Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho vận động viên

Khi nguồn kinh phí từ ngân sách chỉ có thể đáp ứng được một phần nhu cầu tập huấn, thi đấu quốc tế thì chính các doanh nghiệp, gia đình VĐV sẽ càng đóng vai trò quan trọng. Nếu có càng nhiều vận động viên (VĐV) được doanh nghiệp, gia đình đầu tư thì khả năng thể thao Việt Nam sở hữu nhiều tài năng tiệm cận trình độ châu lục, thế giới ngày càng lớn.

Qua thời chỉ trông vào ngân sách

Cách đây ít ngày, tay vợt cầu lông Nguyễn Thùy Linh đã xếp thứ Nhì ở một giải cầu lông quốc tế tại Australia. Lẽ ra, sau giải đấu này, cô sẽ dự giải đấu ở New Zealand nhưng do gặp vấn đề về thủ tục nhập cảnh nên đành không góp mặt. Dù sao, đây cũng là điều đáng chú ý trong cách thức vươn lên của Nguyễn Thùy Linh và sự đầu tư cho tay vợt này.

bóng bàn.jpg -0
Các VĐV bóng bàn trẻ cần sự đầu tư từ nhiều phía thay vì chỉ từ đơn vị quản lý.

Cũng như một số tay vợt hàng đầu khác của cầu lông Việt Nam, Nguyễn Thùy Linh đang có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ doanh nghiệp, bên cạnh nguồn kinh phí từ Nhà nước, để có thể thi đấu khoảng 10-12 giải quốc tế trong một năm. Với một tay vợt chuyên nghiệp, đây là số giải đấu tối thiểu để có thể cải thiện hoặc duy trì thứ hạng. Hiện tại, Nguyễn Thùy Linh vẫn đang đà phát triển nên việc được hỗ trợ kinh phí từ doanh nghiệp để có thể luôn góp mặt trên bảng xếp hạng 50 tay vợt nữ hàng đầu thế giới là thực sự cần thiết.

Có lần, ông Lê Thanh Hà – Tổng Thư ký Liên đoàn Cầu lông Việt Nam từng khẳng định, muốn có đột phá về thành tích thì cầu lông Việt Nam phải tìm được nguồn kinh phí hỗ trợ cho VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế liên tục từ các doanh nghiệp hoặc chính gia đình VĐV. Trong khi đó, bà Dương Thị Liên – chuyên gia cầu lông, từng nhiều năm làm Trưởng bộ môn Cầu lông (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) nhiều lần đề cập về việc phải có sự chung tay giữa doanh nghiệp, gia đình, đơn vị chủ quản của VĐV trong việc hỗ trợ VĐV tập huấn, thi đấu quốc tế.

Trong khi đó, ở môn quần vợt, chỉ có sự đầu tư từ doanh nghiệp mới giúp Lý Hoàng Nam thăng tiến nhanh, mạnh như vậy trên bảng xếp hạng. Việc tay vợt này liên tiếp lập các cột mốc về xếp hạng với một tay vợt Việt Nam (hiện xếp hạng 239 thế giới) càng chứng minh cách đầu tư trên là đúng đắn.

Còn ở môn thể thao cá nhân khác là cờ vua cũng tương tự. Lê Quang Liêm từng lọt vào nhóm 20 kỳ thủ hàng đầu thế giới cũng đã nhận được rất nhiều sự đầu tư từ gia đình, bên cạnh nguồn ngân sách cho thể thao TP Hồ Chí Minh. Ngay ở giải cờ vua các nhóm tuổi trẻ châu Á năm 2022 đang diễn ra ở Indonesia, trong 5 kỳ thủ giành HCV cá nhân nội dung cờ nhanh thì những Đinh Nho Kiệt, Đầu Khương Duy… cũng đang nhận được sự đầu tư rất lớn từ gia đình.

Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, người từng tham gia tổ chức nhiều giải cờ quốc tế tại Việt Nam cũng như tham gia huấn luyện nhiều kỳ thủ trẻ, nhận định, việc chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước để trở thành Đại kiện tướng quốc tế đã hầu như không còn khả thi trong giai đoạn này. Nguồn kinh phí từ ngân sách vẫn rất cần thiết nhưng chỉ đáp ứng một phần trong chu trình huấn luyện. Đặc biệt ở những môn thể thao cá nhân thì sự đầu tư từ doanh nghiệp, gia đình càng quan trọng.

