Giữa Covid-19, các bang của Mỹ đang gặp khó khăn trong việc thu mua vật tư y tế bởi giá cao và hàng thường xuyên "hôm trước còn, hôm sau hết".
Vài tuần trước, Mike Gula đang thảo luận các thương vụ mua bán thiết bị bảo hộ trị giá hàng triệu USD với lợi nhuận lớn. Gula, 39 tuổi, đã nhanh chóng trở thành một trong những nhà môi giới lớn nhất chuyên bán khẩu trang cùng những thiết bị y tế khác cho các bang của Mỹ khi họ chiến đấu với Covid-19.
Những giao dịch của Gula chủ yếu diễn ra trên "chợ xám", thuật ngữ kinh tế chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất hoặc ý muốn của cơ quan nhà nước điều tiết thị trường.
Các lô hàng vật tư y tế được chuyển xuống từ một máy bay chở hàng của hãng hàng không China Southern Airlines ở sân bay Chicago ngày 10/4. Ảnh: AP. |
Giờ đây, các thỏa thuận của Gula với một số bang, bao gồm cả California và Maryland, không thể hoàn thành. Ông đang phải đối mặt với các cuộc điều tra cấp liên bang và bang. Công ty của Gula, Blue Flame Medical, trụ sở ở Washington D.C., vẫn chật vật giành giật nguồn cung từ Trung Quốc để hoàn tất những đơn hàng khác.
Nhiều "tân binh" đang đổ xô tham gia thị trường bán khẩu trang, găng tay, áo choàng phẫu thuật, máy thở và kit xét nghiệm virus nhằm phục vụ tuyến đầu chống Covid-19, tạo ra cảnh tượng đầy hỗn loạn. Một số nhà môi giới ước tính giá trị thị trường đã tăng lên 50 tỷ USD.
Sự hỗn loạn này ngoài do tính chất phức tạp và nguy hiểm của dịch bệnh còn một phần bắt nguồn từ việc Trung Quốc, nhà sản xuất thiết bị y tế lớn nhất thế giới, đã thắt chặt các quy định hải quan, gây ra tình trạng chậm trễ, tắc nghẽn đơn hàng. Một số đơn hàng thiết bị bảo hộ mới đây đã bị hoãn tới cuối mùa hè, thậm chí sau đấy, giới chức bang cho hay.
Nhu cầu đối với đồ bảo hộ sẽ tăng khi các bang tái mở cửa nền kinh tế. Khi lượng đồ bảo hộ từ chính phủ không đủ cung cấp, các bang, bệnh viện, cơ quan thực thi pháp luật và các công ty sẽ phải đẩy mạnh "cuộc đi săn" của mình để bảo vệ sức khỏe cho nhân viên. Trong bối cảnh đó, thị trường xám là nơi nhiều người tìm tới mua hàng, chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.
Ethan Bearman, luật sư tại Blue Flame, cho biết công ty đang gặp khó khăn trong việc giữ nguồn hàng đồ bảo hộ từ Trung Quốc. Họ khẳng định không làm gì sai trái và sẵn sàng hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào.
Giá khẩu trang, găng tay và áo choàng phẫu thuật đang thay đổi theo từng giây. Chi phí vận chuyển chúng trên các chuyến bay thuê đã tăng gấp đôi so với một tháng trước. Quy trình mua, vận chuyển và thanh toán là một chuỗi những hỗn loạn. Các nhà môi giới và người mua cho biết nguồn cung từ những kho hàng Trung Quốc thường xuyên "hôm qua còn, hôm sau đã hết sạch".
Thêm vào đó, Cơ quan Quản lý Thuốc và Dược phẩm Mỹ hôm 7/5 còn rút giấy phép với hơn 60 công ty Trung Quốc, ngăn họ xuất khẩu khẩu trang KN95 theo tiêu chuẩn Trung Quốc vào Mỹ với lý do các sản phẩm này không đạt tiêu chuẩn lọc vi hạt.
