Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 28)

“Hôm Bình được cầm giấy ra tù, ông Can vui lắm. Ông tổ chức một bữa cơm khá thịnh soạn ở ngay tại nhà, mời một số cán bộ trại giam, quản giáo rồi cả một số bạn tù của Bình đến ăn cơm.

dac biet nguy hiem ky 28 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 27)

Ông Sâm bảo: Chú Bình này. Tôi có nghe thằng Trương nói về chuyện nó định hợp tác làm ăn với chú. Thì nếu mà ...

dac biet nguy hiem ky 28 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 26)

Trương gật đầu: Đúng. Thực ra thì bấy lâu nay tôi cũng rất biết anh làm ăn như thế nào. Tất nhiên, tôi chẳng tin ...

Linh cười tinh quái và bảo:

- Thế anh quyết định thế nào?

Bình bảo:

- Anh chưa quyết định thế nào cả.

Linh nói luôn:

- Theo em, cũng phải bán thôi, chứ không bán, không xong được với bố con nhà lão đâu. Mà phi vụ này, anh để em.

Bình nói:

- Thôi, em đang sắp đẻ đến nơi rồi, dính dáng vào chuyện làm ăn làm gì.

Linh bĩu môi nói:

- Anh hơi coi thường em đấy! Em nói thật nhé, từ ngày về làm vợ anh đến giờ, em bỏ chuyện buôn bán bất động sản. Chứ còn cứ để em thả sức tung hoành thì giờ cũng không biết như thế nào đâu.

Bình bật cười:

- Em này, lãi được đồng nào thì son phấn, váy áo là hết, làm được cái gì. Thôi cứ yên vị ngồi đây, tiền đấy, em tiêu có hết đâu.

Linh bảo:

- Thế anh tưởng cứ ngửa tay nhận tiền của chồng để tiêu là sướng à? Em cũng muốn phải làm ăn, mở mày mở mặt với thiên hạ, chứ cứ mang tiếng vợ đại gia, ăn bám chồng ấy thì nó còn ra cái gì nữa?

Rồi Linh bảo luôn:

- À, sắp tới, mấy khu nhà anh đang hoàn thiện, sơn tường, anh để cho chỗ anh Quynh Kova sơn nhé!

Bình nói:

- Sao lúc nào em cũng cứ quan tâm tới cái thằng Kova ấy nhờ? Bây giờ, nhiều hãng sơn khác còn hay hơn nhiều. Mà sơn của nó đắt kinh khủng, đấy là anh chưa nói lần trước nó còn trộn sơn đểu vào, anh phát hiện ra gần năm mươi thùng. Anh không thích làm ăn cái kiểu làm ăn chộp giựt như thế!

dac biet nguy hiem ky 28

Linh ôm lấy chồng nũng nịu:

- Thôi mà anh. Dù sao thì cái tay Tổng giám đốc đấy với em cũng là bạn bè với nhau. Anh giúp nó đi. Em hứa với anh nó sẽ không dám bán hàng đểu cho anh nữa đâu. sau cái vụ đấy, em đã làm cho nó một trận té tát rồi. Nó hừa với em, tuần tới nó đến để được tạ tội anh.

Rồi Linh lại bảo:

- Theo em, bố con nhà ông Sâm đã mặn mua cái mảnh đất ấy thì anh bán quách cho nó yên thân.

Bình lắc đầu bảo:

- Không. Mảnh đất ấy anh không thể bán được.

Linh lại hỏi:

- Thế nếu anh không bán mà họ cứ lấy sức ép bắt anh phải bán thì sao?

Bình cười nhạt:

- Hay nhỉ! Bắt làm sao được! Bán hay mua đó là quyền của anh. Đất đai anh mua bán hợp pháp, giấy tờ sổ đỏ đàng hoàng. Nếu như mà là lấy đất của anh làm dự án dân sinh, phục vụ các công trình an ninh quốc phòng thì Nhà nước lấy thế nào anh cũng đồng ý, không thắc mắc. Nhưng mà đây, họ muốn mua lại của mình cũng chỉ để xây siêu thị, kinh doanh thì phải sòng phẳng. Thứ nhất là về giá cả; thứ hai là anh có thích bán hay không. Mà anh nói em nghe, bán làm gì? Bây giờ, mảnh đất ấy, nếu như để vài tháng nữa, giá nó phải gấp ba, bốn lần. Lãi là bao nhiêu? Còn nếu như mảnh đất ấy, bây giờ anh xây dựng một tổ hợp khách sạn, mà đã có người đồng ý đầu tư rồi. Đó là đối tác của Hàn Quốc, họ muốn xây ở đấy một khu tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại. Nếu như xây xong, liên doanh xong thì cứ ngồi đấy hái ra tiền mà sống, việc gì phải lo cái gì nữa? Cho nên anh chẳng sợ gì chuyện làm khó dễ cả!

