Cuộc đời lận đận tình duyên của em gái Nữ hoàng Anh

Hoàng gia phản đối, công chúa Margaret vẫn quyết tâm cưới một thường dân nhưng kết cục chia tay trong đau khổ.

Chào đời ngày 21/8/1930, Margaret là em gái của nữ hoàng Elizabeth. Trong khi người chị luôn luôn cố gắng làm điều đúng đắn, Margaret nổi loạn từ nhỏ. "Công chúa coi mọi thứ như một màn trình diễn", Craig Brown, tác giả cuốn Ninety-Nine Glimpses of Princess Margaret, cho biết.

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh
Công chúa Margaret thời trẻ. Ảnh: History Extra.

Trong hồi ký The Little Princesses năm 1950, Marion Crawford, người chăm sóc Elizabeth và Margaret kể rằng Margaret hài hước, sắc sảo nhưng "nghịch ngợm đến mức phiền hà", thường xuyên ăn tối muộn, bắt bố mẹ và quan khách chờ đợi chỉ vì muốn nghe nốt chương trình yêu thích.

Tuy không được lòng quan chức, công chúa Margaret được vua cha là George VI yêu thương hết mực. "Ông ấy thường nhìn cô ấy với ánh mắt như thể không tin điều kỳ diệu ấy là con gái mình", một cận thần kể với The Telegraph. Đối với George VI, Elizabeth là niềm tự hào còn Margaret là niềm vui.

Margaret đặc biệt gần gũi với bố. "Vua cha chính là tình yêu cả đời của Công chúa", Christopher Warwick, người viết tiểu sử cho Margaret tiết lộ trong cuốn Princess Margaret: A Life of Contrasts.

Ngày 6/2/1952, vua George VI đột ngột qua đời ở tuổi 56. Đêm hôm trước, ông còn dành thời gian ăn tối với Margaret. Công chúa suy sụp, hút thuốc nhiều hơn, có khi hết 30 điếu một ngày và phải uống thuốc an thần mới ngủ được. Quan hệ giữa Margaret và mẹ cũng xấu đi. Họ chỉ trao đổi thư từ thông qua các quản gia dù sống cách nhau một tầng.

Margaret liên tục cười nhạo quần áo và thậm chí cả lâu đài Mey ở Scotland của mẹ. Trong khi đó, hoàng hậu không chấp nhận thói uống rượu cả ngày và tiệc tùng ban đêm của con gái. Margaret thích uống vodka cùng nước cam. Bữa trưa, công chúa uống nửa chai rượu và đến 17h30 lại uống tiếp.

Tuy căng thẳng với mẹ, Margaret rất yêu quý chị. Một lần, công chúa mơ thấy mình làm chị giận nên hôm sau lập tức gọi điện đến Điện Buckingham để nghe Elizabeth nói "xin chào". Andrew Duncan, tác giả cuốn The Reality of Monarchy, cho rằng hồi nhỏ Margaret cố tình quậy phá để lôi kéo sự chú ý, giúp chị gái "dễ thở" hơn.

Đầu những năm 1950, Margaret bắt đầu mối quan hệ bí mật với đại úy Peter Townsend, người hơn cô 16 tuổi. Townsend đã kết hôn và có 2 con nhưng ly dị vợ để cầu hôn công chúa vào năm 1953. Margaret đồng ý nhưng họ vẫn giấu kín chuyện tình của mình bởi cả giáo hội lẫn hoàng gia Anh đều không chấp nhận thành viên hoàng tộc kết hôn với một thường dân đã bỏ vợ.

Muốn cưới, đôi tình nhân không thể giữ bí mật mãi. Dựa theo Đạo luật hôn nhân Hoàng gia, Margaret phải xin sự đồng ý của nữ hoàng Elizabeth. Nếu nữ hoàng từ chối, công chúa có thể kiến nghị lên quốc hội nhưng điều đó có thể gây ra scandal lớn hơn.

Năm 1955, công chúa Margaret tuyên bố hủy hôn ước với Towsend với lý do muốn đặt giáo lý của nhà thờ và nhiệm vụ với Khối thịnh vượng chung lên trên hết. Trong những lá thư được phát hiện nhiều năm sau đó, Margaret chia sẻ với Thủ tướng Anthony Eden rằng mình không chắc chắn về việc cưới Townsend. Christopher Warwick, người viết tiểu sử của Margaret cũng xác nhận "Peter Townsend không phải tình yêu lớn của công chúa".

Một năm trôi qua, Margaret nhận lời cầu hôn của Billy Wallace, một người bạn lâu năm vì không muốn độc thân nữa. Xuất thân của Wallace cũng được cho là phù hợp với công chúa. Tuy nhiên, trong một kỳ nghỉ ở Bahamas, Wallace ngoại tình, khiến Margaret thẳng thừng hủy bỏ hôn ước.

Năm 1958, Margaret gặp nhiếp ảnh gia Antony Armstrong-Jones tại một bữa tối. Antony Armstrong-Jones được thuê để chụp ảnh công chúa và mối tình giữa họ nảy nở. Khi hai người tuyên bố đính hôn tháng 2/1960, hoàng gia Anh vừa sốc vừa không hài lòng. Họ nghĩ Margaret nên lựa chọn đối tượng môn đăng hộ đối chứ không phải thường dân.

