Ông Sâm bảo: Chú Bình này. Tôi có nghe thằng Trương nói về chuyện nó định hợp tác làm ăn với chú. Thì nếu mà anh em hợp tác được với nhau thì quá tốt. Chú thì có tiềm lực, có kinh nghiệm, lại có bản lĩnh kinh doanh, mà cái đấy thì cái thằng Trương này không làm được. Tôi muốn anh em dựa vào nhau để mà tồn tại...
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 26)
Trương gật đầu: Đúng. Thực ra thì bấy lâu nay tôi cũng rất biết anh làm ăn như thế nào. Tất nhiên, tôi chẳng tin ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 25)
Tan bữa tiệc, Trương về nhà nằm không ngủ được. Trong đầu Trương cứ vẩn vơ nghĩ về cơ nghiệp của Bình. Và hắn đã ...Trương nói: |
- Chúng con cũng đã đến đàm phán với nó, nhưng mà nó không nghe.
Ông Sâm cười nhạt rồi bảo:
- Nó không nghe là phải. Bây giờ quy hoạch đã có rồi. Lô đất của nó nếu như để vài tháng nữa thì vô giá. Mà hai mươi hécta đất chứ có phải ít đâu. Cho nên, việc này nó không để là phải.
Bà vợ ông Sâm nũng nịu:
- Thì thế con mới phải nhờ mình chứ. Còn nếu không thì chúng nó đã tự làm ăn với nhau. Thôi, mình giúp con vụ này đi!
Ông Sâm nhăn mặt:
- Mẹ con nhà bà làm ăn, tại sao lại cứ lôi tôi vào các chuyện này! Tôi bây giờ là Chủ tịch tỉnh, quan trên trông xuống, người ta trông vào. Bà thấy đấy, bây giờ lại còn đang thực hiện Nghị quyết Trung ương VI lần hai, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cho nên là cứ nhoi thằng nào ra là chết ngay thằng đó. Làm ăn tiêu cực bây giờ là phải cẩn thận lắm!
Bà Sâm cười nói:
- Mình cứ làm như là mẹ con nhà em không biết gì ấy. Này, cái trung ương sáu lần hai chứ có trung ương sáu lần thứ hai trăm thì cũng thế thôi. Đấy, mình thế đấy, có ai bị tội gì đâu. Cứ bảo rằng là phải thế nọ, thế kia, nhưng rồi mình thấy có ông nào bị kỷ luật vì cái lần hai, lần ba đấy đâu.
Ông Sâm giọng dịu lại:
- Thế cái lô đất ấy mày định mua của nó với giá bao nhiêu?
Trương:
- Bọn con tính toán rồi, nếu như được lô đất đấy bán đi con cũng lãi được hai mươi tỉ.
Ông Sâm ngạc nhiên:
- Sao lại lắm thế?
Trương bảo:
- Vâng ạ, đã có đại gia ở Hà Nội lên đặt giá rồi. Giờ chỉ cần bố nói với nó là xong. Tất nhiên, nó bán cho con thì cũng không phải là nó cho không, biếu không. Nếu như so với số vốn nó bỏ ra ngày xưa thì đã là lãi gấp bốn, gấp năm rồi.
Ông Sâm nói hờ hững:
- Thôi được rồi, việc này để tao nghĩ đã. Nhưng mà theo tao, tốt nhất là mày cùng với cái đám bạn bè làm ăn của mày bàn tính, chứ còn chuyện này, đừng có để tao dính vào.
Trương nói:
- Thì tất nhiên, bố chẳng dính vào, nhưng bố nói một lời bằng con nói bao nhiêu.
Bà Sâm nói với chồng:
- Mình ạ, thôi, mình ra tay giúp thằng Trương chuyến này đi. Em xem tử vi cho con rồi, vận nó năm nay là không tốt, thế nhưng mà đến cái lúc khó lại có quý nhân phù trợ. Thì bây giờ mình hãy làm quý nhân cho con đi.
Ông Sâm thở dài:
- Phải. Bao nhiêu năm nay tôi làm quý nhân cho mẹ con nhà bà rồi. Mà rồi tôi không biết cái chức Chủ tịch của tôi liệu có yên được với mẹ con nhà bà không đây.
***
Mấy ngày hôm sau.
Một buổi sáng, Bình đang ở văn phòng thì có điện thoại. Bình nhấc máy:
- Alô. Dạ, tôi Bình xin nghe đây ạ.