Linh thở dài bảo:

- Anh bướng lắm! Quyền thế trong tay người ta, nếu như anh không đồng ý, họ cho tay chân sinh chuyện với anh thì làm thế nào?

Bình hỏi:

- Thế em bảo sinh chuyện cái gì? Anh làm cái gì mà sinh chuyện với anh?

Linh nói:

- Anh nhìn cái gì cũng thẳng băng như mực Tàu. Người ta bảo “miệng kẻ sang có gang có thép”. Quyền thế trong tay thì họ bảo phải thành phải, trái thành trái. Ở cái đất nước này làm gì có luật. Luật nước mình là luật rừng. Cho nên, anh suy nghĩ cẩn thận đấy! Mà em cũng nghe nói, thằng Trương nó còn cầm đầu một băng nhóm xã hội đen lớn lắm. Bọn đấy cá độ bóng đá, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, đủ trò đủ kiểu.

Nghe Linh nói, Bình thấy bực mình. Bình bảo:

- Đời anh đã vào tù một lần rồi, anh đã quá hiểu nhà tù như thế nào rồi. Còn bọn nó thì “chưa thấy nhà tù chưa đổ lệ” đâu. Thôi, ngủ đi em, việc đấy cứ để sau.

***

Thế rồi, vài ngày hôm sau, Trương lại tới chỗ Bình. Và lần này, hắn chẳng úp mở gì nói:

- Anh Bình ạ. Hôm nọ, ông già tôi đã nói với anh rồi, thôi thì anh để lại cho tôi lô đất đấy đi.

Bình lắc đầu:

- Việc này anh để cho tôi suy nghĩ thêm. Chứ thực lòng tôi không thể bán lô đất này được. Tôi có thể bán hết chỗ khác nhưng lô đất này thì tôi không muốn.

Trương nhăn mặt nói:

- Anh cứng quá. Anh giúp tôi lần này đi, anh để cho tôi lô đất đấy.

Bình vẫn kiên quyết lắc đầu:

- Thôi, cái chuyện tôi mua giúp anh đống xe ấy là tốt rồi. Còn cái việc đất cát thì theo tôi, anh cũng nên để thư thư thời gian.

Trương giở mặt ngay, đứng dậy và nói:

- Tôi nói thật với anh, một khi ông già tôi đã phải mời anh đến, đã có lời với anh như thế rồi là ông đã hạ mình lắm rồi. Sao anh không nghĩ đến cái điều ấy? Thôi được rồi, tùy anh, tôi cũng thấy nếu như chỉ vì cái mảnh đất con con đấy mà mất hòa khí thì nó không hay lắm đâu.

***

Bình đang kể cho Thúy nghe chuyện, bỗng anh như người mê sực tỉnh:

- Thôi chết rồi, có chuyện này anh chưa kể cho Thúy biết.

Thúy nói:

- Chuyện gì?

Bình bảo:

- Đó là chuyện ông bố nuôi anh.

Thúy “à” lên một tiếng rồi bảo:

- Ừ, đúng! Em cũng đang định hỏi anh là từ lúc anh ra tù thì ông bố nuôi anh như thế nào? Tại sao lại không thấy nhắc tới cụ?

Bình bảo:

- Đúng, đúng. Anh thật có lỗi.

Rồi Bình kể lại câu chuyện của mình.

***

“Hôm Bình được cầm giấy ra tù, ông Can vui lắm. Ông tổ chức một bữa cơm khá thịnh soạn ở ngay tại nhà, mời một số cán bộ trại giam, quản giáo rồi cả một số bạn tù của Bình đến ăn cơm.

