Cuộc đua săn lùng lithium - “Kim cương trắng” cho kỷ nguyên năng lượng mới

Xung đột thương mại và chiến sự mới nổi đã tác động lớn trên toàn cầu đối với chuỗi cung ứng chất bán dẫn, thực phẩm, năng lượng và các sản phẩm khác. Trong số đó, lithium, một loại vật liệu sản xuất pin lưu trữ thiết yếu trong sản xuất xe điện (EV) và công nghệ năng lượng tái tạo - vốn được mệnh danh là “kim cương trắng” đang trở thành mục tiêu săn lùng của các nước lớn.

10
Một trong những dự án của Ganfeng Lithium - tập đoàn Trung Quốc có công suất sản xuất lithium lớn nhất thế giới

Trung Quốc đầu tư mạnh để chiếm 65% thị phần lithium

Do Trung Quốc sản xuất số lượng lớn xe điện nên nhu cầu về nguyên liệu thô luôn ở mức cao. Đây là lý do tại sao các công ty Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án sản xuất lithium trên khắp thế giới và tăng cường ảnh hưởng của họ trong lĩnh vực này.

Tại một vùng đất hoang ở tỉnh Salta, phía Tây Bắc Argentina, các công nhân đang làm việc không ngừng nghỉ để tìm lithium, vốn hòa tan trong nước muối ở độ sâu hàng chục mét dưới lòng đất. Nước tích tụ bên dưới các hồ muối chứa rất nhiều khoáng chất, trong đó có lithium. Khi nước này được bơm lên bề mặt và để bay hơi dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng 1 năm, nồng độ lithium sẽ tăng lên.

Khi cô đặc trong ao nhân tạo, thứ nước đó có màu hơi vàng và dính như dầu. Sau đó, tại một nhà máy chế biến, tạp chất được loại bỏ để tạo ra lithium cacbonat. Nhưng người phụ trách dự án không phải là một công ty địa phương mà là Tập đoàn Ganfeng Lithium - đến từ Trung Quốc, cách đó nửa vòng Trái đất. Ganfeng đã giành được quyền khai thác khu vực này vào năm 2021.

Argentina nắm giữ trữ lượng lithium lớn thứ ba thế giới. Cùng với các nước láng giềng Chile và Bolivia, 3 quốc gia này tạo nên “tam giác lithium”, ước tính chiếm 50 - 60% trữ lượng lithium của thế giới. Hiện tại, Tập đoàn Ganfeng Lithium có trụ sở tại tỉnh Giang Tây, phía Đông Nam Trung Quốc, có công suất sản xuất lithium lớn nhất thế giới. Họ đã gây chú ý vào năm 2009 khi xây dựng dây chuyền sản xuất lithium cacbonat (loại vật liệu có thể sử dụng trong pin) đầu tiên ở Trung Quốc.

Sau khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thâm Quyến vào năm 2010, Ganfeng bắt đầu đầu tư khai thác lithium ở nước ngoài và đến nay, họ có 4 dự án lithium ở Argentina với tổng vốn đầu tư khoảng 2,7 tỷ USD, sản lượng lithium cacbonat dự kiến là 100.000 tấn mỗi năm.

Theo Rystad Energy, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại Oslo, tính đến tháng 3-2023, các công ty Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 4,5 tỷ USD vào các dự án lithium ở 11 quốc gia trên thế giới. Một nửa số khoản đầu tư này là ở các nước Mỹ Latinh và châu Phi, cũng trùng với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một kế hoạch sâu rộng cho các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu cùng nhau tạo ra các tuyến thương mại mới với Trung Quốc.

Cần nói thêm rằng, tinh chế là một bước quan trọng trong sản xuất lithium. Quá trình này đòi hỏi một lượng lớn nước và các chất hóa học có thể làm ô nhiễm đất, do đó có tác động môi trường cao. Vì lý do này, các nước phát triển đã giảm hoạt động tinh chế lithium, trong khi Trung Quốc đang mở rộng hoạt động và hiện chiếm 65% thị phần. Tuy nhiên, một số quốc gia có sản lượng cao vẫn cần phải dựa vào Trung Quốc để tinh chế và thương mại hóa sản phẩm của họ.

Sau “cơn sốt vàng và đá phiến”, Mỹ dấy lên “cơn sốt pin”

Một ví dụ cho thấy, ngay cả Tesla, công ty dẫn đầu thế giới về xe điện của Mỹ cũng bị ràng buộc về lithium với Trung Quốc. Trong số 13.428 nhà cung cấp tham gia sản xuất xe điện của Tesla, các công ty Trung Quốc chiếm 17%, tỷ lệ cao thứ hai, sau Mỹ với 22%. Các công ty Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng hơn đến các vật liệu và công nghệ liên quan đến pin so với các công ty đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh từ đối thủ hàng đầu là Trung Quốc, Washington đã quyết định chi 369 tỷ USD cho các dự án liên quan đến an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), được thông qua vào tháng 8-2022. Các khoản trợ cấp khổng lồ đang được sử dụng để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào Mỹ.

Cùng với đó, người mua “phương tiện sạch” như xe điện đáp ứng một số điều kiện nhất định có thể nhận được hưởng mức miễn thuế lên tới 7.500 USD. Tuy nhiên, những điều kiện để nhận được ưu đãi rất nghiêm ngặt, yêu cầu ít nhất 40% khoáng chất quan trọng sử dụng trong pin phải được sản xuất ở các quốc gia thân thiện và ít nhất 50% linh kiện được sản xuất ở Bắc Mỹ (Mỹ, Canada và Mexico). Đạo luật đó cũng loại trừ nguồn cung cấp từ các thực thể ở một số quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc.