Ở đầu dây bên kia, tiếng của ông Sâm đon đả:
- Chào cậu Bình. Mình Sâm Chủ tịch đây.
Nghe thấy nói “Sâm Chủ tịch”, Bình giật mình, vội vàng ngồi ngay ngắn lại:
- Dạ, em chào anh ạ. Sao hôm nay Chủ tịch lại gọi cho em thế này? Chắc là có chuyện gì vui chăng?
Tiếng của ông Sâm:
- Gọi là vui cũng được mà không vui cũng được. Nhưng mà thôi, chiều hôm nay, tôi muốn mời cậu ăn cơm cùng gia đình nhà tôi. Tôi nghe thằng Trương nói nó ngưỡng mộ cậu lắm.
Bình suy nghĩ. Anh đã định từ chối nhưng mà rồi thấy không tiện, anh bảo:
- Dạ vâng ạ. Thưa anh, mấy giờ ạ?
Tiếng của ông Sâm:
- Cứ độ khoảng sáu giờ đến nhà tôi đi. Ăn ở nhà cho nó kín đáo. Ở trong Thanh Hóa người ta gửi ra cho ít gỏi cá nhệch. Ngon lắm! Chiều nay đến nhé, tôi chờ. À này, đưa cả vợ đến nhé! Bà xã nhà tôi cứ muốn xem mặt cô ấy, nghe nói cô ấy xinh nhất tỉnh này.
Bình bảo:
- Dạ thưa anh, nhà em cũng đang bụng mang dạ chửa, đi lại khó khăn. Anh để cho dịp khác ạ.
Tiếng ông Sâm vui vẻ:
- Ô thế à! Vợ sắp nằm ổ à? Con trai hay con gái?
Bình trả lời:
- Dạ thưa anh, nhà em sinh cháu trai đầu ạ.
Ông Sâm nói:
- Tốt quá! cứ phải có thằng chống gậy cho chắc. Rồi, thôi cứ chúc mừng cậu trước đã. Này, khi nào cô ấy sinh con, nếu như cậu mà đồng ý, cho tớ làm bố đỡ đầu cho cháu bé nhé.
Bình ngạc nhiên. Anh chỉ còn biết nói:
- Ôi nếu được thế thì phúc đức nhà em quá!
Ông Sâm cúp máy. Bình ngồi thừ ra một lúc rồi gọi Phó tổng giám đốc Vũ và Chung vào và hỏi:
- Tại sao hôm nay ông Sâm lại mời mình ăn cơm là thế nào nhỉ?
Phó tổng giám đốc Vũ nói luôn:
- Em nghĩ chả có việc gì ngoài cái việc thằng con ông ấy chắc lại về vặt đầu vặt tai nhờ bố ép anh bán cho lô đất kia. Có thế thôi!
Chung cũng gật đầu và bảo:
- Chắc chỉ có việc này thôi anh ạ.
Bình hỏi:
- Vậy nếu ông ấy đặt vấn đề thì mình sẽ trả lời thế nào? Bây giờ từ chối không bán thì không khéo ông ấy giở thủ đoạn thì mình chết, mà bán thì tiếc lắm. Lô đất ấy mình giữ mấy năm nay rồi. Tất nhiên là bán bây giờ thì cũng có lãi nhưng mà tiền bây giờ chả để làm gì cả, để đất tốt hơn.
Phó tổng giám đốc Vũ bảo:
- Theo em, anh nên nói luôn là anh đã ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài xây dựng rồi.
Bình bảo:
- Nói thì dễ nhưng mà có cái gì qua mặt được ông ấy đâu. Ông ấy mà đi hỏi, mình không có dự án thì còn chết nữa. Thôi, tối nay cứ đến đấy rồi tùy cơ ứng biến.
Tối hôm đó, Bình đến nhà ông Sâm. Vợ chồng ông Sâm ra đón Bình vui vẻ vô cùng. Bà vợ ông Sâm, tên là Sương cười nói giả lả:
- Chào chú Bình! Nghe tiếng chú mãi, hôm nay mới được gặp. Gớm, chú bây giờ là người nổi tiếng nhất tỉnh đấy!
Bình nói:
- Dạ, em chào chị! Có gì đâu mà nổi tiếng chị, bọn em dân làm ăn.
Rồi Bình nói tiếp:
- Dạ, thưa chị, anh chị cho đến uống rượu thế này, em vui lắm. Em có chút quà này biếu chị.
