Mấy ngày nay, giám đốc Lee Jung‑kook có thói quen mới: Kiểm tra túi xách, thấy có đủ khẩu trang, nước rửa tay mới ra khỏi nhà.
Lee (44 tuổi) đã ở Việt Nam được hơn một năm với vai trò giám đốc chi nhánh một công ty điện tử Hàn Quốc. Văn phòng của ông đặt tại một tòa nhà trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Lee cũng thuê thêm một phòng tại tòa nhà này, ở chung với đồng nghiệp.
Cuối tháng 1, dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Lee được ban quản lý tòa nhà khuyến cáo đeo khẩu trang nhưng ông ít khi nhớ. \\"Tôi chỉ lui tới các quán ăn Hàn nên nghĩ mình không có nguy cơ lây nhiễm virus corona\\", ông giải thích.
Mấy ngày nay, nghe tin dịch bệnh lây lan mạnh ở Hàn Quốc, thói quen của vị giám đốc bỗng nhiên thay đổi. Trước khi đi làm, thay vì đứng trước gương sửa sang quần áo, Lee lại kiểm tra túi xách, thấy khẩu trang và nước rửa tay đầy đủ mới yên tâm ra khỏi nhà.
Tòa nhà nơi Lee làm việc, giờ thang máy được bọc ni lông nút bấm, khách đến được yêu cầu đo thân nhiệt. \\"Ở Việt Nam kiểm soát tốt, tôi thấy yên tâm hơn là về Hàn Quốc\\", ông quay sang nói với đồng nghiệp trước khi lên phòng. Nghe thấy tiếng loa hướng dẫn cách phòng bệnh bằng tiếng Anh, đang rảo bước Lee dừng lại nghe ngóng. Trước đây, ông không có thói quen này.
Hôm trước vừa bước tới công ty, Lee tình cờ nghe được một đối tác Việt Nam hỏi thư ký trong điện thoại: \\"Sếp em có mới từ Hàn Quốc sang không?\\", khiến ông chột dạ. Ông quay sang dặn thư ký, từ nay khi gửi email cho đối tác cần thêm dòng ghi chú \\"Giám đốc Lee không qua tâm dịch ở Hàn Quốc thời gian qua\\" để khách yên tâm.
Người Hàn Quốc đeo khẩu trang đi trên phố Trần Văn Lai (Hà Nội). Ảnh: Phạm Nga. |
Giống như ông Lee Jung-kook, cuộc sống của Park Min He (40 tuổi), chủ một công ty bất động sản nhỏ ở Mễ Trì, Hà Nội cũng thay đổi đáng kể bởi dịch bệnh. Làm ở phân khúc nhà cho thuê đã 7 năm, nhưng chưa khi nào Park thấy lượng khách Hàn Quốc giảm sút như vậy. \\"Đìu hiu lắm, thỉnh thoảng mới có người ghé qua hỏi han\\", ông thở dài.
Số lượng người tìm thuê giảm sút, nếu có chủ nhà cũng phải tìm hiểu rõ khách đến từ đâu để khai báo với công an khu vực. \\"Giờ đó là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cộng đồng\\", Park nói với một vị khách Hàn Quốc vừa đến. Ông yêu cầu được kiểm tra giấy tờ của người này trước khi giới thiệu về căn hộ cho thuê.
Tại bàn tiếp khách ở công ty Park đặt sẵn một hộp khẩu trang, ai đến cũng tặng một chiếc nhưng người đeo người không. Từ khi Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc, ngoài cửa ra vào, ông dán dòng chữ \\"Đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho mọi người\\". Từ ngày có thông báo, Park không phải phát tặng khẩu trang cho khách nữa.
Dịch bệnh cũng làm thay đổi thói quen ăn uống của người đàn ông này. Buổi trưa thay vì ra ngoài ăn, giờ Park và vợ mang cơm từ nhà đến công ty. Tối lại về nhà đi chợ, nấu cơm, tránh quán xá đông người. Thú vui cuối tuần như đi đánh golf, du lịch cũng phải trì hoãn. \\"Đợi dịch qua rồi tính tiếp\\", ông nói với vợ. Bố mẹ đẻ của Park sống tại Busan, thay vì dăm bữa nửa tháng mới được con trai hỏi thăm một lần, giờ tần suất cuộc gọi cũng tăng lên đáng kể.
Sejun Eun và vợ trong một chuyến về thăm quê nhà Hàn Quốc năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Hàng quán đìu hiu, khách thưa thớt là tình trạng tại quán cà phê của Sejun Eun, sống tại quận 2, TP HCM.
\\"Doanh số giảm đi một nửa từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Mấy ngày gần đây lại càng ảm đạm hơn bởi thông tin dịch bệnh từ Hàn Quốc\\", người đàn ông 33 tuổi than.
Sejun Eun sang Việt Nam được 6 năm, làm trưởng phòng kinh doanh xuất nhập khẩu cho một công ty của Hàn Quốc tại Bình Dương. Hai năm trước, vợ chồng anh hùn vốn mở một quán cà phê cạnh bể bơi tại tầng 3 chung cư đang ở. Để đảm bảo sức khỏe cho khách trong những ngày dịch bệnh, vợ Sejun Eun mua hàng lít nước sát khuẩn rồi đổ ra các chai loại nhỏ, đặt ngay cửa ra vào quán. Nhân viên cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trong giờ làm việc.
Vài ngày trước khi thông tin xứ kim chi trở thành ổ dịch phát tán virus corona lớn thứ hai thế giới, để tránh phiền phức, mỗi khi ra đường hay vào thang máy hai vợ chồng Sejun Eun đều đeo khẩu trang kín mít, thế nhưng vẫn có người nhận ra.
\\"Hôm đó chẳng may tôi ho vài tiếng, thấy mấy người đứng cạnh cố gắng nhích ra xa dù thang máy khá đông\\" Sejun Eun cho biết dù khá buồn cười nhưng anh thấy đó là hành động hợp lý. \\"Dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, ở đâu cũng cần nâng cao cảnh giác\\".
Không chỉ công việc kinh doanh bị ảnh hưởng, cuộc sống của cặp vợ chồng Hàn- Việt này cũng thay đổi đáng kể bởi Covid 19. Đều là người trẻ, chưa có con nên trước đây hai vợ chồng thường xuyên ăn tối ngoài nhà hàng rồi đi dạo hoặc đến bar xả stress. Giờ cả hai đều rất ngại tụ tập bạn bè và đến nơi đông người, tan làm là về thẳng nhà nấu cơm.
\\"Dù ảnh hưởng của Covid 19 rất nặng nề nhưng ở một mặt nào đó nó khiến những người trẻ như chúng tôi biết cách giữ gìn sức khỏe, trân trọng hơn gia đình mình\\", Sejun Eun nói.
Hải Hiền