Hàng trăm năm sống dưới nước, cộng đồng thủy diện Huế đối mặt với những thách thức khi bước lên bờ.
"...bị thành kiến nặng nề là ít học, thiếu hiểu biết, cục mịch quê mùa, đàng điếm, lưu manh, trộm cắp và nghèo rớt mùng tơi, thậm chí nhiều người còn không muốn sống chung khu nhà với họ".
(Nguyễn Quang Trung Tiến, 2016)
Ở phía Nam sông Hương, nhờ vào các trường đại học lớn và những khách sạn nhiều khách du lịch ngoại quốc, thành phố Huế lấp lánh dáng vẻ một đô thị có sức sống. Tại đó, trong một ngày mưa cuối năm, rạp Lotte chiếu dày đặc 7 suất Aquaman – bom tấn mới của Hollywood – tận một tuần trước khi phim được phát hành tại Mỹ.
Aquaman, với chữ "aqua" là nước và "man" là người, là câu chuyện về xung đột giữa hai chủng tộc trên Trái đất: những cư dân trên mặt đất và phía bên kia, những người sống dưới nước. Xung đột, cuối cùng, theo mô thức kinh điển, được giải quyết bằng một anh hùng sexy và rất nhiều kỹ xảo vi tính.
Phía bờ Bắc sông Hương, nơi đặt trái tim cũ của thành phố, Huế trầm lắng hơn. Ở đó, rải rác trong các khu tái định cư, có một nhóm hàng nghìn aquaman vật vã với cuộc sống trên mặt đất. Một suất chiếu không có khán giả. Họ thuộc về một cộng đồng đã sống hàng trăm năm dưới nước, nhưng không có một anh hùng cứu thế nào, đang đối mặt với những mâu thuẫn đất liền mang tới.
Trong số đó có Lê Đức Duy. Mười năm trước, cậu được sinh ra dưới mặt nước sông Đông Ba. Tháng 12 năm 2018, Duy đứng trên đất liền và nói với người phỏng vấn rằng cậu muốn trở thành một ca sĩ nổi tiếng, "được nhiều người hâm mộ". Đó sẽ là một hành trình dài của chàng aquaman: hầu hết những đứa trẻ qua tuổi của Duy chút ít đã phải đi lao động. Duy sống với bà và mẹ trong một căn nhà 30 mét vuông một sàn, rất ít ánh sáng, và không có chỗ nào để ngồi xuống học bài. Tổng thu nhập của gia đình bốn người là 2 triệu đồng mỗi tháng.
Duy không biết rằng mình là nhân chứng lịch sử cho bốn thế kỷ của cố đô: cậu bé thuộc về một cộng đồng mà những sử gia Huế gọi là những "cư dân thủy diện".
Khái niệm "cư dân thủy diện" - những người sống trên mặt nước - xuất hiện ở Huế từ nhiều thế kỷ trước. Với đặc điểm nhiều đầm phá, và trong một thời gian dài là trung tâm kinh tế-chính trị của Việt Nam, vùng đất này hình thành những cộng đồng di cư, đến từ nhiều nơi, không trú ngụ trên mặt đất. Họ sống trên mặt sông, đầm phá, mưu sinh bằng nghề đánh cá và sau này là nghề hút cát sạn.
Đến thời nhà Nguyễn, chính quyền phong kiến chia nhóm dân sống trên mặt nước này thành các "vạn" để quản lý. Danh từ "vạn đò" trở thành tên gọi của các cư dân thủy diện cho đến hôm nay.
Dân vạn đò Huế giữ những đặc tính cộng đồng riêng. Họ khác với các cộng đồng xuống nước vì không còn chỗ nương thân như dân Bãi Giữa (Sông Hồng, Hà Nội) hay dân trôi nổi trên Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) - mới hình thành trong vài thập kỷ gần đây.
"Thời Pháp rồi Mỹ, hay cả sau 1975 đều có thêm dân tị nạn chiến tranh, hoặc do bần cùng hóa nên nhập cư thêm. Vấn đề là người mới nhập cư phải xin để được phép \'biên chế\' vào một \'vạn\' nào đấy, chịu sự tự quản của vạn và quản lý hành chính của chính quyền qua vạn trưởng, chứ không phải được cư trú riêng biệt tự do, vô tổ chức trên sông" - nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, khoa Lịch sử, đại học Huế, người đã có nhiều năm nghiên cứu về cư dân thủy diện phân tích.
"Nên xét từng cá nhân/hộ đò thì có thể một bộ phận chỉ mới ở dưới nước một vài chục năm, song lịch sử của cả cộng đồng vạn thì đã hình thành hàng trăm năm, và cộng đồng vạn đò ở Huế luôn giữ được lề thói sinh hoạt truyền thống của vạn, người mới nhập cư sau cũng phải chấp hành theo lề thói, quy định của cộng đồng vạn nơi họ xin nhập cư."
Cho đến năm 1995, theo ông Trung Tiến, cư dân vạn đò ở Huế vẫn còn gần 1.000 hộ với hơn 6.000 người sống trên mặt nước.
Sau hàng thế kỷ sinh trưởng trên mặt nước, cư dân thủy diện Huế hình thành một hệ giá trị riêng trong cả văn hóa và lối sống. Tận đầu thập kỷ này, người ta vẫn có thể tìm thấy cả những nghiên cứu về "Văn hóa ẩm thực của cư dân thủy diện", trong đó mô tả một hệ thống nguyên liệu, món ăn và cả cách ăn với nhiều khác biệt so với đất liền.
"Kiêng ngồi ăn cơm từ chỗ khoang đến mũi thuyền; khi ăn cơm tránh để rơi vãi cơm hoặc thức ăn xuống nước vì như vậy sẽ khiến các vong linh dưới nước đến gần thuyền. Khi nấu ăn, tránh làm nát cá vì như thế sẽ khó đánh bắt loại cá đó" – nghiên cứu của Phạm Minh Phúc (2012) viết.
Cư dân thủy diện cũng có một đời sống tâm linh riêng. Họ thờ Mẫu Thủy, Hà Bá và các thủy thần khác.
Nhưng có ba thứ mà cư dân thủy diện không thể tự kiến tạo không gian riêng cho mình.
Đầu tiên là đất chôn người chết. Trong nhiều thế kỷ, dân trên đất liền không cho phép dân vạn đò mai táng người thân trong nghĩa trang làng mình. Họ phải tìm một gò nổi bỏ hoang trên sông; hay thậm chí lén tấp vào bờ sông ban đêm để mai táng người quá cố. Đây là lý do dân vạn đò rất khó ghi dấu gốc tích của họ.
Sau đó là quan hệ kinh tế. Trong một kỷ nguyên mà việc tự cung tự cấp bằng nghề chài lưới không còn đủ nuôi sống một gia đình; việc hút cát sạn trên sông bị chính quyền siết chặt, dân vạn đò phải lên bờ để tị nạn kinh tế. Họ làm đủ thứ nghề lao động chân tay, hay đôi khi, ngoài khuôn khổ pháp luật.
Cuối cùng, cao hơn cả, họ không thể tự tạo ra những khế ước xã hội: khi các vạn đò hình thành dưới triều Nguyễn, không ai cần một tấm giấy chứng minh để quăng chài; những con đò va vào nhau trong đêm tối không cần giấy đăng ký kết hôn; và những đứa trẻ sinh ra không cần có giấy khai sinh để có một tương lai. Các vạn đò, như thế, trôi vào thế kỷ 21 với rất nhiều thành viên không có quyền nhân thân.
Hơn 10 năm trước, con sông Đông Ba dài hai cây số chảy qua hông thành nội là nơi cư ngụ của hơn 1.000 cư dân vạn đò.
Gia đình 5 người của bà Nguyễn Thị Liền cũng sinh sống trên con đò nhỏ ở trên sông Hương. Hàng ngày, chồng bà và ba người con đi đánh bắt cá trên sông Hương để kiếm sống. Cá chồng con đánh bắt được, bà Liền mang lên chợ Đông Ba bán ngay ở bến đò.
Duy sinh ra ở đó, trên con đò của bà ngoại. Em chưa từng một lần biết mặt cha - và không phải là một trường hợp cá biệt nơi cộng đồng này.
Bên cạnh những cư dân làm nghề chài lưới, hút cát sạn trên sông Hương, dân vạn đò làm lao động tự do ở chợ Đông Ba. Con em vạn đò nơi này đi học rất ít và bỏ học sớm.
Thời ấy, khu vực chợ Đông Ba xuất hiện nhiều thanh niên vạn đò bỏ học sớm đến đây để hành nghề móc túi. Cứ chiều tà, đứng trên cầu Gia Hội nhìn xuống là thấy cảnh thanh niên dàn cảnh móc túi khách đi chợ, đặc biệt là khách du lịch.
Nhiều khách du lịch đến Huế không dám đi qua khu vực đường Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng vì e ngại cư dân nơi đây. Khu vực sông Đông Ba thời điểm đó được xem là "khu ổ chuột" của thành phố Huế.
Những đứa trẻ sinh ra đa số đều không có giấy khai sinh vì cha mẹ không có giấy chứng minh nhân dân, đăng ký kết hôn.
Trước tình hình ấy, đầu thế kỷ, chính quyền Huế cưỡng ép thực hiện một cuộc đại di dân. Cư dân thủy diện phải lên bờ.
Khu tái định cư Hương Sơ nhìn từ xa như một chứng tích rớt lại từ những năm trước Đổi mới. Tường vàng bám rêu xanh và gỉ đen, bốn khối nhà đứng hiên ngang giữa một vùng quy hoạch dở.
Khách từ xa đi qua chỉ bắt đầu ngờ ngợ về tín hiệu sự sống khi thấy rác nylon phủ đầy mặt đất. Tiến lại gần, quan sát kỹ, giữa những mảng bám tường đen đặc, trên ban công các căn hộ có quần áo phơi. Trong sân chung, thả lác đác mấy con gà.
Phía bên trong, rêu xanh phủ kín bốn tầng nhà, rác bay khắp các hành lang. Sự huy hoàng của rêu mốc và mảng bám tại đây, không thể gặp được ở ngay cả những khu tập thể không cải tạo từ thập kỷ 70 ở Hà Nội hay Sài Gòn.
Hơn hai trăm hộ dân sống trong công trình phi thường ấy. Rất khó nghĩ rằng nó mới được xây dựng cách đây 10 năm - thuộc thế hệ những khu dân cư mới nhất tại Huế. Trong 10 năm đó, việc duy trì khu tập thể này trong tư cách một khu tập thể, trở thành một cuộc vật lộn của chính quyền địa phương với những cư dân. Xung đột bắt đầu từ mọi ngõ ngách: từ những oán thán về chất lượng xây dựng, về thủ tục hành chính, mảnh giấy tùy thân, từ việc duy trì các thiết chế tối thiểu như thu phí vệ sinh 5.000 đồng mỗi tháng, từ lối sống và phương thức đối thoại.
Và xung đột vẫn tiếp diễn trong một thập kỷ, khi cộng đồng vạn đò vẫn chưa thoát khỏi được điều kiện kinh tế, lối sống và thậm chí là lấy lại được quyền công dân bình thường của mình. Tòa chung cư, như một thủy cung ẩm ướt được đưa lên theo họ từ dưới lòng sông Đông Ba.
Năm 2009, các cư dân vạn đò sông Đông Ba được di dời lên các khu tái định cư sinh sống. Chính quyền thậm chí mua lại những con đò của họ để tiêu hủy, một biện pháp cực đoan để ngăn những người này quay trở lại với đời sông nước.
Từ con đò lên nhà kiên cố, bằng chính sách cấp hoặc trả góp nhiều năm của chính quyền, nhiều dân thủy diện thời ấy cứ lấy khăn chùi nhà cả ngày để cho gạch men láng bóng. Mấy thế kỷ sống dưới nước, họ chưa từng nghĩ có ngày được ở trong căn nhà.
Nhưng chỉ một căn nhà không giải quyết được triệt để vấn đề của đời họ. Bàn chân đi trên gạch men không đoạn tuyệt được với quá khứ vạn đò.
Chiều cuối năm, dưới bãi đất trống khu chung cư, hai vợ chồng anh Lô và chị Mít vội vã rang xoong đậu lạc để chiều tối đi bán tại các quán nhậu. Đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Họ có sáu người con.
Anh Lô là dân vạn đò, bây giờ có căn nhà tái định cư bốn mươi mét vuông cho đại gia đình chục người sống.
Không có giấy tờ tùy thân, anh Lô không thể làm giấy khai sinh được cho 6 người con của mình. Hai đứa con lớn của anh, Nam 9 tuổi và Phượng 10 tuổi, năm nay mới chỉ học lớp 1. Cứ cuối tuần, hai cháu lại theo cha mẹ đi bán đậu phụng.
Trong khi cha mẹ rang đậu lạc, ba đứa nhỏ tự chạy khắp khu chung cư nô đùa. Đứa thứ ba, Việt năm nay đã 5 tuổi chưa có một ngày đến trường mầm non.
Cách đó khoảng 4 km, ba người con của anh Nguyễn Văn Dũng ở khu chung cư Hương Sơ - một vùng tái định cư vạn đò khác - cũng không có giấy khai sinh. Mười hai tuổi, Nguyễn Thị Kim Chi không thể đến trường: nó phải đi học lớp tình thương. May mắn hơn chị của mình, hai đứa nhỏ hơn, Loan và Lịch, đầu năm học 2018 được nhận vào học lớp 1 trường tiểu học Hương Sơ, chậm 3 năm so với độ tuổi đến trường.
Theo thống kê của chính quyền Hương Sơ, hiện địa bàn vẫn còn 28 em là con cư dân vạn đò về địa phương tái định cư vẫn chưa có giấy khai sinh. Đầu năm học 2018, địa phương đã giải quyết cho 9 em được đi học, các em quá tuổi phải học lớp tình thương.
Anh Nguyễn Văn Lượng, tổ trưởng tổ 11 phường Phú Hậu, thì nhẩm rằng "hàng trăm người" trong tổ vẫn chưa có giấy chứng minh nhân dân. Trước đây sống trên đò, không làm giấy khai sinh, không xác định được ngày tháng năm sinh.
Mười năm rời sông, cuộc sống vẫn lần hồi chắp vá. Khó khăn lớn nhất của những người vạn đò là tìm một sinh kế mới và bền vững khi không có quyền nhân thân. Nhưng đó không phải là tất cả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến, trong các công trình của mình, đề cập đến một thực tế, là sự kỳ thị của dân đất liền dành cho dân vạn đò: "bị thành kiến nặng nề là ít học, thiếu hiểu biết, cục mịch quê mùa, đàng điếm, lưu manh, trộm cắp và nghèo rớt mùng tơi". Họ bị chế nhạo cả lời ăn tiếng nói. Điều này hạn chế cả các cơ hội tiếp cận việc làm.
Và xa hơn, cuộc giải phóng khỏi thân phận "vạn đò" có nguy cơ kéo dài hơn một thế hệ. Đó là tương lai của những đứa trẻ không có giấy khai sinh; buộc phải lao động sớm.
Năm 2009, gia đình bà Liền được chính quyền cấp cho căn nhà cấp 4 liền kề rộng một trăm mét vuông ở khu tái định cư Kim Long. Để có chỗ đủ cho ba người con đã lập gia đình, căn nhà 100 mét vuông được chia thành ba căn. Bà Liền sống với Mai, mẹ của Duy. Hàng ngày, bà ở nhà giữ hai đứa cháu ngoại để Mai đi bán cà phê thuê. Làm quán cà phê, mỗi tháng chị Mai được chủ trả 2 triệu đồng.
Bỏ nghề chài lưới trên sông Hương, hai người con trai bà Liền sắm xe xích lô hành nghề đạp xe xích lô chở khách du lịch.
Bà vẫn cho cháu đi học. Năm nay Duy đã lên lớp 4, tổng kết học kỳ được học sinh tiên tiến. Nó đã quen với cuộc sống trên bờ, chơi đùa dạn dĩ và trò chuyện với người lớn về ước mơ. Đứa trẻ chưa ý thức rằng sự nhọc nhằn từ xuất thân của mình có thể quay lại, và cắt ngang đường học của nó bất kỳ lúc nào.
Loan và Lịch, hai đứa trẻ vào lớp một muộn nhà anh Dũng, tự biết rằng học chữ chậm hơn các bạn. Hàng ngày, đi học về, hai đứa ăn cơm xong, tự học bài. Nhà không có bàn ghế, hai đứa nhỏ thường nằm dưới nền nhà tập viết chữ.
Lịch sử vạn đò Huế đã bắt đầu từ thế kỷ mười sáu, khi những cộng đồng cư dân thủy diện hình thành. Trong bộ đồng phục đã cũ nhàu, những đứa trẻ gánh trách nhiệm viết một phần kết đẹp cho trang sử bốn trăm năm trôi nổi của cha ông mình.
Chúng là thế hệ đầu tiên trên đất Huế, sinh ra dưới mặt nước nhưng lớn lên trên đất liền. Nhưng có thể chúng sẽ chưa phải là thế hệ cuối cùng phải gắn với cái tên "dân vạn đò" - như một sự phân biệt.
Bài: Võ Thạnh - Đức Hoàng
Ảnh: Nguyễn Đông
Đồ họa: Tiến Thành
Dân di cư Venezuela nhắm mắt đưa chân vào đồn điền ma túy ở Colombia
Vì miếng ăn, những người Venezuela từng là lái xe, ngư dân, bán hàng, buộc phải chịu đau đớn hái lá coca thuê trong các ... |
Cuộc sống giản dị của Châu Du Dân bên vợ và con gái
Châu Du Dân có cuộc sống kín tiếng, không thường xuất hiện trước ống kính. Sau thời gian đóng phim, Châu Du Dân chủ yếu ... |
Vụ ly dị của ông chủ Amazon có thể đắt giá nhất thế giới
Việc chia tài sản của Jeff Bezos còn tùy thuộc vào luật hôn nhân và giá trị của Amazon. |
Tổng thống Putin và người di cư Trung Mỹ vào top ảnh tuần
Tổng thống Nga Putin tại buổi họp báo thường niên, người di cư Trung Mỹ vượt biên và hỏa hoạn tại Brazil là những hình ... |
Những người di cư liều mình trèo qua biên giới để tới Mỹ
Bất chấp nguy hiểm tính mạng, nhiều người di cư vẫn tìm cách vượt biên trái phép sang Mỹ với hy vọng thoát khỏi cuộc ... |