Thế rồi Bình đưa cho bà Sâm một túi da màu đen mà anh đi mua ở Singapore về. Bình bảo:
- Dạ, chị dùng thử cái túi này ạ.
Bà Sâm cầm cái túi nói:
- Ôi, cái túi đẹp quá!
Rồi bà khẽ kéo phéc-mơ-tuya ra và ánh mắt của bà nhìn rất sành sỏi liếc ngay thấy một phong bì dày cộp trong đó. Bà nói:
- Cám ơn chú Bình nhé! Thế là từ nay tôi có cái túi để diện rồi!
Ông Sâm bảo:
- Gớm! Bà thì thiếu gì túi mà cứ kêu là không có túi để diện!
Bà Sương phân trần:
- Nhưng túi của em là toàn hàng Tàu.
Ông Sâm bắt tay Bình rồi bảo:
- Tôi với chú là gặp nhau nhiều nhưng hôm nay anh em mình mới ngồi uống rượu với nhau một bữa. Mà tôi thấy cách làm ăn của chú qua báo cáo của Sở Công Thương vừa rồi rất là hay đấy! Có lẽ rằng là tới đây chú cũng phải tham gia cái việc gì vào cho cái việc quốc kế dân sinh ở tỉnh mình.
Bình nói:
- Chết, anh nói thế em tổn thọ. Em thì làm được cái gì. Anh bảo, loại như chúng em, thôi thì buôn bán lặt vặt, cũng may có được ít cơ hội trong buôn bán nhà đất thì cũng có chút gọi là của ăn của để, chứ còn làm cái gì lớn thì làm sao làm được.
Ông Sâm bảo:
- Không! Tôi nghe nhiều người báo cáo chú làm ăn sáng tạo lắm! Mà chú lại là người có tâm. Cái chuyện chú xây nhà cho học sinh, rồi đầu tư cho trường nọ, trường kia, cái đấy ở tỉnh đánh giá cao lắm. Tôi đang có dự định, tới đây tôi sẽ giới thiệu chú vào Hội đồng nhân dân tỉnh. Thế rồi có lẽ là chú cũng phải tham gia vào công tác an sinh xã hội của tỉnh, thành viên của Mặt trận Tổ quốc. Cuộc đời còn dài, mình phải phấn đấu! Thôi, chúng ta vào mâm đi!
Rồi ông Sâm nhìn đồng hồ và nói:
- Quái lạ, cái thằng Trương này. Giờ này vẫn chưa thấy nó vác mặt về là thế nào?
Bà Sương bảo luôn:
- Con vừa gọi cho em. Nó bảo có đối tác ở Hàn Quốc đang đàm phán với nó nên nó về muộn một tí.
Vừa nói xong thì đã có tiếng chuông bấm cửa. Người phục vụ ra mở cửa rồi quay vào nói:
- Dạ, thưa ông bà, anh Trương về ạ.
Trương vào nhà. Trông thấy Bình, Trương vui vẻ:
- Chào anh Bình. Xin lỗi, tôi về hơi muộn một chút. Ơ nhưng mà chưa ngồi vào mâm cơ àâ!
Mọi người ngồi vào mâm, ông Sâm ân cần hỏi Bình:
- Chú Bình uống rượu gì? Rượu Tây, rượu ta hay rượu Hàn Quốc, Nhật Bản?
Bình nói:
- Dạ, anh cho em uống cái gì cũng được ạ.
Trương nói luôn:
- Bố biết không, anh Bình đây là tửu lượng khá lắm đấy!
Bình lắc đầu:
- Ấy chết, không phải đâu. Họ đồn đại đấy. Thưa anh chị là em uống rượu chán lắm. Uống năm xu rượu có mà say cả ngày.
Ông Sâm lắc đầu bảo:
- Chú cứ khiêm tốn. Gớm, cái chuyện chú lấy được cái con ca sĩ người mẫu đấy, cả tỉnh này là phải lác mắt. Mấy ông nhà thơ, nhà văn ở đây bảo rằng, suốt ngày văn chương thơ phú ca ngợi vẻ đẹp phụ nữ nhưng có phụ nữ đẹp nào đi lấy mấy cái lão nhà văn, nhà thơ đâu, mà phải lấy những đại gia.
Bình nói:
- Thì thôi là cái duyên, cái số mà anh.
