Để giải quyết điểm nóng Hòa Liên khi hàng trăm người dân bao vây 2 nhà máy Thép Dana Ý và Dana Úc, chiều 2.3, lãnh đạo Đà Nẵng đã quyết định đình chỉ hoạt động của 2 nhà máy. Dư luận xã hội cho rằng chính quyền Đà Nẵng đã "chọn dân". Tuy nhiên, có vài vấn đề cần phải suy nghĩ...
Người dân tập trung, bao vây nhà máy thép Dana Ý đêm 26.2.
Chiều tối 2.3, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã tiếp xúc với nhân dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) để thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy là không cho 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc tiếp tục hoạt động. Đồng thời thống nhất thu hồi, hủy bỏ chủ trương giải tỏa, di dời các hộ dân tại khu vực lân cận 2 nhà máy.
Theo logic, quyết định này đã thỏa mãn nguyện vọng lâu nay của người dân. Chính quyền đã vì dân, vì môi trường..., dù có thể gây thiệt thòi cho các DN. Tuy nhiên, sau thông báo này của chính quyền, có ý kiến xin chính quyền nên xem xét, để các nhà máy thép tiếp tục hoạt động, đồng thời di dời dân...
Lý do, quyết định này của chính quyền sẽ giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhưng lo ngại 1.500 công nhân (trong đó nhà máy thép Dana Ý với 1.000 CN, Dana Úc hơn 500 CN) có nguy cơ cao bị ngừng việc thời gian dài, hoặc mất việc, nếu nhà máy đóng cửa. Trong số đó, con em của địa phương này chiếm số đông.
Thời điểm 2006, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bây giờ là ông Trần Văn Minh đã ký quyết định bố trí 2 DN sản xuất thép này lên KCN Hòa Khánh mở rộng. Lúc đó, khoảng 150 hộ dân lân cận nhà máy cũng thuộc diện quy hoạch, sẽ di dời để mở rộng KCN giai đoạn 2, để trồng cây xanh, làm phân cách mềm với KCN. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính quyền Đà Nẵng lại điều chỉnh quy hoạch, không mở rộng KCN nữa. Vì thế, dân cũng không được di dời.
Đã thế, chính quyền cơ sở để 150 hộ dân ban đầu phát triển thành... 400 hộ. Khi nhà máy gây ô nhiễm, xung đột xảy ra đỉnh điểm, năm 2017, UBND TP.Đà Nẵng đã quyết định di dời dân. Có gần 90% hộ đồng ý. Thế nhưng, tiến độ giải tỏa chậm trễ. Lý do một phần là 400 hộ dân lân cận 2 nhà máy đã "nở" ra 1.200 sổ đỏ, thành 1.200 hồ sơ phải đền bù, đội chi phí ngân sách.
Đã có con số tính toán, nếu di dời dân, bố trí tái định cư thì chi phí khoảng 1.000 tỷ đồng; di dời 2 nhà máy, chi phí gấp đôi, chưa kể những thiệt hại khác về thị trường, thất thu ngân sách, và hơn 1.500 người có nguy cơ mất việc làm.
Lẽ ra, chính quyền TP đương nhiệm phải xem lại trách nhiệm của những quyết định điều chỉnh quy hoạch sai lầm trước đây. Trách nhiệm trong quản lý dân cư để phát sinh xây dựng trái phép, cơi nới, tách hộ, thêm sổ đỏ để chạy giải tỏa... của chính quyền cơ sở. Quyết định đóng cửa hai nhà máy hay di dời dân đi nơi khác đều gây cảnh khó xử cho cả hai.
Đà Nẵng dừng hoạt động hai nhà máy thép
Một ngày sau cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và người dân, Đà Nẵng quyết định tạm dừng hoạt động hai nhà máy ... |
Dân vây nhà máy thép: Hướng xử lý thỏa đáng của TP. Đà Nẵng
Ngày 1/3, sở Thông tin & Truyền thông TP.Đà Nẵng thông tin đến báo chí, kết luận của lãnh đạo UBND TP.Đà Nẵng về vụ ... |