Hai cựu thủ tướng Úc Bob Hawke và Paul Keating đã trở thành "những người bạn đáng tin cậy" của Bắc Kinh sau khi sự nghiệp chính trị của họ khép lại
Hàng ngàn "tay trong" của Trung Quốc đã và đang len lỏi vào nhiều lĩnh vực đời sống ở Úc, từ chính trường, giáo dục cho đến kinh doanh và văn hóa.
"Bob Bắc Kinh"
Đó là nội dung quyển sách mới có tựa đề gây sốc: "Silent invasion: How China is turning Australia into a puppet state" (tạm dịch: "Cuộc xâm lược thầm lặng: Trung Quốc đã biến Úc thành con rối ra sao"). Tác giả quyển sách 350 trang này - ông Clive Hamilton, chuyên gia tại Trường ĐH Charles Sturt (Úc) - không ngần ngại cáo buộc những chiến dịch do thám, gây ảnh hưởng có hệ thống của Bắc Kinh "đang làm xói mòn chủ quyền nước Úc".
Theo quyển sách, góp phần gây ra sự xói mòn này là làn sóng người Trung Quốc di cư đến Úc gần đây, bao gồm những người lắm tiền nhiều của có liên hệ với Bắc Kinh. Ngoài ra, cần phải kể đến những ông chủ truyền thông Úc đứng về phía Trung Quốc và những người tham gia các hiệp hội thân Bắc Kinh do Đại sứ quán Trung Quốc lập ra.
Theo đài ABC News, quyển sách trên dự kiến xuất bản ngày 26-2 giữa lúc cuộc tranh luận về ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc trở nên gay gắt và nỗi lo Bắc Kinh có hàng ngàn "điệp viên" không chính thức ở nước này. Nỗi lo ấy càng có cơ sở khi chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull cuối năm ngoái công bố ý định thực thi luật mới nhằm chống lại sự can thiệp từ bên ngoài. Quyển sách chắc hẳn sẽ gây chấn động và chia rẽ chính trường Úc khi liệt kê hơn 40 đương kim và cựu chính khách bị cáo buộc làm việc cho chính phủ Trung Quốc, cả vô tình lẫn hữu ý.
Trong số này, theo tác giả, 2 cựu thủ tướng Bob Hawke và Paul Keating đã trở thành "những người bạn đáng tin cậy" của Bắc Kinh sau khi kết thúc sự nghiệp chính trị. Tuy nhiên, nhân vật được quyển sách ưu ái hơn cả là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Bob Carr. Tác giả dành hẳn 1 chương có tựa "Bob Bắc Kinh" để nói về người đang là giám đốc Viện Nghiên cứu Úc - Trung Quốc (ACRI), thuộc Trường ĐH Công nghệ ở TP Sydney. Ông Carr bị cáo buộc thúc đẩy mạnh mẽ lập trường thân Bắc Kinh trong nội bộ Công Đảng.
ACRI được thành lập năm 2015 nhờ khoản đóng góp 1,8 triệu USD từ ông Huang Xiangmo - doanh nhân Trung Quốc phất lên nhờ kinh doanh bất động sản và từng quyên tặng hàng triệu USD cho nhiều chính khách Úc. Không gì lạ khi quyển sách mô tả ông Huang là một trong những "điệp viên" Trung Quốc có ảnh hưởng nhất tại Úc: "Ông Huang nằm ở vị trí trung tâm của một mạng lưới được mở rộng thông qua chính trị, kinh doanh và truyền thông".
Ông Huang Xiangmo (bìa phải) tặng 1,8 triệu USD để giúp thành lập Viện Nghiên cứu Úc - Trung Quốc (ACRI) do ông Bob Carr (bìa trái) đứng đầu. Ảnh: ABC NEWS
Bìa quyển sách của tác giả Clive Hamilton. Ảnh: THE TIMES
Tranh cãi
Doanh nhân họ Huang đã trở thành đề tài bàn tán của dư luận Úc sau khi đài ABC News tiết lộ những khoản đóng góp hàng triệu USD của ông ta cho các chính đảng ở Úc. Dĩ nhiên là ông Huang phủ nhận mối liên hệ giữa mình và chính phủ Trung Quốc. Ông Carr cũng bác bỏ cáo buộc làm việc cho Bắc Kinh, trong lúc khẳng định ACRI có quan điểm tích cực, lạc quan về quan hệ Úc - Trung và hoạt động độc lập, phi đảng phái.
Nội dung quyển sách trên gây tranh cãi đến nỗi kế hoạch phát hành nó vào cuối năm ngoái gặp nhiều trở ngại do một số nhà xuất bản không muốn chọc giận Bắc Kinh. Tác giả Hamilton gọi đây là "chiến thắng" của Trung Quốc trong việc cản trở cuộc tranh luận công khai và bịt miệng những tiếng nói chỉ trích ở Úc.
Một phần nội dung quyển sách cũng được chuyển đến Ủy ban Hỗn hợp về tình báo và an ninh của quốc hội Úc (PJCIS) vào tháng rồi như là một phần của cuộc điều tra về dự luật chống nước ngoài can thiệp của ông Turnbull. Theo tờ The Guardian, những dữ liệu được ông Hamilton và nhà nghiên cứu Alex Joske của Trường ĐH Quốc gia Úc cung cấp còn cáo buộc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng đến nhiều trường đại học ở xứ sở kangaroo và Tổ chức Nghiên cứu khoa học - công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO). Trong báo cáo gửi đến PJCIS, ông Hamilton viết rằng các Hiệp hội Sinh viên và Học giả Trung Quốc (CSSA) là "thành phần chủ chốt" trong sự hiện diện của Bắc Kinh tại các khuôn viên trường đại học khắp nước Úc, với mục đích chính là giám sát tư tưởng, hành vi của hơn 130.000 sinh viên người Hoa đang theo học tại đó.
Có ít nhất 37 CSSA đang hoạt động tại các trường đại học Úc. Trong lúc một số hiệp hội tìm cách giảm nhẹ hoặc che giấu mối liên hệ với Bắc Kinh, vẫn có vài tổ chức không ngần ngại công khai chuyện này. Chẳng hạn, website của Trường ĐH Newcastle nói rõ CSSA tại đó chịu sự giám sát của Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở TP Sydney. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm sinh viên người Hoa duy trì lòng yêu nước, CSSA còn huy động lực lượng này tham gia phản đối những hoạt động có thể khiến Bắc Kinh bối rối khi cần.
Tổng thống Putin "ra tay" giữa căng thẳng Israel-Syria-Iran
Sau các cuộc không kích của Israel vào Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu tránh mọi hành động có ... |
Triều Tiên tố cáo Mỹ luyện quân để chuẩn bị chiến tranh xâm lược
Bình Nhưỡng khẳng định việc đào tạo lính chiến đấu trong điều kiện hầm ngầm cho thấy Washington muốn khơi mào chiến tranh. |
Kế hoạch xóa sổ Đức bằng vi khuẩn bệnh than của Anh năm 1942
Chính phủ Anh từng có kế hoạch đưa mầm bệnh than đến Đức nhằm ngăn chặn hiểm họa bị xâm lược trong Thế chiến II. |
Vấn nạn rắn ở Bangkok: Lính cứu hỏa bắt rắn nhiều hơn dập lửa
Người dân thủ đô Bangkok của Thái Lan đang đau đầu với sự "xâm lược" của rắn khi chúng len lỏi vào ngóc ngách của ... |