Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 45)

Tại phòng họp giám đốc của công an tỉnh, có Giám đốc Công anh tỉnh Đại tá Trần Thiều, Phó giám đốc Hường, trưởng phòng Cảnh sát hình sự, một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và ba sĩ quan cảnh sát điều tra.

dac biet nguy hiem ky 45 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 44)

Tại một quán cà phê, Trương cùng hai gã đệ tử, ngồi với một người khoảng hơn bốn mươi tuổi. Đó là Đội trưởng Đội ...

dac biet nguy hiem ky 45 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 43)

Hai tay Bình được khóa về phía trước, việc lấy lời khai bắt đầu. Trong khi đó thì Đại tá Hường, sau khi nghe báo ...

Bà Ất lắc đầu, nói:

- Chúng mày không phải đưa mẹ đi viện. Mẹ khắc biết sức khỏe của mẹ thế nào. Mẹ chưa sao đâu. Nhưng mà việc thằng Bình như vậy, cứ nghĩ đến nó là mẹ không nuốt nổi cơm.

Bỗng có tiếng chuông bấm ngoài cổng, Triệu chạy ra. Một người đàn ông đỗ xe máy đứng ở cổng hỏi:

- Này, thằng em. Đây có phải nhà chị Ngân không?

Triệu nói:

- Dạ vâng, anh gặp chị Ngân ạ.

Người kia có ánh mắt sắc lạnh, đội mũ sùm sụp, liếc nhìn Triệu và hỏi:

- Có phải Ngân, em thằng Phạm Bình không?

Triệu bảo:

- Vâng ạ! Có việc gì đấy anh?

Gã kia nói:

- Gọi chị mày ra đây, tao nói chuyện.

Triệu mở hé cánh cửa và nói:

- Mời anh vào nhà đã.

Gã kia vẫn để xe nổ máy và nói:

- Không. Gọi chị mày ra đây.

Triệu quay vào nhà, kéo Ngân ra và bảo:

- Này, có một người trông lạ lắm đòi gặp chị.

Ngân hỏi:

- Tên là gì?

Triệu nói:

- Anh ta không nói tên. Chị ra xem xem.

Ngân đi ra, nhìn người khách lạ nói:

- Tôi là Ngân đây. Anh muốn gặp tôi.

Gã kia bảo:

- Thằng Bình ở trong trại giam gửi giấy này cho cô.

Nói xong hắn đưa cho Ngân mảnh giấy. Ngân nhìn tờ giấy và thấy chữ ký đúng là của Bình. Ngân không nói không rằng lẳng lặng vào nhà mở tủ và lấy năm mươi triệu đưa cho gã.

Gã đút tiền vào túi rồi nói:

- Cứ yên tâm nhé. Thằng Bình ở trong đấy khỏe, có người chăm sóc chu đáo. Không việc gì phải lo. Chớ có hé răng nói cho ai đấy.

Nói xong hắn phóng xe đi luôn.

Triệu nhìn Ngân và bảo:

- Sao chị đưa tiền cho người ta dễ thế?

Ngân nói:

- Cậu chẳng biết gì. Anh Bình ở trong trại giam. Không đưa tiền cho bọn đầu gấu ở trong đấy, nó hành hạ cho chết.

***

Tại phòng họp giám đốc của công an tỉnh, có Giám đốc Công anh tỉnh Đại tá Trần Thiều, Phó giám đốc Hường, trưởng phòng Cảnh sát hình sự, một cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và ba sĩ quan cảnh sát điều tra. Đại tá Hường - Phó giám đốc Công an tỉnh đọc báo cáo. Tiếng Đại tá Hường sang sảng:

- Theo như kết quả điều tra ban đầu, do có mâu thuẫn với Hoàng trong việc làm ăn. Cho nên Bình đã có nhiều lần đe dọa giết Hoàng và điển hình nhất là vào ngày 20-8, trong một bữa rượu không hiểu xích mích lời qua tiếng lại như thế nào, Bình đã đe dọa là sẽ giết Hoàng. Việc Bình đe dọa giết Hoàng có một số nhân chứng và sau đó chính Bình đã nói với anh Lê Ngọc Trương. Qua kết quả điều tra ban đầu thì thấy, việc Bình giết Hoàng là có chủ mưu và có tính toán từ trước. Việc Bình có quan hệ với một số phần tử xã hội đen trong đảng 3K và hội Tam Hoàng ở Singapore là có thật.

