Cựu chiến binh đi tìm đồng đội

Từng bao năm chinh chiến, sau khi rời quân ngũ, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy (80 tuổi, nguyên cán bộ Đoàn 5501, hiện ở khu phố Tài Lương 1, phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn luôn đau đáu với đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Dù tuổi cao sức yếu nhưng bao năm qua người cựu binh ấy vẫn luôn đi khắp các địa hình tìm kiếm thông tin các trận đánh, tìm kiếm thông tin hài cốt liệt sĩ.

Lên đường tìm thông tin liệt sĩ

Tôi gặp cựu chiến binh Đặng Hà Thụy khi ông vừa trở về từ hành trình tìm kiếm hố chôn tập thể tiếp theo ở đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Dưới cái nắng gắt gần 40 độ, dù đã ở tuổi 80, nhưng cứ cách vài ngày, người cựu chiến binh già ấy với mái tóc thưa đã bạc, làn da rám nắng cùng những vết chân chim in dấu thời gian vẫn miệt mài lên đồi Xuân Sơn để tìm kiếm đồng đội.

6
Hằng ngày, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy vẫn lên mạng trao đổi, tìm kiếm thông tin liệt sĩ.

Cất quân trang, ngồi xuống rót ly nước, nhấm nháp ngụm trà, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy chậm rãi lật giở từng trang tài liệu tìm kiếm được về thông tin liệt sĩ rồi kể tôi nghe. Năm 1961, ông Thụy tự nguyện tham gia quân thoát ly miền Nam, thuộc tỉnh đội Bình Định. Sau đó đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau như Chủ nhiệm ngành Quân giới tỉnh đội Bình Định, giáo viên trưởng ban huấn luyện Trường hậu cần Kỹ thuật Quân khu 5 cho đến chủ nhiệm Hậu cần Đoàn 5501 kiêm chuyên gia tỉnh đội Ratanakiry Campuchia.

Năm 1990, sau khi rút quân khỏi Campuchia, ông Thụy nghỉ hưu trở về quê nhà tham gia làm Bí thư Chi bộ, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Hoài Thanh Tây. Với niềm đau đáu về những đồng đội đã hy sinh trên chiến trường, ông Thụy quyết tâm lên đường đi tìm hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập và tìm kiếm thân nhân cho những liệt sĩ đã được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ. Ông Thụy cũng lấy đó làm niềm vui cho những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình.

“Ai cũng có một mong ước, một sở thích của mình. Nhiều người đi du lịch, người thì đi bơi, đi dạo biển; với tôi, được tìm kiếm đồng đội, tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ là niềm vui lớn nhất của mình. Và cũng từ đó tôi cố gắng tuyên truyền giải thích cho thân nhân liệt sĩ để không bị lừa đảo, chỉ mộ, hài cốt giả dối của các cá nhân tự nhận gọi là ngoại cảm, tâm linh”, ông Thụy bày tỏ.

Với tâm niệm đó, năm 2012 ông bắt đầu tự nguyện tham gia việc trợ giúp thân nhân liệt sĩ. Ông Thụy bắt đầu đi xe máy vào các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh, những vùng ác liệt hy sinh nhiều, chụp ảnh bia mộ, lưu vào máy tính và sổ ghi chép. Sau khi có thông tin, ông Thụy đăng các thông báo trên mạng xã hội, trên báo và facebook cá nhân giúp các gia đình tra cứu tìm thân nhân liệt sĩ.

Kết nối với các cá nhân trí thức, cựu chiến binh từ xa như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; nhận các thông tin khai thác từ cựu binh Mỹ trên chiến trường giúp tìm những trường hợp bộ đội hy sinh và chôn lấp chưa được biết. Trợ giúp thân nhân liệt sĩ tra cứu thông tin đối chiếu, giúp xác minh điều chỉnh thông tin trên nhiều bia mộ tại các nghĩa trang liệt sĩ diện chưa biết tên.

7
Các liệt sĩ được tìm thấy trong hố chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn được đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

Nhờ kiên trì kết nối và trực tiếp khảo sát trên sơ đồ và thực địa, năm 2017, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã giúp Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định khai quật tìm được hài cốt các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh B52 vào tháng 11-1969 tại sườn cao điểm 784 phía bắc Thuận Ninh, xã Bình Tân, huyện Sơn Tây. Cung cấp tư liệu cho Bộ chỉ huy quân sự tỉnh tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trận đánh đêm 3-11-1969 của tiểu đoàn Đặc công D-40 quân khu V tại An Quí, xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn.

Kết nối tìm kiếm hố chôn tập thể đồi Xuân Sơn

Năm 2018, thông qua mạng xã hội, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã làm quen được với kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - người có công mời các cựu binh Mỹ sang Việt Nam tìm kiếm được hố chôn tập thể 153 hài cốt liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa. Từ đó có được nguồn tin về hố chôn tập thể trận tập kích cụm quân Mỹ đóng giữ tại đồi Xuân Sơn vào cuối tháng 12-1966 do Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao vàng, Quân khu V đảm nhiệm.

Đến bây giờ đã bao năm trôi qua, nhưng người cựu chiến binh già ấy vẫn nhớ như in trận tập kết năm ấy của quân ta. Đưa đôi mắt nhìn xa xăm theo hướng đồi Xuân Sơn, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy kể, đêm 25 rạng sáng ngày 26-12-1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân dân huyện Hoài Ân, quân và dân tỉnh Bình Định tổ chức tập kích cứ điểm Xuân Sơn. Ta đã tiêu diệt và làm bị thương khoảng 600 tên lính Mỹ, phá hủy 11 khẩu pháo 105mm và 155mm, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, thu 34 súng các loại. Trên đường lui, quân ta diệt thêm 120 tên Mỹ và 1 trực thăng.

Tuy nhiên, dưới làn mưa bom, bão đạn của kẻ thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh và từ đó nằm lại trong lòng đất tại đồi Xuân Sơn - nơi gắn với chiến công hiển hách của Trung đoàn 22 - Sư đoàn 3 Sao Vàng lần đầu tiên đánh và tiêu diệt trận địa pháo của Mỹ.

8
Nhờ thông tin cung cấp của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, hố chôn tập thể tại đồi Xuân Sơn được tìm thấy.

Về thời bình, để tìm kiếm các thông tin liệt sĩ chưa được tìm thấy tại đây, người cựu binh ấy đã dành nhiều thời gian, công sức kết nối với các cựu binh Mỹ. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy giờ đây đã chất đầy các loại máy móc, thiết bị điện tử kết nối internet. Ông Thụy cho biết, nhờ các loại máy móc này ông mới có thể liên hệ được với các cựu binh Mỹ để tìm hiểu về thông tin các liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn.

Đêm, ở vùng đất Hoài Thanh Tây chìm vào tĩnh mịch, nhà nhà đã chìm vào giấc ngủ thì trong căn nhà của ông Đặng Hà Thụy vẫn còn hắt ra ánh đèn điện chiếu sáng. Bởi lúc này, người cựu chiến binh già ấy vẫn đang miệt mài lên mạng tra google dịch những chữ chưa hiểu, chưa biết để liên lạc và tìm hiểu về những thông tin mà cựu binh Mỹ cung cấp.

Dưới ánh đèn mập mờ, từng câu từng chữ đã dần hiện ra. Thỉnh thoảng đôi mắt già nua mệt nhòa nhưng người cựu chiến binh ấy vẫn không ngừng nghỉ, lau đôi kính và tiếp tục hành trình tìm kiếm thông tin của mình. “Bây giờ nhờ có internet tôi mới có thể dễ dàng trao đổi với những cựu binh Mỹ tìm kiếm thông tin. Với kiến thức của mình, tôi cố gắng dịch thuật những email của cựu binh Mỹ gửi qua. Những từ nào không biết, không hiểu thì tra google. Đôi lúc thì nhờ sự hỗ trợ của con cháu”, ông Thụy nói.

Với những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, cựu chiến binh Đặng Hà Thụy đã liên hệ được với nhiều cựu binh Mỹ, trong đó có cựu chiến binh Mỹ Bob March, nguyên Đại úy thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, người trực tiếp tham chiến ở trận Xuân Sơn. Sau đó ông Bob March chuyển cho cựu chiến binh Đặng Hà Thụy bảng tường thuật dài 3 trang A4 cùng các hình ảnh, sơ đồ vị trí hố chôn tập thể.

Có được những tài liệu quý, ông Đặng Hà Thụy trực tiếp dịch tài liệu rồi cung cấp cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định. Từ thông tin của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy cung cấp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định đã huy động lực lượng, phương tiện tổ chức khảo sát, thăm dò tại vị trí khoanh vùng ở thực địa.

Sau 2 ngày khảo sát, Đội công tác quy tập đã phát hiện hố chôn tập thể các liệt sĩ. Qua các nhân chứng, các mẫu xương và nhận dạng rất nhiều di vật được tìm thấy, đã xác định đây chính là hài cốt của các liệt sĩ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm đồi Xuân Sơn.

“Từ thông tin cung cấp của chú Đặng Hà Thụy, ngày 11-3-2022, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định tiến hành tổ chức khảo sát, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ ở đồi Xuân Sơn. Trong quá trình từ ngày 11-3 đến 16-4, chúng tôi đã tìm kiếm và phát hiện ra mẫu sinh phẩm và các di vật đầu tiên của hố chôn theo thông tin cung cấp của chú Đặng Hà Thụy. Sau khi khai quật tìm kiếm xong hố chôn thứ nhất, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh cùng với địa phương đã tổ chức an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoài Ân”, Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định cho biết.

Tháng 4 năm 2022, khoảng 60 liệt sĩ hy sinh tại đồi Xuân Sơn được quy tập, an táng tại mộ tập thể trong nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Kể từ đây, các liệt sĩ được trở về với đồng đội của mình.

Sau khi quy tập và an táng khoảng 60 liệt sĩ và quân dân chính đảng địa phương hy sinh tại đồi Xuân Sơn, từ thông tin của các cựu binh Mỹ cung cấp, còn một hố chôn tập thể khác cũng ở khu vực này. Tuy nhiên, do đồi Xuân Sơn là một ngọn đồi thấp, phía đông bắc giáp núi Gò Công, 3 hướng còn lại giáp sông Nước Lương. Trải qua thời gian dài và quá trình canh tác của người dân đã làm địa hình thay đổi.

Các nhân chứng lịch sử người mất, người còn, người đã di chuyển khỏi địa phương, do đó, việc xác định thông tin chính xác để thực hiện việc khảo sát, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trở nên vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, khu vực đồi Xuân Sơn đất nhão, thời tiết ở Bình Định hiện nay sáng nắng chiều mưa nên công tác tìm kiếm càng khó khăn hơn nữa.

Để có được thông tin chính xác nhất giúp cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được dễ dàng, nhanh chóng hơn, mỗi ngày cựu chiến binh Đặng Hà Thụy vẫn tiếp tục nghiên cứu, trao đổi qua lại với các cựu binh Mỹ, rồi cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định miệt mài lên đồi Xuân Sơn tiếp tục khảo sát địa hình.

“Vừa rồi ta đã khai quật được hố chôn tập thể ở hướng Tây Nam của đồi Xuân Sơn. Bây giờ còn một khu vực nữa mà họ mô tả ở phía Tây Bắc của trận địa theo như hình vẽ trên sơ đồ là mình chưa dám đào vì nó còn rừng của dân, thứ hai nữa là vị trí hơi rộng. Tôi sẽ cố gắng liên lạc, tìm kiếm thêm thông tin, tra hình ảnh vệ tinh để có được những thông tin chính xác nhất”, ông Thụy cho hay.

Nhờ sự miệt mài quyết tâm tìm kiếm đồng đội của cựu chiến binh Đặng Hà Thụy, khoảng cách tìm kiếm hài cốt đã được thu hẹp. Đại tá Nguyễn Xuân Sơn, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định nói, “Chú Đặng Hà Thụy là một cựu chiến binh tuy tuổi cao sức yếu nhưng rất tâm huyết đi tìm các thông tin trên mạng, các trận đánh, các vị trí trước đây có hố chôn tập thể cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát, cất bốc. Chú là một người rất tâm huyết và rất có trách nhiệm của thế hệ đi sau với những đồng chí, đồng đội đã khuất. Tôi đánh giá rất cao vai trò và trách nhiệm của chú”.

Đại tá Nguyễn Xuân Sơn cũng cho biết thêm, nhờ sự liên hệ của cựu chiến binh Đặng Hạ Thụy với  6 cựu chiến binh Mỹ, cuối tháng 7 này, các cựu chiến binh Mỹ sẽ trở lại đồi Xuân Sơn để chỉ rõ vị trí đã chôn các liệt sĩ hy sinh tại đây, giúp cho công tác tìm kiếm thêm hiệu quả.

Diễm Phúc / CAND