Ông nâng ly trịnh trọng nói với mọi người:

- Hôm nay tôi rất vui vì thằng cháu Bình đã được tự do. Anh em mình ở đây đều là những cán bộ quản giáo đã từng công tác ở trại giam lâu năm và ai cũng biết nỗi khổ của cái nghề này. Tôi cũng mong rằng, anh em mình mỗi người một chân một tay giúp cho các cháu, các em làm sao khi ra tù, nó đừng bao giờ phải bước chân quay lại nữa. Còn nếu nó bước chân quay lại thì là quay lại với tư cách khác. Còn thằng Bình, bố biết mày vào tù là vì sự không may, chứ bản chất mày là người có thiên lương, là người có nhân cách. Bố chỉ mong mày sau này làm ăn thật tốt. Bố cũng chẳng mong gì mày trả ơn bố nhưng mày hãy nghĩ tới các cán bộ quản giáo đã từng nuôi dạy mày trong bao nhiêu năm qua.

Rồi ông kéo tai tôi đứng dậy và nói:

- Bây giờ có các bác, các chú ở đây, mày có dám hứa không?

Bình gật đầu và nói:

- Dạ thưa bố, thưa các bác, các chú, các anh, con xin hứa sẽ không bao giờ làm điều gì để bố và các bác, các chú, các anh ở đây phải phiền lòng.

Mọi người vỗ tay xong ông Cung giám thị cười ha hả. Ông bảo:

- Ồ, đây đúng là một câu chuyện thú vị. Một cán bộ quản giáo lại nhận một phạm nhân làm con nuôi của mình. Quả là câu chuyện chỉ có ở chế độ này. Nhưng như thế có lẽ vẫn chưa đủ?

Ông Can hỏi:

- Anh bảo đủ cái gì, mà còn thiếu cái gì nữa?

Ông Cung cười hì hì và bảo:

- Giá như mà có một phạm nhân nữ để nó về đây chăm sóc anh nữa thì tốt quá!

Mọi người phá lên cười.

Từ khi Bình được làm người tự do, Bình thấy cuộc sống của mình khác hẳn. Anh đi lại, nói năng tự tin hẳn lên. Công việc của Bình ở trung tâm sửa chữa xe đó cũng thuận lợi hơn rất nhiều.

Ông Can cũng về hưu. Ông ở nhà giúp Bình. Ông bày mưu tính kế cho Bình, giúp chỉ đạo thợ sửa chữa xe máy. Rồi ông bày cho Bình phải mở rộng cách làm, đó là, mua xe máy cũ, rồi mua cả ôtô về sửa chữa, tân trang lại rồi bán. Thế là công việc của Bình phát triển nhanh chóng đến bất ngờ.

Nhiều lần ông bảo Bình:

- Con à, mày phải lấy vợ đi thôi. Lấy vợ để cho mẹ ở nhà có cháu bế, cho yên tâm.

Bình ậm ừ:

- Thôi, bố cứ để cho con thư thư một thời gian đã. Con cũng đang tính đưa mẹ con lên đây, xong đâu đấy rồi thì mới nghĩ đến chuyện vợ con.

Ông nói:

- Ừ. Mày sớm đưa bà lên đây. Đấy, đất cát, vườn tược, nhà cửa, mọi thứ bố giao cho mày hết. Bố nói thật, toàn bộ cái cơ nghiệp này bố cũng giao cho mày, chứ bố biết, bố cũng chẳng sống được bao lâu nữa.

Bình giật mình hỏi:

- Tại sao bố lại nghĩ thế?

Ông nhìn Bình bằng ánh mắt đầy thương cảm và nói:

- Con ạ, bệnh của bố, bố biết chứ. Mà bây giờ bố cũng chẳng mong sống lâu làm gì. Người ta bảo “Đa thọ, đa nhục”. Bây giờ bố còn như thế này chứ đến lúc bố ốm đau, dặt dẹo, đi không đi được, ăn nằm một chỗ, khổ cho chúng bay. Cho nên, bố nói thật với mày, bố tính rồi. Bố vẫn còn giấu được một khẩu súng ngắn và mấy viên đạn. Nếu như bố thấy bố mà sức cùng lực kiệt, mà làm vật cản trở cho chúng bay, cho xã hội thì bố tự xử.

Bình nghe mà lạnh người:

- Ôi, sao bố nói gì mà lạ thế?

