Hàng loạt tên tuổi đại gia như Trần Đình Long, Lê Phước Vũ, Ngô Chí Dũng gặp vận may, thu được số tiền lớn từ cổ phiếu. Trong khi đó, "vua cá" Hùng Vương, Lê Ân lại khó khăn trong kinh doanh, thậm chí còn phải bỏ trốn như ông chủ salon ô tô Hùng Dũng.
Ông Dương Ngọc Minh - người được mệnh danh là vua cá Hùng Vương |
"Vua cá" Hùng Vương rao bán hàng loạt khu đất
Công ty CP Hùng Vương công bố thông tin về việc thoái vốn và giải thể Công ty CP Địa ốc An Lạc. Theo đó, HVG sẽ tiến hành thanh lý các bất động sản hiện có thuộc Địa ốc An Lạc. Nửa đầu năm nay, Hùng Vương lỗ ròng hơn 172 tỷ đồng.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM quyết định đưa cổ phiếu HVG vào diện cảnh báo kể từ ngày 13/06/2017 do công ty vi phạm quy định về công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm.
Trước đó, Sở đã nhiều lần nhắc nhở HVG về việc chậm nộp BCTC bán niên soát xét (năm tài chính từ 1/10/2016 đến 30/09/2017).
Đại gia Lê Ân gửi đơn kêu cứu
Trong đơn, ông Lê Ân kiến nghị Tổng cục THADS kiến nghị Thủ tướng xử lý lãnh đạo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì chậm thi hành án, khiến quyền lợi của ông và VCSB bị ảnh hưởng.
Cuối tháng 7, Tổng cục THADS có văn bản gửi Cục THADS để yêu cầu giải quyết các khiếu nại của ông Lê Ân. Theo Tổng cục THADS, quá trình theo dõi thi hành án cho ông Lê Ân và VCSB, Cục THADS Bà Rịa - Vũng Tàu chưa kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với UBND tỉnh này trong việc chậm thi hành án.
Ông chủ salon ôtô Hùng Dũng nợ trăm tỷ
Cơ quan tố tụng xác định, Nguyễn Đức Dũng (42 tuổi) vay nợ của 33 người và doanh nghiệp với số tiền hơn 132 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, năm 2005, Nguyễn Đức Dũng mở Công ty Hùng Dũng và salon Auto Hùng Dũng tại phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM. Do việc kinh doanh thua lỗ kéo dài, đầu tháng 3/2011, người này bỏ trốn khi các khoản nợ đến hạn. Trước khi biệt tích, Dũng đề nghị một đối tác là bà Trần Thị Hương Hạnh cho vay 300.000 USD để nhập lô ôtô mới.
Sau khi bà Hạnh chuyển tiền, Dũng đã gửi 70.000 USD cho bố anh ta đang định cư tại Mỹ. Số tiền còn lại, Dũng mua đồ trang sức và cầm tiền mặt bỏ trốn.
Bố trí việc mới cho bà Hồ Thị Kim Thoa
Theo Bộ Công Thương, sau khi nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ phân công Lãnh đạo Bộ tiếp nhận các công việc do bà Hồ Thị Kim Thoa phụ trách.
Đồng thời Bộ trưởng Công Thương cũng sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể cho bà Hồ Thị Kim Thoa theo quy định.
Bà Thoa không còn là thứ trưởng Bộ Công Thương |
Ngày 16/8 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. Như vậy, kể từ ngày 16/8 bà Hồ Thị Kim Thoa đã không còn là Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Khánh Casa nổi vì tát nữ nhân viên
Vũ Khánh, thường gọi là Khánh Casa trở nên nổi danh sau hành động tát nữ nhân viên. Ông Vũ Khánh được nhiều người ở TP.HCM biết đến vài năm gần đây, khi khai trương hệ thống trà, cà phê ở trung tâm quận 1, đặc biệt là Khanhcasa Tea House. Trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng, Khanhcasa Construction là công ty tư vấn thiết kế nội thất và xây dựng có uy tín tại TP.HCM.