Collipp làm việc tại nhà riêng. Ảnh: WSJ. |
Giá áo choàng phẫu thuật đã tăng mạnh vì thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, nhà môi giới Peter Collipp cho hay. Tháng trước, ông nhận được một đơn hàng từ hạt Henrico, bang Virginia, muốn mua 37.000 áo choàng cách ly với giá 3,2 USD mỗi chiếc. Nhà cung cấp của ông nói đơn hàng sẽ được hoàn thành trong hai tuần nhưng sau đó cho biết không còn hàng có sẵn với mức giá trên.
Collipp ráo riết lùng sục một nhà cung cấp khác trong khi hạt Henrico tiếp tục muốn mua thêm 30.000 áo choàng nữa. Giá đã tăng 38%, lên 4,4 USD mỗi chiếc nhưng cuối cùng ông cũng tìm được một nhà cung cấp.
"Chúng tôi như ngồi trên bàn chông" sau khi đặt hàng, Jackson Baynard, người quản lý tình trạng khẩn cấp hạt Henrico, cho hay.
Một đơn hàng găng tay trị giá một triệu USD của chính phủ Canada hồi tháng 4 có sự tham gia của một người môi giới ở Calgary, một thương nhân ở Florida và một nhà sản xuất ở Sơn Đông, Trung Quốc. Tất cả làm việc với nhau thông qua một người đàn ông ở Boulder, Colorado, trên phần mềm nhắn tin Telegram, theo một nhà môi giới là đối tác của thương nhân ở Florida.
Thông thường, mua sắm hàng hóa y tế là một quá trình dài đối với các bang. Các quan chức phải thẩm định người bán và thường mất 30 ngày để thanh toán hóa đơn như một biện pháp phòng ngừa trong trường hợp xảy ra sự cố.
Giờ đây, họ không còn thời gian thực hiện những công đoạn xác minh thông thường. Người mua cho biết họ thường làm việc với những nhà môi giới có rất ít thông tin và thường đòi trả trước 1/2 khoản thanh toán. Các quan chức địa phương chỉ biết chấp nhận và hy vọng hàng họ cần sẽ về tay.
Những nhà môi giới như Jason Frankovich ở Staten Island, New York, người chuyên thực hiện các thương vụ vật tư y tế trước cả đại dịch, cũng phải đối mặt những tình huống khó xử tương tự. "Chúng tôi không thể dành quá nhiều thời gian cho việc thẩm định", ông nói. "Bình thường, khi tôi bỏ tiền cho một thỏa thuận, tôi thường lên máy bay và tới gặp trực tiếp đối tác, bắt tay với họ. Nhưng nay, chúng tôi không thể làm như thế nữa".
Mọi sai sót đều phải trả giá rất đắt. Collipp cho hay ông từng có một hợp đồng bị trì hoãn do hàng bị kẹt tại hải quan Trung Quốc. Một lỗi ghi nhãn buộc các đối tác Trung Quốc của ông phải dán lại nhãn 10.000 hộp khẩu trang. Cuối cùng, chúng hóa ra lại là những khẩu trang chất lượng thấp và ông buộc phải thay thế nhà cung cấp khác.
Chính quyền liên bang thỉnh thoảng còn chuyển hướng đích đến của những đồ bảo hộ được nhập về trong các thương vụ do môi giới sắp xếp. Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp (FEMA) tháng trước thu giữ một lô hàng khẩu trang N95 tại sân bay John F. Kennedy ở New York do một đơn vị kinh doanh đồ bảo hộ nhỏ ở Delaware nhập từ Trung Quốc. Công ty này, Indutex USA, có các đơn bán khoảng 125.000 khẩu trang N95 cho người mua tại các trại dưỡng lão, một bệnh viện nhi và một sở cảnh sát, chủ tịch công ty George Gianforcaro cho biết.