Đáng mừng là hiện một số môn thể thao ở Việt Nam như cầu lông, quần vợt, golf, khiêu vũ thể thao… đã rõ sự xã hội hóa trong đầu tư cho VĐV. Nhưng ở nhiều môn khác như bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, bắn cung, đấu kiếm, bóng bàn… dù có khả năng tiếp cận huy chương châu lục, thế giới nhưng vẫn đang phụ thuộc vào nguồn ngân sách.

Tìm lối đi

Sự đầu tư của doanh nghiệp cho VĐV thông qua kinh phí để tập huấn, thi đấu quốc tế, bổ sung dinh dưỡng, thuê HLV cũng đã rõ. Vấn đề khác cần đẩy mạnh chính là sự tham gia của các gia đình vào quá trình đầu tư cho chính VĐV là con mình. Gần đây, khi trở lại huấn luyện cho nhóm VĐV năng khiếu của đội bóng bàn thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội, HLV Lê Huy cũng đã tính tới phương án phối hợp với một số gia đình đưa con đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài với sự chủ trì của đơn vị quản lý thể thao.

Theo đó, hầu như kinh phí tập huấn nước ngoài của nhóm VĐV này (thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) sẽ do gia đình chi trả. Ngành thể thao Hà Nội chỉ phải hỗ trợ phần nhỏ cho hành trình đầu tư cho nhóm VĐV theo đúng quy định Nhà nước. Theo ông Lê Huy, đấy là cách đầu tư cần được chú trọng trong tương lai, ít nhất là với bóng bàn Hà Nội.

Thực tế đã chứng minh, nhiều lớp VĐV bóng bàn Hà Nội thành danh đều nhờ tập huấn dài hạn từ nhỏ tại nước ngoài. Đến giờ, bóng bàn Hà Nội vẫn hưởng thành quả từ cách làm này. Có điều trước đây, kinh phí tập huấn hầu hết từ ngân sách, còn hiện tại, khi xu hướng đầu tư thay đổi thì lại cần đến sự chung tay từ gia đình và nếu có thêm doanh nghiệp đồng hành thì càng tốt.

Còn Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh cũng nhiều lần nhấn mạnh, nếu muốn giành danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế thì chính các gia đình kỳ thủ sẽ đóng vai trò quan trọng. Tại Hà Nội, đang có một số gia đình VĐV đầu tư quyết liệt, mạnh tay cho con. Trong đó, phụ huynh kỳ thủ Đầu Khương Duy (vừa giành HCV cờ nhanh tại Giải cờ vua các nhóm tuổi châu Á năm 2022 đang diễn ra ở Indonesia) từng có lần đề cập về mục tiêu đưa con trở thành Đại kiện tướng quốc tế vào trước 18 tuổi. Đương nhiên, gia đình sẽ đóng vai trò chính trong đầu tư cho kỳ thủ này hoàn thành mục tiêu. Từ đó, VĐV có thể sống bằng nghiệp VĐV cờ vua.

Như tính toán của người trong cuộc thì việc đầu tư từ nhỏ cho VĐV để VĐV có thể vững vàng theo thể thao chuyên nghiệp là theo lối “đầu tư trước, hoàn trả sau”. Bởi nếu thành công, VĐV hoàn toàn có thể tạo ra nguồn thu nhập cho bản thân về lâu dài. Còn ngành Thể thao được lợi khi sở hữu những VĐV có đẳng cấp cao, có thể mang về những tấm huy chương quốc tế.

Có thể thấy rằng, xu hướng đầu tư cho VĐV đang ngày đa dạng, không còn phụ thuộc, trông chờ hoàn toàn vào ngân sách. Thay vào đó là sự chủ động từ chính các gia đình, sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp khi “chọn mặt để đầu tư”. Đó cũng là tín hiệu tích cực cho thể thao Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là càng có nhiều gia đình, doanh nghiệp đầu tư cho VĐV càng tốt.

Chấp nhận chi ra tiền tỷ

Theo tính toán của HLV Bùi Vinh, để VĐV có thể trở thành Đại kiện tướng quốc tế, cần đầu tư tập huấn, thi đấu quốc tế ở mức gần 1 tỷ đồng mỗ năm và chu kỳ đầu tư khoảng 3-5 năm. Đáng mừng là nhiều gia đình đang sẵn sàng chi đầu tư theo mức này để giúp con hoàn thành mục tiêu.

https://cand.com.vn/the-thao/da-dang-hoa-nguon-dau-tu-cho-van-dong-vien-i671520/

Minh Hà / cand.com.vn