Ông Can cười khà khà và nói:

- Con ơi là con, tại sao lại phải sợ chết nhỉ? Bố đi bộ đội bao nhiêu năm, bố đã đối mặt với cái chết cận kề. Có những lúc bố bị bom vùi đã suýt chết sặc rồi nhưng rồi lại được cứu. Có những lúc bố bị sốt rét cũng đã chết đi sống lại rồi. Có những lúc bố bị hơi bom thổi bay hàng chục mét. Đối với bố, cái chết bây giờ chẳng là cái gì cả. Mà người ta bảo chết là gì, ôi, đơn giản, như là viết hết một trang giấy này thì lại viết sang một trang giấy khác. Thế là xong. Sang trang giấy mới cứ viết đi, có gì đâu mà phải sợ! Những năm vừa rồi, mày không biết, bố học thiền, rồi bố đọc sách đạo Phật, rồi nhà sư Thích Trí Thiện dạy bố nhiều. Bố ngộ ra nhiều điều lắm. Cho nên, với bố bây giờ, sống được ngày nào là bố sống cho tử tế, cho đàng hoàng. Còn đến khi thấy mình không còn có ích cho xã hội nữa thì mình phải tự tính toán.

Một hôm, khi Bình ngủ dậy, thấy ông Can bảo:

- Hôm nay thằng Bình đi cùng với bố ra ủy ban nhé!

Bình không biết chuyện gì nhưng vẫn lấy xe máy chở ông ra ủy ban. Tại đấy, Bình thấy đã có một cán bộ giám thị, hai cán bộ của ủy ban chuyên làm công chứng và một người mà tôi cũng biết mặt - đó là luật sư của Công ty tư vấn luật.

Ông Can trịnh trọng nói:

- Hôm nay, trước mặt mọi người, tôi làm di chúc. Trong đó có mấy việc tôi dặn dò lại. Toàn bộ cơ nghiệp của tôi hiện nay, đất cát, nhà cửa, sau khi tôi chết đi, tôi để lại cho cháu Bình.

Bình sững sờ và nói:

- Bố ơi, con không thể!

Ông ngăn lại và bảo:

- Việc này là việc của bố, không phải việc của mày.

Sau khi đọc bản di chúc lên, cán bộ ủy ban hỏi:

- Thưa ông, ông có viết di chúc này trong điều kiện thần kinh ổn định và tình trạng sức khỏe tốt chứ?

Ông Can cười và bảo:

- Tôi viết trong điều kiện thần kinh rất tốt, tình trạng sức khỏe rất tốt. Các vị có cần giám định sức khỏe không?

Mọi người cười. Sau đó, cán bộ ủy ban đọc lại một lần nữa, mời luật sư làm chứng và mọi người cùng ký tên làm chứng vào đấy.

Trở về nhà, trong long Bình buồn vô hạn. Bình cứ cảm giác sẽ có một điều gì sắp xảy ra với ông bố nuôi. Nhưng rồi, năm tháng cứ trôi đi, ông Can vẫn trần lưng giúp Bình thành lập công ty mới, rồi mở rộng kinh doanh mặt hàng. Có lẽ, đó là những ngày tháng ông sống rất vui vẻ, yêu đời. Nhưng có một việc mà không ngày nào ông không nhắc tôi, đó là đốc thúc Bình phải lấy vợ.

Ông bảo:

- Mày chẳng hiểu tâm lý người già gì cả! Mày phải lấy vợ đi chứ! Để cho mẹ có cháu bế, tao cũng có cháu bế chứ! Mày thấy đấy, tuổi như thế này rồi, có đứa cháu bên cạnh thích lắm!

Bình thì chỉ ậm ừ cho nó qua chuyện. Thú thực, lúc đấy Bình cũng đang muốn rảnh thân. Và hơn nữa, đồng tiền trong tay cũng có rủng rẻng, Bình cũng bắt đầu tập tọng ăn chơi. Thật ra, nói là ăn chơi nhưng chuyện ăn chơi của Bình thì so với thiên hạ thì chẳng là cái gì. Bởi nói gì thì nói, Bình vẫn biết quý đồng tiền mà mồ hôi nước mắt mình làm ra. Nhưng khi nền kinh tế đang bốc lên như thế, bên cạnh sự phát triển đủ mặt thì các trò ăn chơi cũng không thiếu. Bình cũng lén đi karaoke, cũng đi bia ôm, thế rồi, trong tay Bình cũng có vài ba người tình nhưng anh chưa thấy rung động thực sự với một ai.

Một hôm, Bình thấy ông Can đang bữa ăn cơm bỗng thừ người ra.

Bình hỏi ông:

- Hôm nay bố làm sao thế? Cơm không ngon hay sao?

