Cuộc chơi của những cổ phiếu \'trà đá\'

Khả năng lợi nhuận gấp nhiều lần, những cổ phiếu giá vài nghìn đồng trở thành món hời với nhà đầu tư, tuy nhiên rủi ro cũng là rất lớn.

"Một vốn, 4 lời" - câu nói dành cho những lĩnh vực kinh doanh được đánh giá là hái ra tiền, nhưng trên thị trường chứng khoán, một vốn có thể mang về lợi nhuận gấp cả chục lần chỉ trong thời gian ngắn, nếu chọn đúng cổ phiếu.

9 đầu năm, bên cạnh nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn kéo thị trường bứt phá thì nhóm cổ phiếu thị giá thấp cũng ghi nhận dấu ấn riêng. Không ít cổ phiếu với mức thị giá chỉ vài nghìn đồng ở thời điểm đầu năm đã đạt mức tăng gấp nhiều lần. Cá biệt có những cổ phiếu tăng gấp 3-8 lần chỉ trong thời gian ngắn giao dịch đột biến.

Tuy nhiên, đằng sau những phiên tăng trần với dư mua hàng triệu cổ phiếu là những rủi ro chờ sẵn. Không ít cổ phiếu sau chuỗi ngày tăng giá liên tục đã quay đầu giảm sàn với tình trạng mất thanh khoản.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm thị giá thấp đã liên tục tăng trần, giảm sản chỉ trong thời gian ngắn.

Phiên giao dịch đầu tiên của năm 2017, cổ phiếu HAR của Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền mở cửa với giá 2.640 đồng. Lình xình quanh ngưỡng 3.000-4.000 đồng trong 6 tháng đầu năm, đến phiên giao dịch đầu tiên của tháng 7, cổ phiếu HAR mới đạt 4.200 đồng.

Dù ghi nhận mức tăng 55% sau 6 tháng nhưng đây vẫn chưa phải tất cả của HAR. Chỉ hơn một tháng sau đó với nhiều phiên tăng trần liên tục, cổ phiếu này cán mốc 17.500 đồng, gấp 4 lần so với mức đầu tháng 7 và gấp gần 7 lần so với ngưỡng giao dịch đầu năm. Cùng với đó, thanh khoản của HAR cũng tăng đột biến so với trước, cá biệt có những phiên giao dịch đạt gần 8 triệu cổ phiếu - gấp 10 lần so với mức trung bình trước đó.

Tương tự HAR, cổ phiếu HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI cũng ghi nhận những động thái tương tự. Sau 6 tháng đầu năm chỉ loanh quanh trong khoảng 3.500-4.000 đồng, cổ phiếu HAI bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 7. Đến giữa tháng 8, cổ phiếu này chạm mức 24.000 đồng, gấp 6 lần thời điểm đầu năm.

Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm thị giá "mớ rau, trà đá" ở thời điểm đầu năm cũng đạt mức tăng tương tự chỉ sau thời gian ngắn như CCL (tăng từ 2.800 lên 9.000 đồng), ALV (2.700 lên 13.000 đồng), NDF (2.000 lên 20.000 đồng), KAC (4.200 lên 36.300 đồng)...

Tuy nhiên, đằng sau những chuỗi thời gian tăng giá ấn tượng của nhóm cổ phiếu này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Cổ phiếu HAR mở đầu với chuỗi phiên tăng trần, thì ngay khi đảo chiều đã tiếp tục với những phiên giảm sàn liên tục. Sau khi đạt mức cao nhất 16.400 đồng, cổ phiếu HAR bước vào giai đoạn thoái trào với những phiên nằm sàn liên tục. Những nhà đầu tư mua đúng "đỉnh" tại phiên 8/8 đã mất hơn 20% giá trị khoản đầu tư chỉ 3 phiên giao dịch sau đó. Đến đầu tháng 9, cổ phiếu HAR chỉ còn hơn 10.000 đồng, mất gần 40% so với mức đỉnh xác lập trước đó.