Qua hồ sơ kiểm tra, thấy rằng bọn chúng đã dùng Bình để tẩy rửa tiền bằng cách bán hàng secondhand là các máy công cụ cho Bình với giá cực rẻ. Do chính sách của Nhà nước ta là miễn thuế cho các loại máy công cụ sản xuất cho nên những mặt hàng này được Bình mua về với giá rẻ và bán với giá cao hơn từ ba đến năm lần. Điều đó lý giải được rằng, tại sao trong một thời gian ngắn, chỉ có 5 năm từ ngày ra tù, Bình đã xây dựng được một cơ ngơi lớn như vậy.

Tổng tài sản của Bình theo ước tính là có khoảng hơn một trăm tỉ, với hai trăm hecta đất, một biệt thự ở Hải Phòng, một biệt thự ở khu Ciputra Hà Nội, hai biệt thự ở thành phố Hồ Chí Minh. Tất cả số biệt thự này Bình đã cho thuê. Bình cũng đã xây dựng cho bà mẹ và các cô em mỗi người một dinh cơ khá lớn. Tiền mặt của cá nhân Bình trong tài khoản là 21 tỉ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin chính xác thì số tiền này chưa phản ánh đúng sự thật tài sản của Bình. Chúng tôi đang tiếp tục cho anh em kiểm tra.

Cũng qua kiểm tra giấy tờ, thì thấy được Bình đã hối lộ nhiều quan chức ở tỉnh, trong đó điển hình đó là việc tặng một đôi độc lục bình bằng gỗ cẩm lai cho ông Tấn - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc đô thị của tỉnh. Đôi lọ này trị giá 150 triệu. Sở dĩ Bình biếu đôi lọ này, đó là vì vào thời điểm đó Bình đang làm một dự án mà cần ông Tấn giúp đỡ cấp sổ đỏ cho một lô đất mười hecta. Ngoài ra, theo các nguồn tin chính xác thì để mỗi lô đất được cấp sổ đỏ, Bình đã phải chi cho các cán bộ ở tỉnh như ở Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Địa chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc và chính quyền sở tại và tính trung bình 1m2 là khoảng 20 nghìn đồng.

dac biet nguy hiem ky 45

Nói xong Đại tá Hường ngừng lại, rồi bảo:

- Thưa các anh, nghe con số 20 nghìn đồng 1m2 nghe thì có vẻ rất nhỏ. Nhưng nếu nhân lên với con số hàng trăm hecta mà Bình có, thì đây quả là một con số khủng khiếp.

Đại tá Hường ngừng lời rồi nói tiếp:

- Trong quá trình điều tra, Phạm Bình ngoan cố không nhận tội. Bình luôn luôn kêu oan và nói rằng, Bình đi uống rượu về, tình cờ thấy Hoàng đang bị một nhóm người đánh nằm lăn ở đấy, nên đến xem. Đúng là do có mâu thuẫn từ trước, cho nên Bình đá vào Hoàng, chứ còn Bình không giết Hoàng. Hoàng đã bị kẻ nào giết chết trước đó rồi. Tuy nhiên, theo sự trình bày của nhân chứng, thì rõ ràng Bình đã đánh Hoàng và qua khám nghiệm pháp y thì thấy Hoàng đã bị đánh dập gan, dập lá lách và bị đá dập tinh hoàn. Đây là những đòn rất nặng và thuộc loại đòn độc thủ. Mà chúng ta đều biết Phạm Bình là người rất giỏi võ.

