Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm.
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 17)
Trại cải tạo số Ba là một trại khá lớn của Bộ Công an. Phạm nhân vào đây, người bị án thấp nhất cũng bảy ... |
Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 16)
Bình đạp máy thử, thì chiếc xe chỉ nổ rú lên một tiếng rồi khói ục ra và chết lịm. Bình ngồi thừ ra và ... |
Lúc này thì ý định trốn hoàn toàn biến mất. Bình bảo:
- Dạ không ạ, cháu không trốn, Ban cứ yên tâm. Nếu không tin thì Ban trói cháu vào cột nhà đây.
Bỗng dưng ông Can gần như tỉnh rượu hẳn, ông bảo:
- Đi ra vò cho tao cái khăn.
Bình ra vò cho ông cái khăn để ông lau mặt. Lau mặt cho tỉnh táo, sau đó ông nói:
- Tại sao mày không trốn? Mày thử nói thật xem nào, phải nói thật.
Bình bảo:
- Dạ, thưa Ban, đúng là cháu có định trốn thật.
Ông cười khà khà bảo:
- Đấy thấy chưa, tao đọc được suy nghĩ của mày. Tao đang nằm ngủ say nhưng tự nhiên như có người mách bảo tao rằng mày đang định trốn, thế là tao tỉnh.
Thế rồi ông lại hỏi:
- Sao mày không trốn?
Bình bảo:
- Dạ, cháu sợ.
Ông hỏi tiếp:
- Mày sợ cái gì?
Nghe ông nói như thế, Bình buột miệng bảo:
- Dạ thưa Ban, Ban đã cho cháu về đây để chữa xe cho Ban, lại cho cháu được ăn cơm chung. Cháu biết là Ban tin cháu, thế mà cháu lại trốn để Ban bị kỷ luật. Thế thì còn ra cái giống gì nữa?
Ông cười ha hả, vỗ vai Bình:
- Khá khá, thằng này được. Đấy là những lời nói thật, tao tin.
Rồi ông thở dài và bảo:
- Tao nhìn cái mặt mày, cái tai mày, tao biết mày là người tử tế không may bị vướng vào con đường lao lý thôi, cố lên cháu ạ.
Bỗng nhiên Bình rơm rớm nước mắt và nói:
- Dạ thưa Ban, cháu phải ở đây bao lâu ạ?
Ông Can bảo:
- Án mày là 10 năm, nếu mày cải tạo tốt thì 6 năm mày được ra.
Tự nhiên Bình buột miệng bảo:
- Không biết lúc cháu được ra tù, mẹ cháu còn sống không?
Ông Can thần mặt ra hỏi:
- Thế năm nay mẹ bao nhiêu tuổi?
Bình bảo:
- Dạ thưa, mẹ cháu hơn sáu mươi rồi ạ.
Ông Can bảo:
- Thế thì được, hơn sáu mươi tuổi. Chưa chết được.
Bình nói luôn:
- Dạ thưa Ban, nhưng sức khỏe mẹ cháu yếu lắm, ở quê lại nghèo, quanh năm ăn nói mặc rét, làm sao mà sống lâu được?
Bỗng ông Can lại hỏi:
- Mà này, từ hồi mày vào đây tao chưa thấy người nhà mày vào thăm nom gì nhỉ?
Bình bảo:
- Dạ thưa Ban, mẹ cháu cũng muốn lên thăm lắm. Nhưng cháu viết thư về, bảo mẹ cháu đừng lên, đường sá xa xôi, đi lại tốn kém. Cháu cũng nói là cháu ở đây được Ban lo lắng cho nên không bị đói rét, không bị khổ sở, lại học được nghề chữa xe giỏi hơn nữa nên mẹ cháu cũng yên lòng.
Ông hỏi luôn:
- Thế còn anh chị em mày?
Bình bảo:
- Dạ, anh chị em cháu cũng muốn lên nhưng cháu không đồng ý.
