Tin lời thầy bói, đồng cốt, dẫn đến tiền mất tật mang không phải là chuyện hiếm. Lịch sử nước ta cũng nhiều lần chứng kiến những vụ việc như vậy.
Từ bao đời nay, do mê tín, người dân nhiều người tin vào bói toán. Chuyện này thâm nhập vào cả cung đình mà lịch sử còn ghi lại.
Thời vua Lê Thái Tông, Tể tướng Lê Ngân vì nghe lời thầy bói, bà đồng, lập đàn cúng Phật trong nhà mà dẫn đến mất mạng, con gái đang là Huệ phi của vua bị giáng cấp, gia sản bị tịch thu.
Nguyên Lê Ngân bị người gièm pha là lập bàn thờ Phật ở trong phủ để cầu cho con gái được vua yêu. Thời Lê, triều đình vốn sùng Nho giáo, bài Phật giáo. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Vua ngự ra ở cửa Đông thành, sai Thái giám Đỗ Khuyển dẫn 50 võ sĩ lục soát nhà Lê Ngân, bắt được tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa.
Ngày hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra để tạ tội, trần tình rằng: "Trước kia thần theo khởi nghĩa ở Lam Kinh, nay thần cũng nhiều bệnh, thầy bói bảo là trong nhà thần ở, trước đây có miếu thờ Phật, vì để ô uế, nên xảy ra tai họa. Cho nên thần làm lại để thờ cúng".
Vua không nghe, vẫn sai tra khảo nô tì trong nhà ông, rồi bắt ông tự vẫn ở nhà, tịch thu gia sản, giáng Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân xuống bậc Tư dung.
Lê Ngân đành phải tự kết liễu cuộc đời đầy võ công hiển hách của mình bằng cách treo cổ. Mụ đồng Nguyễn Thị bị đày ra châu xa. Thầy phù thủy Trần Văn Phương bị đồ làm lính ở phường nuôi voi.
Về việc bói, sử ghi Thượng hoàng Trần Thái Tông đã dự đoán trước được việc mình sẽ chết ngày 1 tháng 4.
Trước đó, Thượng hoàng đến ngự đường, bỗng thấy con rết bò trên áo ngự. Thượng hoàng sợ, lấy tay phủi nó rơi đánh "keng" xuống đất, nhìn xem thì hóa ra cái đinh sắt, đoán là điềm năm Đinh sẽ có tai họa.
Lại có lần Thượng hoàng đùa sai Minh tự Nguyễn Mặc Lão dùng phép nghiệm quan xem điềm lành hay điềm dữ. Hôm sau Mặc Lão tâu: "Thấy một chiếc hòm vuông bốn mặt đều có chữ "nguyệt", trên hòm có một cái kim, một chiếc lược".
Thượng hoàng mới đoán: "Hòm tức là quan tài, chữ \'nguyệt\' (tháng) ở bốn bên tức là tháng 4, cái kim có thể cắm vào vật gì, tức là nhập vào quan tài, chữ \'sơ\' là chiếc lược, đồng âm với \'sơ\' là xa tức là sẽ xa rời các ngươi".
Lại lúc ấy đương có trò múa rối, thường có câu: "Mau đến ngày mồng 1 thay phiên". Thượng hoàng lại đoán: "Thế là ngày mồng 1 ta chết". Năm trước, có một hôm thượng hoàng chợt bảo tả hữu: "Tháng 4 sang năm ta tất chết". Sau sự kiện diễn ra quả đúng như vậy.
Về sự kiện này, sử thần Ngô Sĩ Liên, đứng trên quan điểm nhà Nho, bình luận: Trần Thái Tông biết được việc tương lai là chiêm đoán sự vật đấy. Nhưng nếu không phải là người lý sáng, lòng thành, mà cứ thấy việc là phỏng đoán mò để rồi khẳng định, thì chưa bao giờ không chuốc lấy tai họa về sau. Đó là chỗ khác nhau giữa cái học sấm ký thuật số với cái học thánh hiền chăng?
Thời nhà Trần có lẽ chuộng bói toán, nên có nhiều người vì bói mà được thăng chức. Như sự kiện Trần Nhân Tông cho Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển. Vì trước đó, khi quân Nguyên sang xâm lược, vua sai Sĩ Chu bói. Sĩ Chu đoán rằng: "Thế nào cũng đại thắng". Vua mừng bảo: "Nếu đúng như lời đoán, sẽ có trọng thưởng".
Giặc yên, vua nói: "Thiên tử không có nói đùa". Do đấy, có lệnh này. Tuy nhiên, ngoài khả năng bói, Sĩ Chu còn được đánh giá là người trung hiếu, có tài văn nghệ, làm quan đến chức Thiếu phó.
Cũng khi quân Nguyên xâm lấn, vua sai Trần Thì Kiến bói Dịch, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn, đoán là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, đúng như lời đoán. Mùa thu năm Trùng Hưng thứ 2 (1286), quân Ngyên lại vào cướp, vua lại sai bói, được quả Quan biến sang quẻ Hoán, Trần Thì Kiến lại đoán: "Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan". Sau quân Nguyên đến sông Bạch Đằng, quả nhiên tan chạy. Vua khen tài của Kiến, cho nên vua cho Kiến làm An phủ lộ Yên Khang (vùng Yên Khánh, Ninh Bình ngày nay).
Không rõ các triều đình phong kiến đánh giá “năng lực” của thầy bói Việt Nam thế nào, mà trong các triều đại phong kiến, các vua Trung Quốc khi yêu cầu các vua Việt Nam dâng cống lễ, ngoài vàng bạc châu báu và các món đặc sản nước ta, còn phải cống cả thợ giỏi, thầy bói, thầy thuốc…
Lịch sử Việt Nam không chép nhiều chuyện các thầy đồng cốt gây hại bị xử phạt thế nào. Tuy nhiên, các nhà nho đất Việt thường hay đem chuyện Tây Môn Báo người nước Ngụy thời Chiến Quốc bên Trung Quốc ném các bà cốt xuống sông để phá hủ tục cúng trinh nữ cho Hà Bá nhằm răn nhân dân chớ tin theo những chuyện đồng cốt nhảm nhí.
Những vụ loạn luân chấn động trong cung đình Việt Nam
Vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà không ít vụ loạn luân đã xảy ra trong cung đình Việt Nam nhưng không bị đưa ra ... |
Bí ẩn về số phận của các thái giám chốn cung đình Việt Nam
Thái giám trong lịch sử Việt Nam tồn tại dưới các đời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Do không có bộ phận sinh dục nên con ... |