Trước đây, khi ở trong trại giam, không một phạm nhân nào dám bắt nạt Bình vì Bình giỏi võ và đã có lần đánh gục cả bốn, năm người. Một trong những vụ nổi tiếng của Bình, đó là vụ Bình đánh bọn côn đồ hành hung ông Can. Trong vụ đấy, tính can đồ, hung hãn của Bình được thể hiện là mặc dù hắn đã đánh gục những kẻ vào hành hung ông Can. Nhưng rồi sau đó, Bình còn lấy gậy, ghè gãy chân từng đối tượng. Trên cơ sở những tài liệu và chứng cứ điều tra được, cơ quan điều tra đề nghị khởi tố Phạm Bình với những tội danh sau đây: 1 - Giết người; 2 - Buôn lậu; 3 - Hối lộ. Hôm nay chúng tôi báo cáo sơ bộ như vậy để các đồng chí nắm rõ và cho ý kiến chỉ đạo.

Đại tá Hường nói xong, ngồi xuống. Đại tá Trần Thiều suy nghĩ một lát rồi nói:

- Đề nghị các đồng chí ai có ý kiến gì thì đưa ra, chúng ta cùng bàn bạc.

Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói:

- Thưa Giám đốc Công an tỉnh, thưa các đồng chí. Ngay từ đầu, để đảm bảo tính khách quan và trung thực trong việc đấu tranh lấy lời khai của Phạm Bình, bên Viện Kiểm sát chúng tôi đã cử cán bộ đi cùng cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, phải công nhận là Phạm Bình là đối tượng hết sức lì lợm và ngoan cố. Mặc dù chứng cứ là như vậy, nhưng Phạm Bình vẫn ngoan cố không nhận tội. Chúng tôi thấy rằng, đây cũng là điều gây khó khăn cho công tác điều tra. Cho nên, đề nghị Cơ quan điều tra cần tăng cường đấu tranh và thu thập thêm chứng cứ.

Đại tá Thiều hỏi:

- Bây giờ tôi xin đặt từng vấn đề như thế này, để chúng ta cùng xem xét. Thứ nhất, nói rằng Phạm Bình có quan hệ với bọn xã hội đen Đài Loan và Singapore thì chứng cứ ở đâu? Việc Phạm Bình mua hàng secondhand ở bên đấy về thì theo tôi biết, không chỉ có một mình Phạm Bình mà còn có cả Công ty Vạn Bảo của Lê Ngọc Trương - con của Chủ tịch tỉnh Lê Văn Sâm. Vậy các đồng chí đã đối chiếu giá của Phạm Bình nhập về với giá của bên công ty kia chưa. Nếu giá của Phạm Bình nhập về rẻ hơn bên công ty kia tới ba, bốn mươi phần trăm thì đó là điều chúng ta phải xem xét.

Thứ hai, theo thông báo của Cơ quan Interpol Singapore và của Văn phòng Interpol Việt Nam thì chưa có một tài liệu nào chứng minh được rằng, bọn xã hội đen Đài Loan và Singapore đã có mặt tại Việt Nam. Thật ra nói là chưa có mặt ở Việt Nam thì chưa chính xác. Chúng đã sang, đã có khảo sát, đã có ý định thò bàn tay gây dựng một số sòng bạc nhưng chưa đến đâu thì đã bị lực lượng an ninh và cảnh sát phá hết. Từ sau năm 2000, thì không có biểu hiện này nữa. Vậy thì chúng ta phải có chứng cứ hay là chúng ta xử lý theo kiểu nghe tin đồn.

Việc thứ ba, nếu như nói Phạm Bình quyết tâm đánh chết Hoàng, thì phải là mâu thuẫn đến đỉnh điểm. Nhưng giữa hai người này, theo tôi biết thì từ trước đến nay họ không có mâu thuẫn. Nếu như có mâu thuẫn thì cũng mới chỉ là chuyện lặt vặt, từ chuyện đề nghị mua đất. Hoàng đứng ra mua lô đất 20 hecta cho công ty của Lê Ngọc Trương, mà trước đó, tôi cũng đã có lần nghe Chủ tịch tỉnh nói rằng, Lê Văn Trương muốn mua lô đất ấy. Như vậy, không có lý gì để Bình ra tay giết Hoàng.