Bà Sâm bảo:
- Lẽ ra là hôm nay chú phải đưa thím ấy đến đây. Nhưng mà thôi, cứ để thím ấy mẹ tròn con vuông rồi chị em chúng tôi sẽ tự khắc tìm gặp nhau.
Ông Sâm nói:
- Nào thôi, chúng ta ngồi vào mâm. Hôm nay, tôi có chai rượu Trung Quốc hôm nọ ông Phó thị trưởng đặc khu Thâm Quyến sang đây bàn hợp tác làm ăn với ta, ông ấy biếu tôi hai chai Mao Đài. Hôm nay, chúng ta uống Mao Đài nhé!
Trương nói, vẻ sành sỏi:
- Ôi, đừng uống Mao Đài bố ạ! Thứ rượu này thơm thì thơm thật nhưng mà nặng lắm, uống vào cháy cổ đấy. Bố cứ lấy cái rượu sâm ấy, uống cho nó lành.
Ông Sâm hỏi Bình:
- Ý chú Bình thế nào? Uống rượu gì?
Bình bảo:
- Dạ, anh cho em uống cái gì cũng được ạ.
Thế rồi ông Sâm mở tủ lấy ra chai rượu sâm Hàn Quốc và đưa cho vợ. Bà Sâm mở chai và rót rượu vào ly cho mọi người. Ông Sâm trịnh trọng:
- Thôi, lần đầu tiên được chú Bình đến nhà ăn cơm, nhà tôi rất vui. Xin chúc mừng sự thành công của chú! Chúc thím lần này sinh cháu trai “mẹ tròn con vuông”! Và tôi nhắc lại nhé, sinh em béá xong là tôi xin được làm cha đỡ đầu cho cháu đấy!
Bình nói:
- Dạ, em cám ơn anh chị ạ. Nếu được thế thì may mắn cho nhà em, cho cháu quá!
Bữa cơm khá thịnh soạn. Có đồ hải sản và cả thịt thú rừng. Rượu uống được hai, ba ly thì ông Sâm vào cuộc.
Ông Sâm bảo:
- Chú Bình này. Tôi có nghe thằng Trương nói về chuyện nó định hợp tác làm ăn với chú. Thì nếu mà anh em hợp tác được với nhau thì quá tốt. Chú thì có tiềm lực, có kinh nghiệm, lại có bản lĩnh kinh doanh, mà cái đấy thì cái thằng Trương này không làm được. Tôi muốn anh em dựa vào nhau để mà tồn tại. Thế còn việc gì liên quan đến chính quyền, khó khăn thì có anh đây giúp đỡ.
Bình nói:
- Dạ, chúng em cũng đang định bàn hợp tác với nhau đây anh ạ.
Ông Sâm gật đầu:
- Ừ, nếu thế thì tốt.
Trương nói luôn:
- Anh Bình ơi, thế cái chỗ xe máy thì bây giờ anh xử lý thế nào?
Bình nói:
- À, tôi đang định ngày mai gửi công văn cho anh. Trước hết là tôi đồng ý mua lại giúp anh chỗ xe đấy, nhưng mà anh cũng phải thông cảm, chuyện mua bán thì anh em mình nó cũng phải minh bạch. Cái gì cho nhau được thì cho, còn đã mua bán thì liên quan đến thuế má, cho nên anh phải giúp chúng tôi.
Trương tươi nét mặt và nói:
- Ôi, cái chuyện đấy thì đơn giản!
Bình nói luôn:
- Cái báo giá của anh cho bên này thì nói thật là cao quá. Ai lại cao hơn đến hơn bốn mươi phần trăm. Như thế thì không được. Anh tính xem, nên giảm đi. Thôi bây giờ như thế này. Cái số xe máy đấy anh để ngày nào lỗ vốn lãi vay ngân hàng ngày đấy. Cho nên, tôi mua lại cho anh bằng với giá nhập khẩu của anh. Thế là cũng để giải quyết cái sự tồn đọng cho anh.
Trương thở dài và nói:
- Kể ra, nếu thế thì cũng đã là tốt rồi. Nhưng mà, trong cái đống xe đấy, bọn tôi lỗ quá! Anh xem hay là giúp cho được ít nào không?
