Dưới tác động của nhiều chính sách tài chính, lạm phát tại Anh đã có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên tốc độ giảm không được như kỳ vọng. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tỷ lệ lạm phát hiện tại ở mức 8,7% vẫn còn xa vời so với mục tiêu 2% Chính phủ đặt ra. Điều này buộc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải cân nhắc tăng lãi suất vào ngày 22-6 tới, từ 4,5% lên 4,75% - mức cao nhất trong 15 năm.
Giá hàng tiêu dùng và thực phẩm tại Anh vẫn tiếp tục tăng cao.
Đây sẽ là lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BoE, trong bối cảnh lạm phát ở Anh kéo dài dai dẳng. Bà Katharine Neiss, nhà kinh tế trưởng về châu Âu của Công ty đầu tư PGIM (Mỹ) và là cựu quan chức của BoE nhận định, lạm phát tại Anh hiện đang ở mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Âu. Theo con số thống kê mới nhất, chỉ số lạm phát giá cả tại các cửa hàng ở Anh trong tháng 5 đã tăng lên mức kỷ lục trong ít nhất 18 năm. Cụ thể, giá các mặt hàng thực phẩm có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng tăng từ 12,9% lên 13,1%. Các mặt hàng phi thực phẩm đã tăng từ mức 5,5% lên 5,8%...
Giá lương thực tăng cao ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ gia đình nghèo, vì họ có xu hướng dành phần lớn ngân sách cho các nhu yếu phẩm. Trong tháng 3, doanh số bán thực phẩm đã giảm 2,7% so với trước đại dịch Covid-19, do người dân thu nhập thấp đã cắt giảm việc mua bán nhằm cân đối chi tiêu. Ngoài ra, để giảm thiểu chi phí sinh hoạt, người tiêu dùng đang hướng đến các chương trình khuyến mãi theo mùa và ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết.
Trước thông tin về tăng lãi suất, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết, Chính phủ đã mất nhiều thời gian hơn dự kiến để lạm phát giảm trong khi thị trường lao động rất căng thẳng. Các số liệu chính thức cho thấy, lương cơ bản ở Anh trong 3 tháng, tính đến tháng 4 vừa qua, đã tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất được ghi nhận, không tính các giai đoạn mà dữ liệu không chuẩn xác do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc tăng lương để đáp ứng nhu cầu cải thiện cuộc sống của người lao động cũng sẽ khiến “cuộc chiến” chống lạm phát gặp nhiều khó khăn hơn khi các doanh nghiệp phải nâng cao giá thành phẩm bán ra thị trường. Điều này tạo thành một vòng luẩn quẩn cản trở nỗ lực của Chính phủ nhằm đưa lạm phát về mức tiêu chuẩn 2%.
Ngoài ra, lãi suất tăng đồng nghĩa mức thanh toán hằng tháng của người dân cho các khoản thế chấp, khoản vay và thẻ tín dụng sẽ tăng, mặc dù những người gửi tiết kiệm có thể nhận được nhiều tiền lãi hơn. Kể từ khi BoE tăng lãi suất lên 4,5%, đã có khoảng 700.000 hộ gia đình tại Anh bị chậm hoặc không có khả năng trả tiền thuê nhà cũng như các khoản thanh toán lãi vay mua nhà. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu lãi suất tăng lên 4,75%. Nhiều người Anh sắp hết khoản vay mua nhà cố định sẽ buộc phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn. Ước tính 16% người Anh đang phải vật lộn để trả nợ thế chấp hằng tháng.
Không chỉ người thuê, mua nhà bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất. Hiện, các ngân hàng bán lẻ Anh cũng đang rút lại các sản phẩm cho vay mua nhà lãi suất cố định. Thông thường, các khoản thế chấp với lãi suất cố định sẽ được thực hiện trong một khoảng thời gian, thường là từ 2 đến 5 năm. Sau khi hết hạn, lãi suất này mới được điều chỉnh cho phù hợp với các điều kiện thị trường. Tuy nhiên, việc BoE liên tục tăng lãi suất khiến các khoản cho vay thế chấp mua nhà trước đây bị lỗ.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, nhiều nền kinh tế trên thế giới sẽ phải tiếp tục đối mặt với lạm phát leo thang trong thời gian tới, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà kinh tế cho rằng, BoE sẽ còn phải tăng lãi suất ít nhất 2 lần nữa sau quyết định vào ngày 22-6 tới.