Việc thứ tư, cứ cho là Phạm Bình giỏi võ thật, nhưng để một mình đơn thương độc mã giết Hoàng là chuyện không hề đơn giản. Nếu như dùng dao, dùng súng thì khác, nhưng đằng này chỉ có một vết rách ở mặt còn ngoài ra là các vết thương kín. Chẳng lẽ đánh nhau, xô xát như vậy mà Phạm Bình không bị làm sao ư? Theo tôi, các đồng chí cần phải bỏ công bỏ sức điều tra kỹ hơn nữa. Tôi thấy với từng này chứng cứá mà đưa ra truy tố Phạm Bình với các tội danh trên là còn thiếu sự thuyết phục.

Đại tá Hường nói:

- Báo cáo với anh, những ý kiến của anh vừa nêu ra về mặt lý thì hoàn toàn chính xác. Chúng ta từ trước nay khi làm công tác điều tra, thì phải theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đó là nguyên tắc suy đoán người vô tội. Pháp luật Việt Nam bao giờ cũng nghĩ đến cái tình. Tuy nhiên, tội phạm hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Và nhiều khi mâu thuẫn bùng phát mà chúng ta không lường được. Theo tôi nghĩ, đúng là Hoàng và Phạm Bình có mâu thuẫn với nhau, nhưng mâu thuẫn không phải là lớn. Có thể trên đường gặp nhau, hai bên xô xát, cãi vã. Phạm Bình đã nổi nóng, ra tay tàn độc để giết Hoàng.

Chúng ta cũng có thể hiểu được Phạm Bình bên ngoài luôn nói năng nhã nhặn, hiền lành, tử tế. Nhưng bên trong thì lại là một người quyết đoán, và khi đã làm việc gì, hắn không từ một thủ đoạn nào. Đặc biệt, hắn là một người nóng tính. Lật lại hồ sơ các vụ trước thì thấy, trong vụ án trước, ngay cô Thủy Tiên - là người yêu của hắn và bố mẹ Thủy Tiên đã nuôi nấng hắn bao năm trời, gây dựng sự nghiệp cho hắn, nhưng rồi khi cơn nóng của hắn nổi lên, hắn vẫn giết cô ấy đấy thôi. Trong trại giam, hắn cũng đã nhiều lần nổi cơn nóng như vậy. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác, chúng tôi đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và các đồng chí bên Viện Kiểm sát cho chúng tôi thêm thời gian để điều tra.

Đại tá Thiều gật đầu và bảo:

- Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí Hường. Chúng ta cần phải có thời gian để thu thập thêm tài liệu. Tuy nhiên, có một việc như thế này. Tôi đề nghị các đồng chí phải hết sức lưu ý: Phạm Bình làm nên tội thì Phạm Bình phải chịu. Nhưng Công ty Hưng Thịnh đang là một công ty ăn nên làm ra ở tỉnh, và thực sự họ đã có nhiều đóng góp cho ngân sách của tỉnh. Theo báo cáo của Chi cục Thuế thì trong những năm qua, Công ty Hưng Thịnh luôn thực hiện các nghĩa vụ thuế rất đầy đủ, các chế độ cho người lao động luôn được đảm bảo. Ngoài ra, Công ty Hưng Thịnh còn tham gia vào công tác an sinh xã hội thuộc loại tốt nhất tỉnh. Vậy thì bây giờ bên cạnh việc điều tra Phạm Bình, các đồng chí phải có biện pháp giúp Công ty Hưng Thịnh ổn định tư tưởng người lao động. Còn nếu như bây giờ để công ty tan vỡ thì hàng trăm công nhân lại phải ra vỉa hè. Đó là điều rất không nên.

Một cán bộ công an giơ tay xin phát biểu:

- Báo cáo đồng chí giám đốc và thưa các đồng chí, ngay sau khi Phạm Bình bị bắt thì một loạt cán bộ chủ chốt của công ty, trong đó có Trần Vũ, rồi có cô nguyên kế toán trưởng trước đây của Bình - đó là cô Kim Chung đã làm đơn xin nghỉ việc. Và hiện nay, số đơn xin nghỉ việc của cán bộ chủ chốt của Tổng công ty là hai mươi lăm người, và nhiều người làm đơn hôm trước, hôm sau họ nghỉ luôn, họ không đến công ty nữa.

