Đà Nẵng thiếu trầm trọng giáo viên, lớp học: Giám đốc Sở GD&ĐT nói gì?

Hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Nẵng đều thiếu phòng học và giáo viên đứng lớp khiến việc triển khai chương trình giáo dục mới gặp khó khăn.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng ngày 26/6, nhiều cử tri nêu lo ngại về thực trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên trên một số quận, huyện.

Cử tri Phạm Hiền, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học TP đề nghị thành phố nêu tiến độ thực hiện đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn”. "Được biết trên địa bàn phường Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) theo quy hoạch sẽ có 20 lô đất dùng để xây dựng trường học. Đề nghị thành phố cho biết khi nào sẽ xây dựng?", cử tri này đặt câu hỏi.

Mặt khác, năm học 2021 - 2022, số lượng học sinh tăng nhanh, các trường trên địa bàn phường không đảm bảo số phòng để bố trí lớp học và thiếu giáo viên đứng lớp. Đơn cử, trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ) có 1.991 học sinh/52 lớp, tỷ lệ học sinh là 38,3 em/lớp. Thiếu 8 phòng học, trường phải sử dụng các phòng bộ môn, phòng chức năng và ngăn phòng đa năng để bố trí phòng học. Hiện chỉ 78 giáo viên của trường được biên chế, 4 hợp đồng và thiếu 3 giáo viên. Tương tự, Trường Tiểu học Trần Văn Dư gồm 1.411 học sinh/37 lớp học, cũng thiếu 7 phòng học và 6 giáo viên.

Đà Nẵng thiếu trầm trọng giáo viên, lớp học: Giám đốc Sở GD&ĐT nói gì? - 1

Một số quận, huyện của Đà Nẵng thiếu phòng học, thiếu giáo viên.

Cử tri Huỳnh Sự, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho rằng, hệ thống trường của quận chưa được đầu tư đúng mức với sự gia tăng dân số. Hiện trên địa bàn quận chỉ có 75% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Trong khi, chương trình phổ thông mới yêu cầu phải đảm bảo 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Việc thiếu trường lớp làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh.

Trả lời vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, Đề án “Xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021 - 2025” của thành phố nội dung cụ thể là xây dựng mạng luới trường học đến năm 2025 - 2026 với quy mô là 452 trường, đảm bảo cho 339.315 học sinh theo học. Trong đó, mầm non 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, 38 THPT và 3 Trung tâm giáo dục thường xuyên.

Mức vốn dự kiến đầu tư cho dự án là 4.399 tỷ đồng trong 5 năm. Tuy nhiên, qua rà soát các quận, huyện, Sở GD&ĐT và các sở, ngành thì nguồn vốn tăng lên. Sở GD&ĐT đã báo cáo UBND thành phố về vấn đề này. Sở cùng các đơn vị đang thực hiện triển khai xây dựng theo phân kỳ của đề án cũng như nguồn vốn phân bổ đầu tư công của thành phố. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các địa phương thiếu phòng học, thiếu giáo viên", bà Thuận nói.

Theo bà Thuận, quận Liên Chiểu chỉ có 75% học sinh học 2 buổi/ngày và đang rất khó khăn về quỹ đất. “Xác định đây là điểm nóng nên thành phố rất quan tâm. Dự kiến năm học 2022 - 2023 quận này cần 415 phòng học, năm học 2023 - 2024 là 435 phòng học, đến năm 2025 cần 445 phòng học. Tất cả những số liệu cần thiết đã được đưa vào đề án”, bà nói.

Về tình trạng thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, hiện UBND các quận, huyện cũng như Sở có kế hoạch tuyển dụng bổ sung, đảm bảo không thiếu giáo viên trong năm học 2022-2023.

https://vtc.vn/da-nang-thieu-tram-trong-giao-vien-lop-hoc-giam-doc-so-gd-dt-noi-gi-ar679036.html

Châu Thư / VTC News