Thúy lườm Bình rồi bảo:

- Phải. Báo cái thì con nào mà chả dữ. Nhưng mà nó dữ với ai thôi?

Hòa nói:

- Cô Thúy ơi, tôi nghe người ta nói rằng cô là nỗi kinh hoàng của quan chức tỉnh này phải không? Thậm chí Chủ tịch tỉnh trông thấy cô còn phải lỉnh lỉnh đi đường khác.

Thúy bĩu môi:

- Toàn lời thiên hạ đồn đại vớ vẩn. Em nói thật chứ trong quan chức tỉnh này, em mê nhất Chủ tịch tỉnh đấy. Gớm, ông ấy là cái người rất có hiếu với vợ con, em mà không nghĩ đến điều đấy thì em đã tán ông ấy đổ rồi.

Rồi Thúy im bặt, nhìn thấy Trúc, Thúy hỏi:

- Ơ, hôm nay có một nhân viên mới ở đây à?

Bình lắc đầu bảo:

- Đây là chú Trúc, em gặp rồi còn gì. Hôm ở quán café ấy…

Thúy “à” lên:

- Ồ, nhớ rồi. Dạo này dây “thần kinh ngu” phát triển nhanh quá. Rất hay quên.

Mọi người cười phá lên. Bình nói tiếp:

- Ngày xưa ở cùng trại với anh, nhưng ở phân trại khác. Chú ấy cũng là thầy cúng đấy, lễ bái giỏi lắm. Lên đồng cũng vào loại siêu hạng. Em có cần mở phủ, mở đền thì bảo Trúc nó giúp.

Thúy lắc đầu:

- Em cũng rất hay đi chùa, đi đền nhưng mà em chẳng cầu cúng gì cả. Em chỉ đến chào các vị thần linh rồi bảo các vị phù hộ cho em được mạnh khỏe, bình an, có thế thôi. Còn nếu như cứ đi cầu, đi cúng, mà lại giàu có, không phải làm cũng có ăn, thì có lẽ chùa đền bây giờ mọc lên có khi phải nhiều hơn nhà ở.

Thế rồi mọi người ai đi việc nấy. Chung thì chở con đi học. Hòa và Trúc thì trở về công ty để chuẩn bị việc của mình. Còn lại Bình và Thúy.

Bình hỏi Thúy:

- Em thấy chuyện hôm qua anh kể lại như thế nào? Có được không?

Thúy cười và bảo:

- Hấp dẫn lắm, có lẽ rằng những điều anh kể lại chẳng cần phải gia công thêm bớt gì. Cứ chép y nguyên như thế là thành một câu chuyện.

Bình cười và bảo

- Thì cuộc đời anh cũng đã là cuốn tiểu thuyết mà.

Thúy đế thêm:

- Một cuốn tiểu thuyết có hậu.

Bình cười:

- Chưa chắc. Việc ngày hôm nay còn chưa biết được, làm sao mà biết được ngày mai như thế nào. Cuộc sống bây giờ, vô vàn thứ rủi ro cho nên con người bây giờ không còn tin vào bản thân mình nữa. Em có thấy gần đây người ta đổ xô đi chùa chiền lễ bái ngày càng đông không?

Thúy gật đầu:

- Đúng là người ta đi lễ bái ngày một đông anh ạ.

Bình cười nói:

- Thế đấy, nhưng em có thấy rằng số người đổ đến khấn vái ở đền, đình, chùa, miếu thì có vẻ như là quan chức lại chú trọng hơn là dân thường.

Thúy:

- Cái đấy thì rõ, em đã đi nhiều nơi và thấy rằng, quan chức cúng tiến đền chùa tiền to lắm, nhiều người ghi cúng đến tiền tỉ. Đấy anh bảo không tham ô tham nhũng thì lấy đâu ra tiền để cung tiến nhiều như thế.

Bình thở dài rồi bảo:

- Anh chỉ tiếc là anh không có tài viết văn, chứ anh mà có tài viết văn, anh viết lại chỉ riêng chuyện anh phải mang tiền đi biếu xén, hối lộ quan chức thì có lẽ vô vàn. Có những chuyện mà người ngoài không bao giờ tưởng tượng được.