Đại tá Hường nói:

- Như vậy không được. Tôi đề nghị các đồng chí phải mời Sở Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng xuống giải thích, ổn định tư tưởng cho mọi người, ai muốn nghỉ thì cũng phải qua đợt điều tra này. Bởi vì theo tôi, chúng ta phải làm rõ về tình hình tài chính và các quan hệ buôn bán làm ăn của Phạm Bình. Nếu cần, thì trước mắt, chúng ta cứ gọi hỏi một số người thân cận của Bình.

Đại tá Thiều lắc đầu:

- Các đồng chí không được làm như vậy. Làm cái gì cũng phải có chứng cứ, chứ không phải mọi việc chưa đâu vào đâu mà đã gọi từng người lên, bắt họ làm hết bản tường trình này đến bản tường trình kia. Rồi báo chí đưa tin ầm ĩ lên là nay bắt người này, mai hỏi người kia. Tôi cũng nhắc lại các đồng chí một điều: trong vụ án này, cá nhân tôi cảm thấy có những điều chưa ổn, và cảm thấy không bình thường. Tuy nhiên, đó chỉ là linh cảm, là trực giác của tôi thôi, còn sự thực vụ án thì phải qua hồ sơ và công tác đấu tranh. Nhưng tôi đề nghị các đồng chí, không được dùng báo chí làm công cụ để hướng dẫn dư luận về vụ án này.

Trước đây, chúng ta đã có quá nhiều vụ án mà khi người chỉ huy đã lợi dụng báo chí, đưa báo chí vào cuộc để làm công cụ cho mình. Báo chí đã thổi vụ án lên từ những vụ bình thường, nhỏ nhặt thành những vụ án tày đình. Và rồi đến khi xét xử, đầu tiên vụ việc tưởng to như con voi, nhưng cuối cùng lại bé như con chuột nhắt. Những việc làm như vậy làm giảm lòng tin của nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật và khiến nhân dân nghi ngờ là các cơ quan bảo vệ pháp luật ăn đút lót gì mà lại xử nhẹ như vậy.

Cuộc họp kết thúc. Mọi người trở về. Anh cán bộ Viện Kiểm sát đi vào phòng Đại tá Hường. Đại tá Hường tự tay pha chè, mời anh cán bộ Viện Kiểm sát rồi nói:

- Ông thấy chưa? Hôm nay quan điểm giám đốc nhà tôi là khác hẳn đấy. Tôi cũng có nghe nói, ngày xưa Giám đốc Thiều chơi rất thân với ông Can ở trại III. Cho nên, chắc là cũng có tình cảm gì đó.

Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói:

- Ôi, việc này tôi nói thật nhé. Nếu như mà chúng ta làm thẳng băng ra, thì đúng là khó có thể kết tội được thằng Bình giết người đấy. Nhưng nếu như không kết tội được nó giết người, thì có khi anh em mình đi trước.

Đại tá Hường cười hì hì và bảo:

- Việc này thì tôi cũng biết rồi. Nhưng với chứng cứ như thế này, thì tôi nghĩ là khó. Tội hối lộ thì không bàn nữa rồi. Việc nó vác một trăm năm mươi triệu đi hối lộ ông Tấn là rõ. Thế còn bây giờ, muốn làm vụ này tôi nghĩ là phải làm kiểu khác.

Anh cán bộ Viện Kiểm sát hỏi:

- Anh định làm kiểu gì?

- Bây giờ phải lấy lời khai của những đối tượng khác để chứng minh hành vi phạm tội của thằng Bình.

Anh ta gật gù và nói:

- Tôi hiếu ý ông rồi. Thôi, các ông làm thế nào thì cứ làm. Nhưng cố gắng kết thúc cho sớm, chứ vụ này cũng không nên để dây dưa làm gì. Dư luận xôn xao lắm.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân