'Cuộc chiến nghị quyết' về vấn đề Ukraine ở Liên hợp quốc

Liên hợp quốc trải qua các phiên bỏ phiếu căng thẳng, thông qua nghị quyết về nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, nhưng không chỉ trích vai trò Nga.

Trong các cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/2 về 3 nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc và Hội đồng bảo an nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga-Ukraine, Mỹ đứng ngoài lập trường chung của châu Âu khi từ chối chỉ trích Nga, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Cụ thể, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc chiến tranh Ukraine - nhưng không đề cập đến sự tấn công của Nga.

Trong khi đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc bác bỏ dự thảo ban đầu của Mỹ, thông qua hai nghị quyết chỉ trích vai trò của Nga. Hai nghị quyết này bao gồm nghị quyết châu Âu hậu thuẫn yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn, trong khi phiên bản của Mỹ, sau đó được sửa đổi dưới áp lực của châu Âu, thừa nhận sự tấn công của Nga nhưng tránh lên án gay gắt Moskva. 

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. 

"Cuộc chiến nghị quyết"

Ban đầu, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Mỹ cùng Nga bỏ phiếu chống lại một nghị quyết của Ukraine do châu Âu hậu thuẫn, trong đó lên án hành động quân sự của Moskva và yêu cầu Nga phải rút quân ngay lập tức.

Mỹ sau đó bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của riêng mình khi châu Âu, do Pháp dẫn đầu, thành công trong việc sửa đổi nghị quyết này để chỉ trích Nga. Cuộc bỏ phiếu diễn ra khi ông Trump đang tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Washington.

Bước tiếp theo, Mỹ thúc đẩy việc bỏ phiếu cho dự thảo ban đầu nghị quyết của mình tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nơi các nghị quyết mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và Mỹ có quyền phủ quyết cùng với Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp.

Cuộc bỏ phiếu tại hội đồng gồm 15 thành viên có kết quả là 10-0 với 5 quốc gia bỏ phiếu trắng và nghị quyết được thông qua.

Các nghị quyết thay đổi liên tục phản ánh những căng thẳng nảy sinh giữa Mỹ và Ukraine sau khi ông Trump đột ngột mở các cuộc đàm phán với Nga nhằm mục đích nhanh chóng giải quyết xung đột.

 

Chúng cũng nhấn mạnh sự căng thẳng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương với cuộc gặp của chính quyền Trump với Moskva thảo luận về xung đột Ukraine. Các nhà lãnh đạo châu Âu thất vọng khi họ và Ukraine bị loại khỏi các cuộc đàm phán sơ bộ vào tuần trước.

Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Số phiếu chi tiết trong suốt các cuộc bỏ phiếu cũng phản ánh các nước thay đổi quan điểm. Ví dụ, khi Đại hội đồng lần đầu tiên bỏ phiếu với tỷ lệ 93-18 với 65 phiếu trắng để thông qua nghị quyết của Ukraine. Kết quả cho thấy sự ủng hộ dành cho Ukraine giảm đi, vì các cuộc bỏ phiếu trước đó của hội đồng chứng kiến ​​hơn 140 quốc gia lên án hành động quân sự của Nga và yêu cầu rút quân ngay lập tức.

Sau đó, hội đồng chuyển sang nghị quyết do Mỹ soạn thảo, thừa nhận "sự mất mát bi thảm về người trong suốt cuộc xung đột Nga-Ukraine" và "kêu gọi chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột và thúc đẩy một nền hòa bình lâu dài giữa Ukraine và Nga", nhưng không đề cập đến hành động quân sự của Moskva.

Trong một động thái bất ngờ, Pháp đề xuất ba sửa đổi, được các quốc gia châu Âu ủng hộ, trong đó nói thêm rằng cuộc xung đột là kết quả của việc Nga tấn công. Các sửa đổi này tái khẳng định cam kết của hội đồng đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, đồng thời kêu gọi hòa bình tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc.

Nga cũng đề xuất một sửa đổi kêu gọi giải quyết "nguyên nhân gốc rễ" của cuộc xung đột.

Tất cả các sửa đổi được chấp thuận và nghị quyết được thông qua với tỷ lệ 93-8 với 73 phiếu trắng, trong đó Ukraine bỏ phiếu "có", Mỹ bỏ phiếu trắng và Nga bỏ phiếu "không".

Ông Putin đồng ý với lực lượng hòa bình châu Âu 

Trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Pháp cùng thời điểm Liên hợp quốc họp bàn bỏ phiếu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hôm 24/2 rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận ý tưởng về việc châu Âu gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, như một phần của thỏa thuận ngừng bắn, và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu sẵn sàng hỗ trợ.

Ông Trump nói: "Tôi hỏi ông ấy (ông Putin) câu hỏi đó một cách cụ thể. Ông ấy không có vấn đề gì với điều đó".

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Trump.

Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Mỹ Trump. 

Ông Trump và ông Macron phác thảo những nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh Ukraine trong các cuộc đàm phán tại Phòng Bầu dục sau khi họ tham gia một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 khác để đánh dấu 3 năm ngày cuộc chiến bắt đầu. 

Ông Macron cho biết châu Âu có vai trò trong việc cung cấp các đảm bảo an ninh. Đầu tiên sẽ là đàm phán một lệnh ngừng bắn và sau đó là một thỏa thuận hòa bình. Theo nhà lãnh đạo Pháp, các lực lượng nhằm duy trì hòa bình, không ở tuyến đầu và không tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào. 

https://vtcnews.vn/cuoc-chien-nghi-quyet-ve-van-de-ukraine-o-lien-hop-quoc-ar928033.html

Phương Anh (Nguồn: AP, Reuters, Newslook ) / VTC News