Ông Can bảo:
- Mày viết thư về, bảo mọi người lên đây để mọi người biết. Mày phải nhớ rằng, mọi người biết mày sống ra sao thì mọi người sẽ yên tâm. Mình ở tù đã đành rồi, nhưng cũng làm cho người ở nhà yên lòng chứ. Mày không biết câu “Có sinh con mới biết lòng cha mẹ” à?
Thế rồi ông lại bảo Bình:
- Mở ngăn kéo, lấy giấy bút ra, viết thư đi. Bảo mẹ lên đây.
Bình cũng nói:
- Thưa Ban, có khi mẹ cháu cũng chẳng có tiền đi ôtô lên đâu, mấy chặng xe đấy.
Ông gật gù và bảo:
- Được rồi, mày cứ viết đi, tao sẽ có cách.
Bình ngồi cắm cúi viết một lá thư. Bình chỉ kể rằng ở trong trại được ăn no, không bị đánh đập và được cán bộ Can quý, coi như con. Viết xong Bình đưa cho ông Can. Ông đọc qua rồi nghiêm khắc:
- Mày cũng biết bịa chuyện à?
Bình sợ hãi:
- Dạ thưa Ban, cháu không biết bịa chuyện.
Ông quắc mắt:
- Tao coi mày là con bao giờ mà mày dám viết thư như thế này?
Bình thật thà:
- Dạ thưa Ban, nếu Ban không tin cháu, coi cháu như con thì sao Ban lại đưa cháu về nhà Ban như thế này, lại để cháu tự do cả ngày như thế, rồi lại cho cháu ăn cơm chung.
Ông thừ người ra, rồi ông viết vào góc thư: “Tôi là Đại úy Vũ Văn Can, tôi xác nhận phạm nhân Phạm Bình thuộc quyền tôi quản lý. Tôi mời bà Ất là mẹ của phạm nhân Bình lên trên trại, toàn bộ chi phí tàu xe bao nhiêu, tới đây tôi sẽ thanh toán”.
Ông viết xong chìa cho Bình đọc. Bình chưa biết nói gì thì ông lấy lại, cho thư vào phong bì, lấy cơm nguội dán cẩn thận rồi ông bảo:
- Đây, mày cầm hai hào đi ra mua cái tem ở ngoài đầu chợ huyện ấy. Dán tem vào, gửi thư rồi về đây.
Ông nói cứ như không.
Bình đi mua tem, gửi thư. Khi về, thì thấy ông đã lăn ra ngủ. Mãi đến xâm xẩm tối thì ông mới đưa Bình quay về trại.
Tối hôm ấy, cả đám phạm nhân há hốc mồm nghe Bình kể lại câu chuyện. Buồng trưởng Bĩ bảo rằng:
- Chúng mày thấy chưa? Đấy, chúng mình chẳng ra cái loại gì. Ông Can đi bộ đội, nhiễm chất độc da cam, vào sinh ra tử. Mà nghe nói ngày xưa, ông ấy từng là lính trinh sát, lái cả xe thiết giáp. Thế mà bây giờ ông ấy khổ quá, không vợ không con, ở đây với một cái đám bọn mình. Đúng là mình thì tù mà cán bộ quản giáo thì phải tội. Mình tù thì còn có ngày ra, còn quản giáo ở đây, biết bao giờ họ được ra khỏi cái nhà giam này.
Bĩ nói xong, nước mắt trào ra. Những giọt nước mắt của Bĩ khiến Bình hiểu ra một điều, thì ra trong mỗi góc khuất của mỗi con người ở đây đều có những phần được gọi là Người.
***
Lá thư Bình viết và ông Can ghi vào bên cạnh được một tuần thì mẹ và em gái Bình là Thu Ngân lên thăm.
Tầm gần trưa hôm ấy, Bình đang sửa xe thì ông Can vào bảo:
- Thằng Bình kia, đi ra ngoài nhà khách, mẹ lên thăm đấy.
Bình mừng quýnh, vội vàng quệt hai bàn tay đầy dầu mỡ vào quần rồi ù té chạy. Nhưng vừa chạy được mấy bước thì ông Can quát giật lại:
- Mày chạy đâu đấy?
Bình quay lại:
- Dạ, thưa Ban. Cháu mừng quá ạ.
Ông Can bảo:
- Đi về nhà thay quần áo cho nó tử tế, rửa mặt mũi tay chân cho nó sạch sẽ đi rồi ra gặp mẹ.
Bình về nhà rửa mặt, chải đầu cẩn thận, rồi mặc bộ quần áo tù mới và đi ra ngoài. Nhưng từ trong khu Bình làm mà đi ra được nhà khách thì cũng phải qua một hàng rào bảo vệ.
Bình ra đến hàng rào bảo vệ thì đã thấy ông Can đứng ở đó chờ. Lẽ ra mọi người đến thăm thì phải có lịch từ trước, phải có giấy của giám thị thì mới được ra khỏi trại để đến chỗ gặp thân nhân, nhưng có lẽ Bình là trường hợp đặc biệt cho nên ông Can đích thân dẫn ra.
Mấy anh công an bảo vệ nhìn thấy ông Can đưa Bình ra. Một anh nói:
- Này bố, xem ra bố có vẻ cảm tình với thằng này ghê nhỉ! Con thấy bố chăm sóc nó hơi nhiều đấy!
Ông Can bảo:
- Việc gì đến các cậu.
Một anh lại đùa:
- Mà thôi, bố xem thế nào bố nhận nó là con đi, sau này còn có đứa hương khói.
Ông Can cười hì hì bảo:
- À, việc đấy thì còn phải xem nó có duyên không đã.
***
Ông Can dẫn Bình ra khỏi cổng trại và đi ra khỏi nhà khách. Bà Ất đã ngồi ở đó từ khi nào. Thấy Bình, bà toan lao tới, nhưng rồi bà lại ghìm lại được, rồi bà ngồi lại ghế lặng lẽ nhìn tôi.
Bình lí nhí:
- Con chào mẹ!
Bà Ất khẽ gật đầu. Thu Ngân thì líu ríu:
- Ôi, anh vào trại lại béo ra hay sao ấy?
Bình cười:
- Ừ. Đúng là anh béo ra thật.
Ông Can lúc này đang đứng ngoài cửa. Bình nói:
- Dạ thưa Ban, đây là mẹ và em cháu ạ.
Ông Can gật đầu:
- Biết rồi.
Thế rồi, ông Can đi vào phòng và hỏi:
- Bà đi từ nhà lên đây hết bao lâu?
Bà Ất hơi nhổm dậy, bảo:
- Dạ thưa cán bộ…
Ông Can xua tay:
- Chị đừng gọi tôi như thế. Thằng này nó phải gọi tôi là cán bộ, là Ban, nhưng chị thì cứ gọi là chú thôi bởi vì chắc chắn là chị hơn tuổi tôi nhiều.
Mẹ tôi vẫn lúng túng:
- Dạ thưa, thưa cán bộ, không dám ạ.
Ông Can bảo:
- Ô, chị hay nhỉ! Thôi bây giờ thế này, mấy mẹ con ở đây chơi. À, hôm nọ, tôi hứa, tôi đã viết ở trong thư rằng tôi đã biết hoàn cảnh nhà mình qua thằng Bình nó nói. Nhà thì rất nghèo, chị đi từ đấy lên đây, tôi nghĩ là cũng phải đổi 3 chặng đường ô tô. Tôi đã viết trong giấy thì chị đọc, chị biết rồi đấy, đây, tôi gửi chị tiền tàu xe.
Thế rồi, ông móc ở trong túi ra đưa cho bà Ất 1 tệp tiền, loại tiền 2 đồng. Bà Ất sững sờ và nói lắp bắp:
- Dạ thưa cán bộ, tôi không dám ạ. Nói gì thì nói, nhà dù nghèo nhưng cũng đủ tiền xe lên thăm cháu.
Ông Can bảo:
- Không, chị đừng có từ chối. Tôi đã nói là tôi làm. Mà chị từ chối là chị không hiểu tôi rồi. Tôi cũng nói để chị biết là thằng con nhà chị, nó ở đây là đời nó may đấy.
Bà Ất sững sờ:
- Dạ thưa cán bộ, nó lại còn may ạ.
Ông Can gật gù bảo:
- May chứ sao. Nếu không vào tù thì nó sẽ nghiện hút hoặc bị người khác đâm chết trong một vụ án nào đó. Nó vào trại đây, nó vừa chữa khỏi nghiện hút rồi tay nghề của nó lại được nâng cao. Bây giờ tôi nói cho chị biết, nó là thợ sửa xe giỏi nhất ở trại giam này. Rồi mấy hôm nữa, chúng tôi đang có ý định làm ăn ở ngoài thị xã thì có khi, thằng này, chúng tôi phải đưa ra ngoài đó đấy. Thôi, chị cứ cầm lấy tiền, đừng ngại gì cả.
Thế rồi, ông Can dứt khoát nhét số tiền đó vào tay nải của bà Ất.
Bà Ất lắp bắp nói không thành tiếng và nước mắt cứ thế trào ra. Rồi bà bỗng quỳ sụp xuống, vái ông Can:
- Tôi lạy ông, tôi ở nhà quê, không biết như thế nào. Nhưng mà, được ông thương cho cháu nó như thế, vong linh bố nó ở dưới đấy cũng mừng.
Ông Can ánh mắt dại hẳn đi. Ông đỡ bà Ất dậy rồi nói:
- Trời ơi, sao chị lại làm thế! Thôi, trưa nay cứ ở lại đây nhé, tôi chạy về nhà nấu cơm. Xong rồi, lát nữa thằng Bình đưa mẹ và em qua nhà chú ăn cơm nhé!
Bà Ất ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Ông Can nói xong rồi thì bỏ đi luôn.
Bình ngồi nói chuyện với mẹ tôi thì mới biết rằng, ở nhà thì mọi thứ cũng tạm ổn. Từ ngày bắt đầu có chế độ khoán mới, nhà được chia 5 sào ruộng. Bây giờ, cái ăn, cái đói cũng không phải như ngày xưa nữa nhưng cũng chỉ được ngày nào hay ngày đấy.
Ngồi nói chuyện với mẹ được một lúc rồi Bình đưa mẹ và em gái ra nhà ông Can ăn cơm.
Bà Ất hỏi:
- Này con, tại sao các ông quản giáo này lại có người tốt như thế nhỉ? Mẹ nghe nói những người vào đây đều phải có quà cáp gì mới thì mới được người ta cho chỗ ăn chỗ ngủ tử tế, không bị hành hạ, đánh đập. Thế mày có bị gì không?
Bình lắc đầu và nói:
- Không. Con không bị gì cả. Đây là trại cải tạo, nó khác với trại giam. Nhưng mà cũng phải lao động vất vả.
Bà Ất bảo:
- Vất vả thì không sợ nhưng mày có bị hành hạ gì không?
Bình nói:
- Không ạ. Ở đây không có ai dám hành hạ con cả bởi vì họ biết ông Can quý con. Đứa nào động đến con thì ông Can ông ấy trị chết.
Bà Ất thắc mắc:
- Sao lại có người tốt thế nhỉ? Mẹ cứ nghĩ các ông công an trại giam, cai ngục là ghê gớm lắm, thế mà mẹ thấy ông này hiền lành quá.
Thu Ngân góp chuyện:
- Mẹ thấy ông ấy như thế thì mẹ bảo ông ấy hiền lành. Con nói thật với mẹ chứ con trông ánh mắt ông ấy sắc lạnh thì con biết ông này không phải vừa.
Bình phì cười và bảo:
- Ông Can là người nóng tính nhất trại giam này đấy. Mẹ chưa biết đấy thôi, con cũng đã có lần bị ông ấy tát cho sưng cả mồm.
Bà Ất tròn mắt sợ hãi:
- Úi giời. Thế có gãy răng không con?
Bình lắc đầu:
- Không, không đến gãy răng. Nhưng ông ấy tát mạnh lắm.
Bà Ất lại hỏi:
- Thế tại sao mày lại bị ông ấy tát?
Bình cười:
- Ôi, trong trại giam thì thiếu gì chuyện.
***
Ba mẹ con Bình ra đến nhà ông Can thì đã thấy ông bày mâm cơm ra rồi. Bữa cơm đơn giản, có rau luộc, cà muối, mấy miếng cá kho sung và một đĩa trứng rán. Ông giải chiếu ra giữa nhà và đặt mâm cơm xuống đất. Lại có một cút rượu nữa.
Ông Can bảo:
- Bà và cháu rửa chân tay đi rồi ăn cơm.
Bà Ất lúng túng:
- Thế này thì không phải với ông quá.
Ông Can nói:
- Thôi, chị không phải nói nhiều. Nào, thôi, mọi người vào ăn cơm đi.
Mọi người ngồi yên vị bên mâm cơm. Ông Can rót rượu ra chén và bảo:
- Tùy chị nhé, uống thì uống mà không uống thì thôi. Còn hai đứa này thì dứt khoát không được uống rồi.
Ông Can nhấp một chén rượu rồi nói:
- Chị ăn tự nhiên đi. Tôi biết, chị đi từ quê lên đây, đi xa xôi như thế, không có miếng ăn, khéo chiều về nhà là ốm đấy chứ.
Bà Ất ngập ngừng:
- Dạ thưa cán bộ…
Ông Can ngắt lời:
- Lại cán bộ rồi.
Bà Ất vội chữa:
- Dạ thưa ông. Sáng mẹ con tôi cũng ăn cơm no rồi. Mà nói thật với ông, chúng tôi cũng chuẩn bị đồ ăn mang theo để phòng khi độ đường.
Ông Can bảo:
- Cái gì? Thế mang cái gì đi?
Bà Ất thú thật:
- Dạ, tôi mang cơm nắm với lại ngô rang. Nhai nắm ngô, uống nước vào, thế là chắc bụng ông ạ.
Ông Can phì cười và hỏi:
- Thế hôm nay bà mang tiếp tế cho con trai cái gì?
Bà Ất nói:
- Ở nhà quê ông bảo, bây giờ biết cái gì mà tiếp tế cho cháu. Nhưng mà từ xa đến, chả lẽ lại không có gì cho con hay sao. Tôi nghe người ta mách thì tôi lùng mua cho nó được 5 cân lương khô 702 của bộ đội và mấy cân bánh mì khô.
Ông Can phì cười và bảo:
- Bà cho chúng nó những thứ này là để ăn cho nó vui thôi. Ở đây, chúng nó không đói đâu. Tất nhiên, ăn ngon thì không có nhưng ăn no.
Bữa cơm rất vui vẻ. Ăn cơm xong, ông Can bảo:
- Bây giờ thế này, tôi gọi xe ở trại đưa bà và cô đi ra ngoài bến xe, nếu như muốn về. Còn nếu không thì bà và cháu đây cứ ở lại đây, tối ngủ lại đây, sáng mai vào trại xem thằng này nó làm ăn như thế nào rồi thì về.
Nghe ông Can nói mà Bình ngạc nhiên quá chừng. Bình không hiểu tại sao ông lại tốt với tôi như thế.
Bà Ất bảo:
- Dạ, như thế này thì phiền ông quá ạ.
Ông Can nói:
- Thực ra thì chị ra nhà khách của trại giam nghỉ lại cũng được, rồi chiều báo cơm ở nhà khách, ăn với thằng Bình thì cũng là hay. Hoặc là chị về đây nghỉ cũng được, có sao đâu.
Bà Ất ngập ngừng nói:
- Dạ thôi, cám ơn ông. Chiều nay thì cho tôi ở trong nhà khách, mẹ con được nói chuyện với nhau lâu lâu, rồi tối tôi xin ông báo cơm nhà khách hộ.
Ông Can cười và bảo:
- Thôi, tùy chị.
(Xem tiếp kỳ sau)