Hiến Mục Tào hoàng hậu (196-260) là Hoàng hậu thứ hai của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp - vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Tuy là con gái Tào Tháo, em ruột Ngụy Đế Tào Phi, nhưng Tào Tiết nổi tiếng bởi sự trung thành và tình yêu lớn với Hán Hiến Đế.
Tào Tiết – bé gái được chính Hán Hiến Đế đặt tên
Hiến Mục Tào hoàng hậu, húy Tiết, người quận Tiêu, nước Bái, tổ phụ là Thái úy Tào Tung nhà Hán, thân phụ là Tào Tháo, khi ấy là người có thế lực nhất thiên hạ, khống chế Hán Hiến Đế. Sử không chép mẹ của Tào Tiết là ai nhưng, người đời thường xem là Biện phu nhân, trắc thất và là người phụ nữ được Tào Tháo xem trọng nhất.
Hán Hiến Đế và Hiến Mục hoàng hậu.
Truyền thuyết kể rằng, giữa năm 196, khi Tào Tháo cứu giá Hán Hiến Đế và đưa vua về Hứa Xương cũng chính là thời điểm Tào Tiết chào đời. Khi vừa lọt lòng bé gái sơ sinh không khóc, nhưng lệ lại tuôn rơi. Đinh phu nhân - chính thất Tào Tháo cho là điềm không may, sai người đem vứt đứa trẻ ở một khóm tre lớn vùng ngoại ô.
Tào Tháo sau khi trở về, biết chuyện giận lắm. Một mặt nghiêm khắc răn dạy Đinh phu nhân, mặt khác lập tức sai người đi tìm con gái nhỏ. Nhưng họ Tào, gia nhân cả nghìn người tìm hoài tìm mãi trong hơn 1 tháng mà vẫn không thấy. Đến lúc hi vọng gần như tiêu tan thì trước cổng phủ họ Tào bỗng xuất hiện một bạch y lão nhân mang theo một đứa trẻ mới sinh.
Biện phu nhân thấy đứa bé có hai nốt chu sa ở ngực trái và sau gáy, liền xác nhận là chính con mình sinh hạ. Hán Hiến Đế nghe câu chuyện đồn thổi, nổi tính hiếu kì đã đích thân đến phủ họ Tào xem thực hư. Sau khi nắm rõ sự tình, Hán Hiến Đế cảm thán vô cùng và chính ông là người đặt tên cho bé gái này.
Lưu Hiệp.
Hiến Đế lấy chữ Tiết (Tiết: nghĩa là đốt tre), gắn với khóm tre nơi đứa trẻ bị vứt bỏ và tìm thấy, làm tên. Bé gái ấy chính là Tào Tiết, sau này là người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời của Hán Hiến đế Lưu Hiệp.
Nhập cung và trở thành Hoàng hậu
Năm Kiến An thứ 18 (213), Tào Tháo đưa Tào Tiết cùng chị là Tào Hiến và em là Tào Hoa mang hiến vào hậu cung cho Hán Hiến Đế. Ban đầu, cả ba được ban chức Phu nhân. Năm Kiến An thứ 19 (214), Tào Tiết cùng hai chị em được phong làm Quý nhân.
Cùng năm đó, có người tố cáo việc Phục Hoàng hậu và cha Phục Hoàn từng âm mưu giết Tào Tháo (sau vụ mưu phản của Đồng Thừa). Tào Tháo bèn sai Hoa Hâm và Khước Lự mang quân vào cung bắt Phục hậu. Khi ấy, Hán Hiến Đế chỉ còn duy nhất cách mang Phục hậu giấu vào bức tường hai lớp.
Hán Hiến Đế và Tào Tháo.
Khước Lự và Hoa Hâm lục soát nửa ngày cuối cùng tìm ra, Hoa Hâm sai quân phá bức tường, nắm tóc Phục hậu kéo ra. Bà níu tay Hiến Đế cầu cứu, Hiến Đế đau lòng nói: "Bản thân ta còn chưa biết sẽ chết ngày nào, sao có thể cứu được nàng".
Sau đó Phục hậu bị giam vào bạo thất, u uất rồi chết. Gia quyến Phục hậu và Phục Hoàn, gồm hơn 100 người đều bị tử hình. Hai hoàng tử - con trai Phục Hậu cũng bị giết. Giết Phục hậu xong, Tào Tháo ép Hán Hiến Đế lập con gái mình là Tào Tiết làm Hoàng hậu mới. Năm 215 chính nguyệt, Quý nhân Tào Tiết chính thức được phong làm Hoàng hậu.
Thực ra, kể từ khi vào cung, Tào Tiết cũng như những chị em gái họ Tào không hề được Hán hiến Đế ân sủng. Điều này cũng dễ hiểu bởi Hiến Đế vốn căm hận vì bị Tào Tháo kìm kẹp, lại liên tiếp giết chết người thương (Đổng quý nhân, Phục Hoàng hậu) nên làm sao có thể tâm đầu ý hợp được với những nữ nhân họ Tào.
Tào Tiết.