FEMA yêu cầu Indutex USA bán khẩu trang N95 do ông nhập về cho họ với "mục đích quốc phòng". Lệnh trên còn có hiệu lực với tất cả những lô hàng vật tư y tế khác của ông cho tới ngày 1/6.
Theo Gianforcarom, chính phủ đã thu thêm hai lô hàng nữa của ông, tổng cộng là 500.000 khẩu trang N95.
Một phát ngôn viên FEMA khẳng định họ "không thu giữ hoặc lấy các thiết bị bảo hộ cá nhân từ chính quyền, bệnh viện hay bất kỳ thực thể nào khác ở cấp bang và cấp địa phương, miễn là họ tham gia vào các giao dịch hợp pháp mà qua đó những tài nguyên này được phân phối hợp lý".
Phát ngôn viên này cuối tháng trước cho hay FEMA giữ khẩu trang của Indutex USA chỉ nhằm đảm bảo rằng chúng đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và đây là một phần trong sáng kiến do Bộ Tư pháp đưa ra nhằm ngăn chặn hành vi tích trữ, kiểm soát giá bất hợp pháp. FEMA có thể quyết định giữ số khẩu trang trên hoặc yêu cầu nhà nhập khẩu bán chúng với giá cả hợp lý.
Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia Mỹ (NIOSH) đã thử nghiệm 20 mẫu trong lô hàng bị giữ tại sân bay John F. Kennedy của Indutex USA và phát hiện chúng không đạt tiêu chuẩn an toàn.
Gianforcaro hồi giữa tuần cho biết một phòng thí nghiệm Trung Quốc đã chứng nhận số khẩu trang này đáp ứng tiêu chuẩn của NIOSH cho khẩu trang N95 và nếu chúng không đạt, ông muốn trả lại hàng.
"Tôi đang làm trong ngành kinh doanh đồ bảo hộ. Tôi không bao giờ bán một sản phẩm không vượt qua thử nghiệm hay đưa ra thông tin sai về sản phẩm", ông quả quyết.
Trước nghi vấn về hành vi trục lợi, Gianforcaro nói ông phải trả trước cho công ty Trung Quốc, chịu chi phí tài chính và vận chuyển. Trong khi đó, ông đang bán khẩu trang N95 với giá thấp hơn giá thị trường.
Tháng trước, nhà môi giới Alexis Wong, thuộc công ty thương mại Serene Graceful Ltd, trụ sở ở Hong Kong, cho biết bà đã đàm phán một hợp đồng nhập 300 triệu khẩu trang đang được lưu tại Anh trị giá 1,5 tỷ USD cùng nhà môi giới đại diện cho một công ty tư vấn tài chính ở Miami, Mỹ. Theo kế hoạch, lô hàng sẽ cập cảng Los Angeles.
Trước khi hoàn thành thương vụ, bà phát hiện ra người môi giới bên kia đã cung cấp giấy tờ chứng minh tài chính giả mạo. Bị bại lộ, ông ta lập tức biến mất.
Mackenze McAleer, cựu quân cảnh ở Boulder, Colorado, đã thành lập một nhóm giao dịch trực tuyến trên nền tảng phần mềm nhắn tin Telegram nhằm tạo ra một nơi giao dịch giúp giám sát tốt hơn những thương vụ kiểu như của Alexis Wong.
Tuần trước, McAleer cho biết ông đã trục xuất một thành viên trong nhóm vì làm môi giới bán đồ bảo hộ cho cùng lúc hai bang. Khi người mua biết lô hàng đang được giữ ở California, không phải Texas nhưng đã hứa, người môi giới liền tăng giá, bất chấp việc người mua đã thanh toán ký quỹ.
John Cataldi, thành viên nhóm của McAleer đến từ Florida, cho hay ông từng làm việc với một nhà môi giới đã gửi cho ông video xác nhận về lô hàng khẩu trang phòng độc trông giống như được cắt từ video phát trên truyền hình. Cataldi đề nghị cử người tới kho để xác nhận trực tiếp và thanh toán ký quỹ. Người môi giới lại biến mất.