Thúy bảo:

- Hay là anh kể lại cho em chuyện anh phải mang tiền đi làm ăn như thế nào đi.

Bình lắc đầu nói:

- Không làm thế được và anh cũng không thể nói được.

Thúy hỏi:

- Tại sao?

Bình cười khẽ nói:

- Ai lại thế, mang tiền để người ta giúp mình dự án, mình làm ăn được rồi bây giờ lại đi bới ra thế thì còn giời đất nào nữa. Anh ghét cay ghét đắng những đứa mang tiền đi hối lộ để kiếm lợi, rồi đến lúc không được lại trở mặt nói rằng người ta thế nọ người ta thế kia. Em biết không, sau những ngày ở tù anh thấy rằng, khi chuyển nền kinh tế đất nước từ tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường thì đồng tiền nó quyết định tất thảy. Nó quyết định không những sinh mệnh con người ta, mà nó còn quyết định thay đổi cả phong tục tập quán, thay đổi cả một nền tảng đạo đức, thay đổi cả lối sống. Em nghĩ mà xem, đồng tiền bây giờ có giá trị thế nào và em cần tiền như thế nào. Em không có tiền cho con em đi học thêm thì con em không bao giờ thành học sinh giỏi đúng không nào. Nếu như chưa muốn nói nó sẽ bị cô giáo nghĩ đủ mọi cách để hành nó. Em không có tiền, em vào bệnh viện liệu em có được thuốc men tử tế không? Anh nhớ mãi lần bố nuôi anh ốm phải đưa vào viện, khi chưa kịp đưa tiền họ bỏ mặc ông cụ. Nhưng khi có tiền rồi thì họ chăm sóc, săn đón, họ nhiệt tình cứ thể như ông cụ là bố họ ấy.

Rồi Bình cười buồn và nói tiếp:

- Nói đến đồng tiền thì kỳ lạ, những ngày trong tù anh mới thấy đồng tiền nó ghê gớm làm sao. Em biết không, ở trong nhà giam người ta tổ chức cưới nhau được đấy.

Thúy vừa nhấp ngụm chè, nghe vậy cô bụm miệng cười,

- Anh nói như đùa, trong nhà giam cưới nhau.

Bình nói:

- Thế đấy, thế mà người ta cưới nhau được đấy. Em có muốn biết họ cưới thế nào không? Làm lễ cưới bằng điện thoại ở trại giam.

Thúy ngạc nhiên :

- Làm đám cưới bằng điện thoại ở trại giam?

Bình cười:

- Chỉ cần hai cái ống bơ và một đoạn dây là có thể thành được đường điện thoại thế là chúng cưới nhau. Ôi, cưới qua điện thoại vui lắm. Mà lại còn làm tình qua điện thoại nữa chứ. Trại giam là một thế giới kỳ lạ, một thế giới mà người ngoài không thể tưởng tượng được. Muốn viết về cuộc sống tại trại giam một cách chính xác và chân thực thì chỉ có những người từng ngồi tù mới có thể viết được cuộc sống ở trong trại giam. Mà thôi, nói chuyện lan man nhiều quá. Bây giờ anh lại kể tiếp cho em nghe nhé.

Thúy gật đầu và bảo:

- Vâng! Nhưng hôm nay em chỉ ngồi với anh được hai tiếng đồng hồ thôi vì sau đây em phải đi có việc.

Bình hỏi:

- Việc của tòa soạn hay việc gì?

Thúy bảo:

- Việc riêng, không phải việc của tòa soạn. Em nói thật với anh gần đây công việc của tòa soạn em bỏ mặc, em chán lắm

Bình nhíu mày và hỏi:

- Sao lại chán?

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 8 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 10)

Từ sau hôm đấy, Bình trở thành một trợ thủ đắc lực của bà Tuyến. Ngày thì quần quật chữa xe, tối thì ngồi chia ...

dac biet nguy hiem ky 8 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 9)

Từ ngày có Bình về, cửa hàng ông Biểu đông khách hơn hẳn. Tiếng tăm về một cậu bé mới ở quê ra, chữa xe ...

Nguyễn Như Phong

/ Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân