Cuộc đua của những "gà mái mẹ" Trung Quốc

'1.500 từ vựng tiếng Anh có đủ cho một đứa trẻ bốn tuổi không?'. 'Phụ thuộc vào vị trí của bạn, ở Mỹ thì đã đủ, ở Trung Quốc thì không'.

Quan niệm này đang lan truyền trên các nhóm WeChat (mạng xã hội ở Trung Quốc), vì sợ con cái sẽ có khởi đầu kém hơn bạn bè cùng trang lứa.

Từ trước kỳ nghỉ hè mẫu giáo của con gái, Zhang Jieru đã chu toàn lịch học nghỉ đông cho con. "Piano, khiêu vũ và tiếng Anh là những môn học thường xuyên của con, vì vậy ngoài vài ngày trong Tết, chúng tôi sẽ cố gắng không làm gián đoạn lịch học. Ngữ âm tiếng Trung và Toán của con khá yếu, nên cần phải bổ túc nhiều hơn trong kỳ nghỉ đông", Zhang nói, chỉ vào lịch học treo trên tường.

Con gái của Zhang là Xiaomin đang học mẫu giáo ở Quảng Châu và sẽ vào tiểu học mùa thu năm nay. Đứa trẻ sáu tuổi này không còn xa lạ với việc đổ xô đến các trung tâm học thêm với thời khóa biểu dày đặc. Cô bé không đơn độc - trong các lớp này em luôn tìm được bạn của mình.

"Hơn một nửa bạn của cháu học nhạc, nếu không phải là piano thì là violin. Các bạn cũng phải học nhiều giống cháu", Xiaomin chia sẻ với vẻ ngây thơ. Có thể đứa trẻ này đã kết luận mình cần phải như vậy.

0823 china health virus education 0 6007 7431 1600074266

Học sinh Trung Quốc trở lại trường vào ngày 27/4, sau khi đóng cửa từ tháng Giêng vì Covid-19. Ảnh: AFP.

Trong khi Xiaomin học tiếng Anh với một giáo viên nước ngoài thì ở một nơi khác thuộc Quảng Châu, Deng Xiaoyu, học sinh lớp 12 đang tham gia các lớp học vẽ tại một trung tâm nghệ thuật. Theo anh Deng, cha của Xiaoyu, con trai không học tốt các môn xã hội. Deng và vợ quyết định thúc đẩy con phát triển kỹ năng nghệ thuật, bởi vì những học sinh có năng khiếu nghệ thuật sẽ có ưu thế trong kỳ thi tuyển sinh đại học.

May mắn thay, Xiaoyu thích nghệ thuật. Dù vậy Deng vẫn thuê gia sư tại nhà để cải thiện tiếng Anh và các môn khoa học xã hội cho con trai. Ông bố lo lắng nói: "Ngay cả có năng khiếu thì cũng cần học các môn khác nếu không muốn thất bại khi vào các trường đại học hàng đầu".

Có một thuật ngữ Internet ở Trung Quốc để mô tả những nỗ lực của các bậc cha mẹ như Zhang và Deng, đó là "gà mái mẹ". "Gà mái mẹ" thường ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Phong cách nuôi dạy con cái "tự do" của thế hệ trước không còn nữa, đổi lại cuộc đua giáo dục đang tăng mạnh, phổ biến trong các hộ gia đình trung lưu. "Cuộc đua bắt đầu từ lớp mẫu giáo. Không, trên thực tế, nền tảng được đã đặt ở các lớp giáo dục sớm trước khi đi mẫu giáo", Zhang nói.

Trong một hộ gia đình "gà mái mẹ", không bao giờ có đủ thời gian và năng lượng để mà thư thả. Tất nhiên kinh tế mạnh là điều kiện cần. Mỗi năm Zhang chi khoảng 100.000 tệ (khoảng 350 triệu đồng) cho các lớp học thêm của con. Các lớp học nghệ thuật và tài liệu vẽ của Deng Xiaoyu cũng tốn tương tự.

Và đây chỉ là con số trung bình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Nếu "gà mẹ" có tiêu chuẩn cao hơn, chẳng hạn như vào trường quốc tế thì những chi phí đầu tư giáo dục con sẽ quá sức với các hộ gia đình trung lưu Trung Quốc.

Bộ phim nổi tiếng A Little Reunion (Cuộc đoàn tụ nhỏ) tập trung vào kỳ thi cao khảo, trở thành bộ phim truyền hình có tỷ suất người xem cao nhất năm 2019 vì đánh trúng tâm lý người xem. Trong phim miêu tả một "gà mái mẹ" do diễn viên Đào Hồng thủ vai, đã dành hết mọi nguồn lực cho cô con gái. Dù con gái đứng đầu lớp, người mẹ vẫn nghiêm khắc, không cho con một phút ngơi nghỉ. Người mẹ làm những việc như ép con gái ăn hải sâm vào mỗi bữa sáng vì tin sẽ tăng cường miễn dịch và trí nhớ. Người mẹ cũng can thiệp vào sở thích của con, từ chối bật đèn xanh cho những thứ "lãng phí thời gian". Để tránh con bị phân tâm, người mẹ lắp tường cách âm, sau đó là tường kính để tiện theo dõi cử động của con. Tuy nhiên cách nuôi dạy này khiến cô bé suy sụp tinh thần và tìm cách tự tử.

0835 little reunion 7638 1600074266

Một cảnh trong phim A Little Reunion. Ảnh: Thinkchina.