Tào Tiết tiếng là Quý nhân rồi sau thành Hoàng hậu nhà Hán nhưng không được Hán Hiến Đế để mắt tới, thậm chí không muốn nói là căm ghét, đề phòng vô cùng. Nhưng bất chấp nhiều năm dài chẳng có được hạnh phúc đơn giản nhất của 1 người đàn bà, Tào Tiết vẫn một lòng với Hiến Đế: đã được gả cho Lưu Hiệp, thì sống là người họ Lưu, chết cũng làm ma nhà họ Lưu.
Năm Kiến An thứ 25 (220), Ngụy vương Tào Tháo mất, anh Tiết là Tào Phi lên nối ngôi Ngụy vương. Tháng 10 năm đó, Tào Phi ép Hán Hiến Đế thiện nhượng, kết thúc triều đại nhà Hán hơn 400 năm, lập ra triều Tào Ngụy. Đây là sự kiện lớn trong lịch sử Trung Quốc và cũng đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ vợ chồng của Lưu Hiệp – Tào Tiết.
Chung thủy một lòng khiến Lưu Hiệp phải cảm động
Sau khi nhận chiếu thư nhường ngôi (lần thứ 4) của Hán Hiến Đế, Tào Phi sai người vào cung hỏi em gái Tào Tiết để lấy ngọc tỷ truyền quốc. Nhưng Tào hoàng hậu nhất định không chịu đưa. Sau vì bị ép quá, nàng vứt ngọc tỷ xuống lầu, khóc mắng Tào Phi: "Trời không phù hộ cho nhà ngươi đâu!". Tào Tiết tại vị Hoàng hậu được 7 năm.
Tào Tiết sống những ngày ảm đạm trong cung.
Hành động cương liệt "Ném tỷ trách huynh" của nàng đã đi vào lịch sử ngàn đời qua. Và cũng chính sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn cách nghĩ của Hán Hiến Đế Lưu Hiệp với Tào Tiết, người con gái mà chính ông đích thân đặt tên năm nào.
Sau khi nhường ngôi cho Tào Phi, Hán Hiến Đế bị phế làm Sơn Dương công, chư hầu Tào Ngụy, cai quản quận Sơn Dương, hưởng lộc 1 vạn hộ. Vì thế Tào Tiết trở thành Sơn Dương công phu nhân. Tào Tiết cũng chính là người phụ nữ duy nhất trong hậu cung của Hán Hiến Đế, theo Lưu Hiệp về Sơn Dương.
Người con gái được Lưu Hiệp đặt tên, từng trải qua nhiều năm dài “chăn đơn gối chiếc” trong hậu cung chịu biết bao sự căm hận từ Lưu Hiệp, rốt cuộc lại là người đến giờ phút cuối cùng của triều đại Hán dù mang họ Tào vẫn cương liệt chống lại Tào Phi, lại một lòng bên ông, vì ông mà bước tiếp. Lưu Hiệp không cảm động sao được, không trân trọng sao được.
Đến cuối cùng, chỉ có Tào Tiết đi theo Lưu Hiệp.
Tương truyền, khi Tào Tiết theo Hán Hiến Đế về Sơn Dương, thấy bá tánh đói khổ cơ hàn, bệnh dịch hoành hành, điền viên hoang vu. Tào Tiết vận động Lưu Hiệp cùng chồng cởi bỏ y phục xa hoa, mang Bố y đơn sơ, vận dụng các tinh hoa Y thuật ở trong cung để cứu giúp dân chúng, gầy dựng lại vùng đất hoang nghèo này.
Cứ đến mùa khó khăn, vợ chồng Sơn Dương công lại dùng bổng lộc triều đình cấp cứu tế dân chúng. Mấy năm sau, bách tính được vợ chồng Sơn Dương công gầy dựng đần trở nên đông đúc. Vùng Sơn Dương bắt đầu trù phú, dân chúng hễ đến mùa đều dâng tặng sản vật địa phương cho hai vợ chồng bà.
Tào Tiết - Lưu Hiệp sống đời phu thê hạnh phúc cuối đời.
Truyền thuyết về vợ chồng Sơn Dương Công, Lưu Hiệp – Tào Tiết, nổi tiếng truyền đời ở vùng Sơn Dương. Cả hai được gọi là Long phụng y gia. Hiện tại ở Bách Gia Nham Cảnh khu, có bia đá khắc hình vẽ Hán Hiến Đế cùng vợ hành y đồ.
Năm 234, Lưu Hiệp qua đời, thọ 53 tuổi, làm Sơn Dương công được 14 năm. Tào Tiết cùng các con trai tiếp tục sự nghiệp cai quản vùng Sơn Dương. Tới tháng 6 năm 260, Sơn Dương công phu nhân Tào Tiết qua đời. Bà được hợp táng với Hán Hiến Đế tại Thiền lăng với thụy hiệu là Hiến Mục hoàng hậu, nghi lễ nhất nhất chiếu theo quy tắc an táng của Hoàng hậu nhà Hán.
Vì sao Tào Tháo không dùng hỏa tiễn thiêu cháy thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng? Diệu kế “Thuyền cỏ mượn tên” của Gia Cát Lượng được La Quán Trung miêu tả rất sinh động trong “Tam Quốc diễn nghĩa”. Hàng ... |
Tào Tháo đa nghi, trước khi chết đã làm 1 việc vô cùng kỳ lạ Suốt gần 2.000 năm qua, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu không ngừng tìm kiếm nơi yên nghỉ của Tào Tháo, đặc biệt là những ... |