Clip quay lại cảnh Khánh Casa tát nữ nhân viên |
Không chỉ có Khanhcasa Tea House, Khanhcasa Garden và Khanhcasa Vegetarian & Tea Garden (chuyên đồ chay)... mà những cái tên như Gạo, Saigon Garden, Saigon House,... quen thuộc ở TP.HCM cũng được thiết kế bởi kiến trúc sư Vũ Khánh.
Ngoài ra, doanh nhân này còn là ông chủ của Khanhcasa Catering - dịch vụ tổ chức tiệc, cung cấp các loại thức ăn cho sự kiện, hội nghị tại TP.HCM.
Trần Đình Long giàu chưa từng có
Cổ phiếu HPG của đại gia Trần Đình Long gây sốt với giá lên mức cao nhất trong lịch sử. Với hơn 380 triệu cổ phiếu, ông Trần Đình Long chứng kiến túi tiền phình nở lên mức chưa từng có, gần 13 ngàn tỷ đồng.
So với trước đây vài năm, ông Trần Đình Long đã giàu có hơn rất nhiều, gấp đôi ba lần. Tuy nhiên, so với thị trường ông Trần Đình Long lại có chiều hướng đi xuống. Trước đây, ông Trần Đình Long xếp vị trí thứ 2 trong danh sách những người giàu nhất, thì giờ ông đã tụt xuống vị trí thứ 4.
Vận may đến, hai đại gia gom tiền |
Lê Phước Vũ vận may gom tiền
Ông Lê Phước Vũ tiếp tục may mắn sau khi bán thành công gần chục triệu cổ phiếu của chính mình với mức giá cao kỷ lục mọi thời đại: khoảng 32 ngàn đồng/cp rồi quay lại đăng ký mua khi cổ phiếu này rớt xuống gần 26 ngàn đồng.
Giai đoạn từ 1/6 đến 7/6/2017, ông Lê Phước Vũ đã hoàn tất bán ra gần 9,6 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận với giá bình quân trên dưới 32.000 đồng/cổ phiếu, thu về khoảng 300 tỷ đồng. Đây cũng là mức đỉnh giá của HSG từ trước đến nay tính theo giá điều chỉnh.
Ngô Chí Dũng lọt top 10
Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng cùng với vợ và mẹ nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng gần chục ngàn tỷ đồng, lọt top 10 giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Đại gia mới trên sàn chứng khoán |
Bên cạnh gia đình ông Dũng, gia đình 2 phó chủ tịch VPBank khác cũng lọt top 10 ngay sau phiên cổ phiếu ngân hàng này chào sàn 17/8. Nhà ông Bùi Hải Quân nắm hơn 100 triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng khoảng 4 ngàn tỷ đồng.
Như vậy, với sự xuất hiện của một loạt đại gia sau khi VPBank lên sàn, danh sách giàu nhất trên thị trường chứng khoán đã đảo lộn khá nhiều.
Sếp FPT: Công ty không phải là gia đình
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cho biết: “Ngày xưa, chúng tôi hay ca ngợi công ty mình như một gia đình. Đến giờ tôi phản đối. Một công ty phải như một đội bóng, từ huấn viên, hậu vệ... lúc nào cũng phải phấn đấu để giữ vị trí. Vì nếu như trong gia đình, có đứa nghiện hút vẫn phải nuôi. Nhưng thực tế, công ty không thể làm được đó."
Liên quan tới vấn đề nhân sự, ông Nam Tiến hài hước chia sẻ: “Tôi xin chia buồn với nhiều anh chị ngồi đây bởi nguy cơ không còn nhân sự để tuyển dụng và quản lý nữa. Robot không cần đến các anh chị. Tôi lấy làm tiếc về điều ấy. Tuy nhiên, về hưu sớm vì robot cũng là một ý thú vị”.