Ma Ruiwu, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trẻ em và hiện đứng đầu một trường mẫu giáo ở quận Thiên Hà, Quảng Châu, cho biết trẻ em ở các thành phố của Trung Quốc đang phải chịu gánh nặng học hành trên vai. Cuối tuần người lớn thường dành thời gian "chạy sô" lớp này sang lớp khác, gây mệt mỏi cả cha mẹ lẫn con cái.

Ma chỉ ra rằng hầu hết các bậc cha mẹ đăng ký các lớp học không phải vì con cái họ muốn, mà là để bù đắp những gì họ đã bỏ lỡ trong thời thơ ấu của chính mình, chẳng hạn như muốn con học piano hoặc violin. Những đứa trẻ có thể không hứng thú với những lớp học này, phải làm theo nguyện vọng của cha mẹ nên thường có kết quả trung bình.

Con gái của Ma đang học tiểu học 5 tuổi và chị cũng chọn một số môn ngoại khóa cho con. Ở trường mẫu giáo, cô bé học hát hợp xướng, vẽ, nhảy, làm mẫu, đàn tranh và cờ vây. Khi lên tiểu học, cô bé bắt đầu nói lên ý kiến của mình nên đã được mẹ bỏ các lớp con không thích. Hiện bé tiếp tục học thêm đàn tranh, vẽ, cờ vây và các lớp ngôn ngữ, toán, tiếng Anh.

Nếu ngay cả một nhà giáo dục như Ma - với trình độ chuyên môn về tư vấn và giáo dục gia đình cao hơn những bậc phụ huynh thông thường - vẫn lựa chọn nhiều môn ngoại khóa như vậy cho con mình, thì chẳng khó hiểu nhiều bậc phụ huynh khác đua nhau gia nhập hàng ngũ "gà mái mẹ".

Xiong Bingqi, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục thế kỷ 21 ở Bắc Kinh cho rằng, đằng sau tư tưởng "gà mái mẹ" là sự lo lắng và tính thực dụng. Các giá trị và niềm tin giáo dục của Trung Quốc không thay đổi nhiều năm qua, tức vẫn là một hệ thống giáo dục dựa trên cạnh tranh. Các trung tâm dạy thêm đã đánh vào tâm lý cạnh tranh để khơi dậy sự lo lắng của phụ huynh.

Xiong Bingqi giải thích nhiều bậc cha mẹ bắt đầu khá lý trí, rằng sẽ không giống những người khác, mà sẽ cho con một tuổi thơ đơn giản và hạnh phúc. Nhưng sau đó họ dần mất bình tĩnh trong cuộc đua. Đặc biệt ở bậc tiểu học, họ tin rằng con đầy tiềm năng. Khi lên các cấp cao hơn hội chứng "gà mẹ" chết dần. Họ dần chấp nhận con họ bình thường và không thể phù hợp với mong đợi của cha mẹ. Một số cha mẹ còn với con rằng nếu không học hành chăm chỉ sẽ phải làm các nghề nghiệp thấp kém - đây là một quan điểm sai lầm.

"Nhiều phương pháp tiếp cận không phù hợp đã làm tổn thương đứa trẻ và khiến các bậc phụ huynh phải trả giá đắt. Nếu một đứa trẻ thường xuyên được dạy phải dẫn trước, nhưng sau đó lại bỏ cuộc, chúng sẽ được kết luận là kẻ thất bại và dần đánh mất tự tin của bản thân", Xiong nói.

Xiong quan niệm, giáo dục cần phải quan tâm phát triển toàn diện một đứa trẻ. Vài năm gần đây đã có nhiều lời kêu gọi thay đổi hệ thống đánh giá giáo dục của Trung Quốc dựa trên điểm số, thay vào đó là khuyến khích phát triển thế mạnh cá thân. Tuy nhiên việc cải cách này đang gặp khó khăn trước những cuộc đua không hồi kết.

0843 class 3873 1600074266

Những đứa trẻ mẫu giáo trong chuyến đi chơi ở công viên trước đại dịch. Cuộc đua giáo dục ở Trung Quốc không chỉ bắt đầu từ tuổi mẫu giáo, mà còn từ khi mang bầu, với nhiều khóa học thai giáo. Ảnh: Zeng Shi / SPH.

"Không có đứa trẻ nào không thể trở nên tài năng, chỉ có cha mẹ không nỗ lực", bà mẹ Zhang Jieru tin vào câu nói đó. Vì thế một năm trước cô đã bán căn hộ rộng rãi của mình và mua một nơi chật hẹp cạnh trung tâm Quảng Châu. Mùa thu năm nay con cô sẽ được vào học tại một trường điểm của tỉnh.

Cha của Deng Xiaoyu đang âm thầm sắp xếp lịch làm việc để có thể nghỉ phép vài chuyến nhỏ. Anh muốn tranh thủ bay đến các địa điểm thi khác nhau trên khắp Trung Quốc để tìm hiểu về các trường nghệ thuật mà con có thể thi vào. Anh muốn đến tận nơi vì như thế mới thấy yên tâm.

Mỗi đứa trẻ đang chạy nước rút về tương lai và cha mẹ của chúng cũng ở trong đấu trường. Đây là một cuộc hành trình mà cha mẹ và con cái cùng trưởng thành, với đầy hy vọng, lo lắng, thất vọng và có thể là niềm vui.

Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc Tiết lộ chiêu kinh doanh độc đáo của tỉ phú bí ẩn vừa trở thành người giàu nhất Trung Quốc
Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đặt cáp thông tin tại điểm nóng tranh chấp Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc đặt cáp thông tin tại điểm nóng tranh chấp
Vì sao Trung Quốc trở thành mục tiêu mới của quân khủng bố? Vì sao Trung Quốc trở thành mục tiêu mới của quân khủng bố?
/ vnexpress.net