Thế giới đang trải qua đợt bùng phát dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất từ trước đến nay, hàng triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy, virus thậm chí lây lan sang cả động vật có vú, khiến nhiều chuyên gia e ngại về hậu quả thảm khốc nếu virus bằng cách nào đó tiến hóa để lây sang người và bùng phát thành đại dịch.
Cúm gia cầm là loại bệnh chủ yếu ở các loài chim, bùng phát vào thời điểm mùa thu và giảm dần vào mùa xuân và hạ. Theo Giáo sư Paul Digard tại Đại học Edinburgh, cúm gia cầm xuất hiện đầu tiên ở vịt tại châu Âu và châu Á từ thế kỷ trước, sau đó lây sang chim. Chủng được quan tâm hàng đầu hiện nay là H5N1, được báo cáo lần đầu tiên tại Trung Quốc vào năm 1996.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, từ tháng 10/2021, cả thế giới ghi nhận 42 triệu trường hợp cúm gia cầm ở cả gia cầm và chim hoang dã. 15 triệu cá thể gia cầm chết vì nhiễm bệnh và 193 triệu con bị tiêu hủy. Theo nhiều chuyên gia, bản thân cúm gia cầm đã là một đại dịch của động vật. Minh chứng gần đây nhất chính là hơn 10.000 xác bồ nông được xác định là chết vì H5N1 bị sóng đánh dạt vào bờ biển của Peru trong những tháng qua.
Trong thời gian gần đây, cúm gia cầm đã không còn giới hạn trong các loài chim. Tại Mỹ, danh sách các loài động vật có vú hoang dã chết hoặc bị tiêu hủy do dịch cúm gia cầm đang gia tăng, từ gấu xám ở Nebraska, cáo đỏ ở Montana, hay chồn hôi và gấu trúc ở Oregon, đến gấu Kodiak ở Alaska.
Những quan ngại bắt đầu xuất hiện khi vào tháng 10 năm ngoái, hàng chục nghìn con chồn tại một trang trại ở Galicia, Tây Ban Nha chết một cách bí ẩn. Diễn ra sau đợt bùng phát nhỏ ở thành phố Coruna lân cận, khi 27 con chim biển bị nhiễm bệnh và chết, cúm gia cầm được xác định là nguyên nhân hàng đầu của vụ việc nói trên.
Tuy vậy, một điều đáng lo ngại hơn đó là giải trình mã di truyền cho thấy một đột biến của virus khiến nó có thể lây trực tiếp giữa các động vật có vú trên quy mô lớn. Năm 2021, nhánh 2.3.4.4b của H5N1 là chủng chiếm đa số trong các ca nhiễm được ghi nhận ở châu Âu, châu Á và Trung Đông, lây lan nhanh chóng sang Canada và Mỹ. Đến năm 2022, các ca nhiễm chủng này được phát hiện ở Trung và Nam Mỹ.
Mặc dù vậy, tỷ lệ lây nhiễm H5N1 ở người tương đối thấp. Từ năm 2003 đến 2009, 468 trường hợp mắc bệnh ở người, chủ yếu là ở những người chăn nuôi gia cầm, trong đó, 282 trường hợp đã tử vong. Trong gần 20 năm qua, chưa đến 500 ca tử vong vì cúm gia cầm ở người.
Tháng 1/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo trường hợp một bé gái ở Ecuador nhiễm cúm gia cầm, ca nhiễm đầu tiên tại Mỹ Latin. Theo WHO, chỉ có 5 trường hợp người nhiễm cúm gia cầm được ghi nhận trong năm ngoái. Dù vậy, tỷ lệ tử vong ở người lại lên đến 53%.
Hiện tại, nhiều nhà khoa học đều đồng tình rằng nguy cơ lây truyền cúm gia cầm từ động vật sang người và từ người sang người là thấp. Kaitlin Sawatzki, nhà virus học tại Đại học Tufts của Mỹ, cho biết ở gia cầm, H5N1 chủ yếu là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa lây lan qua phân. Trong bối cảnh các đợt bùng phát trong gia cầm ngày càng tăng, các trường hợp động vật có vú nhiễm bệnh không đáng ngạc nhiên.
William Schaffner, Giáo sư y khoa tại Đại học Vanderbilt của Mỹ, cho biết để lây nhiễm sang người, virus phải gắn vào các thụ thể trong phổi, nhưng điều này không dễ xảy ra. Điều này lý giải nguyên nhân tại sao chỉ những người chăn nuôi gia cầm thường hít phải bụi phân bị nhiễm virus mới bị nhiễm bệnh, cũng như cho đến nay, chưa có đợt lây lan lớn nào giữa các cá thể động vật có vú được ghi nhận.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau vụ bùng phát ở Galicia. Theo Isabella Monne, chuyên gia tại Viện Thú y Venezie của Italy, virus mà những cá thể chồn mắc phải ở Galicia có một biến thể gọi là PB2, được biết đến là có thể tăng hoạt tính của một loại enzyme liên quan đến sự nhân lên của virus trong tế bào của động vật có vú.
Một đột biến tương tự từng được phát hiện trong chủng cúm lơn H1N1, gây ra đại dịch năm 2009, giết chết hàng trăm nghìn người tên toàn thế giới. Wenqing Zhang, người đứng đầu chương trình cúm toàn cầu của WHO nhận định: "Đột biến là tín hiệu cho thấy loại virus này đang cố gắng vượt qua rào cản giữa các loài và thích nghi với quần thể động vật có vú".
Tuy nhiên, chuyên gia Sawaki lại cho rằng đột biến PB2 phát hiện trong vụ ở Galicia không minh chứng cho việc virus có thể lây từ động vật sang người do không có công nhân nào bị nhiễm bệnh.
Theo đại diện WHO, mối đe dọa về đại dịch H5N1 ở người hiện không cao, tuy nhiên, dù sớm hay muộn, sẽ có một đại dịch khác và "nếu thủ phạm là cúm gia cầm thì hậu quả sẽ rất nặng nề". Giới khoa học dự đoán trong tương lai có thể sẽ xảy ra một tình trạng khẩn cấp quy mô lớn do bệnh cúm, bởi hiện nay có quá nhiều chủng cúm dễ biến đổi và sức đề kháng của con người hạn chế.
Theo chuyên gia Zhang, việc virus H5N1 khó lây sang người cũng có mặt trái bởi như vậy cơ thể người sẽ hoàn toàn không có miễn dịch. Vì vậy, nếu virus có thể tiến hóa để lây từ động vật sang người, hoặc tệ hơn là từ người sang người, hậu quả sẽ hết sức nặng nề, thậm chí, tỷ lệ tử vong có thể vượt xa so với COVID-19. Thêm nữa, việc phát triển một loại vaccine hoàn toàn mới có thể mất đến hơn nửa năm.
Điều này có thể dẫn đến việc các kho dự trữ thuốc kháng virus ở nhiều nơi có thể bị cạn kiệt nhanh chóng. Nếu cúm gia cầm "càn quét" dẫn đến đại dịch ở người, tình trạng phong tỏa có thể được tái áp dụng ở nhiều nơi, hậu quả khó lường trước.