Kịch bản tương tự cũng diễn ra với nhiều cái tên tăng sốc khác. Cổ phiếu HAI cũng bước vào giai đoạn "phân phối" cùng thời điểm với HAR và chỉ sau gần một tháng, cổ phiếu này mất 56% giá trị. Cổ phiếu NDF của Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định cũng "bốc hơi" gần một nửa thị giá trong hơn một tháng gần đây, sau khi đạt đỉnh gần 20.000 đồng.

Câu chuyện cổ phiếu thấp bất ngờ tăng trần, rồi sau đó giảm sàn liên tục được các chuyên gia nhìn nhận mang nhiều yếu tố rủi ro, bởi bản chất của nền tảng tăng giá thời điểm ban đầu đã không bền vững.

Khi bắt đầu chuỗi phiên tăng trần, hầu hết các lý do được đưa ra chỉ để "hợp thức hóa" việc cổ phiếu tăng mạnh, từ quá trình tái cơ cấu công ty cho tới những khoản lợi nhuận đột biến được kỳ vọng sẽ ghi nhận tương lai. Bên cạnh đó cũng có những cổ phiếu tăng không vì thông tin hỗ trợ cụ thể, nhóm này được lý giải nhờ những đồn đoán về "đội lái" hay một nhóm nhà đầu tư có tiềm lực đang có ý định thâu tóm doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi lao dốc, hầu hết nhà đầu tư không còn nhớ đến những lý do đưa ra trước đó mà chỉ tự trách bản thân đã không "chốt lời" đúng thời điểm.

"Hầu hết nhà đầu tư đều biết chơi những cổ phiếu đó là rủi ro, những lý do đưa ra chỉ để tự huyễn hoặc bản thân rằng quá trình tăng là hợp lý. Thực tế, lòng tham, hay nói đúng hơn là con số lợi nhuận 7-10% một ngày mới là điều khiến nhiều người có thể bất chấp", một nhà đầu tư nhìn nhận.

Theo một chuyên gia trên thị trường, đà tăng giá của nhóm cổ phiếu này có thể do một nhóm nhà đầu tư đứng sau hậu thuẫn, hay nói cách khác là "chèo, lái đường đi" của cổ phiếu. "Khi đã gom đủ một lượng hàng đủ lớn, đàm phán với các cổ đông lớn khác của doanh nghiệp và chắc chắn lượng hàng trôi nổi còn hạn chế, quá trình làm giá sẽ được khởi động", vị này chia sẻ.

Chính do việc tăng giá do tác nhân có chủ đích, nên quá trình vận động của cổ phiếu thường đi ngược lại các quy luật thông thường. Quá trình đan xen giữa những phiên tăng trần và giảm sàn khiến biên độ giao dịch, cũng như lợi nhuận và rủi ro được khuếch đại lên rất nhiều.

Trường hợp đu theo những cổ phiếu nóng có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng nếu không thoát ra đúng thời điểm việc thua lỗ là điều không thể tránh khỏi. Đó cũng là lý do nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn chịu cảnh thua lỗ lớn, dù VN-Index vừa ghi nhận mức kỷ lục 800 điểm - lần đầu tiên trong gần 10 năm.

(https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/chung-khoan/cuoc-choi-cua-nhung-co-phieu-tra-da-3639760.html)

Đại gia Trịnh Văn Quyết gom cổ phiếu FLC: Chuyện bình thường

Chuyên gia kinh tế nhận định, hành động mua gom cổ phiếu FLC chứng tỏ lời nói và hành động nhất quán của ông Trịnh ...

VietNam Airlines chuẩn bị chi 738 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2016

Với hơn 1,23 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, HVN dự kiến phải chi gần 738 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2016. Trong ...

Đại gia Lê Ân gặp khó, Khánh Casa nổi nóng tát người

Hàng loạt tên tuổi đại gia như Trần Đình Long, Lê Phước Vũ, Ngô Chí Dũng gặp vận may, thu được số tiền lớn từ ...

/ Theo Minh Sơn/Báo VnExpress.net