Người phục vụ đang ở bên ngoài, nghe lỏm được, chạy vào nhà nói luôn:

- Anh Bình ạ, mấy hôm vừa rồi anh đi vắng, ở nhà, ông toàn bỏ cơm đấy!

Bình bảo:

- Nếu thế thì bố phải đi viện ngay.

Ông Can gật gừ bảo:

- Ờ, để rồi bố tính.

Bình hỏi:

- Thế bố ngoài chán ăn ra thì còn thứ gì nữa?

Ông bảo:

- Lúc nào cũng gây gây sốt. Bố mệt lắm. Chắc là cái thứ chất độc da cam bây giờ nó bắt đầu phá bố đấy.

Bình bảo:

- Chất độc da cam thì nó để di chứng cho bố từ lâu rồi, bây giờ sao lại còn phá nữa?

Ông bảo:

- Ôi, cái thằng Mỹ nó chế thuốc đểu lắm! Đấy, nó hại từ đời nọ sang đời kia dân tộc mình.

Rồi ông lẩm bẩm:

- Thế mà vẫn có những người cứ mở mồm ra là Mỹ thế nọ, Mỹ thế kia. Thật đúng là cái bọn… không biết gì.

Hôm sau, tôi cho xe đưa bố nuôi tôi lên Bệnh viện của Bộ Công an khám. Mất ba ngày sau thì tôi nhận được tin Bệnh viện 198 bắt bố tôi phải vào nằm viện. Bệnh tình của ông phát triển rất nhanh. Người ta đã phát hiện ra hai khối u lớn ở trong phổi của ông.

Bình bỏ công việc lên thăm ông. Mới có mấy ngày mà ông suy sụp hẳn. Sắc mặt ông võ vàng, người ông gầy quắt đi. Ông cầm tay Bình và bảo:

- Thôi, con ạ. Bố nghĩ cuộc đời bố thế là xong rồi. Bây giờ bố chỉ chờ đến lúc bố đi thôi. Công việc của mày, mày phải cố gắng giữ gìn. Những điều gì cần nói với mày thì bố đã nói rồi. Bố chỉ tiếc là không được ở bên cạnh mày để phụ giúp mày thôi.

Ông khẽ nắm chặt bàn tay Bình và nói:

- Con à, hôm nọ bố tính cho mày rồi. Bây giờ vận của mày đang lên, sẽ còn lên được hai năm nữa, lên rất nhanh đấy. Nhưng vận lên rồi thì xuống cũng nhanh lắm đấy. Cho nên, hết hai năm nữa là con phải cẩn thận từng đường đi nước bước, từng lời ăn tiếng nói, chứ không khéo rồi cơ nghiệp xây dựng lên được có một chút ấy rồi lại phá mất.

Bình nhíu mày và bảo:

- Sao bố cứ nói gở như thế?

Ông bảo:

- Không. Bố nói thế không phải là nói gở mà là người ta làm cái gì, cũng phải tính đến cái lúc ốm yếu, con ạ. Cho nên, phải biết chắt bóp, giữ gìn, chứ bố sợ lắm, cơ nghiệp mới xây dựng được mà lại phá đi thì chẳng ra sao cả. Mà con phải nghĩ rằng, con còn là cái chỗ nương tựa cho cả gia đình nữa đấy.

Nghe ông nói mà Bình cứ thế chảy nước mắt, không biết nói với ông thế nào nữa. Bình chỉ biết an ủi ông và bảo:

- Bố cứ yên tâm tĩnh dưỡng. Hay là con đưa bố sang Singapore chữa nhé?

Ông Can gượng cười nói với Bình:

- Con ơi, người ta chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh. Bố bây giờ bệnh tình đã như thế này rồi, mà mệnh của bố cũng sắp hết. Chữa chạy làm gì cho tốn tiền vô ích. Bố thấy cuộc đời mình sống đến bây giờ là có lãi lắm rồi. Bây giờ, bố có phải đi lúc nào cũng là chuyện thường.

(Xem tiếp kỳ sau)

dac biet nguy hiem ky 28 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 30)

Trong lúc Bình vẫn còn đang vô tư lo việc làm ăn mà không nghĩ tới các băng nhóm tội phạm bên ngoài cùng với ...

dac biet nguy hiem ky 28 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 29)

Ông đặt tờ giấy lên bàn, lấy chén chặn lại. Rồi ông lên giường đắp chăn ngang ngực và lấy súng kê vào tai. Đúng ...

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân