Cuộc sống sau khi ra tù của "Taliban Mỹ"

John Walker Lindh, biệt danh "Taliban Mỹ", phải chịu sự giám sát chặt chẽ và không được tiếp xúc với các tài liệu cực đoan sau khi ra tù. 

Sau khi thụ án 17/20 năm trong bản án của mình, John Walker Lindh, tù nhân Mỹ đầu tiên bị bắt trong cuộc chiến chống khủng bố do Washington dẫn dắt, hồi tháng 5 được trả tự do khỏi trại giam Terre Haute ở Indiana.

Lindh, trước đây có biệt danh là "Taliban Mỹ", sẽ sống ở Virginia và phải tuân thủ những hướng dẫn, chỉ thị của người quản chế tại đây, Bill Cummings, luật sư đại diện cho Lindh, nói. Tuy nhiên, một số người kêu gọi điều tra về quãng thời gian Lindh thụ án, nơi anh ta được cho là đã có các tuyên bố ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đủ để khiến anh ta bị đưa trở lại nhà tù.

cuoc song sau khi ra tu cua taliban my
John Walker Lindh. Ảnh: AFP.

Các báo cáo về những dấu hiệu cực đoan chưa biến mất ở Lindh được nêu chi tiết trong hai bản đánh giá chống khủng bố hồi năm 2017 cũng làm dấy lên hoài nghi về nỗ lực của chính phủ Mỹ nhằm cải tạo những kẻ như Lindh.

Lớn lên ở vùng ngoại ô phía bắc San Francisco, Lindh tỏ ra có hứng thú với đạo Hồi từ khi còn rất nhỏ. Anh ta cải sang đạo Hồi vào năm 16 tuổi và chuyển tới Trung Đông sống để học tiếng Arab sau khi tốt nghiệp trung học.

Lindh tới Pakistan năm 2000 và được huấn luyện cùng một nhóm Hồi giáo cực đoan trước khi tới Afghanistan để gia nhập phiến quân Taliban.

Vì không phải người gốc Afghanistan và không nói tiếng địa phương, Lindh sau đó gia nhập al-Qaeda, học về bản đồ và chất nổ, chiến đấu trên tiền tuyến, sau đó gặp thủ lĩnh Osama bin Laden.

Khi quân đội Mỹ lần đầu chạm trán Lindh vào tháng 11/2001, vài tuần sau cuộc tấn công khủng bố 11/9, anh ta đã nằm liệt giường và bị thương. CNN ghi hình Lindh, với khuôn mặt lấm lem bùn đất, nói với các binh sĩ Mỹ rằng anh ta bị thương tại một trại giam ở miền bắc Afghanistan và sống sót sau một cuộc nổi dậy của Taliban ở đây, khiến sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Johnny Michael Spann cùng hàng trăm tù nhân thiệt mạng.

Lindh thừa nhận đã tham gia vào các cuộc nổi dậy gần Mazar-e Sharif, Afghanistan, nhưng các công tố viên không cho biết anh ta có liên quan tới cái chết của Spann hay không.

Lindh ban đầu bị cáo buộc hàng loạt tội danh nghiêm trọng như âm mưu giết công dân Mỹ. Năm 2002, Lindh đạt được một thỏa thuận với các công tố viên, dường như nhằm ngăn chặn việc tiết lộ chi tiết những hành vi ngược đãi của quân đội Mỹ với anh ta. Lindh thú nhận chiến đấu cho phiến quân Taliban.

Tại phiên tòa tuyên án ở Virginia cùng năm đó, Lindh khóc lóc sụt sùi và gần như suy sụp trong lúc nói lời cuối trước tòa. "Nếu tôi biết trước những điều sau này tôi mới phát hiện ra về Taliban, tôi sẽ không bao giờ gia nhập với họ", Lindh cho hay. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng jihad đồng nghĩa với chủ nghĩa chống Mỹ và khủng bố".

Nhưng theo báo cáo của Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia và Cục Trại giam Liên bang Mỹ (BOP), vào tháng 5/2016, Lindh "tiếp tục ủng hộ các phong trào cực đoan toàn cầu, đồng thời đã viết và dịch những văn bản cực đoan bạo lực". Tháng 3/2016, Lindh "nói với một nhà sản xuất tin tức truyền hình rằng khi nào được thả, y sẽ tiếp tục truyền bá Hồi giáo cực đoan".

Lindh đã đưa ra "tuyên bố ủng hộ IS trước nhiều phóng viên khác nhau", BOP cho hay. Trong email gửi cha mình, Lindh nói anh ta "không hứng thú với việc từ bỏ đức tin". Năm 2015, Lindh tiết lộ với một phóng viên rằng anh ta nghĩ IS đang thực hiện "sứ mệnh ngoạn mục".

"IS rõ ràng rất chân thành và nghiêm túc trong việc hoàn thành nghĩa vụ tôn giáo đã bị lãng quên từ lâu khi hướng tới mục tiêu thành lập một nhà nước Hồi giáo thông qua đấu tranh vũ trang, phương pháp đúng đắn duy nhất", Lindh nói với phóng viên.

Trong tù, Lindh được biết đến là một người mộ đạo. Anh ta đọc thuộc lòng toàn bộ kinh Koran mỗi tuần và thường xuyên cầu nguyện cho những tín đồ Hồi giáo khác cùng khu vực giam giữ, theo một phạm nhân cùng trại giam với Lindh. "Cuộc sống của Lindh chỉ xoay quanh đọc, viết, cầu nguyện và tập luyện trong buồng giam. Những anh em Hồi giáo khác của Lindh biết rằng anh ta bận rộn nên không ngần ngại nấu ăn cho anh ta", người này cho biết.

"Thời gian tự do là một món quà tuyệt vời từ Thánh Allah và rất ít người có thể tận hưởng nó nhiều hơn các tù nhân", Lindh từng viết. "Cách tốt nhất chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn tới Thánh Allah vì món quà đó là thông qua học tập, đọc thuộc lòng, ghi nhớ, chiêm nghiệm và thực hành kinh Koran".

Johnny Spann, cha của sĩ quan CIA Michael Spann, người bị giết trong cuộc nổi dậy của Taliban mà Lindh tham gia, đã đệ đơn kiến nghị yêu cầu thẩm phán Virginia điều tra các bình luận cực đoan được cho là của Lindh trong thời gian ngồi tù. Spann cũng trình kiến nghị lên các nhà lập pháp Mỹ phản đối việc trả tự do trước thời hạn cho Lindh.

Sau khi rời tù, mọi hành động, việc làm của Lindh sẽ được giám sát chặt chẽ trong vòng ba năm. Đây là một phần trong điều kiện trả tự do sớm mà thẩm phán Judge T.S. Ellis đưa ra.

Theo đó, Lindh không được sở hữu bất kỳ "thiết bị có kết nối Internet nào" khi chưa có sự cho phép của văn phòng quản chế. Trong trường hợp đã phê duyệt, nhà chức trách phải "theo dõi liên tục" mọi thiết bị anh ta sử dụng.

Lindh cũng không được phép có bất kỳ giao tiếp trực tuyến nào ngoài tiếng Anh, không được kết nối với các phần tử cực đoan đã xác định và không được sở hữu hay đọc "những tài liệu thể hiện quan điểm cực đoan, khủng bố".

cuoc song sau khi ra tu cua taliban my
Lindh lúc bị bắt hồi năm 2001. Ảnh: CNN.

Những hạn chế nghiêm ngặt như trên có thể sẽ được áp dụng cho hàng chục trường hợp tương tự. Hệ thống nhà tù liên bang Mỹ đang giam giữ 421 phạm nhân có tiền sử liên quan tới khủng bố quốc tế. Khoảng 60-100 người trong số này dự kiến được thả trong 5 năm tới, Mitch Silber, cựu giám đốc phòng phân tích tình báo thuộc sở cảnh sát New York, cho hay.

Chuyên gia chống khủng bố trong khi đó cho rằng chính quyền liên bang chưa sẵn sàng đối phó với làn sóng phạm nhân liên quan tới khủng bố ra tù sắp tới. "Hiện tại, chưa có chương trình nào giúp họ phục hồi và tái hòa nhập, cung cấp cho họ những kỹ năng giúp giảm khả năng tái phạm", Silber nói.

Trong các email Lindh viết từ trại giam được nêu trong báo cáo của BOP, anh ta bày tỏ mong muốn tới Ireland, nơi Lindh là công dân, và Puerto Rico sau khi ra tù. Lindh nói anh ta được nhận quốc tịch Ireland vào năm 2013 "vì có ông bà là người Ireland".

Kế hoạch tới Ireland của Lindh ít nhất sẽ bị ngăn chặn ở hiện tại bởi theo các điều kiện trong thỏa thuận trả tự do sớm, anh ta không thể có hộ chiếu và rời khỏi nước Mỹ khi chưa được tòa án cho phép.

Vũ Hoàng (Theo CNN)

cuoc song sau khi ra tu cua taliban my Trung Quốc xác nhận nhóm đại diện của Taliban đến Bắc Kinh
cuoc song sau khi ra tu cua taliban my “Đàm phán với Taliban chẳng khác gì ngồi xuống nói chuyện với IS”
cuoc song sau khi ra tu cua taliban my Afghanistan tiêu diệt hai thủ lĩnh cấp cao Taliban
cuoc song sau khi ra tu cua taliban my Phái đoàn Taliban tới Nga
cuoc song sau khi ra tu cua taliban my Trump nói Mỹ tấn công Taliban "lớn chưa từng có"
cuoc song sau khi ra tu cua taliban my Đàm phán Mỹ-Taliban đổ vỡ, Trump “thấm thía” bài học về Afghanistan
/ vnexpress.net