Bà Sương nói luôn:
- Thôi, anh em trong nhà với nhau, đã uống với nhau chén rượu này, coi như anh em chúng bay đã kết nghĩa vườn đào rồi. “Lọt sàng thì xuống nia”, rồi “Chú khi ni, mi khi khác”, có ai nắm tay được từ tối đến sáng đâu? Hôm nay, thằng Bình giúp thằng Trương thì ngày mai, đến lúc thằng Trương ăn nên làm ra được thì lại cũng phải có trách nhiệm với thằng Bình. Anh em với nhau, sống ở đời, cái tình là chính. Chứ còn mấy cái đồng tiền, kiếm được hôm nay, ngày mai lại mất. Theo chị thì chú cứ mua cho nó bằng cái giá gốc với lại cộng thêm cho nó bằng cái lãi suất ngân hàng cho nó đỡ thiệt thòi. Mà nói thật nhé, cộng cả cái lãi suất ngân hàng thì đây là chú giúp cho nó, để cho nó cũng mở mày, mở mặt với người ta. Chứ không, mang tiếng con chủ tịch tỉnh, kinh doanh làm ăn thua lỗ, bây giờ phải đến nhờ chú Bình giúp nó như thế, nói thực, cũng hơi muối mặt. Mà người ta bảo rồi, “Chó gầy hổ mặt người nuôi”, thằng Trương có làm sao thì cũng lại khổ ông ấy.
Ông Sâm nói:
- Anh em mày tính với nhau thế nào thì tính, hãy để cho tao yên! Tới đây, có thể Trung ương sẽ đưa tao ra Hà Nội làm việc khác. Mà tình hình Nghị quyết Trung ương VI lần hai đang làm gắt như thế này, để có điều tiếng không lợi, nhất là người ta lại xì xèo dính dáng đến con cái dựa thế bố để làm giàu.
Bình cố nén một tiếng thở dài và bảo:
- Thôi, thế này anh em mình cứ thỏa thuận với nhau rằng, coi như là tôi mua giá gốc cộng thêm với tiền lãi ngân hàng. Từ ngày đấy đến giờ, hết bao nhiêu, tôi trả bấy nhiêu.
Trương tươi mặt và cầm ly nâng lên:
- Dạ, thế thì tốt lắm. Xin cám ơn anh!
Rồi làm được vài hớp rượu nữa, ông Sâm lại nói:
- Này, Bình ạ. Cậu bây giờ là có tất cả hơn hai trăm hécta đất rải khắp tỉnh này. Mà giữ nhiều quá làm gì. Thôi, cái mảnh đất hai mươi hécta mà hôm nọ thằng Trương nó đã đặt vấn đề thì chú xem thế nào, giải quyết cho nó, để cho nó kiếm mấy đồng có vốn làm ăn.
Bình bảo:
- Dạ, thưa anh. Việc này anh để cho em suy nghĩ thêm bởi vì em cũng muốn giữ cái mảnh đất này. Còn tất cả các lô đất khác, bất cứ chỗ nào, nếu như Trương thích thì em sẽ để lại cho anh ấy với cái giá rất là phải chăng thôi!
Ông Sâm bảo:
- Thật ra thì cái mảnh đất chỗ đấy thì mới là quý, mới mời đến cậu, chứ còn ở các chỗ khác thì nói làm gì. Tôi có thể nói với Sở Tài nguyên Môi trường cắt cho thằng này thêm dăm chục hécta ở chỗ khác được nhưng mà tôi không muốn. Thôi, cái việc này coi như là tôi có lời với cậu thì cậu tính thế nào thì tính, nhưng mà giúp cho em nó, nhé! Nào, thôi, chúng ta cứ đồng ý như vậy.
Nói rồi, ông Sâm nâng ly:
- Nào, thôi, chúc cho anh em chúng bay hợp tác với nhau thật tốt. Làm ăn với nhau thì nhớ phải bảo ban nhau, chứ còn, tao nhắc lại, chớ có để cái gì phiền lụy đến tao đấy! Đêm hôm ấy về nhà, Linh thấy chồng cứ nằm trằn trọc. Cô hỏi:
- Làm sao tối nay anh khó ngủ thế?
Bình ngồi dậy, thở dài bảo:
- Hôm nay, ông Sâm ông ấy ép anh phải bán hai mươi hécta đất cho thằng Trương con ông ấy.
(Xem tiếp kỳ sau)
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 29)
Ông đặt tờ giấy lên bàn, lấy chén chặn lại. Rồi ông lên giường đắp chăn ngang ngực và lấy súng kê vào tai. Đúng ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 28)
“Hôm Bình được cầm giấy ra tù, ông Can vui lắm. Ông tổ chức một bữa cơm khá thịnh soạn ở ngay tại nhà, mời ... |