Gula vài tháng trước vẫn điều hành một doanh nghiệp gây quỹ cho đảng Cộng hòa gần tòa nhà quốc hội Mỹ ở Washington. Đến cuối tháng ba, Gula từ bỏ công việc gây quỹ đang rất thành công mà ông đã theo đuổi hơn một thập kỷ để thành lập Blue Flame. Chỉ trong vài ngày, ông kiếm về hàng triệu USD nhờ các giao dịch mua khẩu trang, găng tay và những vật tư y tế khác thông qua một nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Một dây chuyền sản xuất khẩu trang ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters |
Từ đó đến nay, Blue Flame đã để mất một hợp đồng 600 triệu USD với California và một số hợp đồng trị giá nhiều triệu USD khác với Maryland, Tennessee và Alabama do họ không thể đáp ứng.
Thảo thuận với Tennessee đổ vỡ do giá khẩu trang và áo choàng phẫu thuật tăng, một thành viên Blue Flame cho hay. Bang đã trả trước 1/2 khoản thanh toán cho đơn hàng 5 triệu USD. Gula muốn bang trả phần còn lại sau một tuần. Khi Tennessee chuyển cho Blue Flame số còn lại, giá đã tăng 20% và bang buộc phải rút lui. Thành viên Blue Flame nói thêm rằng công ty đã thiệt hại hàng nghìn USD phí thẻ tín dụng trong giao dịch.
Một phát ngôn viên bang Tennessee cáo buộc Blue Flame "không thể giao hàng đúng giá và đúng hạn".
California hủy hợp đồng sau khi kiểm tra công ty, theo các email trao đổi giữa hai bên và giới chức bang. Ngày 26/3, nhà chức trách bang đã sẵn sàng gửi 450 triệu USD trong hợp đồng mua khẩu trang và vật tư y tế trị giá 600 triệu USD cho Blue Flame.
Tuy nhiên, vài giờ sau, họ hủy hợp đồng. Ngân hàng California đã phát hiện có điểm đáng ngờ trong giao dịch chuyển khoản và báo với Cục Điều tra Liên bang (FBI). Tài khoản ngân hàng của Blue Flame mới được mở trước đó một ngày.
Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra đối với Blue Flame, theo một nguồn tin am hiểu vấn đề.
Tại một cuộc họp báo hôm 6/5, Thống đốc Maryland Larry Hogan nói rằng "hành vi lợi dụng đại dịch để thu lợi hoặc vì lợi ích cá nhân là vô lương tâm".
Blue Flame vẫn tiếp tục thực hiện các giao dịch khác. Họ đã hoàn thành một hợp đồng bán tấm chắn chống giọt bắn trị giá 5.000 USD cho sở cảnh sát Melbourne, bang Florida.
Phát ngôn viên sở cánh sát Melbourne cho hay lô hàng đã tới trong tuần qua nhưng họ đang "trong quá trình hủy bỏ những đơn đặt hàng quan trọng khác" và yêu cầu hoàn tiền.
Mỹ "uống nước đục" trong cuộc đua vật tư y tế
Trong khi một số nước châu Âu bắt đầu thu mua vật tư y tế Trung Quốc từ cuối tháng 2, Mỹ giờ đây mới ... |
Ngành công nghiệp Pháp dồn sức sản xuất máy thở và vật tư y tế
Liên danh bốn tập đoàn lớn của Pháp cam kết sẽ sản xuất, với giá không lợi nhuận, các máy thở Osisis và T60 mà ... |
Châu Âu chạy đua tìm vật tư y tế
Pháp sẵn sàng trả 15 triệu EUR để tìm mua 1,5 triệu lít gel khử trùng tay, Luxembourg đang tìm kiếm 61.000 khẩu trang với ... |