Bị bao vây trong cảnh thiếu điện, nước, Gaddafi tìm cách thoát thân qua đường cống ngầm nhưng cuối cùng bị quân nổi dậy bắt và sát hại.
Muammar Gaddafi, lãnh đạo Libya năm 1969-2011. Ảnh: Reuters.
Cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi bị điều tra với cáo buộc nhận tiền phi pháp từ cố tổng thống Libya Muammar Gaddafi để phục vụ chiến dịch tranh cử năm 2007.
Cuộc điều tra cũng khiến nhiều người chú ý đến mối quan hệ từng được cho là gắn bó giữa Sarkozy và Gaddafi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo lâu năm của Libya sau đó trở thành mục tiêu của chiến dịch quân sự quốc tế được tổng thống Pháp Sarkozy ủng hộ, sống trong cảnh chạy trốn và kết thúc cuộc đời ở cạnh một ống cống, theo Independent.
Chiến dịch quân sự can thiệp vào Libya để lật đổ Gaddafi được NATO phát động vào năm 2011 với lý do "bảo vệ dân thường" trước các cuộc "tàn sát" của ông này. Cơ sở pháp lý cho hành động quân sự này là nghị quyết được Hội đồng Bảo an thông qua theo đề xuất của Pháp lên án các hành động chống lại dân thường của Gaddafi.
Nhờ sự hậu thuẫn của NATO, phe nổi dậy Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia (NTC) chống Gaddafi đến tháng 8/2011 đã kiểm soát được nhiều khu vực trọng yếu ở Libya.
Trước sức tấn công của quân nổi dậy, ngày 28/8/2011, Gaddafi và một đoàn tùy tùng nhỏ chạy trốn khỏi thủ đô Tripoli để đến Sirte, quê nhà của nhà lãnh đạo này ở cách đó khoảng 450 km về phía đông, theo báo cáo của Nhóm Quan sát Nhân quyền (HRW).
Thành phố Sirte với khoảng 70.000 dân bị bao vây trong gần hai tháng. Mutassim, con trai thứ tư của Gaddafi phụ trách bảo vệ nơi này. Khi quân NTC ngày càng áp sát, Gaddafi và các phụ tá phải thay đổi nơi ở thường xuyên và sau đó trú tại Quận 2 ở vùng ngoại ô phía đông.
"Ban đầu chúng tôi ở trong trung tâm thành phố", Mansour Dhao, từng là người đứng đầu Lực lượng Vệ binh Nhân dân của chính quyền Gaddafi, nói. "Nhưng kẻ địch nã cối vào khu vực đó nên cuối cùng chúng tôi chuyển đến Quận 2. Chúng tôi không có nguồn cung cấp lương thực ổn định, không có thuốc men và còn gặp khó khăn trong việc lấy nước. Các thùng chứa nước bị bắn hoặc bị phá huỷ do đạn lạc. Cứ vài ngày chúng tôi lại phải thay đổi địa điểm một lần".
"Gaddafi dành phần lớn thời gian để đọc kinh Koran và cầu nguyện", Dhao nói. "Ông ấy bị cắt đứt liên hệ với thế giới bên ngoài, không có truyền hình, không có gì cả. Chúng tôi không có nhiệm vụ, chẳng có gì để làm. Gaddafi ngày càng trở nên giận dữ".
Đêm 19 rạng sáng 20/10, lực lượng bảo vệ Gaddafi ở Quận 2 liên tục bị bắn phá. Mutassim tổ chức một cuộc phá vây, đưa bố mình, dân thường và những người bị thương lên một đoàn xe bán tải được nạp đầy vũ khí và đạn dược. Tuy nhiên, khác với thời gian khởi hành dự kiến là 3h30 hoặc 4h sáng, đoàn xe đến 8h mới xuất phát và vào thời điểm đó, quân nổi dậy đã chờ sẵn để đối phó với họ.
Đoàn xe đến được một con đường để ra khỏi thành phố nhưng một tên lửa phóng từ máy bay không người lái đã phát nổ cạnh chiếc xe chở Gaddafi. "Nó gây ra một vụ nổ lớn, khiến túi khí trong xe bật ra và mảnh vỡ găm vào người tôi", Dhao kể lại.
Gaddafi bị chặn đường thoát thân ở mọi hướng, máy bay không người lái và máy bay quân sự vần vũ trên không. Con đường phía trước đoàn xe đã bị quân nổi dậy chặn. Lực lượng cận vệ của Gaddafi bắn trả bằng súng phóng lựu nhưng bị chế áp bởi hỏa lực súng máy phòng không.
Chiến đấu cơ NATO thả hai quả bom xuống đoàn xe của Gaddafi, phá hủy 14 chiếc xe, giết 53 người, khiến Gaddafi và các thân tín phải xuống xe và bỏ chạy vào một khu nhà gần đó, trong khi quân nổi dậy tiếp tục tấn công. Một người sống sót kể rằng Gaddafi khi đó đội mũ bảo hộ, mặc áo chống đạn và mang súng trường, một khẩu súng ngắn được giắt trong túi.
Dhao thuyết phục Gaddafi rằng họ nên chui xuống đường cống thoát nước dưới lòng đất với hy vọng trốn đến một trang trại an toàn. Nhưng ngay khi họ chui lên khỏi mặt đất, các tay súng quân nổi dậy đã mai phục sẵn. Một cận vệ của Gaddafi ném lựu đạn để chống trả nhưng quả lựu đạn thứ ba bật ngược trở lại khiến người này chết và Gaddafi bị thương ở đầu. Quân nổi dậy tràn xuống cống để bắt sống Gaddafi.
"Tình hình khi đó như một mớ hỗn độn", chỉ huy quân nổi dậy Khalid Ahmed Raid kể lại. "Cảnh tượng rất bạo lực, các tay súng đặt Gaddafi lên nắp ca-pô xe bán tải, ông ta ngã xuống đường khi chiếc xe chạy. Họ xúm vào kéo tóc và đánh Gaddafi. Chúng tôi hiểu rằng cần phải đưa ông ta đi xét xử nhưng chúng tôi không thể kiểm soát mọi người".
Ống cống nơi Gaddafi bị quân nổi dậy phát hiện. Ảnh: Reuters.
"Khi Gaddafi cuối cùng được đưa vào xe cứu thương, ông ta gần như không còn mảnh vải che thân và đã hấp hối", HRW viết trong báo cáo. Đến thời điểm Gaddafi được đưa đến Misrata để cấp cứu hai giờ sau, ông ấy "gần như chắc chắn đã chết".
Tuyên bố chính thức của NTC nói rằng Gaddafi bị trúng đạn trong một vụ đấu súng, nhưng các nhân chứng nói rằng quân nổi dậy đã bắn chết Gaddafi bằng phát đạn vào bụng. Con trai của Gaddafi, Mutassim, cũng bị bắt và chết vài giờ sau đó.
Nhà nghiên cứu bệnh học pháp lý của Libya, Othman al-Zintani, đã khám nghiệm tử thi của Gaddafi và con trai ông ta. Mặc dù al-Zintani ban đầu nói với báo chí rằng Gaddafi chết vì phát đạn bắn vào đầu, báo cáo khám nghiệm tử thi cuối cùng không được công khai.
Ra tranh cử, con trai Gaddafi muốn cứu Libya đến bến bờ an toàn Saif al-Islam Gaddafi, con trai cố Tổng thống Muammar Gaddafi được người dân thường Libya ủng hộ rộng rãi để tranh cử với hy vọng ... |
Ai đã cung cấp bằng chứng chống lại cựu Tổng thống Sarkozy? Saif al-Islam Gaddafi, con trai lãnh đạo Libya bị lật đổ Moammar Gaddafi hoan nghênh việc Pháp bắt giữ cựu Tổng thống Nicholas Sarkozy. Anh ... |
Cuộc gặp bị nghi bàn việc hỗ trợ tranh cử giữa Gaddafi và Sarkozy năm 2005 Thỏa thuận góp tiền tranh cử giữa cố lãnh đạo Libya Gaddafi và cựu tổng thống Pháp Sarkozy được cho là bắt đầu nhen nhóm ... |
Phương Vũ