Tính đến cuối tháng 7-2023, 34 mẫu xe, hầu hết là của các nhà sản xuất Mỹ, đã được phê duyệt để khấu trừ thuế. Các hãng ô tô không có mạng lưới sản xuất và cung ứng tại Bắc Mỹ sẽ khó đáp ứng được điều kiện nói trên. Do đó, họ buộc phải đầu tư vào khu vực. Với IRA làm chất xúc tác, Mỹ đang chứng kiến một loạt khoản đầu tư lớn vào pin lithium-ion.

Theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas, các khoản đầu tư đó đến năm 2022 vượt trên 40 tỷ USD và năng lực sản xuất sẽ tăng hơn 5 lần trong 5 năm từ 2021 đến 2026. Giống như “cơn sốt vàng” những năm 1800 và “cơn sốt khí đá phiến” gần đây hơn, được tạo ra bởi những đổi mới trong công nghệ khai thác dầu, Mỹ hiện đang ở thời kỳ gọi là “cơn sốt pin”.

“Mua hàng Mỹ” và “sản xuất tại Mỹ” là những khẩu hiệu lớn dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhưng chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ không hề giảm bớt mà còn gia tăng dưới thời Tổng thống Joe Biden. Khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 đến gần, an ninh kinh tế sẽ là chính sách được chú trọng. Chính quyền của ông Biden đã giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế, đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy ngành năng lượng sạch. Để thu hút sự ủng hộ từ các cử tri bảo thủ, lập trường bảo hộ của ông Biden có thể còn tăng cường hơn nữa.

11
Giống như “cơn sốt vàng” những năm 1800 và “cơn sốt khí đá phiến” trong công nghệ khai thác dầu gần đây, Mỹ hiện đang ở thời kỳ gọi là “cơn sốt pin”

Chính sách bảo hộ sẽ “căng” hơn

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về lithium vào năm 2022 cao gấp 3 lần so với năm 2017. Lo ngại khi các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác bắt đầu tranh giành để đảm bảo nguồn khoáng sản này, ông Jean-Dominique Senard, Chủ tịch hãng sản xuất ô tô Pháp Renault Group nhận định: “Tương lai sẽ là một cuộc chiến kim loại”.

Chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các nước giàu tài nguyên. Họ chuyển sang điều tiết xuất khẩu và đảm bảo lợi ích trong bối cảnh lo ngại về “chiến tranh khoáng sản”. Mexico dẫn đầu trong việc quốc hữu hóa lithium vào tháng 4-2022, một năm sau đó là Chile, nước sản xuất lithium lớn thứ hai thế giới. 4 quốc gia gồm Bolivia, Chile Argentina và Brazil đang thảo luận về việc thành lập một tổ chức chung về lithium - tương tự như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. Giống như các quốc gia sản xuất dầu trong kỷ nguyên ô tô chạy bằng động cơ đốt trong, các quốc gia giàu tài nguyên lithium có thể đạt được ảnh hưởng nhất định trên phạm vi toàn cầu trong kỷ nguyên xe điện.

Các nước phương Tây ngày càng cảnh giác với Trung Quốc. Ví dụ, ở Australia, chính quyền đã từ chối cho phép các công ty Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các mỏ lithium ở nước này. Một số quốc gia đang xây dựng nhà máy lọc dầu của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và các quốc gia khác phản đối Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ bởi việc áp đặt các yêu cầu về xuất xứ sẽ dẫn đến dòng đầu tư, công nghệ khử cacbon và nhân lực đổ vào Mỹ. Vì thế, EU đã bắt đầu có những biện pháp đối phó và chu kỳ tiêu cực của chính sách bảo hộ trên toàn thế giới có thể sẽ gia tăng. Lithium nhập khẩu từ các nước sản xuất tài nguyên sẽ được tái chế trong EU, nhằm giảm nhập khẩu trong tương lai. EU sẽ đưa ra quy định yêu cầu tái chế lithium và các vật liệu pin khác cho xe điện trong khu vực. Đến năm 2027, 50% lithium phải được tái chế từ pin đã qua sử dụng và tỷ lệ đó sẽ tăng lên 80% vào năm 2031.

EU cũng đề ra quy định về “hộ chiếu pin”, bao gồm thông tin về quy trình sản xuất và tác động môi trường của pin lưu trữ, nhằm tăng hiệu quả của các quy định về tái chế. Ngoài các thông tin cơ bản như tỷ lệ tái chế vật liệu pin, quốc gia xuất xứ, quốc gia sản xuất và lắp ráp pin hay nhà cung cấp, “hộ chiếu” cũng yêu cầu nêu rõ lượng khí thải carbon dioxide trong chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng việc này sẽ làm lộ công nghệ pin.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về lithium vào năm 2022 cao gấp 3 lần so với năm 2017. Lo ngại khi các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và các nước khác bắt đầu tranh giành để đảm bảo nguồn khoáng sản này, ông Jean-Dominique Senard, Chủ tịch hãng sản xuất ô tô Pháp Renault Group nhận định: “Tương lai sẽ là một cuộc chiến kim loại”.

Yến Chi / ANTĐ