Hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng sai mục đích thị thực là có thực. Nhiều đối tượng liên kết người Việt để dẫn tour du lịch, hướng dẫn viên du lịch trái quy định pháp luật…
Phát hiện nhiều sai phạm
Ngày 1/11, đại diện sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, trong tháng 10/2018, đơn vị đã kiểm tra, phát hiện và xử phạt 6 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 42,5 triệu đồng. Trong đó, 5 hướng dẫn viên Việt Nam vi phạm với số tiền 25 triệu đồng, 1 người nước ngoài về hoạt động hướng dẫn du lịch trái phép tại Việt Nam với số tiền 17,5 triệu đồng.
Du khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến du lịch TP.Đà Nẵng chiếm ưu thế. |
Cũng theo đơn vị này, trong 9 tháng đầu năm 2018, Sở tiến hành hơn 180 lượt kiểm tra hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và các cơ sở lưu trú, đã phát hiện và ban hành 47 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 294 triệu đồng. Trong đó, hoạt động lưu trú 6 triệu đồng, hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch hơn 288 triệu đồng.
Đặc biệt, chỉ trong 6 tháng đầu năm Thanh tra sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã phát hiện 23 người nước ngoài vi phạm trong hoạt động hướng dẫn du lịch, 20 người Trung Quốc và 3 người Hàn Quốc. Cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính 20 người, hủy thị thực, buộc xuất cảnh và tạm cấm nhập cảnh 11 trường hợp.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là không mang theo chương trình, giấy tờ phân công nhiệm vụ khi hành nghề; tự ý thay đổi chương trình du lịch; không quản lý đoàn khách theo quy định; không hướng dẫn du lịch tuân thủ pháp luật; giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp thẻ hướng dẫn du lịch; không mang thẻ hướng dẫn viên trong khi hành nghề…
Gần đây, sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Công an TP.Đà Nẵng xử lý chi nhánh công ty TNHH Du lịch Eviva tại địa phương này về hành vi không thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị bảo lãnh nhập cảnh người nước ngoài. Đồng thời, gửi văn bản đề nghị cục Quản lý xuất nhập cảnh, bộ Công an, đưa trường hợp bà Wang Jihong (SN 1970), quốc tịch Trung Quốc, vào diện chưa cho nhập cảnh vào Việt Nam và xem xét lại việc thực hiện bảo lãnh nhập cảnh cho khách du lịch ở chi nhánh công ty Eviva tại TP.Đà Nẵng.
Công ty Eviva bảo lãnh gia hạn tạm trú cho Wang Jihong nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng với mục đích du lịch. Tuy nhiên, người này lại thực hiện dẫn khách, làm hướng dẫn viên và bị phát hiện thuyết minh sai lệch. Bà này nói, áo dài Việt Nam xuất xứ từ sườn xám của Trung Quốc và Việt Nam trước đây là một khu vực nhỏ thuộc Trung Quốc.
Tìm cách khắc phục
Bà Phạm Thị Thúy Loan, Giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn có hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh lao động trái phép. Hiện, tại TP.Đà Nẵng có 735 đơn vị, doanh nghiệp sử dụng gần 2.000 lao động nước ngoài. Có nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh sai mục đích của thị thực. Một số người nước ngoài đến TP.Đà Nẵng với mục đích cấu kết người Việt Nam để điều hành tour du lịch, hướng dẫn du lịch hoạt động trái phép.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc sở Du lịch TP.Đà Nẵng. |
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, trong thời gian qua, với sự bùng nổ về thị phần khách Trung Quốc, Hàn Quốc đến TP.Đà Nẵng đã đóng góp vào nguồn thu cho thành phố nói chung và ngành du lịch thành phố nói riêng. Tuy nhiên, trước sự phát triển nóng từ mô hình kinh doanh tour du lịch giá rẻ của thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc đã tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường du lịch, giảm sút chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng quyền lợi của du khách...
Trước tình hình đó, sở Du lịch TP.Đà Nẵng đã tìm cách khắc phục những tồn tại hạn chế. Đơn vị này làm việc với Phòng an ninh kinh tế, Công an thành phố về kết quả rà soát, thống kê danh sách và số lượng người nước ngoài sử dụng thị thực làm việc tại TP.Đà Nẵng.
Sở Du lịch cũng báo cáo sở Ngoại vụ về thị trường khách Trung Quốc và các vấn đề liên quan theo đề nghị của đơn vị này. Sở liên kết với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra các đối tượng người nước ngoài tạm trú, hoạt động kinh doanh không đúng mục đích nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, sở cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các doanh nghiệp khai thác các thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, hướng dẫn viên yêu cầu ký cam kết thực hiện đúng quy định của Luật Du lịch. Sở có nhiều văn bản chỉ đạo các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú chấn chỉnh các hành vi sai phạm, tiếp tay cho người nước ngoài hoạt động lữ hành quốc tế, yêu cầu tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật.
Gần đây, tại TP.Đà Nẵng đã thực hiện lắp camera giám sát trên xe vận chuyển khách du lịch. Về lâu dài, thành phố phấn đấu đạt khoảng 300 xe có lắp đặt và vận hành camera giám sát thường xuyên nhằm góp phần đảm bảo an toàn cũng như quản lý hoạt động của du khách, lái xe, phụ xe và cả hướng dẫn viên, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ...
Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cũng vừa phối hợp với sở Văn hóa và Thể thao, hội Khoa học lịch sử thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng, ban hành bài thuyết minh chuẩn về điểm đến TP.Đà Nẵng. Các bài thuyết minh này được dịch sang tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc để phát cho hướng dẫn viên, các đơn vị lữ hành, chi hội hướng dẫn viên. Các bài thuyết minh chuẩn để giới thiệu về các điểm đến trên địa bàn như bảo tàng Đà Nẵng, bảo tàng Điêu khắc Chăm, chùa Linh Ứng, khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn...
Hướng dẫn viên Trung Quốc, Việt Nam tụ tập dự đại hội \'chui\'
Công an TP Móng Cái (Quảng Ninh) khẳng định việc nhiều người Trung Quốc tổ chức một đại hội bàn về du lịch là trái ... |