Ngày 6/5/1960, công chúa Margaret và Antony Armstrong-Jones kết hôn. Đó là đám cưới hoàng gia Anh đầu tiên được phát sóng trên truyền hình, thu hút 300 triệu người xem khắp thế giới. 2.000 khách mời có mặt tại buổi lễ. Armstrong-Jones được phong tước hiệu Bá tước Snowdon.

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh
Công chúa Margaret cùng Antony Armstrong-Jones trong ngày cưới. Ảnh: Town and Country.

Những năm đầu, hôn nhân của vợ chồng công chúa Margaret rất hạnh phúc. Dần dần, vì đều cứng đầu và quen làm theo ý mình, họ nảy sinh mâu thuẫn.

Năm 1962, Armstrong-Jones trở thành cố vấn nghệ thuật cho tờ The Sunday Times. Margaret kỳ vọng chồng ở bên mình nhiều hơn nhưng vẫn cố gắng thông cảm, không nhận ra bạn đời ngày càng xa mình. Theo The Evening Standard, khi đi công tác, Armstrong-Jones đã có những mối quan hệ ngoài luồng. Một lần, Margaret bắt gặp chồng nói chuyện thân thiết trên mức tình bạn với phụ nữ khác.

Chưa kể, Armstrong-Jones thường xuyên khiến vợ bẽ mặt. Một lần, Margaret hỏi chồng mình nên mặc gì khi đi dự tiệc nướng. Armstrong-Jones trả lời: "Bộ váy dạ hội em mặc tuần trước ấy". Margaret làm theo lời chồng và phát hiện mọi vị khách khác đều mặc quần jeans và đi dép. Armstrong-Jones còn so sánh vợ trông giống "một thợ làm móng người Do Thái".

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh
Vợ chồng Margaret có hai con: David sinh năm 1961 và Sarah sinh năm 1964. Ảnh: History Extra.

Chán nản cuộc hôn nhân, Margaret vướng vào hàng loạt vụ ngoại tình. "Công chúa không trả thù mà chỉ muốn có cảm giác được theo đuổi", Anne de Courcy, tác giả cuốn Snowden: A Biography, cho biết.

Năm 1976, Margaret bị phát hiện đi nghỉ ở Caribbean cùng Roddy Llewellyn, một thợ làm vườn kém bà 18 tuổi. Sau vụ việc, Antony Armstrong-Jones và công chúa tuyên bố ly thân. Ngày 11/7/1978, họ chính thức ly hôn. Tháng 12 cùng năm, Armstrong-Jones tái hôn. Năm 1981, tới lượt Llewellyn cưới vợ.

Bỏ chồng, Margaret vấp phải chỉ trích gay gắt. Một thành viên Nghị viện gọi bà là "kẻ ăn bám" trong khi người khác coi công chúa là "nỗi xấu hổ quốc gia". John Lee, nhà lập pháp Đảng Lao động, tuyên bố sẽ chất vấn quốc hội về tước hiệu cũng như tài chính của Margaret. "Đó chỉ là cách nói lịch sự. Ông Lee muốn cắt lương và thay đổi vị trí hoàng gia của công chúa", tờ New York Times nhận định.

Rốt cuộc, công chúa Margaret không mất tước hiệu hoàng gia nhưng không bao giờ tìm thấy hạnh phúc của riêng mình.

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh
Công chúa Margaret lúc về già. Ảnh: All That's Interesting.

Ngoài nỗi đau tình yêu, Margaret còn chịu tổn thương về thể chất và tinh thần. Những năm nghiện rượu và thuốc lá khiến bà bị đau nửa đầu, viêm gan, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm phổi và nhiều lần đột quỵ. Sau khi ly dị, Margaret bị suy nhược thần kinh đến mức cần sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần.

Từ năm 2001, Margaret từ chối khách viếng thăm, đặc biệt là đàn ông. "Tôi xấu quá rồi", bà nói với một người bạn.

Năm 2002, ở tuổi 71, công chúa Margaret "ra đi thanh thản trong giấc ngủ" ở bệnh viện. Bà được tỏa táng và chôn cất cùng chỗ với vua cha.

Minh Trang (Theo The List, New York Post)

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh Nữ hoàng lo khi Harry tiết lộ bất hòa

Nữ hoàng Anh bày tỏ lo lắng về hướng đi mà Harry - Meghan đang lựa chọn, sau khi cả hai tiết lộ những áp ...

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh Nữ hoàng Anh từng tìm hiểu quyền bãi nhiệm thủ tướng

Nữ hoàng Elizabeth II được cho là từng tham khảo các cố vấn về quy trình miễn nhiệm một thủ tướng, theo nhà báo Anh ...

cuoc doi lan dan tinh duyen cua em gai nu hoang anh Nữ hoàng "tổn thương và thất vọng" vì Meghan

Thay vì tới lâu đài Balmoral nghỉ hè theo lời mời của Nữ hoàng, Nữ công tước xứ Sussex đến Mỹ để cổ vũ bạn ...

/ vnexpress.net